*TRT 1- Đong Gạo, Đổi Khoai (Tản Văn) Trúc Thanh (Mỹ Tho- VN)

 

Trúc Thanh

 

 

Đong Gạo, Đổi Khoai

 

 

Tôi theo chồng cũng đã được mười năm rồi chứ ít ỏi chi. Vậy mà cứ mỗi lần nhìn điên điển trổ bông, tôi lại thèm được trở về cái ngày còn là cô bé ngây thơ, suốt ngày chạy đùa bên mẹ, để sống lại cái thời chưa biết lo toan gạo, tiền, cơm, áo.

Thèm được xúm xít bên nhau dưới mái tranh nơi vùng quê hiền hòa – bình dị, mê mẩn cùng mâm cơm nghèo với nồi canh chua bông điên điển, mặc tình cho đất trời rên rỉ, trên thì mưa dột, dưới thì lõm bõm nước dâng.

                        Không biết tại cái tháng mười rỗi rãi, hay tại cơn gió bấc quá đổi nhiệt tình đã mang con nước đến trải thảm trắng xóa quê nghèo, cho vườn cây sau nhà chết ngộp, cho quê nghèo lại tiếp tục nghèo thêm.

Còn nhớ mỗi năm, cứ đến mùa nước nổi, chúng tôi lại được say sưa với trò chơi chống xuồng trên lộ, đâu để ý đến cái nét rầu rầu trên khuôn mặt mẹ, đâu thấy nao lòng khi nghe tiếng thở dài bất chợt của cha.

           Sáng nay cũng với cái se se lạnh của ngọn bấc đầu mùa tôi ra bờ đê ngồi nhìn về hướng đó. Nơi tuổi thơ với những ước mơ đầu đời còn non nớt, hồn nhiên. Mấy năm nay, quê tôi đã có bờ đê ngăn lũ nên không còn cảnh nước ngập nhà, ngập đường lộ như trước nữa. Không biết sao tôi lại luyến lưu cái cảnh con nước tràn bờ, ngập lụt cả vùng quê.

Ảnh: Mai Văn Tiến

Tôi đứng dậy hái trái bần chua cắn một miếng rồi liệng tõm xuống sông, định quay trở lên nhà. Tôi chợt nghe xa xa có tiếng rao quen thuộc. Tiếng rao của chị bán khoai lang. Không biết vợ chồng chị quê ở đâu mà năm nào cũng vậy, cứ đến mùa nước nổi là tôi lại được nghe cái giọng rao ngọt ngào quen thuộc ấy…

– Khoai lang đây… Khoai lang ba ký mười ngàn đây…

                        Không hiểu sao mấy năm nay rồi, chiếc ghe tam bản, ván đã xuống màu, cái máy Kohler cũng đã già xịt khói đen, vậy mà khoai lang của chị vẫn cứ ở cái giá “dậm chân tại chỗ”!

Nhà tôi, ai cũng thích ăn khoai lang, không phải chỉ vì nó ngon mà một phần vì đó là món ăn vặt gần gũi nhất đối với người dân vùng lũ – vì nó rẻ. Mỗi lần nghe tiếng rao ấy thì cứ như một thói quen, tôi kêu ghé lại và chạy lên nhà lấy rổ xuống mua khoai.

– Chị bán cho em mười ngàn khoai lang đi. – tôi vừa nói vừa nắm chặt lấy sợi dây mà chị bán khoai ném lên bờ.

– Mua mười ký đi chị, em lấy ba chục thôi. – chị bán khoai kèo nài.

          Nhìn cái vẻ tiều tụy và gương mặt khắc khổ của vợ chồng chị. Tôi định mua thêm nhưng nghĩ lại “cứ vài ngày là ghe khoai lại vòng lại con kênh Đập Thầy Hai này một lần, nên không cần mua nhiều”.

– Thôi…chị bán cho em ba ký.

Ảnh: Nguyễn Thế Anh

Chị đưa cho tôi một bịch khoai lang đã được cân sẵn. Trong đó có đủ loại khoai lớn nhỏ khác nhau. Là phụ nữ nội trợ, nhìn bịch khoai lang lộn xộn như vậy , có ai mà ưng bụng cho được, nhưng nghĩ lại, ba ký có mười ngàn thôi mà. Mắc mỏ chi đâu mà thêm với bớt. Tôi nói:

– Chị cho em lựa đống khoai ở ngoài được không?

– Dạ được. Nhưng lựa thì năm ngàn một ký.

                       Tôi lựa hai ký khoai lang vừa vừa nhau cho dễ luộc, trả chị mười ngàn rồi bước lên bờ đứng nhìn theo chiếc ghe khoai từ từ khuất dạng, tiếng rao cũng từ từ hòa lẫn vào cơn gió bất buổi bình minh. Tôi lên nhà bỏ vài củ khoai vào cái nồi ngâm rồi chuẩn bị bữa cơm sáng.

Là nông dân, kiểu gì thì kiểu, sáng phải có ba hột cơm trong bụng rồi mới ra đồng. Người hay hay ví von “cơm đấp đầu gối” ấy mà. Đang loay hoay nhóm bếp thì chồng tôi ngoài sau với vào hỏi:

– Thấy anh Giang có qua chưa mẹ thằng Minh?

– Chưa. – tôi nói.

           Vừa lúc đó, anh Giang cũng từ ngoài ngõ bước vào. Anh Giang là một trong những ông khách trà lá của chồng tôi vào mỗi buổi sáng, trước khi ra đồng. Tôi gọi chồng vô tiếp khách rồi lật đật chạy vào nhà sau rửa thêm mấy củ khoai nữa cho vào nồi luộc để chút mời anh Giang cùng ăn cho vui. Nấu xong tôi mang ra mời khách:

– Anh Giang ăn khoai lang nè.

Nhìn dĩa khoai trắng tươi, thơm phức, anh Giang lấy một củ, bẻ đôi, đưa lên miệng cắn một miếng rồi nói: – Lúc nãy chị của cô cũng mua ba ký. Đúng là phụ nữ… – anh không nói thêm mà khẽ lắc đầu ra vẻ ê chề.

– Phụ nữ sao anh? – tôi hỏi.

– Thì phụ nữ… bà nào như bà nấy, thích ăn vặt. – rồi anh nói thêm: – Có tiền ăn vặt thì không nói làm chi, có mấy bà không tiền cũng đong gạo đổi khoai, đàn bà như vậy thì hết xài.

                      Nghe mấy lời anh Giang nói, tim tôi bỗng nhói lên, không phải vì mình cũng hay ăn vặt. Mà tôi chợt nhớ về ngày xưa. Và ký ức tuổi thơ lại ùa về như nguyên vẹn.

Năm ấy cũng vào mùa nước nổi. Nhà tôi mới chuyển vào Mỹ Lợi A được hai năm. Lúc đó nhà tôi nghèo lắm! Con thì đông, cha mẹ phải làm đầu tắt mặt tối để lo cái ăn, cái mặc. Vậy mà vẫn thiếu trước hụt sau. Bốn anh chị em tôi không được đầy đủ như những bạn bè cùng xóm. Không được mặc quần áo đẹp, ít khi được ăn những món ngon. Nhiều đêm thấy cha nằm trên võng, châm điếu thuốc rồi gác tay lên trán thở dài. Đôi lần nhìn mẹ đứng suy tư để lộ cái nét lo âu sâu hằn trên đôi mắt.

          Nhớ hôm đó, bốn anh em chúng tôi đang chơi với các anh chị con của Bác Ba, nhà ở kế bên. Nghe có tiếng rao của xuồng khoai lang. Bác ba kêu ghé lại mua và bảo với chúng tôi:

– Chạy lên nhà kêu mẹ mày xuống mua khoai nè. Rẻ lắm…! Có ngàn ba một ký hà.

Chúng tôi hớn hở chạy lên nhà tìm mẹ. Mẹ đang loay hoay trong bếp. Anh hai tôi nói:

– Mẹ ơi… Bác Ba kêu mua khoai lang kìa. Mua cho tụi con ăn đi mẹ. – ba đứa chúng tôi cũng lắc tay mẹ nói bồi theo: – đi mẹ! Mua đi mẹ!

Ảnh: Cao Thị Ngọc Diễm

– Thôi…tiền đâu mà mua.

Nghe mẹ nói vậy, bốn đứa chúng tôi chùng lại, mặt xìu xuống héo queo héo quắt. Nhưng vẫn rất muốn mẹ mua khoai. Vì chúng tôi đâu được ăn gì khác ngoài hai bữa cơm đạm bạc. Dù biết mẹ không có tiền nhưng bốn đứa tôi cứ đứng nhìn mẹ như chờ đợi một kỳ tích. Mắt mẹ đỏ hoe nhìn chúng tôi rồi nói:

– Con ra kêu ông bán khoai chờ mẹ một chút.

                      Chúng tôi vui mừng reo lên, chạy xuống mé sông níu cái xuồng khoai như bắt được của mà quên để ý đến chuyện làm sao mẹ có tiền để mua. Lát sau mẹ xuống bến có đội một cái thúng gì đó trên đầu. Lúc đó tôi mới ngậm ngùi biết là mẹ đã đong gạo đổi khoai.

Trưa hôm đó, mấy anh em chúng tôi quây quần bên rổ khoai lang nghi ngút khói mà sung sướng vô cùng. Mẹ ngồi nhìn chúng tôi rồi lại đỏ hoe đôi mắt…!

          Cái hình ảnh của người đàn bà đong gạo đổi khoai ở trong tôi khác với hình ảnh trong suy nghĩ của anh Giang. Có thể trong mắt anh, người đàn bà có thói quen ăn vặt thì khi không có tiền họ vẫn tìm cái gì đó đổi cho được món mà họ thích để ăn. Còn với tôi thì khác.

Người đàn bà đong gạo đổi khoai ở trong tôi chính là hiện thân của Vị Bồ Tát. Người luôn có thể chịu đói để chúng tôi được no. Có thể chịu khổ đau để đổi cho chúng tôi tháng ngày hạnh phúc. Và…chỉ có thể là mẹ. Người đã dùng cả cuộc đời mình, để lấp đầy những mơ ước cho con.

 

Trúc Thanh

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền