*VCL 16- Những Chuyện Tình (Truyện Ngắn) NV Võ Công Liêm (Canada)

 

Nhà Văn Võ Công Liêm

 

                                 

   NHỮNG CHUYỆN TÌNH

 

                                                                                                                                  gởi: lê thị huệ (gió O).

 

1. BUỒNG TRỐNG

   Quyên nhấp nháy đôi mắt lá răm, đưa tay chụi vào mắt, nắng bên ngoài đã lên cao. Nàng mở to mắt nhìn qua cửa sổ; cảnh vật trong và ngoài nhà lặng chìm như bãi hoang. Nắng xối vào nhà thứ ánh sáng nhạt nhòa với một âm khí khó thở, lạnh ngắt, không một tiếng rì rào hay tiếng gió từ ngoài thổi vào.  

Quyên còn nằm trên giường, đưa mắt nhìn mọi thứ xung quanh gần như không mấy để tâm. Chiếc bàn tròn bằng gỗ thông cũ kỹ, bạc màu sơn như ván hòm, trên bàn chén, tách, nửa ly nước trong, cái đĩa con cá xanh đựng vài ba trái ổi sẻ chín rục, hai trái chuối mật ngã màu nâu như muốn xé vỏ ra chiên; tất cả đều nằm đó từ ngày hôm qua. Hai cái ghế một ở cạnh bàn ăn, một đặc ở giữa căn buồng, cà hai là ghế gỗ đời xưa. Ở góc trái kê cái bàn nhỏ có nồi cơm điện và lò nấu. Bước tới một khoảng là nơi tắm rữa. Quyên nhìn từ vật này đến vật khác, có lẽ; cái tủ áo quần bốn ngăn kéo được nàng chú ý đến. Quyên không chịu dậy, trăn trở với chăn gối. Nhìn vào bốn bức tường, Quyên nói chuyện với trần nhà, nói chuyện với tủ áo quần, nói chuyện với con thằn lằn trên vách nhà. Nàng sải đôi cánh tay trên giường, chân đạp chọi trong chăn. Nàng đưa tay xuống dưới gãi vào háng. Nàng ngừng lại và nhìn mông lung một cách say đắm. Quyên bung người kéo quần lót lên cao và đi thẳng tới chỗ tắm. Tóc ướt rớt trên vai. Phơi nắng bên cửa sổ, mình trần. Nhìn ra ngoài sân hai con chim sẻ đang đập cánh vào nhau. Quyên nhớ tới Thức. Bên kia tường bằng gạch, vôi lở; tuồng như buồng chưa có người thuê.

 

2. TRỞ VỀ

   Lên đệ nhị cấp là lúc Mai Trâm cảm thấy có thay đổi trong người, đổi thay từ vóc dáng đến tâm hồn. Nàng tỏ ra trầm lắng hơn xưa, nhiều suy tư về cá nhân cũng như về đời. Những bạn đồng lứa nghe đâu đứa có ‘bồ’ đứa có người yêu. -Chắc chắn đẹp lắm mới có người để mắt. Mai Trâm thầm nghĩ. Nàng cũng muốn có như người ta có để được mộng mơ, để được nâng niu.Trên đường từ trường về, ngọn gió chiều ập tới thổi ngược chiếc áo dài màu lam ngọc lên cao che cả mặt mày; nàng chới với và tỏ ra thẹn thùng. Tâm hồn nàng luôn rạo rực, rạo rực vô cớ nhưng cảm thấy yêu đời. Nàng mỉm cười.

Nghe lệnh song thân. -Cuối năm đỗ đạt hay không phải đi lấy chồng. Cha nói. Chưa bao giờ trong đời nàng có một cái ‘sốc’ lớn như vậy. ‘Tuổi đá buồn’ cần có hẹn hò trăng nước với thiên nhiên với người tình đó là niềm ao ước và tự hào so với bạn đồng niên. Từ chỗ đó Mai Trâm buồn và tuyệt vọng, bởi; đời là cả một cuộc trá hình, có dự mưu. Lễ giáo cổ truyền là luật ‘ép dầu mỡ’, buộc vào những điều vô lý và cho tình yêu là tội ác. Mai Trâm đau nhói con tim dù chưa một lần đụng tới tình yêu.  

Mai Trâm bây giờ là hai mươi lăm, một người đàn bà có nhan sắc, có chồng con. Cái sự vây quanh trong đời sống mỗi lúc tăng thêm tầm thường; sáng đi chiều về, nồi cơm trách cá không tìm thấy ‘thiêng liêng’ của tình yêu hòa vào trong đó; dù là làm tình bên nhau. Mai Trâm muốn khám phá cái mới lạ của cuộc đời hơn là sống trong bốn bức tường tù đày. Mai Trâm muốn tìm thấy giá trị nơi con người mà nàng cảm thấy hụt hẫng như đã một lần trong đời. Nàng bỏ lại tất cả và ra đi.  

Đến Đà Nẵng thì trời chập tối. Nàng đi thăm cảnh quang để hòa điệu vào đời bằng những gì lý thú, đổi thay tâm hồn mà bấy lâu nay như chim trong lồng, khát một bầu trời tự do. Trong đám người tham quan, người ta đua nhau chụp hình cảnh đẹp, vai kề vai. Mai Trâm lặng bước trong một suy tư khác của nửa vời, của vắng bóng gia đình. Cảnh vật chung quanh biến mất. Hình như nàng ân hận điều gì? Mai Trâm quyết đuổi để tìm thấy sự đổi thay của tâm hồn. Sau lưng Mai Trâm nghe như có người đang chụp hình về mình. -Nếu cô cho phép được chụp hình cô. Người thanh niên nói. Rất đổi ngạc nhiên lời yêu cầu đó. Mai Trâm cười và đồng ý để cho chàng thực hiện. Điều người ta muốn, có lẽ; như mình muốn. -Tôi thích chụp hình cô. Cô đẹp! Người đàn ông nói. Thật ngẫu nhiên và từ đó họ cảm  thấy hào hứng trong chuyến đi chơi xa. Họ trao đổi tự nhiên như đã quen nhau. -Anh còn đi học hay đã đi làm? MaiTrâm nói. -Tôi đi làm. Người đàn ông nói. Bên tách cà phê Mai Trâm không e lệ, không ngại ngùng trước kẻ lạ mặt. Khi khám phá ra đàn ông ở chính mình thì hình như họ không đáng sợ. Sự thật của đàn ông chỉ có một nửa trong đó. Nhưng; chàng thanh niên nầy có phần khác lạ và hấp dẫn hơn. -Quên hỏi anh tên gì? Mai Trâm nói. -Kha, Vũ Kha. Người đàn ông nói. -Tôi Nguyễn thị T. Mai Trâm nói. Từ chỗ đó họ gần như tình tự hơn, không ngại nghi mà cả hai đã tìm thấy sự thật của mộng mơ. Như đã tin nhau họ có những cuộc hẹn hò chớp nhoáng; cả hai đã rơi vào tình yêu.

Đêm ở tỉnh lẽ; tình yêu buộc họ phải làm tình, tác động đó cuộn vào nhau ở tuổi chín muồi; họ ôm lấy nó như khát khao, họ thỏa thê nó như giấc mơ, họ làm tình nó như chưa bao giờ làm tình. Họ nhận ra cái giá hạnh phúc của tình yêu là ở đó… Di động hiện ra. -Xin lỗi tôi có điện gọi.Vũ Kha nói. Ngồi trên giường Mai Trâm nghe rõ lời đối thoại của người tình. Tuyệt vọng. Nàng vội vã thu xếp và đón xe về lại chốn cũ. Tới quê nhà, trời đã ráng chiều, đèn đường bực sáng. Định đón Mai Trâm ở phi trường. -Anh và con nhớ em. Anh đưa em đi ăn phở nhé. Định nói. Mai Trâm ví mình như con dê tế thần chưa toát hết mồ hôi. Chuyến đi giải trí của nàng chỉ là giấc mơ không thực giữa đời này. Nàng đã vượt biên giới không gian để tìm thấy. Lần trở về Mai Trâm nhận ra ở chính mình một tình yêu lớn hơn.

 

3- TRỘM TÌNH

   Phúc và Yến lấy nhau ở tuổi thanh xuân. Tính ra họ sống bên nhau có ba mặt con, một trai hai gái. Cả ba trẻ mặt mày khôi ngô và tính khí không giống Yến. Bề ngoài của Phúc hiền lành, ít nói; nhìn qua như người mắc chứng lãnh cảm. Yến yêu chồng sáng đi chiều về, mọi ngày như mọi ngày ngoại trừ đi công tác xa. Yến vui vẻ, an tâm cho người chồng hiền lành giữa cảnh đời lắm thứ bon chen.

Phúc giám đốc cho một công ty sản xuất, bên cạnh có nhiều cộng sự viên; đứng về mặt tình cảm thì không mấy ai thân tình với Phúc. Ít ăn, ít nói, vô tư của Phúc được người ta tín nhiệm và làm ăn cho tới ngày nghỉ hưu. Về già người Phúc trầm lắng hơn, đưa mắt nhìn xa, không ai biết trong người Phúc nghĩ gì mà thường vác mặt nhìn trời. Vợ khuyến khích nên đi dã ngoại cho tâm hồn thư thới. Phúc nở nụ cười hài hòa. Và; từ đó thường hay đi lại lắm lần. Nhớ lại; hồi mới nhậm chức ở công ty là một chạm trán với Nhi (người đẹp của công ty). Phúc Nhi gặp nhau bất chợt ở cuối phòng vật tư. Qua câu chuyện bình thường họ thầm yêu; một bên nhan sắc, một bên làm lớn. Hợp ý đôi bên. Cơ quan chẳng ai để tâm và tin chắc Phúc không phải hạng ‘ăn chơi’ cho nên trong sạch từ tinh thần tới thể xác. Phúc giữ thói quen tợ như ngựa quen đường cũ thích đi dã ngoại hơn ở nhà. Sự im lặng tuyệt đối chỉ có mình Phúc biết; không một ai nhận ra bên trong con người ‘lãnh cảm’ đó. Nghỉ hưu đâu được hai năm Phúc chết đột ngột chưa kịp viết di chúc. Toàn quyền trong tay Yến. Trong buổi lễ động quan, khách và thân hữu đến tiễn đưa người bạn, người thân hiền lành sớm ra đi. Tang gia đang bối rối có một khách lạ, Yến nghĩ là nhân viên cũ của Phúc đến đưa đám. Đi bên cạnh với một thanh niên chừng hai lăm tuổi. Mặt rũ rượi không nói. -Thưa chị em là Nhi và đây là Lợi. Con của anh Phúc đấy!

 

VÕ CÔNG LIÊM

(ca.ab.yyc. Cuối 9/2019)

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền