*THHẢI 10- Kỷ Niệm Ngày ̣Đầu Chập Chững Bước Vào Nghề Giáo (Bút Ký) Thanh Hải (VN)

 

Thanh Hải

 

 

 

KỈ NIỆM NGÀY ĐẦU CHẬP CHỮNG BƯỚC VÀO NGHỀ GIÁO

 

1.Cuộc hành trình lên vùng đất Trà Bồng

Ngày ấy, tốt nghiệp trường sư phạm năm 1991, tôi nhận Quyết định về công tác ở Trà Bồng - một huyện miền núi cách xa quê nhà tôi khá xa (Khoảng hơn 60 cây số). Lúc chia tay tạm biệt người thân trong gia đình, Má và các em tôi khóc sướt mướt vì thương tôi phải sống xa nhà, đi đến nơi núi rừng heo hút. Trong suy nghĩ của người dân quê tôi lúc đó thì Trà Bồng là cái nơi " khỉ ho cò gáy ", là vùng rừng núi âm u nên khi nghe tôi đến nơi này dạy học, nhiều người rất ái ngại.

Tôi lên đường với hành trang trên tay là chiếc xe đạp cũ cùng chiếc va ly bằng gỗ - những vật thân thiết đã cùng gắn bó bên tôi trong suốt quãng đời sinh viên nơi giảng đường sư phạm.

Đạp xe đến bến xe thị xã Quảng Ngãi, tôi tìm xe lên Trà Bồng. Anh lơ xe chất tất cả những thứ tôi mang theo lên chiếc xe hàng, bắt đầu cuộc hành trình lên vùng đất Trà Bồng.

Hồi ấy, đường rất xấu, đầy đá lởm chởm, có rất nhiều ổ gà. Ngồi trên xe mà tôi nghe mỏi nhừ, chốc chốc chiếc xe lại giật nảy lên tưởng chừng như chúng đang đi theo biểu đồ hình sin vậy đó. Cứ như thế xe chạy mãi, chạy mãi cho đến khi tôi nghe tiếng mọi người kêu lên : Đến Trà Bồng rồi, tôi vội vàng bước xuống nhận lấy chiếc xe đạp và va ly của mình từ tay anh lơ xe.

Tôi - một cô bé mới 23 tuổi đời, một mình ngơ ngác giữa miền đất xa lạ mà tôi chưa một lần đặt chân đến bao giờ. Mọi thứ đối với tôi đều quá lạ lẫm và mới mẻ, không một ai thân thích. Cầm sơ đồ của người anh lớn tuổi vẽ chỉ dẫn, tôi tìm đến Phòng giáo dục nộp hồ sơ. Thầy Trưởng phòng giáo dục là một người dân tộc Kor, có khuôn mặt rất hiền, thầy đón tiếp tôi một cách thân thiện . Thầy bảo anh kế toán đưa tôi đến nhà anh Hiệu trưởng trường Trà Sơn ở gần đó. Thầy bảo : em đến đó anh Hiệu trưởng sẽ đưa em đến trường mà em công tác. Tôi chào thầy và đi theo anh kế toán đến nhà thầy hiệu trưởng.

2.Đến nhà tập thể giáo viên

Trưa hôm đó, tôi được làm khách ăn cơm trưa với hai vợ chồng anh Hiệu trưởng . Hai anh chị rất niềm nở, ân cần. Ăn cơm trưa xong, nghỉ ngơi một tí, anh Hiệu trưởng đưa tôi vào một con đường mòn nhỏ, lối đi đầy cỏ, hoang sơ.

- Anh bảo : vào nhà tập thể giáo viên trước, anh giới thiệu em với các cô giáo, để hành lý ở đó, anh sẽ đưa em đến điểm trường cho biết.

Xa xa, một ngôi nhà lợp bằng tranh, bốn vách tường đều làm bằng cây lồ ô rừng do những phụ huynh người đồng bào Kor làm giúp cho giáo viên ở xa đến công tác. Anh Hiệu trưởng giới thiệu tôi với hai Cô giáo ở đó :

- Đây là Thanh Hải! Cô giáo mới về công tác ở trường ta. Hai cô giúp đỡ và yêu thương em ấy nhé.

Quay sang tôi, anh giới thiệu :

- Còn đây là hai Cô giáo Hoàng Trâm, Diệp Cư là người đi trước em, đã dạy học ở đây nhiều năm rồi. Em ở đây với các cô ấy nhé.

Tôi chào hai chị , hai chị ấy cũng cười tươi đáp lại rất cởi mở. Từ hôm ấy, ba chúng tôi sống bên nhau như chị em trong một gia đình.

Lúc bấy giờ, thời buổi khó khăn lắm, đồng lương giáo viên ít ỏi, nhiều người phải bỏ nghề giáo, chạy sang nghề khác hoặc buôn bán để kiếm sống. Nên cuộc sống của ba chị em chúng tôi cũng không lấy gì làm sung sướng. Ngoài cơm ra, thức ăn chủ yếu của chúng tôi là rau rừng, rau bạc hà xin từ vườn nhà của bác hàng xóm tốt bụng kề bên. Lâu lâu mới có một bữa cá, một chút thịt kho cho có chất đạm mà thôi.

Cuộc sống đạm bạc khó khăn là thế nhưng không hiểu sao mỗi ngày tôi cứ béo tròn ra, tóc dài xanh mượt, hai má hây hây đỏ, làm cho các chị cũng phải thốt lên :

- Con nhỏ này ưa núi rừng hay sao ấy? Coi chừng thành thùng phuy bây giờ nghe em...

Có lẽ vì sức trẻ, lòng nhiệt huyết yêu nghề mến trẻ ngày ấy đã giúp chúng tôi can đảm vượt qua tất cả.

3. Ngôi trường trên đồi cao

Ngôi trường mà hàng ngày chúng tôi đến dạy cho các em học trò nhỏ nằm trên khu đất trống trên đồi cao. Chúng tôi phải đi đường ruộng, băng qua cánh đồng, lội qua con suối nhỏ mới đến trường. Đó là một ngôi trường bé nhỏ làm bằng tranh tre nứa lá. Cũng vẫn là những cây lồ ô rừng được đập dập ra, các phụ huynh người Kor nơi đây đã rất nhiệt tình ủng hộ sức người, sức của để làm nên. Bàn ghế các em học cũng rất cũ, thậm chí ghế làm bằng lồ ô. Áo quần của các em mặc rất cũ kỹ, phong phanh. Duy chỉ có những đôi mắt to tròn, hiền ngoan như nai rừng là đáng yêu nhất. Các em rất ngoan ngoãn, chăm chú học bài, chúng ngồi nghe cô giáo giảng một cách mê say nên thương lắm. Chính vì điều ấy mà chúng tôi quên hết cả gian nan vất vả. Cứ thế, cứ thế từng ngày, Cô trò chúng tôi đi bên nhau trong suốt quãng thời gian khá dài.

4. Những ngày vận động học sinh ra lớp và những đêm đốt lửa trại,ngủ nhà dân.

Hồi ấy, vì nghèo khó nên rất nhiều em nghỉ học không đến lớp. Các em ở tận tít trên các điểm thôn Tây, thôn Ka Tinh, rất xa điểm trường học, nên nhà trường hay tổ chức cho giáo viên đi đến những nơi xa đó để vận động các em ra lớp. Những ngày mưa trơn trợt, vắt rừng bám hút máu đầy chân... Vì xa quá nên chúng tôi không thể trở về trong ngày mà phải ở lại nhà dân vào ban đêm . Những đêm đốt lửa trại bập bùng, những tiết mục văn nghệ sôi động mà diễn viên chính là các thầy cô, những điệu múa, lời ca của những trái tim đầy nhiệt huyết... luôn là ngọn nguồn thu hút các em đi học trở lại. Những đêm ấy nơi núi rừng lạnh băng, dân bản kéo đến xem rất đông vui. Họ rất quý thầy cô, những con người đã không ngại gian lao để đem đến cái chữ và bao kiến thức cho con cái mình. Vì thế, dù nghèo khó nhưng người dân nơi đây rất hiếu khách. Bữa cơm gạo lúa rẫy rau măng rừng, bánh nếp nướng từ ống nứa, món gà rừng bắt được trên rẫy, chuối rừng chín mọng ngon lành... Họ dành tất cả món quà của rừng cho thầy cô xem như lời tri ân vậy. Tất cả đó đã làm cho những người xa quê như chúng tôi rất ấm lòng và sẵn sàng quên cả gian lao để cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Bây giờ nhớ lại quãng thời gian ấy, mới thấy sức trẻ và lòng nhiệt huyết thật mạnh mẽ, diệu kỳ. Tôi không nghĩ rằng mình cùng các anh chị đồng nghiệp đã bám trường bám lớp kiên trì như thế nếu như không có lòng yêu nghề mến trẻ.

Thời gian thoáng trôi qua nhanh như một giấc mộng. Mới đó mà đã 29 năm trong cuộc đời nhà giáo rồi. Giờ đây trường lớp khang trang, đồng lương cũng khá hơn nhiều so với ngày ấy, không còn những bữa cơm thiếu thốn, kham khổ như xưa. Trà Bồng giờ đã thay da đổi thịt, đường sá đã trải nhựa ,những con đường bé nhỏ thì cũng được cũng bê tông hóa nhiều hơn... Nhưng bao kỉ niệm ngày đầu tiên chập chững bước vào nghề giáo thì mãi luôn in đậm trong ký ức của tôi không bao giờ phai mờ.

Ngày ấy tuy gian khổ nhưng mà vui, ấm áp tình đồng nghiệp, tình anh em, chị em. Trong gian nan, cơ hàn mới thấy tình yêu thương đong đầy và rất đỗi chân thành, đáng trân quý... Và tôi vẫn đang cố gắng đi hết quãng đường cuộc đời nhà giáo mà tôi đã chọn. Sức trẻ có thể bị mài mòn đi theo năm tháng nhưng lòng nhiệt huyết và trách nhiệm đối với học trò thì vẫn theo tôi trong từng bài giảng hôm nay...

( Viết đêm 17/11/2020 nhân ngày nhà giáo 20/11 sắp đến . Kỉ niệm này xin ghi vào trang. Nhân đây xin chúc các anh chị, bạn bè đồng nghiệp của tôi ngày Nhà giáo 20/11 thật vui vẻ, khỏe mạnh để tiếp tục sự nghiệp trồng người nhé.)

P/s: Ngày ấy không có lấy một tấm hình,.

Ảnh của ngày hôm nay, đã hết thời tóc dài xanh mượt, má đỏ hây hây tròn nữa rồi.

 

Thanh Hải

17-11-2020

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền