*TTT 2 - Chị Em (Bút Ký) Trần Tấn Thảo (Đồng Tháp- VN)

 

Trần Tấn Thảo

 

 

  Chị Em  

 

  Trong tờ trình gởi Tổ hòa giải ấp, chị Hai Nhỏ trình bày nguồn gốc miếng đất và căn nhà mẹ con chị đang ở là của vợ chồng chị cất hồi trước năm 1980, trên cái bờ nhỏ chưa đầy góc tư đất cha mẹ cho hồi chị mới có đứa con đầu lòng.

  Hồi đó, thằng Út còn đạp xe đi học ngoài trường huyện, nhà neo đơn, ai cũng riêng tư hết, chỉ có chị Hai Nhỏ ở gần, nên có điều kiện chăm sóc cha mẹ già. Chồng chị, người đàn ông hiền lành chất phác, bỗng dưng mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo, chạy chữa thuốc thang nơi này nơi khác, tiền bạc khánh tận, cuối cùng thì chết .

 Còn mình chị, làm mướn nuôi hai con không nỗi đành gởi chúng về ông bà nội, chị theo người bà con lên thành phố tìm việc làm, hàng tháng gởi tiền về tiếp cha mẹ chồng nuôi con nhỏ. Từ đó căn nhà bỏ trống, ngày tết ngày giỗ chồng, chị Hai Nhỏ có về thắp nhang bàn thờ, rước hai con về ăn tết mấy bửa rồi đi làm tiếp.

 Lúc chị rời khỏi địa phương, thằng Út đã lớn, nghỉ học cưới vợ và vợ chồng nó đương nhiên quản lý sử dụng căn nhà của cha mẹ và tài sản đất đai cha mẹ để lại. Những năm 1986-1990 địa phương thông báo đăng ký quyền sử dụng đất, thằng Út lên ủy ban xã đăng ký, kê khai chủ sở hữu toàn bộ diện tích đất ruộng, đất vườn và luôn cả phần đất nền nhà của chị!

 Dù đi làm ở thành phố, nhưng chị Hai Nhỏ vẫn đi đi về về địa phương, hai đứa nhỏ vẫn ở bên nội để học hành. Dành dụm được số tiền, chị có ý định xây lại căn nhà một mái nho nhỏ, không đi làm nữa, đem hai con về chung sống, mẹ con gần gũi nhau.

Khi chị bày tỏ nguyện vọng này với đứa em út, nó phản đối ngay, nói thẳng với chị :

-“Đất này tôi đăng ký quyền sử dụng hết rồi, chị hỗng có gì ở đây hết. Còn cái nhà của chị, tôi tính tháo giỡ xây chuồng heo bên đó. Chị nên tìm chỗ khác mà dời nhà.

Nghe hết mấy lời chua chát của đứa em út, chị Hai Nhỏ bủn rủn tay chân, bước đi không muốn vững. Chị không ngờ đứa em út có thái độ quyết liệt như vậy.

Mấy năm đi làm mướn ở Sài gòn, ở đậu nhà người chị bà con, đêm đêm nằm một mình trên chiếc giường đơn lạnh lẽo, chị nhớ chồng nhớ con, nhớ những cơ cực nhọc nhằn thời son trẻ. Cha mẹ già nua, nay mạnh mai đau, mấy đứa em còn nhỏ, là chị cả trong gia đình, một tay chị lo lắng trong ngoài, từ bửa ăn giấc ngủ cho cha mẹ, đến manh quần tấm áo mấy em.

 

 

Trời chưa sáng hẳn, chị đã thức dậy rang cơm, luộc khoai hay nấu nải chuối cho mấy em ăn lót lòng đi học. Bây giờ nó lớn khôn, biết chữ nghĩa biết luật pháp, nó hắt hủi người chị cả năm xưa.

Chị biết, dẫu có nhắc thằng út cũng không nhớ, mà nhớ cũng chẳng để làm gì! Bởi trong bất cứ gia đình nào, người anh hay là chị cả đều là những người đóng góp công sức nhiều nhất vào cái gia tài sự sản cha mẹ tạo dựng khi còn sinh tiền, họ chịu dốt nát, thua thiệt đủ điều!

Chị Hai Nhỏ nằm trên võng, lẫm nhẫm đọc tới đọc lui tờ trình chị thức viết suốt đêm qua, định sáng ngày gởi lên chính quyền nhờ can thiệp cho chị xây lại căn nhà trên nền đất cũ trước đây. Chợt nghĩ lại, chị biết chắc không dễ gì thực hiện được ý định này. Bởi vì, mặc dù là nhà của chị, nhưng cất trên phần đất thuộc chủ quyền của thằng Út.

Chị như còn mơ màng nghe tiếng thằng út trả lời chị hôm nào :

-“Chị hỗng có cái gì ở đây hết. Đất này nhà nước cấp cho tôi, có sổ đỏ hẳn hòi, chị muốn coi tôi đưa chị coi!

Thằng út nói phải, ngoài hai ngôi mộ của hai đấng sinh thành và nơi an nghỉ của người chồng bạc số, giờ chị không có tài sản gì ở đây hết. Với chị bây giờ ở đây tất cả đều là người dưng nước lã, kể cả đứa em trai từ một lổ chun ra!

Giữa màn đêm tịch mịch đồng hồ nhà ai gỏ 3 tiếng rời rạc, ngoài đường đã có tiếng người đi chợ sớm. Chị vói tay lên bàn thờ chồng, lấy cái bật lửa đốt tờ trình, ngọn lửa lung linh bập bùng trong đêm tối, tờ giấy kẻ ngang dần ngã màu đen nhăn nhúm như gương mặt người cô phụ tuổi xế chiều.

Sáng sớm hôm đó, người ta thấy chị Hai Nhỏ hối hả đón xe trở lại Sài gòn.

 

                                                                              Trần Tấn Thảo

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền