4- HHSG- Thợ Đụng (Bút Ký) Hai Hùng Sài Gòn (USA)

 

 Hai Hùng Sài Gòn

 

 

 THỢ ĐỤNG.

 

          ( Hai Hùng SG).

                      *

  Thiệt tình tui không biết ai đã sáng chế ra cái tên gọi "Thợ đụng", vì lúc tui còn là thằng con nít con nôi tui đã nghe người ta xài cái chữ này rồi.

                      ***

 Trong từ điễn tiếng Việt không biết họ có đưa vô để giải nghĩa "Thợ đụng" là gì hay không, nhưng theo dân gian mình đặt cho những ai không có nghề nghiệp ổn định, công chuyện nào họ cũng làm, kêu đâu làm đó không câu nệ kén chọn nặng nhẹ hay sang hèn gì hết, miễn sao đó là công việc lương thiện mà họ bỏ công sức ra để hoàn thành, rồi sau đó được hưởng thù lao như thỏa thuận ban đầu với chủ, nói là nói vậy chứ thật ra có những người họ có chuyên môn lãnh vực nào đó, nhưng do hoàn cảnh họ không thể kiếm sống bằng nghề chính của họ, nên phải loay hoay bất đắc dĩ với nghề "Thợ đụng", tui nói vòng vo tam quốc như vậy, rốt cuộc tui cũng có thời gian làm "Thợ đụng" chung với mấy thằng bạn trong xóm của tui ngày xưa.

 Nhưng trước khi kể chuyện làm "Thợ đụng", tui quay lại thời gian tui học nghề sửa máy lạnh.

 Nơi tui bước chân vô học nghề là một xưởng tương đối nhỏ, chủ nhân xưởng này là ông Kỹ sư Lắm , tướng mạo ông chủ không được cao, ông đến xưởng hàng hàng ngày bằng chiếc xe hơi màu trắng, xe này do một hảng bên Nhật bán qua nước mình, tui tiếc rằng cái nhản hiệu chiếc xe tên gì tui không nhớ, có điều giữa thập niên sáu mươi mà ngồi trên xe này là bảnh bao dữ lắm, xưởng tui học nghề nó nằm ở góc ngã tư đường Phan Thanh Giản và Lê văn Duyệt của quận 3 Sài gòn.

 Nói là theo học nghề máy lạnh nhưng không phải tự nhiên mới vô làm sẽ được nhào vô chuyên môn liền đâu, trước tiên phải "Chào sân" bằng cây chổi tàu cau quét ba cái lá cây rụng quanh sân trong xưởng, có bữa còn phải tới nhà ông chủ phụ dọn dẹp lặt vặt, phụ coi chừng mấy đứa nhỏ con của chủ cũng không phải là chuyện lạ, một hôm anh Xuân là một người thợ chánh đang hướng dẫn tui về cách quấn cái mô tơ bloc máy lạnh, bổng tui nghe cô thư ký xinh đẹp là chị Yến chạy xuống xưởng kêu inh ỏi:

 -Anh Xuân nè, chú Lắm mới gọi điện thoại kêu anh lấy vài người để xuống Viện bào chế (Telnemid) ở Thủ Đức để bảo trì máy điều hòa không khí cho họ gấp.

 Anh Xuân bỏ ngang công việc làm thầy cho tui, anh gom được mấy mống trong đó có tui, cả đám mang đồ nghề lên xe cho tài xế chở đi liền, sở dĩ tụi tui đi như chạy giặc bởi hệ thống điều hòa của viện bào chế không đủ độ lạnh sẽ làm hư các loại thuốc đang sản xuất và dự trữ.

 Xe tới nơi tụi tui phải qua cổng an ninh của viện, nơi này khi đến làm việc phải sạch sẽ phải qua thủ tục làm vô trùng họ mới cho vô làm .

 Mùi thuốc trụ sinh bay lên mũi nghe nồng nặc, anh Xuân nói :

 

-Tụi bây có đứa nào đang bịnh hoạn gì không, nếu có thì khỏi cần uống thuốc men gì ráo, chỉ cần hít ba cái bụi của thuốc trụ sinh vô phổi thì bịnh nào mà còn.

 Hồi đó còn " Ngây ngô" lắm tụi tui nghe anh Xuân nói nghe có lý, bèn hít thở thật sâu để cố đem nhiều không khí có mùi thuốc trụ sinh vô buồng phổi, thấy cử chỉ của mấy đứa học nghề hít thở không giống ai , anh Ánh một kỹ sư điện lạnh của xưởng vừa đến nơi đã liền hỏi:

 - Chèn ơi ! Mấy đứa thở kiểu gì lạ vậy?

 Thằng Tước một đứa học nghề chung với tui nó lên tiếng:

 -Anh Xuân nói hít không khí trong phòng bào ché này tốt lắm vì có bụi của thuốc trụ sinh nên bệnh nào cũng hết.

 Nghe vậy anh Ánh cười khằng khặc, anh nói:

-Úy trời, vậy mà mấy "ông" cũng nghe theo hả, thôi thở bình thường lại đi, ông xuân ổng ghẹo mấy "ông" đó.

 Cả đám học nghề  tụi tui biết mình bị hớ, nhưng cũng không dám giận anh Xuân, bởi anh rất vui tánh, sở dĩ ảnh ghẹo cốt cho tụi tui vui vẻ để làm việc quên đi  công việc cực nhọc.

 Khi tháo hết mấy cái "phin lọc gió" của giàn máy điều hòa không khí ra, tui thấy bụi mịn của thuốc trụ sinh bám đầy nhóc tấm "Phin" vàng khè, tụi tui lấy vòi nước phun mạnh để rửa các tấm Phin này, dòng nước vàng khè lần lượt theo đường mương lộ thiên phía sau xưởng trôi xuống cống, thấy vậy thằng Tước tiếc rẽ, nó nói:

 -Nước này là thuốc không đó, lấy để dành uống trị bệnh khỏi tốn tiền mua thuốc, họ bỏ uổng quá há Phương.

 Nghe thằng Tước nói cái giọng ba trợn, tui " Thấu cáy" nó luôn:

 - Đó mầy hứng đem về nhà để dành uống đi, hết bệnh đâu không thấy nhiều khi uống vô " Hui nhị tỳ" không chừng .

 Sau buổi làm việc đó, tụi tui được người đại diện chủ viện bào chế tặng cho một số thuốc để dành trị những bệnh thông thường.

 Cầm mấy vĩ thuốc trên tay tui nói với thằng Tước:

 - Như vầy khỏi cần hứng nước rửa Phin lọc về nhà uống há Tước.

 Nghe vậy Tước cười giòn tỏ ra rất hài lòng với số thuốc mà viện bào chế tặng .

 Sau một thời gian học nghề với xưởng, tui cũng bắt đầu khá thành thạo với công việc, nhất là thời gian xưởng tụi tui được nhận làm một công trình điện lạnh thật lớn, lắp đặt mới toàn bộ hệ thống điều hòa không khí cho bệnh viện Nguyễn văn Học ( tức Bệnh viện nhân dân Gia định ngày nay), vì là công trình lớn nên tui với thằng Tước được giao nhiều phần việc có hơi quá sức mình, tuy vậy tụi tui cũng cố gắng hoàn thành công việc.

 Rồi một hôm nọ, khi vô công trình anh Xuân kêu tui với thằng Tước lại giao cho hai đứa chạy dây điện và lắp đặt ống đồng dẫn hơi lạnh từ máy lạnh lớn đến nhà xác của bệnh viện, nghe anh Xuân giao như vậy tui với thằng Tước mặt tái xanh như tàu lá chuối, tui năn nỉ anh:

 - Anh cho tụi em làm mấy phòng chụp Quang tuyến X đi, chứ ở nhà xác ghê quá.

 Nghe vậy anh Xuân cười vang lên rồi nói:

 -Chèn ơi! bệnh viện xây mới tinh, phòng nào cũng vậy, nói nhà xác vậy chứ có cái xác nào mà hai "Ông" sợ, xuống  đó làm đi, có gì tui nói Bác,Tư Huyện xuống phụ hai "ông" cho, thanh niên gì nhát gan quá vậy.

 Hai thằng tui xuống làm mà trong bụng lúc nào cũng đánh lô tô, qua hôm sau khi vô nhà xác để tiếp tục công việc, tui thấy nải chuối xiêm và ba cây nhang đang tỏa khói trên cái bàn nhỏ, kế bên là mớ giấy tiền vàng bạc và dĩa muối gạo, thấy cảnh tượng này tui muốn dựng tóc gáy do sợ, chưa kịp hoàn hồn thằng Tước từ bên trong nhà xác nó bước ra rồi nói:

 -Má tao kêu đem đồ vô cúng cho người khuất mặt khuất mày, để họ phù trợ cho tụi mình làm cho yên ổn.

 Nghe Tước nói vậy tui lấy lại bình tỉnh rồi làm việc như thường, vì tui tin việc cúng kiến của thằng Tước là việc làm đúng đắn khiến tui an tâm hơn.

 Công trình hoàn thành anh em trong xưởng được chú Lắm thưởng cho thêm tiền, ai nấy đều vui vẻ vì gặp một người chủ biết thương thầy thợ của mình.

 Một thời gian sau tui không nhớ vì lý do gì mà xưởng giải tán, chia tay nhau ai nấy cũng buồn bã vì từ lâu mọi người coi nhau như người một nhà, vậy là tui bắt đầu làm "Thợ đụng" từ đây.

                   ***

  Xóm tui có ông Bảy Thoạt người quê ở Bình Dương, ông là kỹ sư và cũng là thầu khoán về ngành gổ mỹ nghệ, vì nơi tui ở có nhóm thợ mộc giỏi do chú Ba cũng quê ở Bình Dương, lại có thêm chú Thắng là thợ đánh vẹc ni rất giỏi, để thuận tiện giao dịch và quản lý thợ thuyền nên ông Bảy Thoạt mua mảnh đất nhỏ nơi ngã ba cuối đường ở xóm tui làm văn phòng và nhà ở, nói là văn phòng cho oai nhưng nơi đây chỉ là căn nhà ván lợp tole rồi gắn cửa kiếng lên coi cũng được mắt.

 Sáng nọ tui ghé lại xưởng mộc của chú Ba chơi, ông Bảy bước vô với chiếc cặp táp bằng da trên tay, ông hỏi chú Ba:

 -Anh Ba, có chú em nào rảnh rang cho xuống nhà tui gắn giùm hai cửa sổ dưới bếp, nó bít bùng tù túng quá, cửa thì tui có rồi, chỉ cần cho người tới thôi.

 Nghe yêu cầu của ông chủ thầu chú Ba nói :

 -Cha chả đang kẹt đồ gấp không hà thầy Bảy, để tui coi có đứa nào đi được tui cho xuống.

 Rồi tự dưng chú Ba chỉ tui với thằng Cảnh, chú nói:

- Thằng Phương với Cảnh làm được không, được thì chú cho mượn đồ nghề tới giúp cho Thầy Bảy đi.

 Ông Bảy mừng ra mặt, ông "lượm" hai đứa tui liền, ông nói chú ba đưa nào cưa bào búa đục cho tụi tui để theo ông Bảy làm "Thợ đụng".

 Đến nơi ông Bảy chỉ cách cho tụi tui làm, tưởng công việc khó khăn ai dè nó dễ như ăn kẹo , sau một buổi với nổ lực tui với thằng Cảnh gắn xong hai cái cửa sổ cho căn bếp nhà ông Bảy, trước khi ra về tui với thằng Cảnh nhìn lại thành quả của mình, tui nói với Cảnh:

-Tao với mầy là thợ đụng, mà thợ đụng như mình cũng ngon lành ghê chứ bộ.

 Thằng Cảnh cũng "Hùa" theo:

- Cửa sổ mình gắn cũng liền lạc ghê chứ, thế nào ông Bảy cũng hài lòng.

 Quả thật, chiều hôm đó ông Bảy ghé lên nhà chú Ba để trả công cho hai ông Thợ đụng, ông khen  tụi tui tay ngang mà làm Khéo lắm, ông còn hứa để tìm việc cho tụi tui làm cho vui.

 Cơn mưa chiều khá lớn vừa dứt, tui với thằng Cảnh đang chơi cờ tướng với chú Ba thợ mộc, nước cờ trên bàn tui đang thắng thế, đang mở cờ trong bụng vì lần đầu tiên tui sắp thắng khi đấu cờ với chú Ba nhiều lần trước đó, tui thấy chú Ba đang suy nghĩ dữ lắm để nhằm phá thế cờ này, bổng tiếng ông Bảy Thoạt vang lên:

 - Chèn ơi ! Hai ông thợ đụng hại tui quá chừng, nhà cửa mưa chảy vô như suối lồ ồ vậy đó.

 Chưa kịp hiểu chuyện gì xãy ra, tui nghe ông Bảy càm ràm tiếp:

 - Hai đứa bây gắn cửa sổ lộn đầu rồi, thay vì lá sách cửa sổ quay xuống dưới, bây cho nó chõng ngược lên trời, mưa nó len qua lá sách nó chảy vô ầm ầm như suối, báo hại tui với bà xã tui lau dọn gần chết, thôi ngày mơi hai ông xuống sửa lại giùm tui nha, bữa tui quên để ý mới ra cớ sự này.

 Hôm sau tui với thằng Cảnh đến sửa lại cho ông Bảy, rồi để chuộc lại lỗi lầm này tui với thằng Cảnh hứa làm thí công khi làm cái chuồng nuôi heo cho ông, rốt cuộc trước khi tụi tui ra về ông Bảy cầm hai cái bao thơ đưa cho hai thằng tui, ông nói:

 -Thầy Bảy giỡn chơi với hai đứa bây thôi, cầm lấy đi có nhiêu đâu mà thầy tính tóan với hai đứa.

 Cầm tiền của ông Bảy mà lòng tui cảm động vô cùng, vì tụi tui làm không tròn công việc muốn chuộc lỗi mà ông không chịu, ông chẳng những không nặng nhẹ khi tụi tui làm hư việc, mà ông còn sòng phẳng không để tụi tui phải thiệt thòi khi làm thêm việc cho ông.

                 ***

  Sau tháng tư Bảy Lăm, ông Bảy quay về Bình Dương sinh sống, tui mất liên lạc với ông Bảy từ đó, tui không chắc rằng ông Bảy còn hiện dện trên cõi đời này hay không, dù ông đang ở đâu tui cũng mãi nhớ đến ông, một người chủ thật tốt bụng với những " Thợ đụng"  của ngày xa xưa ấy./.

 

 17 tháng Chạp năm Dần

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền