*HHSG 12- Xóm Đường Đất Đỏ (Tản Mạn) NV Hai Hùng Sài Gòn (USA)

 

Nhà Văn Hai Hùng Sài Gòn

 

 

Xóm Đường Đất Đỏ.

 

             (Hai Hùng SG)

                       ...

  Từ cái ngày theo thằng em dễ mến nọ đi Bình Dương để vô Hoa Viên tham dự lễ an táng cố nhạc sỹ Lam Phương, bổng dưng tui thấy cuộc sống vô thường đúng như nhà Phật đã dạy vì thân phận làm người mới đó rồi mất đó.

                     ***

    Khi tiếng kèn "xắc xô phone" của ban tổ  chức vang lên cung bậc của bản nhạc "Thành phố buồn" do ông sáng tác đã làm cho tui xúc động vô cùng, vì bản nhạc này ngay từ khi tham gia vào cuộc chinh chiến xa nhà tui đã rất thích nó, bản nhạc này như đã lồng vào đó những hình ảnh thân thương, niềm vui cũng như nỗi buồn mình đã từng trải qua nơi vùng hỏa tuyến.

  Bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa nó lại ùa về, chẳng những với kỷ niệm thời mặc áo Hoa rừng mà nó còn vực dậy những kỷ niệm thời thơ ấu của tui trong miền ký ức trên con đường đất đỏ của xóm nhỏ thời xưa nơi tui sinh sống.

  Những năm cuối của thập niên năm mươi cuộc sống thật yên bình theo cái nhìn của đứa con nít như tui, ở cuối con đường Đất đỏ này có ngôi nhà ngói nhỏ xây theo dạng chữ Đinh , vách  và nền bằng đất khiến không khí trong nhà mát mẻ vô cùng, ông Hai Biểu con trai lớn của ông Sáu xe bò là chủ nhân của ngôi nhà này, ông Hai đã trồng những bụi Tầm Vông và  Tre tàu để làm hàng rào tự nhiên phân biệt ranh giới khu đất mình sở hữu, quanh sân trong vườn nhà ông trồng đủ thứ cây ăn trái khiến mấy đứa "Xây lố cố " tụi tui thích đến đây để chơi đùa trong lúc không vướng bận chuyện học hành.

 Cũng nên tả sơ qua để mọi người có thể hình dung ra ông Hai là người như thế nào, sở hữu  thân hình vạm vỡ của một lực điền bởi làm da nâu xậm màu, quanh năm suốt tháng tui chỉ thấy ông ở trần và mặc độc nhất chiếc quần cộc đen cột dây phía trước, ông đi chân đất chẳng thấy mang giày dép ngoại trừ những đi tiệc tùng đình đám gì đó, tóc lúc nào cũng hớt cao như những người lính trong quân đội, với giọng nói rỗn rãng nó biểu hiện tính cách bộc trực có lẽ vì vậy mà đa số dân chúng trong xóm không ai ghét ông Hai bao giờ, còn nói về tửu lượng thì khi có dịp thì ông chấp hết vì chẳng có tay nào bì kịp, có lần đám giỗ của ai đó trong xóm, lần đó ông ngồi chung bàn với ông Sáu Say ( ông Sáu được mệnh danh là vua ba xi đế  của xóm tui thời bấy giờ), sau vài ly rượu dạo đầu vui vẻ, khi men nồng của rượu nó ngấm vào máu, sau khi lời qua tiếng lại với nhau thì ông Hai Hữu khơi màu :

 -Xưa nay xóm mình có ông Sáu là Thiên hạ đệ nhất tửu, vậy chứ anh Hai Biểu có dám tranh tài với ông Sáu không?.

  Men nồng của rượu hình như cũng đang xúi giục ông Hai, nên ông đồng ý cái rụp, ông Hai nói :

 - Chèn ơi, ông Sáu lớn tuổi hơn tui nhiều, bây giờ thi thố với ổng như vậy không công bằng, thôi vầy đi, tui mần hai ly thì ông Sáu uống một ly thôi, ai "quắc cần câu" trước coi như thua.

 Không hổ danh Thiên hạ đệ nhất tửu của mình, ông Sáu "xổ chấp" luôn:

 -Ý thằng Hai bây nói vậy đâu có đặng, chú em bây mần mấy ly thì Sáu say này mần mấy ly, hơi đâu chấp  tui chi cho mắc công.

 Cả bàn rượu vỗ tay hoan hô sau câu nói của ông Sáu, ông hứng chí nói tiếp:

 - Chẳng những "Quắc cần câu" trước là thua mà còn ai cho "Chó ăn chè" trước coi như thua luôn nha chú Hai mày.

 Một cái thau nhôm nhỏ   được rót đầy rượu trong cái can nhựa lớn ra, ông Hai Hữu được mấy ông trong bàn cử làm trọng tài cho trận "Tỉ thí" này, người ngồi mấy  bàn khác thấy bàn nhậu ông Hai Biểu có không khí sôi động quá, họ bèn tập trung 'Nín thở" để coi kết quả chung cuộc giữa hai ông sẽ như thế nào, trước giờ đấu ông Hai Biểu nói vớt một câu nhằm cho ông Sáu suy nghĩ lại để hai người không phải luận anh hùng ở bàn nhậu:

 -Tui thấy thôi đừng thi thố nữa nha ông Sáu, sợ lỡ say quá thì không tốt cho sức khỏe đâu.

 Nghĩ trong bụng chắc Hai Biểu " Thấu cấy" mình, nếu dừng lại thì ê mặt quá, đám bạn nhậu và mấy đứa nhỏ trong xóm coi mình ra cái thể thống gì nữa, ông Sáu dứt khoác :

 -"Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy"  làm tới luôn không nói đi nói lại gì nữa nghe chú Hai mầy.

 Vậy là một già, một xồn xồn cùng nhau nốc hết cái thau Ba xi đế nọ, ông Sáu lớn tuổi chịu đời sao thấu với sức lực điền trung niên của ông Hai Biểu, ông Sáu gục tại chỗ sau khi lè nhè câu nói phát ra từ cửa miệng mình:

 -Tui thua chú Hai nó đứt đuôi con nòng nọc luôn rồi bà con ơi.

 Thấy ông Sáu "Rớt đài" và mình thì cũng "Là đà con nhạn", nhưng ông Hai Biểu cũng ráng xốc nách khiêng ông Sáu say về nhà, giao cho con cháu trong nhà chăm sóc cho ông Sáu.

 Quay trở lại bàn tiệc, ông Hai Biểu vòng tay nói với mọi người:

 -Thưa bà con, đáng lẽ tui chịu thua trước cho xong chuyện, tui biết ông Sáu say không thể nào địch lại tui, nhưng ông Sáu  cương quyết quá nên nếu tui bỏ ngang thì sợ ổng giận, thôi thì mong ông Sáu ngủ một giấc dậy khỏe, đừng có chuyện gì xảy ra thì tui ân hận lắm đó.

  Năm đó cái thời Thanh niên Công Hòa được cắt cử an ninh trong thôn xóm, họ được ban trị sự ấp Cộng Hòa bốn của nơi tui ở phát cho họ mỗi người một bộ đồ kaki xanh dương, "Vũ khí" là những cây gậy tầm vông được lấy từ hàng rào nhà ông Hai Biểu, khi thấy chú trưởng khóm đến nhà mua một số cây tầm vông để trang bị cho lực lượng canh gác hàng đêm, ông Hai Biểu liền nói:

 -Mua bán gì ông trưởng khóm ơi,  chuyện xã hội người góp sức để giữ yên xóm làng, chú cần bi nhiêu vây thì cứ việc đốn.

 Sở dĩ có cái vụ lập trạm canh ban đêm vì dạo đó nghe đâu có những nhóm người lạ mặt, ban đêm thường len lỏi vô các xóm lao động nghèo họ châm lửa đốt nhà, không biết đích xác họ là thành phần nào, những người mằm vùng của của phía bên kia, hay phe đối lập chống đối chánh quyền lúc bấy giờ, hoặc có thể dân du thử du thực nào đó phá rối trị an, ngày đó tui chỉ thấy mấy ông Trung niên như tía tui, ông Hai Biểu, ông Nhiều "Cơm rượu" ông Hai Hữu, ông Năm Vàng, ông Chín Mẫm.V.v.. còn nhiều ông khác nữa mà tui không nhớ hết là tham gia vô lực lượng này.

 Chiều cái hôm đầu tiên lập cái trạm canh này, tui thấy ông Hai Biểu khiêng cái bàn vuông ông thường đặt dưới nhà bếp để gia đình quay quần ăn cơm, nay lập trạm canh ông xung phong khiêng đồ ở nhà ra "Hùn vốn" làm trạm canh, dĩ nhiên mấy cái ghế đẫu trong bếp ông cũng lôi ra hết ngoài trạm, còn ông Hai Hữu vốn rành về điện đóm ông chạy sợi dây dẫn điện từ nhà ông Hai Biểu ra tới ngã ba nơi đặt trạm, ông bắt cho một bóng đèn đuôi tròn sáng trưng làm cho các loại côn trùng dưới đường ray xe lửa có dịp hội tụ vui chơi với mấy ông Thanh niên Cộng hòa này, ông Năm Vàng được đề cử làm trưởng trạm, thấy trạm thiếu thốn đủ thứ ông bèn về nhà lấy hai "Bảo vật" đem ra cho mọi người có cái mà xài, sở dĩ tui nói  là bảo vật vì hai món này ông Năm Vàng chỉ chưng trong tủ kiếng, khi có dịp nào thật trọng đại ông mới đem ra xài, đó là một cái nhạo rượu với bốn cái chung mỏng tanh như lá lúa, khi chạm vào nhau nó phát ra tiếng kêu rất thanh tao, hơn vậy nữa khi những giọt rượu được rót ra từ cái nhạo, tức thì hiện ra hình mỹ nữ đẹp như trăng rầm, các nàng làm lộ ra đôi gò bồng đảo căng đầy sức sống, có phải vì yếu tố này nên khi uống rượu với bộ chung nhạo kia mấy ông ít khi say và có ngẩu hứng  cùng nhau thi ca đàn hát rất vui, bảo vật thứ hai là bộ ấm trà mạ vàng nghe đâu đây là đồ dùng của vua Đường bên Tàu ngày xưa, mới nhìn thôi đã làm tui mê rồi, tại sao ông Năm sở hữu được hai món này thì chưa bao giờ ông Năm tiết lộ. 

  Khi trời xụp tối mọi người ra trạm canh, vì có dịp gặp nhau với trọng trách giữ yên xóm làng nên ông nào cũng hớn hở ra mặt, ông Nhiều cơm rượu lấy cái bếp lò xô ở nhà ra để nấu nồi cháo gà, phải công nhận khi gác đêm húp miếng cháo gà nghe ấm cả bụng. 

  Đêm đầu tiên gồm sáu người, nhưng kỳ thực là bảy mống hết thảy, vì có tui góp phần lộn xộn cho trạm canh nữa.

 Khi các cái võng được mấy ông giăng lên xong xuôi, thì rượu thịt được bày ra, tui thấy không khí trạm canh vui hẳn lên, vì có chú Năm Đen gớp vui bằng cây kèn " Ắc mô ni ca"  với những bản nhạc vui tươi hùng tráng, như "Khỏe vì nước", "Cầu xông quay", các ông vừa nhậu vừa đàn hát như buổi tiệc nào đó trong gia đình chứ không phải đang canh chừng kẻ gian, suy cho cùng nếu không tổ chức ăn uống thì không khí buồn tẻ khó mà duy trì trạm canh được.

  Trời về khuya, mấy ông ngấm rượu ai nấy là đà chui vô võng nằm ngáy ro ro, chỉ còn duy nhất mình tui còn thức với cây gậy tầm vông trong tay, ông Nhiều cơm rượu say nặng nhất ,ông nằm xoãi mình trên cái băng ghế có đồ dựa lưng do ấp đem xuống cho trạm canh, muỗi mòng bắt đầu đánh hơi bay lại bu đầy người ông Nhiều, nó hút máu con  nào con nấy no tròn như đàn gà mái dầu nuôi ở nhà ông Nhiều, thấy vậy tui phải đập muỗi cho ông suốt đêm, hóa ra tui ham vui canh gác cùng mấy ông rốt cuộc tui phải trắng đêm canh cho mấy ông ngủ ngon lành.

  Cũng hên là đêm hôm đó ấp không có xuống kiểm tra, bằng không mấy ông già xóm tui sẽ bị "Nạo một trận sát da lưng" , câu chuyện đã,xảy ra hơn nửa thế kỷ, nếu thời gian trở lại chắc tui cũng ham vui lần nữa cho biết mùi "Sương gió biên thùy".

                   *** 

 Các ông tui kể tên trong truyện này giờ đã hóa người thiên cổ khá lâu, hình hài của họ đã tan biến vào mạch đất quê hương, các ông tuy không còn hiện diện trong xóm nhỏ ngày xưa, chắc hẳn ít người còn nhớ đến các ông, nhưng chí ít ra còn thằng Phương ròm này lúc nào cũng da diếc nhớ về các ông, nhớ nhất là làm "Thanh niên Cộng hòa" bất đắc dĩ khi còn là đứa con nít con nôi.

 

Viết xong Sunday 25.12.22

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền