*VCL 26- Nợ Chiến Tranh (Tùy Bút) NV Võ Công Liêm (Canada)

 

Nhà Văn Võ Công Liêm

 

                                   

 NỢ CHIẾN TRANH

 

    Chuyến tàu xuyên Việt đến ga An Cựu Huế thì trời đã chập tối, cảnh vật buồn thiu và vắng lặng trong không gian đìu hiu của thời tiết sang thu. Trời muốn mưa nhưng còn ngập ngừng. Trên thềm ga lưa thưa một vài khách đi tàu, những ngọn đèn không đủ sáng để soi mặt họ. Hình như gương mặt của hành khách cũng nhá nhem theo cảnh chiều, khó nhận ra khách buôn hay khách viễn du. Con tàu dừng ở ga Huế để đón khách lên và thả khách xuống, tàu dừng không lâu, đâu chừng mươi lăm phút, chưa đủ để cho tàu thở xả hơi hay ngáp dài một tiếng mệt mỏi thì tu húyt đã réo gọi. Tàu Thống Nhất xưa cũ như người già ốm bệnh, vặn mình chuyển bánh trên lòng đường sắt nghe rệu rã. Ga Huế có một nhan sắc sầu muộn cố hữu xưa nay, bởi; chẳng mấy khi để tâm bảo trì hay vuốt ve mà cứ thế cho tới ngày ‘rục xương’. Ga và tàu có một nỗi buồn trầm mặc mà không ai biết tới…Khách cuối bước lên tàu là một người đàn ông độ tuổi ngoài năm mươi, đôi mắt trĩu nặng, tóc hớt ngắn điểm sương dưới một lớp da nâu khô, rắn rỏi trông chắc nịch với bộ mặt mang một nỗi u hoài thầm kín. Đưa đôi mắt ngơ ngáo tìm chỗ ngồi. Tàu lấy trớn phóng vào cõi xa mù cho tới khi không còn thấy bóng. Ngồi bên cạnh là một người đàn bà trung niên, nước da màu sửa đặc, tóc vấn cao, đầu đội nón vải, chân mang giày bố, không chải chuốt nhìn qua cũng biết đó là dân ngoại thành hay ở vùng xa qua lối phục sức chân quê. Thấy khách lạ xê đít ngồi có vẻ thận trọng. Người đàn bà né mình và nhoẻn cười như tỏ chào. Họ ngồi lặng bên nhau, cả lòng tàu người và thú không một động tĩnh; tàu ru họ ngủ giữa đêm về tối. Bên ngoài gió xô ào ạt như muốn lật úp tàu giữa triền đồi cheo leo, tàu ráng trườn mình, uốn éo như con rắn độc khổng lồ.

-Ông đi Nam? Người đàn bà nói. Không thấy người đàn ông trả lời mà chỉ thấy mắt nói. Cả hai gục đầu như cầu kinh theo nhịp rung của tàu. Gã chớp mắt nhìn thái độ hành khách; đôi gà trong giỏ mây lấp loáng qua con mắt đỏ ngầu, muốn gáy một tiếng để lấy giọng nhưng sợ phiền lòng chủ nên rúc đầu vào cánh kêu từng tiếng rù rù trong cuống họng. Khách thương doanh không phải ngủ mê mà nhắm đôi mắt để tính hơn thua, lỗ lời cho một hành trình đi buôn xa. Đôi khi tàu lắc lư họ đụng vào nhau như nhắc nhở, người đàn ông và đàn bà cũng đụng theo. Cả hai nhắm mắt như lấy lệ không phải để ngủ. Bắp đùi của thị chạm vào vế của gã gây cho họ một hơi ấm. -Mấy giờ rồi? Người đàn ông nói. -Chừng như chín giờ hơn. Người đàn bà nói. Họ mở mắt nhìn ra vuông cửa, trời nhuộm màu tím bầm, sao nhấp nháy như muốn trốn khỏi mây mờ. Gió luồn qua nách cửa, thổi vài nhánh tóc vào mặt người đàn ông như đùa. Người đàn ông mặc cho tóc chơi trên mặt mà nghĩ tới cuộc đời như gió và tóc. Không gian êm ả, cảnh người lắng đọng cả hai muốn nói một đôi điều để lấp đi cảnh trống vắng nhưng có biết thực hay giả mà trải lòng tâm sự. Họ nghi ngại đành khoanh tay ôm nỗi nhớ, độc thoại với hư vô. Tàu chạy xuyên đêm.

Vưọt qua mấy chục cây số, tàu dừng để đổi ghi. Khách trở mình và ngáp dài. Người đàn ông và người đàn bà còn chong mắt, có khi ngửng đầu, rồi cúi xuống không biết nói với nhau hay ngắt cái đầu cho đở mỏi mà có nói với nhau đi nữa, giữa lúc này chả ai thèm nghe; mà cho đó là đôi vợ chồng -Anh người xứ Huế? Người đàn bà nói. Câu hỏi thả lửng chặp sau mới nghe gã nói. -Tôi gốc Bắc vào đất Thuận Hóa đã qua mấy đời ông cha -Vợ con anh cũng là người Huế. Người đàn bà nói. Tiếng còi tàu ré giữa trời đêm như đuổi bóng ma dang tay trên rầy sắt. Tàu Thống Nhất tiếp tục rượt với thời gian nhưng không rượt kịp vì con tàu quá cổ lỗ sĩ. Người đi tàu lửa thời đó biết cái chứng của tàu xuyên Việt, nói nghe hay mà mấy mươi năm chưa xuyên nổi với thời gian và không gian. Sở giao thông vận tải đường sắt biết điều đó; thâu thu là một việc, sửa đường là một việc hay chờ việc đầu tiên…-Chưa hỏi tên cô? Qua mấy trạm đường nói cho nhau nghe nhiều chuyện mà tên gọi không hỏi tới. Gã cảm thấy thiếu sót điều này hay mười mấy năm qua ‘bang giao tế thế’ không còn nữa mà thay vào đó một tính khí thụ động hay cả nể vì vận nước thăng trầm mà e lệ quên hết tất cả để rồi trở thành tập tục chung; một tập tục biến chất mất luôn bản lãnh của con người. Gã biết nhưng gã ở thế chẳng đặng đừng. Thị là nạn nhân của lớp người tha hóa chủ nghĩa, tắt, rì là do người cầm cày. Nay thị lột xác hoàn toàn sau ngày đất nước thống nhất.Thế nhưng cảnh đời vẫn ù lì như con trâu già quên luôn luống cày với ruộng nương. Đau xót lắm.

Đường dài cho nên đem tâm tình viết thành lời ca; hết tình người đến tình đời để con đường hướng tới phương Nam gần hơn. -Sau ngày giải phóng miền Nam anh làm gì? Người đàn bà tên Nậm nói. Bỗng nhiên tàu thắng gấp chẳng phải ga, chẳng phải trạm để ngừng. Mà dừng lại để khám xét đột xuất giữa rừng hoang. -Không chừng phải cướp? Bà mẹ già nói. Đâu khoảng nửa tiếng đồng hồ những người lính quần áo xanh lục ra khỏi tàu.Có người ôm mặt khóc, có người chưởi trổng.Hai con gà trong giỏ mây giờ không thấy mà chỉ thấy bà mẹ quê buồn rười rượi.Tàu treo cờ đầu mũi và phóng nhanh một cách vô tư.

-Tôi chẳng làm gì. Tôi là kẻ lưu đày. Nhị Thức nói. Nậm nhìn vào mặt Thức trân tráo tuồng như chưa hiểu hết ý của người đồng hành. Nậm cho đây là lời khách sáo cợt giễu chớ không thực. Cái tên Nhị Thức cũng đủ để cho Nậm suy nghĩ ít nhiều. Việt tộc chưa có ai họ Nhị hay đây là bí danh của kẻ giang hồ? Nậm không hiểu chữ nghĩa nhưng chắc chắn Thức không phải thứ chân lấm tay bùn. Tàu dừng qua mỗi trạm dọc tuyến đường. Cả hai chắc chắn là xuôi Nam. Họ chia sẻ nắm cơm mo, muối vừng. Thỉnh thoảng Nậm đưa mắt cười duyên dáng. Thức cúi đầu ăn. Tuy nhiên; trong cái tình cờ đó chính là hạnh phúc lớn lao mà họ tìm thấy trên cùng chuyến đi này. Bóng chiều sụp xuống gần như không nhận ra tàu đi về đâu và dừng nơi đâu; khách chỉ ngồi im trong toa mà nghe lời tàu dẫn đường không một thắc mắc.

-Tôi ở Vĩnh Phú ngoài Bắc tròn mười năm. Năm 85 mới trở về quê quán thì cha mẹ tôi đã qua đời. Thức nói. Hình như trong mắt Nậm đã đánh giá Thức thuộc diện nào. Nhị Thức nuốt nước bọt trong họng và nhìn ra ngoài, trời còn đen thui không biết tàu chạy về hướng nào. -Anh đi Nam chắc nhận công tác. Nậm nói. Thức nhủ thầm: đang còn quản lý, hạn chế mọi thứ ngay cả lấy vợ để nương thân cũng khó huống là chi. Thôi thì ở nể yên thân. Nậm đọc được những suy nghĩ của Thức giữa lúc này. Nậm không còn chất vấn mà lắng nghe người đồng hành nói những gì sự thật tợ như đánh thức nàng tiên mê ngủ giữa rừng mơ…Giờ này Nậm mạnh dạng và thân mật hơn không còn ngại nghi giữa đối tượng với bản thân mình; bởi họ cùng một niềm đau cho nên họ cần chia sẻ mà tuồng như đời muốn lãng quên; đời chỉ biết trau chuốt cái vỏ bề ngoài chớ mấy khi trau chuốt thân phận con người một cách chân tình. -Quê em người xứ Nghệ. Cha mẹ em chết thời cải cách ruộng đất. Từ ngày đó đến giờ gia cảnh em khốn đốn. Nậm nói. Nghe tiếng ‘em’ Thức cảm thấy có một sự gì thân thương và chân thực. Tàu Thống Nhất bỗng hú còi làm cho khách hoảng hồn vì mê ngủ. Xuyên qua cửa; cảnh vật không có chi khác, tàu vẫn chạy, tàu hú còi như báo cho khách biết tàu chạy khoẻ và sớm đến nơi. Nậm và Thức nhìn nhau không nói sự ngạc nhiên của tàu hú còi mà coi đó như tiếng hú cảnh tỉnh. -Cô vô Nam nơi mô? Nhị Thức nói. Nậm không nghe câu hỏi của Thức, chỉ đưa mắt nhìn mông lung trong khoang tàu, che miệng ngáp, một cái ngáp ngao ngán, mệt mỏi. Thức cũng chẳng buồn nhắc lại để cho tàu chạy như sự đã rồi. Ngày hôm sau thì tàu xuyên Việt đến với Hòn ngọc Viễn đông. Họ chia tay trong ngậm ngùi.-Có điều kiện tôi sẽ tìm thăm cô. Thức nói. Sài gòn lúc đó vừa mới lên đèn. Hai con ‘bò lạc’ ngơ ngáo như lạc bầy!

 

Trứ đứng lặng người với tách trà Thiết Quan Âm còn bốc khói trên tay. Khác mọi khi; thường qua tuần trà đầu sáng là Trứ ra vườn thăm cây cảnh. Lần này mặt trời đã qua ngọn cây mà Trứ còn trầm ngâm. Trong tư thế đó chắc đêm qua Trứ không ngủ được hoặc mộng dữ chế ngự tâm hồn. Gia nhân trong nhà không dám khẽ động. Trứ chống gậy bước xuống thềm. -Thưa ông có khách gọi là bạn cũ của ông muốn vào thăm. Gác-dan nói. Ai là bạn mình mà lại đến thăm giờ chừ hay tên nặc danh nào đây, mượn tiếng để vào ám hại ta. Trước những bất ngờ đó Trứ ngần ngừ không biết có nên cho vào hay không hoặc biết đâu cấp trên muốn đột xuất điều gì. Ngôi biệt thự đồ sộ của Trứ nằm độc giữa rừng, thiết kế theo dạng nhà rường bằng gỗ qúi, nhưng nội thất thì lại sắp xếp theo lối Tây. Tủ chè chất đầy rượu qúi đắt tiền; trông nghịch mắt nhưng đúng phong thái của người hồi hưu sau cuộc chiến. -Cho vào.Trứ nói. Chim trên cây đua nhau hót làm cho ngôi biệt thự thêm ồn ào. Gần mấy năm qua Trứ ưa sống trong cảnh thanh tịnh như nhà chân tu. Dẫu Trứ không có đạo nhưng hồn lắng xuống ấy là đạo. Trứ đem suy nghĩ đó nói với bạn vong niên một thưở khi đến thăm. Trứ mặt áo quạ luạ trắng như tiên ông đạo cốt. Đứng chờ khách lạ. Mặt đanh lại và lạnh lùng từ xưa đến giờ; một gương mặt thị uy, tóc để dài bối chóp như thích khách thời chiến quốc, hai hàng lông mày choáng hết nửa khuôn mặt (có người cho là mày rồng) nhưng mày của Trứ không đều, sợi dài sợi ngắn, tai ếch, miệng tép, bụng hơi nhô ra trước, tướng phốp pháp nhưng nhìn kĩ không cân xứng hay tại đi đôi dép da hiệu Nike. Nếu Trứ đi đôi guốc mộc thì thấy nhẹ đi cái dữ tợn. Đứng trên thềm đá cẩm thạch dưới bốn chân trụ trắng xây theo kiểu Đế quốc Mỹ ngong ngóng chờ đợi kẻ lạ. Đang suy tư về đối tượng muốn gặp. Ngoài cổng sắt đi vào một người đàn ông quê mùa, đội nón lưỡi trai may theo dạng lính thủy đánh bộ; Trứ không thể tin là người bạn cũ; e nhầm!

-Chào anh Tư. Không nhận ra tôi sao? Nhị Thức nói. Thực sự Trứ bàng hoàng, cố nặn trong đầu để nhớ, nhưng hoàn toàn mờ hay tại tuổi lớn mà lảng; không! lục thập thì không thể sai trái được mà cái gì ra cái nấy. Hoa hồng là hoa đỏ chỉ có ngựa trắng không phải là bạch mã của Mao Tôn Cương mà thôi. Trứ đứng lặng người như bị dồn trước một hoàn cảnh tiến thối lưỡng nan. Đôi mắt Trứ hình như muốn chạy trốn. -Lê Dậu đây! lán B, tổ 9, khu 2  ở Vĩnh Phú năm 1975, trại đặc biệt dành cho lính miền Nam hoạt động cho đế quốc. Còn có tên Dậu Nuôi. Anh nhớ ra chưa? Thức nói. Trứ hơi khớp vì Thức nhắc trúng căn bệnh không thể nói không nói có. Họ đứng bên nhau như đôi đũa so le, chén đất, chén kiểu, khác nhau hoàn toàn. Thức niềm nở như gặp tri âm, Trứ thì đau khổ nhắc lại chuyện xưa; những gì xưa cũ là nhũng lạm, trái phép. Càng về già Trứ nhận ra mình là biển thủ ngang ngược. Mấy mươi năm tưởng như trôi vào dĩ vãng, sẹo liền da nhưng còn để dấu. -Mời vào nhà. Trứ nói. Cảnh ngoài như muốn sang trưa, mùi thịt nướng xông lên làm cho Thức nhớ ngày xưa trong đơn vị vào cuối tuần cùng đồng đội ăn chơi sau những lần hành quân về hậu cứ. Giờ này đứng trước một hoàn cảnh đổi thay mà ngẫm đời có những dị biệt hay tương đồng. Thức không buồn nhớ nhưng Thức nhận ra được giá trị chính nghĩa của nó. Không níu kéo gì hơn giữa lúc này. Ai cũng có điạ vị để sống, để làm người dù cho ở đâu. Dù một giới hạn nào chăng nữa nhưng trong mỗi con người ít ra cũng có một chút xót thương; mới gọi là người. 

Dẫn người bạn xưa ra thăm mảnh vườn ‘bonsai’ và cây cảnh mới gieo trồng. Hai người đi bên nhau như chỗ thân tình. Ngang qua chuồng chó, chó gầm như muốn táp vào người; con chó cưng yêu của Trứ. Đi bên nhau Trứ không nhắc chi chuyện cũ ngày xưa ở trại Ngụy mà chỉ giới thiệu vào của cải vật chất một cách tự hào. Thức đứng trước chuồng chó và mỉm cười. Mười lăm năm trước như hồi ký. Trứ nhìn vào mắt Thức một cách nghi ngờ. Thức nằm ở chuồng chó theo lệnh của Trứ: không thể chấp thuận những lời nói ngang ngạnh, bóp méo sự thật để tuân theo. Những vết lằn đó tha thứ được nhưng không thể quên và Thức cho như tai nạn. Trời mùa thu ở vùng cao nguyên không mát mà hanh hanh, khó chịu. Thức xăn tay áo và để lộ vết sẹo trên tay. Trứ thấy rõ; đó là bã súng khi Trứ đánh vào tay Thức. Trứ hơn Thức cả mười tuổi, nhưng cấp bực nhỏ hơn Thức hai quân hàm. Thức từng để Trứ kê súng vào đầu đe doạ phải tuân phục. -Không! Anh cứ bắn. Cái chết của tôi là chết cho chính nghĩa. Thức nói. Đó là những năm đầu trước sân khu 2. Hôm nay đến thăm Trứ của kẻ trị và kẻ bị trị là cả một thời gian theo dỏi để được ‘hoằng pháp’ cho hai kẻ đã bị đời xô đẩy vào đường cùng của cuộc chiến: một chiến bại và một chiến thắng. Nhưng; tất cả đều vô nghĩa và chẳng có lợi gì. -Tôi lấy súng lên đạn kê vào đầu anh, gông cùm anh, đày anh ở với heo bò, tạp dịch, nấu nướng, trà nước, xới đất, trồng cây còn tiếng nặng, tiếng nhẹ.Tội ác không có bản án. Anh cảm thấy thế nào? Con chó bẹc-giê của anh nghĩ thế nào? Thức nói. Trong giây phút im lặng đó Trứ nói lẩm bẩm trong họng, hình như đôi mắt Trứ không nhìn thẳng mắt Thức. -Tôi đến đây không phải trả thù anh mà tôi đến để nhắc anh hiểu về cái tình người. Không còn cảnh ‘việt dỉ việt’ mà hết lòng bao che nhau, lấy cái khó bó cái khôn. -Giờ đây; anh sống trong nhung lụa, thỏa thê cuộc đời, có người hầu kẻ hạ, sớm hôm gạo trắng nước trong là hạnh phúc cho anh so với những người khác. Tôi; trước sau như một: chén cơm manh áo lặn lội gió mưa và gần kề bên những người suốt đời đau khổ, và; chả màng chi ngoài một đời sống bình thường. Nhị Thức nói.

Đưa Thức ra cổng về, trời đã ngả bóng. Trong tâm tình đó cả hai như có một cảm thông sâu xa về giá trị cuộc đời. -Cảm ơn tấm lòng mã thượng của anh đã giải phóng linh hồn tôi. Trứ nói. Cửa sắt khép lại.

 

Nhị Thức tìm gặp Nậm ở biên giới Việt Miên nơi chồng cũ của Nậm hy sinh đầu hè năm 1975. Chỉ biết chết nhưng không biết xác chồng nơi mô. Nghe đâu về sau họ lập gia đình và sống chung ở cố đô Huế ./.

 

VÕ CÔNG LIÊM (ca,ab.yyc. Mùa Phục sinh. 14/4/2017)

 

 

 

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền