TÌNH TRONG
“CƯỠNG XUÂN” -
TẬP THƠ CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Châu Thạch
Có lẽ không ai cầm tập thơ “Cưỡng Xuân” của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến mà không có một chút hoang mang với tên của tập thơ... Một người bạn thơ nói với tôi: “Cưỡng Xuân” là khống chế mùa xuân, nghĩa là hoặc làm cho xuân đến sớm, hoặc làm cho xuân quay lại. Với tuổi đời của Đặng Xuân Xuyến hiện nay, cưỡng xuân tức là làm cho xuân đã đi qua quay trở lại. Riêng tôi, tôi cũng lấy cái chủ quan của mình để hiểu được phần nào ý nghĩa của hai từ “Cưỡng Xuân” khi đọc được hai bài thơ trong tập thơ này.
Bài thơ thứ nhất có đầu đề là “Cưỡng” như sau:
“Rỉ rắc mưa
Rét ngọt trở mùa
Em vê tròn ném tôi vào cơn lốc
.
Tay run rẩy
Lẩy từng khuy cúc
Ngai ngái hương
thầm thĩ
em cười
.
Vít cổ xuống
Cong người
Em rướn…
.
Em!”
Qua bài thơ này ta có thể hiểu em là người cưỡng xuân, nghĩa là em đã ép cho mùa xuân tình dục trong thể xác anh nẩy nở.
Bài thơ thứ hai là bài thơ “Xuân” như sau:
“Áo trắng em cười với gió đông
Run rẩy đào phai đón xuân nồng
La đà trong gió đôi vạt nắng
Ngơ ngẩn trai làng, ngơ ngẩn xuân”.
Như vậy cũng cho thấy em đã đưa mùa xuân tình yêu thuộc về phần tinh thần đến sớm trong tim những người trai làng. Vậy qua hai bài thơ trên, có thể hiểu “Cưỡng Xuân” trong thơ Đặng Xuân Xuyến là làm cho mùa xuân - tình yêu trong thể xác, trong tâm hồn dậy lên không theo một quy luật nào. Phải nói rằng tiếp theo cái tựa đề “Cưỡng Xuân” của tập thơ, hầu như các đầu đề của những bài thơ trong tập thơ này Đặng Xuân Xuyến dùng từ hoặc cụm từ như “Mơ”, “Lỡ”, “Chấp chới”, “Ấm Trời”…v..v đều ngắn gọn nhưng trừu tượng, xúc tích, thâm trầm và thâm thúy. Từ đó đọc thơ Đặng Xuân Xuyến, nếu ta cảm nhận được cái bề dày, bề sâu của nó thì ta sẽ thấy thơ ấy như một bức tranh nhỏ nhưng mô tả sống động một khung trời, khung đời hiện thực trong cuộc sống. Người viết bài này xin chỉ đề cập đến một góc cạnh trong phần nổi bật của tập thơ, với chủ đề tình yêu trong “Cưỡng Xuân”.
Đặng Xuân Xuyến yêu:
“Trái tim anh không run vì thương hại
Sẽ ngàn lần không buộc khổ vào nhau”
(Tình Anh)
Vâng, từ độ ấy đến giờ
Sông trăng dẫu cạn vẫn chờ đò xưa
Cầu trời đổ một trận mưa
Cho sông trăng nước đò xưa trở về.
(Sông Trăng)
Đoc những bài thơ của Đặng Xuân Xuyến trong “Cưỡng Xuân” ta hay gặp những cuộc tình chớp nhoáng như chỉ để khỏa lấp sự trống vắng trong đời nhưng thật ra, qua những câu thơ trên ta khám phá được tính cao thượng và chung thủy trong con tim yêu chân thành và sâu đậm của người thơ. Từ cái tình yêu quá đỗi chân thành và sâu đậm đó đã làm cho nhà thơ trở nên bi quan vì không ai đền đáp đủ trong đời:
Quá khứ buồn cứ để lạc trôi
Trăng với sao không đắp nền hạnh phúc
Thuyền với biển không nối cầu nguyện ước
Mây gió buồn cứ để dật dờ trôi.
(Quá Khứ)
Tình yêu “trăng với sao” là thứ tình yêu đầy thơ mộng nhưng cũng không đắp thành “nền hạnh phúc” được. Rồi tình yêu “thuyền với biển” là thứ tình yêu gắn bó keo sơn cũng gảy đổ cây “cầu nguyện ước”. Thế nhưng tác giả không quên đi bao giờ bởi vì “Quá khứ buồn cứ để lạc trôi/ Mây gió buồn cứ để dật dờ trôi” nghĩa là nó không tan đi, không biến mất, còn hóa ra thiên hình vạn trạng, dật dờ trôi trên bầu trời kia mãi mãi. Bầu trời kia là gì? Phải chăng là tâm hồn bao la của tác giả, là ký ức chứa những đám mây tình.
Từ những kỷ niệm buồn trong đời, nhà thơ mang mặc cảm, không còn thấy mùa xuân với hoa lá của nó. Nhà thơ nghĩ rằng tất cả niềm vui trong tình đều là sự “Cưỡng Xuân” nghĩa là mình hay ai đó phải tự làm cho mùa xuân đến, và chỉ cần đến để thỏa mãn cơn khát tình là đủ:
“Ừ thì rượu. Ừ thì thơ. Ừ mộng đẹp
Ừ thì say cho hỉ hả phong trần
Đêm phập phồng, ngực nõn hứng trăng non
Môi đón lưỡi uống hương tình bất tận.
.
Yêu thương nhé
Một lần thôi. Là đủ
Ta đâu cần gian díu giữa nhân gian…”
(Say Yêu)
Đọc cái chủ đề tập thơ là “Cưỡng Xuân” và những bài thơ bên trong như “Ẩm Trời”, “Cưỡng”, “Khát”, “Đêm”, “Say Yêu”…v..v nhiều người có thể cho rằng nhà thơ Đặng Xuân Xuyến thiên vể sự khoái lạc của tình dục. Thật thế, trong những bài thơ này tình yêu nóng như lửa, sôi động như phong ba làm da thịt người xem thơ cũng nóng lên hừng hực. Tuy vậy, nói như trên là ép tác giả. “Cưỡng Xuân” trong thơ Đặng Xuân Xuyến chỉ là hành động đáp ứng nhu cầu tình yêu cần phải có do đòi hỏi của con người, còn “Xuân” với hương hoa đầy đủ ý nghĩa của nó luôn luôn có trong thơ và trong tâm hồn tác giả nên không cần phải cưỡng. Xuân ấy là sức sống ứ căng. Có sức sống của xuân thì mới cưỡng được xuân đến với mình. Nếu nhà thơ Đặng Xuân Xuyến không có sẵn xuân trong hồn thì sẽ chẳng bao giờ cưỡng được xuân vì sẽ ít có hoa nào nở trong giá lạnh, mà không có hoa thì chẳng có xuân bao giờ. Bởi vậy đọc toàn bộ tập “Cưỡng Xuân” với 80 bài thơ ta mới thấy xuân tồn tại trong mỗi bài thơ với sức sống tươi thắm của nó, ta mới thấy xuân tồn tại trong nhiều bài thơ với chân tình của nó, với niềm say đắm đam mê, thanh khiết trong con tim chan chứa tình yêu.
Người viết xin rút gọn bài thơ có 12 câu còn 6 câu để khái quát cái điều mà tác giả tự nhủ đặt trong tim:
Đừng khắc lời thề trên đá
Đừng vẽ lời thề trên cát
Đừng ghim lời thề trên lá
Hãy nghe vọng tiếng con tim!
Hãy thở nhịp đập trái tim!
Hãy đặt trong tim lời thề!
(Đừng Thề)
“Hãy đặt trong tim lời thề” nhưng nếu ta bị lỗi thề thì phải “Cưỡng Xuân” nghĩa là cố mà quên để “đón bình minh trước cửa”:
Ừ ly nữa
Ừ thêm ly nữa
Ừ thì say! Ừ quên quãng sống thừa
Quên bóng tà lẩn khuất phía song thưa
Ta cạn chén đón bình minh trước cửa.
(Men Đắng)
Tuy thế nhiều khi cưỡng xuân phải chịu đau thương vì đó là hậu quá của những điều trái với lẽ tự nhiên:
Anh ngại ngùng khi em chợt hỏi anh
“Anh hạnh phúc hay chỉ lời chót lưỡi”
Biết nói sao để không thành giả dối
Rưng rức buồn…
Day dứt giấc mơ trăng.
(Mơ Trăng)
Với những bài thơ như “Người Xưa”, “Hương Thu”, “Tim Đau” và nhiều bài thơ khác ta thấy ở Đặng Xuân Xuyến một con tim thả lỏng tình yêu như thời còn trai trẻ, sôi động, thật thà, tha thiết, chân thành kể cả những lúc cưỡng xuân:
Đứng trước em anh thành người rất lạ
Thả rông hồn đắm đuối mắt em
Em rất gần
Nhưng cũng thật xa xăm
Em hời hợt để anh thèm vị biển
Em hoang sơ để anh khát đại ngàn
(Trả Em)
Yêu như thế là yêu với tất cả trái tim còn xuân. Lánh yêu như sau đây là lánh yêu với con tim đau nhưng vẫn là con tim còn xuân trẻ:
Thôi đành như người xa lạ
Hững hờ gom gió mùa đông
Thẩn thơ nhìn cây trút lá
Lánh nghe điệu lý tơ hồng
( Lánh Yêu)
Tóm lại, đọc “Cưỡng Xuân” (Xem: /cuong-xuan-tho-tinh-ang-xuan-xuyen-tinh.html) của Đặng Xuân Xuyến, ta có hai sự rung động cùng một lúc. Đó là sự rung động của con tim yêu chân tình, say đắm và độ lượng. Cùng lúc đó cũng bốc lên trong bầu máu nóng của ta một thứ hương tình cúa thể xác. Hai thứ hương đó quyện vào nhau cho ta sự khoái lạc lạ lùng trong nỗi đau khổ quặn thắt. Khoái lạc vì thơ Đặng Xuân Xuyến như ngùn ngụt ngọn lửa của ái ân thể xác và của âu yếm tinh thần. Đau khổ vì thơ Đặng Xuân Xuyến làm lạnh con tim, nỗi sầu được diễn tả như bông lơn nhưng làm cho người nghe quặn lòng se thắt. Thơ đó không phải là thứ thơ hư cấu. Thơ đó là thứ thơ nở ra như những bông hoa trường trãi được nẩy mầm từ hạt của nó, hạt ấy đã bị vui dập trong bao nhiêu biến động của đời./.
*
Đà Nẵng, ngày 13.07.2017
CHÂU THẠCH
“PHỤC SINH THƠ’: LỜI THÁNH CA TÌNH
CỦA LÊ VĂN TRUNG
Không biết từ lúc nào tôi có một bạn facebook tên là Trung Le. Rồi thì một hôm tôi tình cờ đọc được bài thơ đăng trên dòng thời gian của Trung Le. Bài thơ có nhan đề “Phục Sinh Thơ” với những câu thơ mà khi đọc xong tôi đã viết vào phần bình luận ở dưới là “thich phát điên”. Bài thơ như sau:
PHỤC SINH THƠ
Em về chiều sương hay đêm mưa
Về trong chiêm bao trong cơn mơ
Sài Gòn tháng sáu trời hanh gió
Nhớ em giọt nắng vàng câu thơ
Hình như chuông ngân hồi kinh chiều
Hình như chuông rung lời thương yêu
Thiết tha như thể bài kinh nguyện
Như lời tình tự của trăng sao
Áo ai vàng phơi trong thơ tôi
Ôi môi trầm hương mắt lệ ngời
Tôi về trải hết lòng nhung lụa
Rượu nồng xin cạn cuộc tình vui
Sài Gòn tháng sáu trời hanh gió
Ôi chiều hồng ươm chiều chưa mưa
Em về, thơm đóa tình xanh cũ
Nhớ em giọt nắng vàng câu thơ.
SG, 16 gio 13.6.17
LVT
Có lời bình luận của một bạn fay cho bài thơ trên như sau: “bài thơ như lời thánh ca”. Bình luận nầy được nhà thơ lớn Lê Mai Lĩnh nhắc lại: “Như lời thánh ca”. Với tôi, tôi cũng đồng ý như thế nhưng tôi xin thêm:”Lời Thánh ca tình”.
Bài thơ ghi bút danh ở dưới là LVT và tôi tò mò đi tìm cái bút danh nầy suốt đêm mới khám phá ra LVT tức là nhà thơ Lê Văn Trung, tức là bạn fay Le Trung của tôi hiện nay, tức là một nhà thơ đã có có vai vế trên văn đàn trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam. Sở dĩ tôi không biết nhà thơ nầy chỉ vì hồi ấy tôi là con dế còn nằm yên dưới cỏ chưa hề tập gáy.
Thật tình tôi là cây bút ông lão tuổi đời, con nít tuổi viết nên thường hay tránh rờ chân thơ văn của các bậc trưởng thượng trên văn đàn. Thế nhưng bài thơ nầy nó giống như con cáo thành tinh trong Liêu Trai chí dị, hằng đêm cứ len vào tâm trí tôi, làm cho giấc ngủ của tôi cứ lơ mơ nửa tỉnh nứa mê với nó. Vậy nên, thôi tôi cứ liều chăn gối với nó một lần chắc chẳng chết đâu. Mà dẫu có chết thì cũng chỉ là con dế già chết, lo gì.
Bây giờ hãy đi vào thơ. “Em về chiều sương hay đêm mưa/Về trong chiêm bao trong cơn mơ” có nghĩa là chẳng biết em về lúc nào hay đúng ra em chẳng về chi cả. Sự về của em chỉ là sự nhớ trong tâm trí của anh thôi. Hai câu thơ mở đầu đã đưa ta vào ngay một không gian ảo vọng trong một thời gian ảo vọng. Ta thấy em của nhà thơ mơ hồ hiển hiện bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. Tự nhiên cái nỗi nhớ dài lâu và mênh mông đó cũng theo hơi thơ xâm nhập vào lòng ta để ta cũng cảm thấy một niềm nhớ nhung xa vắng.
Rồi thì “Sài Gòn tháng sáu trời hanh gió” làm ta bỗng nhiên nhớ lại những câu thơ Nguyên Sa “Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt/ Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa/ Anh lạy trời mưa phong toả đường về/ và đêm ơi xin cứ dài vô tận” làm ta tưởng tượng cái ấm áp của sự yêu nhau trong tháng sáu nó thi vị nhường bao mà nay không có nữa. Câu thơ không nhắc đến thơ Nguyên Sa mà thơ Nguyên Sa tự nhiên dậy trong lòng người đọc. Còn nếu ai không nhớ đến thơ Nguyên Sa thì câu thơ cũng cho ta một trời Sài Gòn gió nhẹ làm rượi mát tâm hồn để dễ cho ai đó có một khúc mộng du quay về dĩ vãng.
Để kết luận khổ thơ đầu tác giả viết: :” Nhớ em giọt nắng vàng câu thơ”. Tác giả không nói “chiều nắng” hay “ánh nắng” mà nói “giọt nắng” chứng tỏ khi tác giả nhớ em thì trời đất biến đi, cả linh hồn anh đăm chiêu nên chỉ nhìn thấy từng giọt nắng lung linh trước mắt mình thôi. Nghĩ xa một chút nữa thì “ Nhớ em giọt nắng vàng câu thơ” có thể không phải là giọt nắng ngoài trời mà đây là giọt nắng trong thơ. Giọt nắng ấy chính là hồi ức những kỷ niệm trong quá khư đã làm câu thơ tác giả hoá ra sầu.
Vế thứ hai của bài thơ tác giả để cho tiếng chuông ngân vọng khắp cả không gian và thời gian về chiều, như tiếng lòng của anh trùm khắp vạn vật:
Hình như chuông ngân hồi kinh chiều
Hình như chuông rung lời thương yêu
Thiết tha như thể bài kinh nguyện
Như lời tình tự của trăng sao
Tác giả lặp lại hai lần chữ “Hình như” tức là không có tiếng chuông nào cả, hoặc là có thì nó cũng ở đâu xa văng vẳng vọng tới mà thôi.
Vậy thì đúng ra tiếng chuông nầy đã dậy lên ở chính trong lòng tác giả. Tâm hồn nhà thơ chính là đền thờ lớn đã liên tục đồng vọng tiếng lòng mình mà nhà thơ tưởng nó “hình như” trong không gian. Lời kinh thì chỉ để tôn vinh Thiên Chúa, lời kinh không thể là “tình tự của trăng sao” cho nên nói một cách chính xác thì “Hồi kinh chiều”, “lời thương yêu”, “bài kinh nguyện”, tất cả phát xuất từ rung động của tình yêu trong tâm hồn tác giả. Rung động đó tác giả đã huyền nhiệm nó, làm thiêng liêng nó, hoà nhập nó trong tiếng chuông đền thờ, làm cho chỉ một khổ thơ nầy mà bài thơ như một thánh ca, với tôi không phải thánh ca thờ Thiên Chúa mà thánh ca thờ tình, thứ tình vượt lên, thành ra chúa của tình.
Đọc vế thơ nầy người ta nghe được tiếng đồng vọng của hằng hà sa số chuông vọng xa xa mà cũng đồng thời nghe được tiếng tơ lòng tác giả rung động rất gần như tiếng chuông vọng ở bên tai mình vậy. Bởi thế nhiều người nhận xét cho bài thơ là “Thánh ca, thánh ca, Thánh ca” là vậy!!!.
Qua khổ thứ ba của bài thơ, tác giả nhớ lại một thời trãi nhung lụa trong hồn để yêu, uống rượu để làm nồng say một cuộc tình :
Áo ai vàng phơi trong thơ tôi
Ôi môi trầm hương mắt lệ ngời
Tôi về trải hết lòng nhung lụa
Rượu nồng xin cạn cuộc tình vui
Không hiểu vì sao đọc thơ Lê Văn Trung tôi lại cứ nhớ đến thơ Nguyên Sa. “Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc/ Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường/ Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương/tôi thay mực cho vừa màu áo tím”có nghĩa là nhà thơ Nguyên Sa đã chọn chiếc áo vàng là chiếc áo đẹp nhất của nàng nên đã nêu màu đầu tiên trong ba màu áo mà nàng đã mặc.
Ở đây nhà thơ Lê Văn Trung cũng thế: “Áo ai vàng phơi trong thơ tôi”có nghĩa là màu vàng của chiếc áo đã nhuộm cả hồn thơ, đã phất phới trong thơ, đã khiến nhà thơ “trãi hồn nhung lụa” để “cạn cuộc tình vui” và để sau nầy câu thơ cũng vàng vì những giọt tương tư. Cả một khổ thơ không có gì đặc biệt, nó chỉ biến thành hay nhờ chiếc áo vàng đã phơi trong thơ.
Khổ chót bài thơ là một bức tranh màu tươi thắm. Tác giả dùng màu hồng, màu xanh, màu vàng có thể nói là rực rỡ để vẽ một bức tranh buồn, bức tranh nhung nhớ:
Sài Gòn tháng sáu trời hanh gió
Ôi chiều hồng ươm chiều chưa mưa
Em về, thơm đóa tình xanh cũ
Nhớ em giọt nắng vàng câu thơ.
Đây là một cách chơi màu phù phép mà những tay bình thơ gà mờ như tôi không giãi nổi. Nhưng tôi thấy thịch thú vì nỗi nhớ sao mà đẹp quá, thi vị quá, không da diết, không não nuột mà lãng mạn tràn đầy. Cái chiều hồng trời không mưa ở Sài Gòn nhắc cho tôi những buổi chiều nằm gác trọ, những buổi chiều rong chơi và những buổi chiều vàng son thời trai trẻ đẹp làm sao tại Sài Gòn. Chữ “chiều ươm hồng” nhắc tôi liên nghĩ đến hình ảnh những trái cây mọng nước ở chợ Bến Thành. Câu thơ “thơm đoá tình xanh cũ” lại làm tôi liên nghĩ đến những trái ổi xanh um giòn rụm mà tôi cùng em đã mua ăn tại đây trong khi chờ xe Bus.
Tôi không hiểu cái tựa đề “Phục Sinh Thơ” có ý nghĩa gì nhưng tôi đoán có lẽ tác giả muốn nói em là thơ, em về là thơ được phục sinh.
Đọc bài thơ chắc không ai thấy buồn nhưng thấy tình yêu bỗng tràn trong từng thớ thịt. Ý thơ, tứ thơ không xa lạ gì nhưng tiếng thơ vỗ về tâm tư, làm cho tự nhiên tâm hồn ta thêm trân trọng cuộc tình đã mất, cất cánh linh hồn ta bay trong vô biên của tiếng kinh vọng chiều buồn mà êm ái ./.
Châu Thạch
CHÙM THƠ TẶNG THI HỮU HOÀI HƯƠNG XƯA
Bạn Thơ Tri Ngộ
(Tặng Hoài Hương Xưa)
Mây trời xưa thi sắc kiêu sa
Thơ “Hoài Hương" thơm vị quê nhà
Người tuổi hạc đọc lời nữ sĩ
Hồn miên man đắm đuối giữa hương hoa .
Đời khác biệt khó tìm đâu tri kỷ
Một vần thi tri ngộ nối duyên thơ
Mối tương giao tiền định quả không ngờ
Chiều xế bóng mầm hoa cùng nẩy hạt.
Trên dòng chữ thấy hương thơm ngan ngát
Bài thơ hay cho, tặng vạn lời ru
Những tâm thần tinh khiết cõi chân tu
Về hội ngộ trên đường văn nẽo sáng.
Em giàu có kho châu từ phóng khoáng
Ta tiêu pha vàng giác vạn câu thơ
Cõi thanh bai rạng rỡ đến vô bờ
Vào thưởng thức vườn hoàng gia thi tộc.
Bọn chúng ta những cây già nẩy lộc
Thơm vô cùng vì tích tụ tinh hoa
Những tâm hồn chắc lọc vẽ kiêu sa
Nhiều năm tháng bóng lên màu cao quý.
Ngoài bình dị để che điều tinh túy
Tay rời nhau mà hồn lại rất gần
Đời tuy xa mà tình lại rất thân
Nhà tuy khác mà chung vườn tao nhã.
Xin chúc nhau tìm cây thơm trái lạ
Vườn thanh bai ta hái quả ly tao
Để chia nhau hưởng thụ những ngọt ngào
Đời đem lại và thơ làm siêu việt ./.
Châu Thạch
MƯA NGĂN LỐI BƯỚM
(Tặng Hoài Hương người về từ USA)
Bên kia bờ biển em về
Trời sao mưa cứ tràn trề ngày đêm
Chỉ là mới gặp được em
Mà tình thi hữu nặng thêm rất nhiều
Thơ từng đọc rất mỹ miều
Mà người nay gặp yêu kiều hơn thơ
Trách trời sao lại hững hờ
Để cho mưa khắp bến bờ quê hương
Để cho nước lút con đường
Để ngăn lối bướm về vườn hoa xưa
Để em đợi sáng đợi trưa
Bên song mắt dõi màng mưa nặng lòng
Ta từng số kiếp long đong
Đời ta một mớ bòng bong rối bời
Cầm phone muốn gọi em ơi
Sợ mưa chia cắt những lời thân thương
Sợ em nhầm lỗi văn chương
Trách ai sao nhả lụa vương tơ tằm
Trời nầy mưa rả mưa ròng
Thơ vì em để cầu mong nắng về
Thôi em chớ mặt ủ ê
Phố Đà hưởng trận mưa quê mát lòng
Đất người khô ráo quanh năm
Dễ chi được đắp chăn nằm nghe mưa ./.
Đà Nẳng, ngày mưa lũ 16-10-2011
Châu Thạch
QÙA TẶNG VẦNG TRĂNG
(Gởi Phx.Hoài Hương tức Hoài Hương xưa)
Em đang ở phía bên kia bờ biển
Gởi thơ về tặng tôi một vầng trăng
Mắt không tật nhưng tâm tôi chắc khuyết
Thấy trăng em còn lại nửa cung Hằng.
Em chân thật với tâm hồn rất trắng
Lời như hương gởi đến tự trời xa
Nhưng trong tôi hết thảy những thật thà
Tin mọi sự, em ơi dường như chết.
Tôi đã sống những ngày hằng lê lết
Những cơn mưa lời dối tẩm vai gầy
Ôm những điều hy vọng ở trên tay
Và mắt thấy nó tan thành bọt biển.
Tôi đã sống với những người lương thiện
Bỗng một hôm bật ngửa khóc đau thương
Mắt nhìn lên thấy cả một thiên đường
Họ phá sập và vùi trong cỏ dại.
Những người yêu tôi đã hằng trường trãi
Còn cho tôi vầng nguyệt vẽ trong mơ
Huống chi em chỉ là bạn tình cờ
Thì trăng khuyết cũng làm tôi ngây ngất.
Dầu trăng khuyết tôi vẫn mơ sự thật
Đễ trong tôi tìm lại tháng ngày xưa
Sống đam mê và ngày tháng không thừa
Với đắm đuối với bao điều thi vị.
Trăng của em dẫu sau thành mộng mị
Có hề chi vì ảo tưởng quen rồi
Thêm một lần cũng chỉ thế mà thôi
Tôi cảm tạ, ôm vầng trăng em tặng ./.
Châu Thạch
THƯ CHO THI HỮU
(Mến tặng Hoài Hương Xưa)
Được biết bên kia tuyết đóng bông
Bên nầy cũng lạnh lắm mùa đông
Nghe tin muội sẽ về ăn tết
Huynh thấy vui như sắp nắng hồng.
Năm trước muội về có nhớ không?
Lũ lên đường phố ngập theo dòng
Tưởng đôi mắt đẹp vương trong lệ
Nhưng tiếng muội cười trong thật trong.
Những món bình dân muội ước mong
Muội ăn ngon miệng với ngon lòng
Bảo rằng hơi mẹ trong hương vị.
Huynh nhủ thầm ơi cô Việt Nam.
Lặn lội trong mưa muội viếng thăm
Đường xưa phố cũ cách bao năm
Bởi “chùm khế ngọt” thân thương ấy
Muội đã bay qua nửa đất vòng.
Nhìn muội lòng huynh cảm phục nhiều
Thấy tâm hồn muội tỏa hương yêu
Tình yêu đất mẹ thâm sâu quá
Bình dị, chân phương đến mỹ miều.
Năm trước muội về chỉ có huynh
Nay thêm thi nữ lắm người xinh
Muội về chắc chắn vui hơn trước
Những kẻ làm thơ đón chí tình.
Châu Thạch
Một Mình Cà Phê Thánh.
Trên đỉnh núi SaPa
Ta ngồi một mình ta
Hồn bổng nghe quốc quốc
Kếu giữa trời bao la
Ly cà phê rất đậm
Nước mắt ngược vào lòng
Thương nửa đời đi đong
Thương nửa đời đi rong
Không còn chi một nửa.
**
Sương mù giăng dưới trủng
Núi cao mờ xa xa
Ta ngồi một mình ta
Ly cà phê rất đậm
Tiếc một thời say đắm
Tiếc một thời hoài mong
Tiếc người giờ xa xăm
Tiếc một thời đánh đấm.
***
Bây giờ SaPa lạnh
Bây giờ ta hiu quạnh
Với phim đời mong manh
Với ly cà phê thánh
Ta ngồi nhìn phong cảnh
Trong sương mù sapa
Thương mình thương người ta
Thương lẽ đời phôi pha
Tan trong làn khói biếc
Thương linh hồn da diếc
Thương nỗi đau chểt tiệt
Tắt nụ cười thiên thu.
***
SaPa trong sương mù
Ly cà phê rất thánh!!!
Châu Thạch
ĐỌC “HÀ NỘI QUÊ TÔI” THƠ LÊ MAI
Tôi là người sinh ra và lớn lên ở Miền Nam. Trước 1975 tôi còn trẻ lắm, tôi ước muốn được đến ngay Hà Nội khi nước nhà vừa ngưng tiếng súng. Thế nhưng mộng ước đó không thành vi ngày đó tôi phải lên núi để làm cái việc nhà nước gọi là “Học tập”. Sau đó tôi đọc về Hà Nội, tôi nghe về Hà Nội và tôi cũng có đến Hà Nội vài ba lần. Thật tình sao bây giờ tôi cảm thấy không có chút gì yêu Hà Nội như xưa cả. Có lẽ tôi giống như một đứa con bị cha đánh đau nên trong lòng xơ cứng cảm giác yêu thương quê nội. Rồi bổng nhiên mấy ngày gần đây, khi tình cờ đọc được bài thơ “Hà Nội Quê Tôi” của nhà thơ Lê Mai, cái cảm giác yêu Hà Nội của tôi thời xưa ấy hình như có trở lại
Tôi thích bài thơ ngay từ ba câu thơ đầu tiên, và chính ba câu thơ đầu tiên đã lôi kéo tôi đọc toàn bài:
Tôi là người lao động, thế thôi
Nhưng quê tôi
Hà Nội!
Hà nội có quá nhiều thơ, quá nhiều nhạc ca tụng, những thứ thơ nhạc đó theo một trào lưu có sẳn, hay thì hay nhưng nghe vẫn thấy có gì không thật. Hà Nôi thành thơ trong tay một người lao động có lẽ là một món ăn tinh thần mới lạ, gợi trí tò mò cho những ai từng ăn những món ăn có quá nhiều vị đậm, sinh ra nhàm chán. Đọc sách, đọc tin ta thấy người Hà Nội mỗi ngày thêm hư, nhưng chắc chắn, người lao động vẫn thế, vẫn là Hà Nội thanh lịch, cái thanh lịch ngàn năm tiềm ẩn trong con người Hà Nội mà vì nghèo không có điều kiện để hư. Người lao động có ai hư chăng, thì chỉ là cái bề ngoài phải thích ứng trong cuộc sống, nhưng trong tâm hồn họ, muôn đời là sự thật thà chơn chất, vẫn trắng trong như chữ thanh và hài hoà như chữ lịch. Vì thế, tôi có cảm tình ngay với bài thơ của “Người lao Động Hà Nội”.
Rồi bài thơ được tiếp nối bởi những câu kể lể về quê hương, về thời tuổi trẻ:
Nơi tôi có mẹ già, mảnh đông quê ngát hương đồng nội, thơm phố phường chật chội bon chen
Nơi tôi có người cha không quản phận nghèo hèn, gắng nuôi con không thua bè kém bạn.
Đất quê tôi không lũ cao nắng hạn
Chỉ chân trời trên nóc bếp cheo leo
Tuổi thơ tôi những năm tháng leo trèo
Bắt bọ ngựa,
dính ve,
trèo me,
ném sấu.
Lời rủ rê của lũ ve yêu dấu
Gọi hè về thúc nở những mùa chơi.
Cơm nguội vàng háo hức giục bàng rơi
Sông Hồng xoáy trong tôi dòng nước mát
Gió quê tôi đêm ngày vi vút nhắc:
Kỷ niệm của quá khứ có đầy ở đoạn thơ nầy. Đó là cái quá khứ vui nghèo mà bất kỳ đứa trẻ nông thôn nào cũng nhớ. Đoạn thơ nầy có tác dụng khơi gợi ký ức, như một đoạn phim chiếu cảnh miền quê với tiếng nhạc êm đềm, làm thư giản tâm hồn, chuẩn bị cho những màn đầy kịch tính được tiếp diễn. Thật vậy, ta giật thót mình khi đọc: “Giếng Ngọc là của tôi”. Lần đầu tiên tôi nghe một người nhận như thế và ngạc nhiên vì biết Giếng Ngọc là di tích của lịch sử. Và đây là lý do nhà thơ nhận Giếng Ngọc là của mình:
Giếng Ngọc là của tôi
Giọt nước mắt tổ tông ngàn năm còn nhức nhối trong đời
Cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội, huyền thoại rồi còn rời rợi yêu thương.
Tác giả đưa Giếng Ngọc trong huyền thoại Trọng Thuỷ Mỵ Châu vào thơ, làm đại diện cho thứ tình yêu trong lòng người Hà Nội. Nhà thơ nhận là của mình để khẳng định bất kỳ người Hà Nội nào cũng giống ông, đều có thứ tình yêu thương rời rợi, diễm lệ và thâm thuý tình sử, giống như giọt nước trong veo của Giếng Ngọc. Haycủa thơ ở chổ ghép ta vào người và ghép ngừoi vào ta, từ đó người đọc đồng cảm với Lê Mai là người Hà Nội và Người Hà Nội là Lê Mai.
Tiếp theo Giếng Ngọc, nhà thơ lại nhận thêm một thứ của thiên hạ thành của mình nữa:
Văn Miếu là của tôi
Pho sách thơm cha ông tạc để đời, cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội đốt trầm trong lúc đọc thơ.
Tác giả xem Văn Miếu như một pho sách của tiền nhân mà con cháu đời nay thừa tự trong đó có ông. Cái câu “người Hà Nội đốt trầm lúc đọc thơ” biến câu thơ ông trở thành con Long con Phụng, chứa chấp ngàn năm văn hoá trong cử chỉ đọc thơ nầy, tôn vinh vẽ đẹp tinh thần của người Hà Nội, tạo một khung cảnh tôn nghiêm cho vùng đất Hà Nội và đưa tâm hồn người đọc tự nhiên lắng sâu vào thanh tịnh. Một câu thơ ngắn với tứ thơ cao như câu thơ nầy có khả năng làm người đọc thấy quá khứ sống trong hiện tại.
Thế rồi tiếp theo, chùa cũng của nhà thơ luôn:
Chùa Diên Hựu là của tôi!
Đóa sen tâm bừng nở ngát cõi người cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội cấp gạo thuyền giặc chết khỏi tha hương.
Chùa Diên Hựu hay chùa Một Cột, là một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội, có kiến trúc độc đáo như một bông sen từ dưới nước vươn lên. Nhà thơ đem cái bông sen đó làm biểu tượng cho tấm lòng nhân đạo của người Hà Nội ngày xưa, cùng với dân ta đem lúa gạo của mình cấp cho quân giặc Minh xâm lược bị thua trận có cái ăn mà quay về bản xứ. Cấp gạo cho giặc và xây chùa Một Cột không liên quan nhau, nhưng nhà thơ đã khôn khéo dùng hình tượng hoa sen của chùa, lấy kỳ quan đất nước sừng sửng ngàn đời thể hiện cho lòng vị tha của dân tộc là một kết cấu giữa văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể vô cùng nhuần nhuyễn để tôn cao ý nghĩa của hai cái đẹp giữa lòng thủ đô Hà Nội.
Tiếp theo là Tháp Bút – Đài Nghiêng cũng của tôi luôn:
Tháp Bút – Đài Nghiên là của tôi
Tả Thanh Thiên xao xuyến cả cõi trời, cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội nâng cốm Vòng trong những lá sen tươi.
Với hai câu thơ trên, tác giả đem cái Tháp Bút “Tả thanh thiên xao xuyến cả cõi trời” gói vào trong những lá sen tươi của cốm Vòng Hà Nội. Tháp Bút- Đài Nghiêng là biểu tượng của văn chương Hà Nội. Cốm Vòng là món ăn thơm ngon của mùa thu Hà Nội. Hãy tưởng tượng khi ta nhìn Tháp Bút mà nghĩ đến hương thơm cốm Vòng toả ra trong bầu trời Hà Nội hay ta ăn cốm Vòng mà nghĩ đến thứ hương nầy sẽ toả trên Tháp Bút thì hồn ta chìm trong sảng khoái.
Thế rồi, hãy tiép tục tìm xem còn cái gì của Hà Nội mà nhà thơ nhận là của mình:
Hồ Tây là của tôi!
Tấm gương trong mây hất tóc dỗi trời, cho tôi hiểu tình yêu người Hà Nội vì đâu mà vợi vợi mênh mang.
Hồ Gươm là của tôi!
Lẵng hoa tươi thiên nhiên kết dâng người, thơm như môi con gái, mềm mại như tuổi dậy thì,liễu bên hồ chớp chớp làn mi, đẹp đến thế sao mang tên Hoàn Kiếm? Lẵng hoa đời nền văn hiến trổ bông.
Đài liệt sĩ vô danh là của tôi!
Sắc xám xanh lánh lạnh ánh sao trời, cho tôi hiểu vì đâu trăng Hà Nội suốt bốn mùa rười rượi thanh thanh.
Nén nhang thắp trong mỗi gia đình là của tôi!
Nén nhang tươi nhức nhối nhỏ kiếp người , cho tôi hiểu vì sao sông Cái đỏ, những nụ đào hé tỏ ánh phù sa.
Tóm lại, tất cả cái gì tốt đẹp của Hà Nội là của nhà thơ. Nhà thơ nhận như thế không phải là nhận bừa vì Hà Nội ở trong lòng ông và cả trong lòng mọi người. Ai cũng có một Hà Nội của mình. Mỗi điểm của Hà Nội đều mang đặc trưng về một ý nghĩa tốt đẹp nào đó. Điều đặc biệt: nhà thơ nhận từng điểm của Hà Nội là của riêng ông, không phải của nhân dân, của tổ quốc là cái to lớn mà con người chỉ tán tụng ở đầu môi. “Của Tôi”là thực tế nhất và quan trọng nhất vì tôi yêu thương , bảo vệ cái của tôi hơn ai hết.
Cuối cùng là EM:
Và em là của tôi!
Sự sống thiêng liêng kết bằng máu thịt người, cho tôi hiểu mình lẽ đời giản dị! Báu vật của đời được phép ví với em!
Tôi là người lao động,
thế thôi!
Nhưng quê tôi, Hà Nôi!
Em thì đương nhiên của tôi rồi nhưng em của Lê Mai thì phải hiểu là Em Hà Nội. Nhà thơ yêu từng ngóc ngách Hà Nội nên em là biểu tượng, là sắc thái Hà Nội. Chữ “em” ở đây hàm chứa hết mọi cái “của tôi” mà nhà thơ đã nhận về cho mình. Đặt “em” vào khổ chót của bài thơ tác giả muốn mượn em để bày tỏ hết thứ tình yêu Hà Nội, đưa tình yêu với em vào thứ tình yêu thiêng liêng với Hà Nội và đưa tình yêu Hà Nội vào thứ tình yêu thắn thiết với em.
Tôi nghĩ, bài thơ “Hà Nội Quê Tôi” của Lê Mai nếu được đưa vào học đường thì nó sẽ khai tâm các em tìm hiểu về thủ đô ngàn năm, bởi bài thơ phát hoạ những di tích lịch sử có ý nghĩa thiêng liêng. Bằng tiếng thơ, nhà thơ đã giới thiệu cái giá trị văn hoá vật chất lâu đời của Hà Nội để từ nền văn vật đó, làm toả sáng giá trị văn hoá tinh thần gọi là văn hiến. Bài thơ không yêu Hà Nội bằng thứ tình cảm vu vơ mà bày tỏ một tình yêu bằng lý trí, tôn vinh một Hà Nội đẹp cảnh và đẹp người trong chiều dài lịch sử. Cuối cùng, bài thơ cho ta dồn dập sự rung cảm, rung cảm với tâm hồn yêu “Hà Nội Quê Tôi” của một người dân lao động, Thế thôi! ./.
Châu Thạch
HÀ NỘI QUÊ TÔI
Lê Mai
Tôi là người lao động, thế thôi!
Nhưng quê tôi:
Hà Nội!
Nơi tôi có mẹ già, mảnh đông quê ngát hương đồng nội, thơm phố phường chật chội bon chen
Nơi tôi có người cha không quản phận nghèo hèn, gắng nuôi con không thua bè kém bạn.
Đất quê tôi không lũ cao nắng hạn
Chỉ chân trời trên nóc bếp cheo leo
Tuổi thơ tôi những năm tháng leo trèo
Bắt bọ ngựa,
dính ve,
trèo me,
ném sấu.
Lời rủ rê của lũ ve yêu dấu
Gọi hè về thúc nở những mùa chơi.
Cơm nguội vàng háo hức giục bàng rơi
Sông Hồng xoáy trong tôi dòng nước mát
Gió quê tôi đêm ngày vi vút nhắc:
Giếng Ngọc là của tôi
Giọt nước mắt tổ tông ngàn năm còn nhức nhối trong đời
Cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội, huyền thoại rồi còn rời rợi yêu thương.
Văn Miếu là của tôi
Pho sách thơm cha ông tạc để đời, cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội đốt trầm trong lúc đọc thơ.
Chùa Diên Hựu là của tôi!
Đóa sen tâm bừng nở ngát cõi người cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội cấp gạo thuyền giặc chết khỏi tha hương.
Tháp Bút – Đài Nghiên là của tôi
Tả Thanh Thiên xao xuyến cả cõi trời, cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội nâng cốm Vòng trong những lá sen tươi.
Hồ Tây là của tôi!
Tấm gương trong mây hất tóc dỗi trời, cho tôi hiểu tình yêu người Hà Nội vì đâu mà vợi vợi mênh mang.
Hồ Gươm là của tôi!
Lẵng hoa tươi thiên nhiên kết dâng người, thơm như môi con gái, mềm mại như tuổi dậy thì,liễu bên hồ chớp chớp làn mi, đẹp đến thế sao mang tên Hoàn Kiếm? Lẵng hoa đời nền văn hiến trổ bông.
Đài liệt sĩ vô danh là của tôi!
Sắc xám xanh lánh lạnh ánh sao trời, cho tôi hiểu vì đâu trăng Hà Nội suốt bốn mùa rười rượi thanh thanh.
Nén nhang thắp trong mỗi gia đình là của tôi!
Nén nhang tươi nhức nhối nhỏ kiếp người , cho tôi hiểu vì sao sông Cái đỏ, những nụ đào hé tỏ ánh phù sa.
Và em là của tôi!
Sự sống thiêng liêng kết bằng máu thịt người, cho tôi hiểu mình lẽ đời giản dị! Báu vật của đời được phép ví với em!
Tôi là người lao động,
thế thôi!
Nhưng quê tôi, Hà Nôi!
Châu Thạch
ĐỌC THƠ HAY:
“CHẤP CHỚI” ĐẶNG XUÂN XUYẾN VÀ “THÁNG TƯ ƠI” BÙI THỊ QUÍ - Châu Thạch
ĐỌC “CHẤP CHỚI”
THƠ ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Có người líu ríu theo chồng
Buông lơi lời hát
Bỏ ngày xuân ngăn ngắt
Thúc nhịp trống dồn...
Se sắt buồn
Ơi người “xe chỉ luồn kim”
Ơi người nhớn nhác đi tìm
Đầu ghềnh cuối bãi
Lời xưa có còn mê mải...
Tìm ai...
Kìa ai...
Lừng chừng câu hát
Gió gằn ràn rạt
Trời mưa...
Chấp chới cánh diều.
Bình ngắn: Châu Thạch
Dầu tác giả Đỗ Anh Tuyến đã viết một bài bình cho bài thơ nầy và nhận xét “Chấp Chới chưa phải là một bài thơ hay, mà chỉ là một bài thơ khá, trên mức trung bình” thì tôi vẫn đánh giá nó là một bài thơ hay vì nó đã là “một bài thơ khá, trên mức trung bình” thì phải là một bài thơ hay rồi. Tôi đã viết nhiều bài cảm nhận về thơ Đặng Xuân Xuyến nên tôi không muốn viết nữa về anh. Thế nhưng đọc “Chấp Chới” xong thì trí óc tôi cứ ngứa ngáy như thơ anh có chất gì gây ngứa cho tôi. Ngứa thì phải gải, không gải thì nó cứ ngứa. Vậy nên tôi phải viết đây là viết cho tôi, như mình tự gải cho đả ngứa mình, chớ không phải viết cho nhà thơ chút nào.
Khổ thơ thứ nhất vào đề cho ta liên tưởng đến hình ảnh xa xưa cúa cái thời hát dân ca thịnh hành ở các miền quê Bắc bộ.
Có người líu ríu theo chồng
Buông lơi lời hát
Bỏ ngày xuân ngăn ngắt
Thúc nhịp trống dồn...
Các cụm từ “líu ríu theo chồng” cho ta nghĩ đến một đám cưới ép duyên. Rồi các câu thơ “Buông lơi câu hát/ Bỏ ngày xuân ngăn ngắt/ Thúc nhịp trống dồn” khiến ta liên nghĩ đến vô vàn hội hè, đình đám gọi là “văn hoá phi vật thể” của cái thời mà nông thôn còn nguyên bản sắc của nó . Ngày nay các hội hè đó được lập lại một cách giả tạo mà nếu đưa vào thơ thì nó trở thành nhạt nhẻo cho thơ. Vậy nên đọc bốn câu thơ trên ta phải nghĩ về quá khứ thì mới thấy rung động bởi vàng son của một thời và bởi niềm đau của người phụ nữ trong thời lạc hậu xa xưa mà ngày nay rất ít xảy ra.
Vậy khổ thơ hay chổ nào? Hay ở chổ nói cụt ngủn mà lại diễn đạt tràn lan. Ta đọc thơ, hiểu được tánh cách cô gái, thấy được làng quê yên bình, cảm nhân được dáng dấp cô gái bị ép theo chồng, và tất cả tâm hồn ta như đứng giữa cái khung cảnh yêu thương, gắn bó, cọng với nỗi buồn điểm xuyết, làm cho thi vị trong tâm hồn được thắm thiết thêm.
Vế thơ thứ hai diễn tả cái gì? -Thất tình và đi tìm kỷ niệm:
Se sắt buồn
Ơi người “xe chỉ luồn kim”
Ơi người nhớn nhác đi tìm
Đầu ghềnh cuối bãi
Lời xưa có còn mê mải...
Người “xe chỉ luồn kim” là người vợ. Câu thơ cho ta biết cô gái “líu ríu theo chồng” đã thành người “xe chỉ luồn kim” cũng buồn “se sắt”. Còn người ở lại thì lang thang đầu ghềnh và mê mãi trong tâm đi tìm quá khứ.
Khổ thơ với những vần thơ có thể gọi là “cà dựt”, nghĩa là nó ngắt khúc từng ý thơ và tứ thơ không dính dáng gì nhau, nhưng chính cái “cà dựt” đó làm cho tiếng thơ trở nên dập dồn, kích thích người đọc, làm căng thẳng cảm xúc và trọn vẹn gói vào đó niềm đau của đôi trai gái thất tình.
Qua khổ thơ thứ ba tác gỉả dùng từ ngữ như những nhát búa đập liên tục vào điểm yếu của con tim, làm cho đau đớn, làm cho rỉ máu, làm cho nghẹn ngào, uất ức:
Tìm ai...
Kìa ai...
Lừng chừng câu hát
Gió gằn ràn rạt
Trời mưa...
Chấp chới cánh diều.
Cuối cùng, tác giả dùng câu thơ “Chấp chới cánh điều” để hình tượng cho bài thơ “Chấp Chới” của mình. Đó là một kết luận tuyệt hảo diển đạt toàn bộ sự chao đảo, nỗi cô đơn và vẽ đẹp lung linh của mối tình như cánh diều chấp chới giữa bầu trời.
“Chấp chới” là một bài thơ vô cùng “chấp chới”. Nó đúng như là cánh diều vút lên rồi chao lượn trên nền trời. Nó làm người xem cứ ồ lên tán thán vì nhìn đã con mắt, bởi chính nó là một cánh diều vừa lạ lại vừa tung hoành lả lướt nhờ sự gọn nhẹ vô cùng của nó ./.
Châu Thạch
Đọc “Tháng Tư Ơi” thơ Bùi Thị Quý
THÁNG TƯ ƠI!
Bùi Thị Quý
Em chờ gì?!!!
Người đi đâu có hứa.?!!!
Sẽ trở về cùng Thành phố và Em.
Em đợi gì?!!!
Để năm tháng mõi mòn
Cho nhan sắc tàn phai cùng năm tháng.
Em vẫn đợi chờ,!
Dù người đi không hẹn.
Lại một tháng Tư buồn
Gặm nhấm trái tim Em.
Tháng Tư ơi!
Sao nhớ mãi không nguôi.
Cuộc hội ngộ....
Ôi! Nghìn trùng xa cách.
Em vẫn đợi chờ...
Dù biết không có thật.
Mơ về Anh ...
với ngày tháng miệt mài.
Saigon và Em
Nỗi nhớ mãi không phai...
24-4-2017
Lời bình ngắn: Châu Thạch
Thơ về tháng tư thì nhiều. Thơ của hai phía. Phía vui thì thật vui, phía buồn thì thật buồn. Tôi tình cờ đọc được bài thơ “ Tháng Tư Ơi” tác giả Bùi Thị Quý mà tôi đoán có lẽ không ở phía nào. Bài thơ nhẹ như những chiếc lá làm biểu tượng của những nỗi buồn đang chao đảo. Ta nhìn những chiếc lá vàng bay đẹp làm sao thì bài thơ cũng đẹp như thế ấy. Lá bay nhẹ quá, chạm vào ai cũng chẳng hệ gì, nhưng chính lòng nó đang đau và rơi vào cõi chết. Bài thơ cũng thế, không động chạm phía nào nhưng tự nó chất chứa cô đơn, trông chờ, ưu tư và da diết. Chỉ hai câu thơ đầu thôi với hai dấu hỏi và sáu dấu than cũng đã cho ta thấm sự khắc khỏi ở trong lòng ai đó:
Em chờ gì?!!!
Người đi đâu có hứa.?!!!
Tiếp nối bài thơ tác giả dùng nhiều điệp khúc tháng tư. Tháng tư của người đi và tháng tư người đợi. Tháng tư của nghìn trùng xa cách, tháng tư của ước mơ hội ngộ, tháng tư của Sài Gòn và em với nỗi nhớ không phai. Tháng tư trong thơ trở thành biểu tượng: Biểu tượng của chia ly, biểu tượng của chung thuỷ đợi chờ, biểu tượng của nỗi nhớ triền miên và biểu tượng của ngang trái giữa cuộc đời. Bài thơ ngắn, từng câu thơ êm ái nhưng tiếng thơ dồn dập tâm tư, hồn thơ quặn thắt nỗi bi thương.
Toàn bộ bài thơ không có ý thơ cao siêu, không có tứ thơ nào mới lạ, nhưng toàn bộ bài thơ là một bức tranh hài hoà, ẩn chứa trong đó biến cố thời đại, sự kiện tiêu biểu làm đau lòng người.
Thơ là tiếng nói của tâm tư: tâm tư mình, tâm tư của tha nhân và tâm tư của thời đại. Bài thơ “Tháng Tư Ơi” đã làm được điều ấy với vần thơ như những cánh bồ câu bay trên bầu trời buồn thì rất buồn nhưng đẹp thì cũng rất tuyệt vời./.
Châu Thạch
Châu Thạch
Viết cho Hoàng Thị Mót
Em đã nằm yên dưới gốc mai
Bốn mươi hai năm quả thật quá dài
Hoa tàn gốc tạ theo năm tháng
Xương dưới mai già kết ngọc trai.
Những vết thương đau ở xác thân
Lành ngay khi đã hoá ra thần
Hồn em nhẹ lắm như mây trắng
Thanh thản bay về vạn lối tân.
Bạn bè, thân quyến vẫn còn đây
Những nén tâm hương thắp tháng ngày
Ngàn năm trang sử đau thương ấy
Vẫn có em, dầu bao đổi thay.
Tôi vẫn hình dung đẹp biết bao
Bài thi, áo trắng một hôm nào
Em đem gởi lại cho trần thế
Cất cánh bay về cõi vạn sao ./.
Châu Thạch
" BẠN TÔI DƯỚI CỘI MAI GIÀ "
Bài viết của Hoàng Thị Thy Tuyết
Những năm tháng tuổi thơ của chúng mình ngày xa xăm năm ấy..tràn trề tiếng bom rơi đạn xé.gầm rú xuyên đêm, không sao có giấc ngủ bình yên.với mây trời gió lộng..với trăng sao trên trời đầy cả chuyện thần tiên..ôi thương làm sao! Và thật xót xa cho miền địa đầu giới tuyến quê tôi đã nghèo còn gặp lắm đau thương của cuộc chiến tương tàn chỉ thấy chết chóc và tan nát thôi..!!
Chuyện cứ ngở như đã ngủ quên từ bốn mươi lăm năm qua..nhưng sao chiều nay sống lại mãnh liệt. .cuồn cuộn như biển động sóng dài..lan tỏa lan tỏa khôn nguôi.trong tâm tư.!
Sau khi có duyên gặp lại Thuận. Trần thị Thuận nick name trên fa là Thi Thien Thu Tran ,năm xưa từng sinh hoạt chung Thiếu nhi Thánh Thể ở Giao đường Thạch Hãn. Lớn lên.lại chung lớp mười C do Cô Hong Vo làm giáo sư cố vấn ..rồi ly tan đây đó vì chiến cuộc..nay tóc đã hai ba màu..nhân duyên dược gặp nhau..rơi vào tháng tư.!!.thôi thì líu lo nhắc nhau nhớ về một thuở xa xôi với bao diều tiếc nuối vui buồn khôn nguôi.của tuổi dại khờ.!
.Nhưng dặc biệt và ấn tượng nhất là câu chuyện phút cuối của Hoàng Thị Mót..một người bạn vui tính, học giỏi và dược Thày yêu bạn quý..bạn ra di khi tuổi đời chưa tròn đôi chín vào mùa Hè đỏ lửa 1972!!! Theo lời Thi Thien Thu Tran kể lại..Sau khi nhận duoc thông báo chung của nhà trường Nguyễn Hoàng..thì học sinh có một số quay về để ôn thi.trong đó có Mót và Thuận..ngày ngày Mót lại qua nhà Thuận để cùng học bài..tối về ngủ bên nhà..hai nhà cách nhau cũng trên dưới 100 mét..Sáng hôm dịnh mệnh..khi tiếng pháo kích đang hú inh tai vì gần quá..Thuận nhắc "Mót..chạy vô hầm núp đi!!.".Mót cười trả lời
" Không lẻ cả thành phố này..pháo không trúng ai, mà pháo trúng vô nhà này hay sao mà Thuận sợ?!
Câu nói vừa dứt thì Thuận cũng không còn biết gì nữa..khi mở mắt ra thì thấy đang nằm diều trị một mình trong bệnh viện Quảng Trị..Đoạn trường đoạn đường cầu dài có mặt bệnh nhân Thi Thien Thu Tran..nhưng sau khi bạn đến được bẹnh viện Việt Đức, ngay trung tâm thành phố Đà Nẵng thì năm mơ thấy Mót về bên giường trong bộ áo dài lụa trắng có hoa văn chữ thọ ..Mót vui vẻ nói:"
" Mót đi học..nhưng vì vết thương ở lưng bị hỏm vào quá sâu, nên phải lót vào cái gối nhỏ để mặc áo dài mới che kín đuoc..và cái chân thì bị gảy gần lìa ra khỏi cơ thể..!!"
Sau một thời gian..Thuận gặp lại Quốc, một người bạn trai ở dối diện nhà Thuận.chung dường Hồ Đắc Hanh. Quốc cho biết, chính tay bạn đã chôn cất Mót ngay DƯỚI CỘI MAI GIÀ trước sân nhà Thi Thien Thu Tran..và những vết thương mà Mot báo mộng là sự thật !!!
Và thời điểm đó..mình đang học tại trung tâm điều dưỡng Huế..Nhà trường cũng có lịnh di tản vào Đà Nẵng..gần thi tốt nghiệp mà chạy loạn không gì khổ hơn. Không ai nói với ai,Tất cả các nhà thờ nhà truong cac vùng quân sự của Mỹ rút quân ở Hòa Khánh, Non Nước Sơn Trà đều trở thành điểm dừng chân nghỉ ngơi trú ngụ cho dân lánh nạn từ Quảng Trị và Huế chạy vào ồ ạt..Nhà mình cũng cùng chung số phận.. Không nhớ vì sao thời gian đầu gia đình mình trôi dạt vào nhà thờ Khiết Tâm ở quận 3 Đà Nẵng..Có bốn đến năm gia đình ở chung một lớp học , có đêm vì quá oi bức , nóng không ngủ được, mình thức giấc, ngồi đếm nhân khẩu đang ngủ say sưa trong căn phòng bé tẹo đó, lớn bé lên tới 53 người !
Chính vì thế , mình chuyên ngủ bên cửa sổ với Mạ ..có một đêm đang ngủ thật say..thì bổng đâu thấy Mót bước qua của sổ và nằm xuống bên cạnh mình..cái cảm giác ấm nồng của cơ thể đến giờ vẫn còn nhớ..Mình khẻ quay qua và Mót nói cười vô tư..
" Bửa rày Mót chết rồi..mà Thy Tuyết có cần gì không? nói để Mót giúp cho..!!"
Chao ui, mình như vớ được Cô Tiên trong tranh..mình nói ngay..
" Ừ , TT gần thi tốt nghiệp rồi..mấy chục môn mình chỉ ngán môn Nghệ thuật Điều Dưỡng thôi..."
Bạn vui cuoi nói " Dể thôi yên tam đi..và rạng sáng rồi..Mót đi đây..!" Dứt lời là bạn bước ra khỏi của sổ và trong nháy mắt không nhìn thấy bạn nữa..!!
Sáng hôm sau mình đi thực tập bên trường Nam của ĐN.gặp Lương thị Minh Tâm, mình kể lại câu chuyện mộng mị..Minh Tâm nói..mình cũng tháy bạn đêm qua..!!!
Một nén hương lòng thắp lên dâng về bạn..Với bao nỗi niềm đầy vơi sau biến cố đã qua non nửa thế kỷ nay!..
..Và Không hiểu sao cứ đến tháng tư về là bao thuơng tếc quay về trong mổi chúng ta..Và lớp tứ ba ơi..đặc biệt Vo Thi Quynh nếu thân nhân của HTM muốn biết nhiều hơn xin liên lạc với Thi Thien Thu Tran ...Bạn ấy luôn sẳn lòng chia sẻ tin tức VÈ CỘI MAI GIÀ trong sân nhà. mà bạn nắm bắt rất rõ.nhé..
4/19/2017.
Tổ chim sẻ Nguyễn Hoàng
Chico chiều mưa lạnh...
Hoàng Thị Thy Tuyết
Nhà Bình Thơ Châu Thạch
CÕI TỊCH LẶNG TRONG “IM LẶNG”, THƠ XUÂN LY BĂNG
Cảm nhận của Châu Thạch
Nhà thơ Hàn Mạc Tử đã được xem là nhà thơ của đạo Thiên Chúa vì thơ ông chính là “nguồn trong trẻo vô biên” phát ra từ sự cảm xúc bởi đức tin trong tim. Nhà thơ không chủ ý sáng tác để tôn thờ Thiên Chúa hay để truyền bá Phúc âm nhưng Thiên Chúa đã chiếm ngự linh hồn ông, nên thơ ông tự nhiên đầy dẫy Thánh Linh. Tôi tìm được người thứ hai có phong cách như thế trong bài thơ “Im Lặng” của nhà thơ Xuân Ly Băng. Im lặng theo định nghĩa của từ điển là không có lời nói, không có tiếng động nào. Sự im lặng nầy chỉ xảy ra ở bên ngoài nhưng trong tâm vẫn còn xao động bởi muôn vàn hỷ nộ, ái ố của chính mình. Im lặng theo triết lý Phật giáo là “tỉnh lặng như chánh pháp”, nghĩa là tâm thức vẫn hoạt động nhưng tự mình hướng cho tâm thức quay về nẻo thiện, tránh nỗi đau và tìm sự an lạc.
Bây giờ hãy đi vào thế giới “Im Lặng” của Xuân Ly băng:
Dáng ngọc lượn về trong giấc êm
Nhẹ tựa hoa bay chốn nguyệt thiềm
Đường vào im lặng mê ly quá
Lót toàn tơ lụa cõi thần tiên
Nhà thơ vào đề bằng hai chữ “Dáng ngọc”. Dáng ngọc ở đây “lượn về trong giấc êm”, “nhẹ tựa hoa bay chốn nguyệt thiềm” cho ta phỏng đoán ngay được “Dáng ngọc” là linh hồn. Linh hồn thì “lượn về trong giấc êm”, mới “nhẹ tựa hoa bay” để đi vào con đường “ im lặng mê ly”, “lót toàn tơ lụa cõi thần tiên” được. Thể xác chúng ta thì vì quá nặng nề không vào được nơi đó bao giờ.
Khổ thơ đầu giới thiệu với ta một linh hồn thoát xác bay trên con đường im lặng. Con đường ấy tất nhiên không có ở trần gian vì nó đã được “lót toàn tơ lụa cõi thần tiên” và nó cũng có thể đang hiện hữu có sẳn một nơi nào đó hoặc ở chính trong tâm thức mà nhà thơ khám phá được.
Khổ thứ hai của bài thơ cho ta thấy chốn Im lặng nầy không hẳn là đã ngưng tiếng động, mà ngược lại tiếng động của nó vẫn được nghe ở một dạng khác, dào dạt như vạn tiếng nguyệt cầm:
Trăng sao lịm ngủ từ muôn năm
Nhạc hội xuân nào cũng lặng câm
Mà đây sáng quá! Đây sáng quá!
Dào dạt cung êm vạn nguyệt cầm
Khổ thơ thứ hai giải bày cho ta thấy một thứ tiếng động trong tâm thức của ta. Ba câu thơ trên hoàn toàn là sự Im lặng. Câu thơ cuối có tiếng đàn. Thế nhưng ta phải hiểu ‘”nguyệt cầm” không phải là cây đàn nguyệt mà nguyệt cầm là “đàn trăng”. Hiểu như thế ta mới thấy hai câu thơ “Mà đây sáng quá! Đây sáng quá/ Dào dạt cung êm vạn nguyệt cầm” là sự cảm nhận thứ ánh sáng của trăng thành tiếng đàn dào dạt trong tâm thức của tác giả. Vạn vật bấy giờ yên lặng vô cùng, ánh trăng tràn lan bủa vây cả vũ trụ. Tác giả thấy trăng và nghe được vạn tiếng nhạc “vô âm” của trăng trong tâm thức mình. Khổ thơ cho ta hiểu gì? Khi ta bay vào cõi “Im Lặng” thì quyền năng tại đó làm tâm thức tỉnh lặng của ta nghe được thứ âm thanh mà đôi tai trần không nghe được bao giờ.
Khổ thứ ba và những khổ thơ tiếp theo nhắc đến thế giới im lặng tuyệt vời nhưng cái tâm xao động của phàm trần vẫn còn nổi lên trong lòng tác giả:
Đường vào chẳng thấy một mùa hoa
Không cánh chim trời diệu vợi ca
Hồn mộng Trang Sinh say hương sắc
Tắm sáng nhạc tươi trổi chan hoà
Mặt suối trăng sao sáng một vùng
Đào hoa nép bóng liễu rung rung
Đôi con bạch yến đu cành trúc
Ngắm dáng nai tơ dưới cội tùng
Phượng trắng lên trời bay rất cao
Mây xếp tàn che mõ trăng sao
Ngọc rụng vàng rơi miền nhân thế
Bọc lụa bàn tay hứng ngọt ngào.
Một mùa thi nhạc ửng hồng lên
Dương cầm nức nở Beethoven
Khóc tiếng chèo khua sông Xích Bích
Thương cảm Ly Tao hồn Khuất Nguyên.
Xuất hiện tiên tri hát từ hoa
Treo đàn dương liễu tuyết sương pha
Huyết lệ sông dâng hồn ai oán
Vui chi mà nẩy khúc hoan ca?
Nếu đọc tiếp những khổ thơ sau, dưới những khổ thơ nầy, ta sẽ thấy hình bóng của Đức Mẹ đồng trinh hiện ra lồng lộng giữa bầu trời. Vinh quang của Mẹ làm cho thơ và nhạc cũng lui đi. Từ đó ta có thể hiểu cảm nhận của nhà thơ La Thuỵ về những khổ thơ khó hiểu trên:
"Đúng là cảm xúc của một thi nhân, trong khi dâng niềm kính mộ đến NỮ VƯƠNG THIÊN ĐÀNG, thì thời khắc ban đầu của buổi tĩnh tâm, hình tượng nghệ thuật Đức Mẹ Sầu Bi với vẻ đẹp tinh khiết nguyên trinh làm nhà thơ Xuân Ly Băng liên tưởng đến nghệ thuật thơ, nhạc, họa... cõi nhân gian cùng nỗi đau nhân thế. Nhà thơ Xuân Ly Băng vẫn "Hồn mộng Trang Sinh say hương sắc / Tắm sáng nhạc tươi trổi chan hoà" và vẫn để trí tưởng đến "Một mùa thi nhạc ửng hồng lên / Dương cầm nức nở Beethoven / Khóc tiếng chèo khua sông Xích Bích / Thương cảm Ly Tao hồn Khuất Nguyên". Dù chỉ là liên tưởng trong giây phút ban sơ của buổi tĩnh tâm còn vương đọng trong trí tưởng, nhưng những liên tưởng đó lại chan chứa chất nghệ sĩ của mạch thơ"
Tĩnh tâm của người theo Thiên Chúa không phải với mục đích tự mình chứng ngộ được đạo mà mục đích là để cảm nghiệm được rõ rệt Thiên Chúa hiện diện ngay trong mình, làm cho đời mình chuyển hoá tốt đẹp nhờ sự hiện diện đó. Qua lời bình của nhà thơ La Thuỵ chúng ta có thể hiểu được tác giả Xuân Ly Băng đương mô tả cái giờ phút mà ông tĩnh tâm. Giờ phút đó hồn ông được bay vào cõi im lặng. Cõi im lặng trong thơ rõ ràng nó không là ảo giác bởi vì nó xuất hiện trong giờ phút tĩnh tâm, nghĩa là ở khía cạnh nào đó nó là có thật. Và dầu không phải “Thiền” như Phật giáo, cái giờ phút tĩnh tâm của người theo Chúa cũng vương vấn sự liên tưởng, vẫn còn sót chút tạp niệm khuấy động, cần phải diệt nó đi thì trái tim mới tinh nhẹ và trong sạch để linh hồn được như lời kinh đã dạy:
“Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch
Vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.”(Mt 5,8)
Mấy khổ thơ trên cho thấy cõi tĩnh lặng của Thiên Chúa đẹp biết bao nhưng sự cám dỗ của tội lỗi cũng vô cùng lôi cuốn. Sự lôi cuốn đó được diễn tả trong những câu thơ mà La Thuỵ đã trích dẫn ở trên, khiến cho ta thấy suốt 5 khổ thơ trên, tâm hồn tác giả vừa khoái lạc trong cõi im lặng, vừa đau thương nhớ tiếng nhạc Beethoven, khóc tiếng chèo khua sông Xích Bích và có khi nặng nề đến độ “Huyết lệ sông dâng hồn ai oán”. Đây là thời khắc mà linh hồn nhà thơ đấu tranh với Sa-Tan, giữa cám dỗ của tối tăm và ành sáng Thiên Chúa.
Và khi nhà thơ diệt được cảm xúc xác thân, được Thiên Chúa tăng hoa linh hồn, thì sự gặp gỡ Đấng Tối Cao không khó. Ở đây, nhà thơ Xuân Ly Băng đã thấy được Mẹ Thiên Chúa của ông:
Đêm tối qua đi một trời hồng
Bóng người trinh nữ hiện trên không
Ngàn muôn tinh đẩu lao xao cả
Và thơ và nhạc hoá ra không
Một vị cứu tinh đã ra đời
Run tờ lịch sử xếp làm đôi
Vũ trụ lại hồn qua đêm trắng
Và thần hy vọng đã lên ngôi.
Khóc sướng nhạc hồn vạn cỏ cây
Nhựa sống tràn trề khắp đó đây
Hương mùa đạo hạnh thơm phưng phức
Có chết cũng đành, phải không bây?
Sóng bạc dâng lên giữa biển chiều
Đưa hồn về tận bến phiêu diêu
Khoang thuyền đầy ắp trân châu cả
Dáng ngọc giơ tay vẫy yêu kiều.
Suối tóc tơ hồng rất dịu dàng
Mỉm cười Mẹ bảo: mùa xuân sang
Hái thơ con hái miền im lặng
Im lặng, con ơi, là tuổi vàng
Bây giờ bài thơ “Im Lặng” không còn im lặng nữa. Cõi im lặng mất đi khi “Đêm tối qua đi mặt trời hồng/Bóng người trinh nữ hiện trên không”. Cả 5 khổ thơ bừng lên niềm vui đầy âm thanh, ánh sáng, hương thơm và một sức sống lan tràn cả vũ trụ và cả ta, con người cũng được “Đưa hồn về tận bến phiêu diêu”. Thử hỏi hạnh phúc đó đến từ đâu? Hãy nghe: “Mỉm cười Mẹ bảo: mùa xuân sang/Hái thơ con hái miền im lặng/ Im lặng, con ơi. Là tuổi vàng”. Vậy thì hạnh phúc đó rõ ràng đến từ “miền im lặng”. Vế thơ cuối được Mẹ tức Đức Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa khẳng định mà ta có thể hiểu: Im lặng như một loài cây thơ tức là cây hạnh phúc, mà hạnh phúc là những bông hoa thơ nở ra từ loài cây im lặng. Ở vế thơ đầu ta thấy có câu thơ “Đường vào im lặng mê ly quá”, vậy ta cũng có thể nói im lặng là con đường dẫn vào Thiên Đàng, vượt qua cõi im lặng ta thấy được vinh quang ở cõi đời đời. Vinh quang đó nằm nơi “mùa xuân sang” chính là bóng Mẹ Maria hiện ra với “suối tóc tơ hồng” và lời trực tiếp dạy nhà thơ “hái thơ miền im lặng”. Lời mẹ Maria cũng khẳng định thơ là chân lý, là vinh quang Thiên Chúa nên Mẹ bảo “hái thơ” là “hái miền im lặng” trong “mùa xuân sang” mà Thiên Chúa đem đến.
Hàn Mặc Tử cũng như Xuân Ly Băng, hai tâm hồn nghệ sĩ Thiên Chúa Giáo mà tiếng thơ của họ như hai cung đàn đồng điệu khác âm. Đồng điệu là vì niềm tin trong huyết quản của họ chảy ra thành thơ “thấm nhuần ơn trìu mến”, như “thần nhạc thơm tho và huyền diệu” tôn thờ Thiên Chúa. Khác âm là vì Hàn Mặc Tử đối đầu với nỗi đau cực độ, nhưng ông có một niềm tin siêu linh nên thơ ông được thăng hoa trong niềm tin đó. Ngược lại nhà thơ Xuân Ly Băng là một tu sĩ dâng mình phụng sự Chúa, ông không có niềm đau nhưng có thứ tình yêu, đức hy sinh của Chúa nên thơ ông cũng bay cao bởi đôi cánh đức tin và khoe màu tuyệt đẹp bới ánh sáng long lanh của chân ly chiếu rọi trên ông. Cả hai nhà thơ đều nhận được hồng ân từ Thiên Chúa, đó là ân tứ lớn có “Trí hớp bao nhiêu là mỹ duệ” để “Bút reo như châu ngọc đền vua” dâng lên Thiên Chúa mỗi bài thơ là một của lễ thơm.
Cảm tạ Đức Chúa Trời, đau khổ hay nguồn vui đều nằm trong sự tể trị của Ngài. Tất cả Ngài dùng để khải thị cho nhân loại tình yêu vô bờ bến của Chúa. Thơ là bông trái Thánh Linh mà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Nguyện loài người hái thơ là hái bông trái thánh linh trong miền im lặng của Chúa để gặp Chúa ngay tại đời nầy./.
Châu Thạch
IM LẶNG
Dáng ngọc lượn về trong giấc êm
Nhẹ tựa hoa bay chốn nguyệt thiềm
Đường vào im lặng mê ly quá
Lót toàn tơ lụa cõi thần tiên
Trăng sao lịm ngủ từ muôn năm
Nhạc hội xuân nào cũng lặng câm
Mà đây sáng quá! Đây sáng quá!
Dào dạt cung êm vạn nguyệt cầm
Đường vào chẳng thấy một mùa hoa
Không cánh chim trời diệu vợi ca
Hồn mộng Trang Sinh say hương sắc
Tắm sáng nhạc tươi trổi chan hoà
Mặt suối trăng sao sáng một vùng
Đào hoa nép bóng liễu rung rung
Đôi con bạch yến đu cành trúc
Ngắm dáng nai tơ dưới cội tùng
Phượng trắng lên trời bay rất cao
Mây xếp tàn che mõ trăng sao
Ngọc rụng vàng rơi miền nhân thế
Bọc lụa bàn tay hứng ngọt ngào.
Một mùa thi nhạc ửng hồng lên
Dương cầm nức nở Beethoven
Khóc tiếng chèo khua sông Xích Bích
Thương cảm Ly Tao hồn Khuất Nguyên.
Xuất hiện tiên tri hát từ hoa
Treo đàn dương liễu tuyết sương pha
Huyết lệ sông dâng hồn ai oán
Vui chi mà nẩy khúc hoan ca?
Đêm tối qua đi một trời hồng
Bóng người trinh nữ hiện trên không
Ngàn muôn tinh đẩu lao xao cả
Và thơ và nhạc hoá ra không
Một vị cứu tinh đã ra đời
Run tờ lịch sử xếp làm đôi
Vũ trụ lại hồn qua đêm trắng
Và thần hy vọng đã lên ngôi.
Khóc sướng nhạc hồn vạn cỏ cây
Nhựa sống tràn trề khắp đó đây
Hương mùa đạo hạnh thơm phưng phức
Có chết cũng đành, phải không bây?
Sóng bạc dâng lên giữa biển chiều
Đưa hồn về tận bến phiêu diêu
Khoang thuyền đầy ắp trân châu cả
Dáng ngọc giơ tay vẫy yêu kiều.
Suối tóc tơ hồng rất dịu dàng
Mỉm cười Mẹ bảo: mùa xuân sang
Hái thơ con hái miền im lặng
Im lặng, con ơi, là tuổi vàng.
Xuân Ly Băng
Nhà Bình Thơ Châu Thạch
ĐỌC “TÔI NẰM XUỐNG”
thơ Xuân Ly Băng
Bình thơ: Châu Thạch
Lời bình:
Một trăm bài thơ nói về sự chết thì một trăm bài thơ bi quan, cho dầu có bài thơ nói đến sự phiêu diêu miền cưc lạc, hoà nhập với trăng sao nhưng lại xem thế gian là nơi đầy đau buồn mà mình vừa trút bỏ. Lần đầu tiên tôi đọc một bài thơ diễn tả cõi sống và cõi chết đều tràn lan niềm vui. Nhà thơ Xuân Ly Băng đã siêu thoát ngay tại thế gian nầy trong bài thơ “Tôi nằm Xuống”, một bài thơ nói về sự chết mà không có tiếng chuông báo tử, không có tiếng mõ Cầu siêu, không có tiếng khóc thút thít nhưng cả thế gian có anh sáng, có màu sắc, có âm thanh rộn ràng, tích cực và tươi thắm, khiến cho người nằm xuống như khởi hành một chuyến viễn du đầy hạnh phúc tại nơi đi và đầy nguồn vui tại nơi đến.
Bài thơ có 13 khổ thơ, mỗi khổ đều có cụm từ “Tôi nằm xuống” ở mỗi câu đầu. Lần lượt 13 câu đầu của mỗi khổ thơ như sau:
Tôi nằm xuống, quả đất vẫn quay đều
Tôi nằm xuống, hoa vẫn nở bốn mùa
Tôi nằm xuống, vẫn tiếng hót chim trời
Tôi nằm xuống màu, biển xanh cứ xanh
Tôi nằm xuống Hòn bà vẫn hiên ngang
Tôi nằm xuống, vẫn cuồn cuộn dòng sông
Tôi nằm xuống, lịch sử cứ vận hành
Tôi nằm xuống con trẻ cư sinh ra
Tôi nằm xuông vẫn chảy dòng sông Dinh
Tôi nằm xuống vẫn uốn khúc Li Li
Tôi nằm xuống chuông vẫn vọng thánh đường
Tôi nằm xuống có ai khóc thương tôi?
Tôi nằm xuống cuộc đời vẫn cứ đi
Như thế nghĩa là khi tác giả nằm xuống, thiên nhiên và con người vẫn bình thản, cái đẹp mà thượng đế dựng lên vẫn không hề suy suyễn. Tiếp theo câu thơ có cụm từ “Tôi nằm xuống”, những câu thơ sau đó trong 13 khổ thơ đều bày tỏ sức sống tự nhiên, hài hoà, trường tồn trong vạn vật và trong sinh hoạt của con người. Cho dầu có khi “Tôi Nằm Xuống” thế gian có biến động tiêu cực đối với niềm vui, đối với nguồn hạnh phúc thì vẫn là sự bình thường:
Tôi nằm xuống, lịch sử cứ vận hành.
Hết hòa bình thời lại đến chiến tranh.
Ngai tòa sụp đổ, ngai tòa dựng.
Lãnh thổ theo thời đổi lằn ranh.
Tôi nằm xuống con trẻ cứ sinh ra.
Đẩy về đất lạnh lớp người già.
Hỗn loạn tiếng cười chen tiếng khóc.
Xe tang đụng độ với xe hoa.
Trong cái nhìn bình thản vượt trên sự bình thường của một người đã chứng được lẽ cao siêu của “Đạo”, nhà thơ cho rằng mọi sự đều ở ngoài tôi. Bằng một câu thơ rất bình dị, nhà thơ đã bày tỏ lẽ huyền vi ấy trong quan niệm đạo, đời bằng câu thơ: “Tôi có hay không, chẳng hệ gì” trong một vế thơ sau.
Nhiều nhà thơ, kể cả những nhà thơ tôn thờ Đức Chúa Trời đều cho thế gian nầy là đau khổ. Họ thường hướng về một thế giới trên cao mà quên đi thế giới hiện tại với những niềm vui mà Thượng Đế đã ban cho họ. Đọc “Tôi Nằm Xuống” của Xuân Ly Băng ta thấy thế giới tồn tại một cách tự nhiên, trung tính đối với cuộc đời con người. Thương đế tạo ra quả đất nầy để “quay đều” để “hoa nở” để “ chim hót” để “biển xanh” cho con người sống và kể cả cho con người khi chết. Bài thơ không có lời tôn vinh Thượng Đế nhưng những hình ảnh tươi thắm của thế giới khi “tôi nằm xuống” rất tự nhiên như vô tình lan tràn vào hồn ta hương vị của một bản Thánh ca tôn vinh đấng Sáng Tạo.
Ở khổ thơ đầu, tiếp theo cụm từ “Tôi nằm cuống”, tác giả nói về sự vận hành của thiên nhiên vẫn cứ thế khi “tôi nằm xuống”:
Tôi nằm xuống quả đất vẫn quay đều.
Mặt trời lên xuống, mỗi sáng chiều.
Trăng tròn trăng khuyết, theo ngày tháng.
Lãng đãng mây trời gió đìu hiu.
Tiếp những khổ thơ sau, nhà thơ nói nhiều đến sự tồn tại của đời sống thế gian và sự tồn tại của cuộc sống nơi địa phương mình đang ở. Tất cả điều mà nhà thơ mô tả hàm chứa một ý nghĩa của sự tươi thắm của thế gian đã có, hiện có và sẽ còn có sau khi tôi nằm xuống. Sự “Tôi Nằm xuống” của con người trong thơ hoá ra bình thản biết bao, êm đềm biết bao và an nhiên biết bao trong khi thiên nhiên và con người vẫn vận hành êm ái như bàn tay yêu thương vổ về người đi, người ở. Bài thơ làm cho tâm linh con người trút cái gọi là “khổ đế” ngay khi đang sống, nhìn thế gian dưới con mắt thiện cảm, để khi “tôi nằm xuống” thì lìa thế gian như rời một ngôi nhà thân yêu để đi đến một lâu đài hạnh phúc mà Thương Đế dành cho mình. Lâu đài đó nằm trong khổ thơ cuối của bài thơ:
Tôi nằm xuống cuộc đời vẫn cứ đi.
Tôi có hay không ? chẳng hệ gì.
Cái có của tôi: là Đức Mến .
Về cõi Vĩnh Hằng dẫn tôi đi.
Đức Mến là ai? Thiển nghĩ trên đời có nhiều tôn giáo, mỗi người thờ một Đức Mến của mình. Vậy có thể hiểu chung Đức Mến là Đấng Tối cao, đấng đưa ta đến hạnh phúc, cho ta sự bình an đến nỗi “Dầu ta đi trong trủng bóng chết, ta cũng chẳng sợ gì vì Đức Mến ở cùng ta”. Sung sướng cho ai nói như Xuân Ly Băng “Cái có của tôi:là Đức Mến”.
Đọc “Tôi Nằm Xuống”, bài thơ nói về sự chết mà không chết. Toàn bộ bài thơ là sự sống, một sự sống không có chút bi quan nào. Mọi sự sinh hoạt trong cuộc đời được nhà thơ diễn tả tự nhiên và trường tồn y như trong bàn tay tể trị của đấng tối cao. Bài thơ đem đến cho ta lạc quan, cho ta ngắm cuộc đời bằng con mắt lìa tục, giải thoát ngay ở đời nầy và hướng về đời sau bằng sự tin yêu một cõi Vĩnh Hằng ./.
Châu Thạch
TÔI NẰM XUỐNG
thơ Xuân Ly Băng
Tôi nằm xuống quả đất vẫn quay đều.
Mặt trời lên xuống, mỗi sáng chiều.
Trăng tròn trăng khuyết, theo ngày tháng.
Lãng đãng mây trời gió đìu hiu.
Tôi nằm xuống, hoa vẫn nở bốn mùa.
Ngát tỏa hương trời, theo gió đưa.
Rực rỡ bướm tiên, phô màu sắc.
Sau trời đổ nắng, trời lại mưa.
Tôi nằm xuống, vẫn tiếng hót chim trời.
Nhí nhảnh trên cành, mỗi sáng mai.
Sương đọng cành khuya, như giàn ngọc.
Tí tách trong vườn, từng giọt rơi.
Tôi nằm xuống, màu biển xanh cứ xanh.
Trăm muôn đợt sóng, vẫn tung hoành.
Thủy triều lên xuống, là con nước.
Dã tràng xe cát, vẫn đều nhanh.
Tôi nằm xuống Hòn Bà vẫn hiên ngang.
Đội trời đạp nước, giữa đại dương.
Núi Cú trầm hùng nhìn âu yếm.
Một vùng Bình Thuận một Hàm Tân.
Tôi nằm xuống, vẫn cuồn cuộn dòng sông.
Dẫn nước bao la, tưới ruộng đồng.
Núi rừng còn đó, cây xanh biếc.
Quang cảnh thiên nhiên đẹp lạ lùng.
Tôi nằm xuống, lịch sử cứ vận hành.
Hết hòa bình thời lại đến chiến tranh.
Ngai tòa sụp đổ, ngai tòa dựng.
Lãnh thổ theo thời đổi lằn ranh.
Tôi nằm xuống con trẻ cứ sinh ra.
Đẩy về đất lạnh lớp người già.
Hỗn loạn tiếng cười chen tiếng khóc.
Xe tang đụng độ với xe hoa.
Tôi nằm xuống vẫn chảy dòng sông Dinh.
Bãi bến nhấp nhô lắm thuyền mành.
Phố thị La Gi thừa tấp nập.
Màu sắc âm thanh đủ loại hình.
Tôi nằm xuống vẫn uốn khúc Li Li.
Nối vùng Tân thiện với La Gi.
Gió mát bốn mùa lâng lâng thổi.
Đàn cò bay đến lại bay đi.
Tôi nằm xuống chuông vẫn vọng thánh đường.
Mỗi ngày hai buổi sáng chiều buông.
Chuông chùa Quảng Đức thỉnh đêm lạnh.
Gọi về cõi đạo, khách bốn phương.
Tôi nằm xuống có ai khóc thương tôi ?
Không khóc thì thiếu, khóc thừa thôi !
Thương xót làm chi, lộ trình ấy.
Mọi người sớm muộn phải qua rồi !
Tôi nằm xuống cuộc đời vẫn cứ đi.
Tôi có hay không ? chẳng hệ gì.
Cái có của tôi: là Đức Mến .
Về cõi Vĩnh Hằng dẫn tôi đi.
Xuân Ly Băng
Nhà Bình Thơ Châu Thạch
Đọc "Bảy Mươi Hành," Thơ Hạ Thái Trần Quốc Phiệt
“Hành” là một thể loại thơ không phổ thông lắm, nhưng nó từng giữ một vị trí đáng kể trong lịch sử thi ca Việt Nam. Một bài thơ ở thể “Hành” thường đề cập đến những sự việc với tâm trạng bức xúc. Nếu so sánh “Hành” với những thể thơ khác ở giai đoạn thơ mới (Thập niên 1930 đến nay) thì thể “Hành” không được sáng tác nhiều. Tuy thế dầu ít, “Hành” cũng có được ngôi vị trân trọng trong nền văn học giai đoạn nầy. Cụ thể là “Tống Biệt hành” của Thâm Tâm, “Hành Phương Nam” của Nguyễn Bính và một số bài thơ thể “Hành” ít nổi tiếng hơn.
Gần đây bài “Bảy Mươi Hành” của nhà thơ Hạ Thái Trần Quốc Phiệt cũng khẳng định được thể thơ “Hành” có một chổ đứng vững vàng trên diễn đàn thi ca.
Đọc cái tựa đề “Bảy Mươi Hành”, chắc ai cũng phỏng đoán được đó là một bài thơ nói về tuổi “Thất thập cổ lai hy”. Vì bài thơ dài, người viết xin lần lượt giới thiệu từng vế thơ kèm theo lời bình của mình, hầu làm ngắn bớt bài viết, tránh đi sự nhàm chán cho bạn đọc khi phải đọc thơ trước rồi lại đọc thơ lần nữa trong lời bình.
Đúng trình tự như một bài luận văn, tác giả bài thơ nhập đề bằng sự giới thiêu tuổi tác của mình:
Nhịp gõ thời gian điểm bảy mươi!
"Nhân sinh thất thập" đến đây rồi
Giẫm lên lằn mức người xưa hiếm
Mà ngỡ như còn giữa cuộc chơi.
Khác với nhiều ông già, nhà thơ Hạ Thái Trần Quốc Phiệt đã giẫm lên tuổi thất thập nhưng vẫn tưởng như mình mới đi nửa cuộc đời. Căn cứ vào những khổ thơ sau ta thấy câu thơ “Mà ngỡ như mình nửa cuộc chơi” không phải nhà thơ thấy mình còn trẻ mà thấy mình chưa làm được gì đã vội già.
Qua khổ thơ thứ hai ta thấy nhà thơ ăn chơi thanh nhã nhưng tâm trạng bi quan đã hé lộ ra rồi:
Thỉnh thơ vào án văn đề bút
Gom nắng chiều thương rũ bóng đời
Hiu hắt tà dương rơi cuối ngõ
Chập chờn cánh nhạn lạc xa xôi
Hai câu thơ cuối là hình ảnh của một thi nhân ngồi ở chốn cô liêu mà vọng nhớ một chân trời xa xôi nào đó. “Cánh nhạn” ở đây thể hiện linh hồn của tác giả mà cánh nhạn “chập chờn” thì có thể hiểu rằng linh hồn đó trong mơ đang bay về quá khứ.
Nhà thơ bắt đầu thổ lộ tâm sự của mình ở khổ thơ thứ ba:
Cầm bằng bảy chục an nhiên vậy
Sinh bất phùng thời chịu nổi trôi
Nửa chặng phong trần bao nghiệt ngã
Xoáy theo cơn lốc tả tơi đời!
Bây giờ mới là nỗi đau thời đại. Bây giờ mới phát ra tiếng rên rỉ của một kiếp người đại diện cho hàng triệu kiếp người. Đọc đến đây những ai từng sống qua ba thời đại, thời Pháp thuộc, thời nội chiến, thời non sông liền một dải sẽ thấy lòng mình cũng quặn lên một nỗi đau, nỗi đau của “phong trần nghiệt ngã”, nổi đau của “cơn lốc tả tơi” và nổi đau “sinh bất phùng thời” co thắt con tim ta. Tại sao tác giả lại nói “Cầm bằng” trong câu thơ “Cầm bằng bảy chục an nhiên vậy”? Vì tác giả muốn tự xem mình đến tuổi thất thập thì như người xưa đã nói “Thất thập nhi tòng tâm sử dục, bất du cửu”, tạm giải thích là đến tuổi 70 thì tâm linh và đạo hợp nhất, con người an nhiên hòa cùng vô vi trời đất. Sự thật: Tác giả dùng chữ “cầm bằng” cho ta thấy không bao giờ ông đạt được cảnh giới đó, bởi quá khứ làm thành những vết thương không bao giờ lành được trong lòng.
Ở vế thơ kế tiếp tác giả cho ta thấy tâm trạng nhà thơ biến chuyển từ lạc quan đến bi quan:
Lưới trời giăng mắc đan huyền ảo
Trũng thấp đồi cao những chập chùng
Đành chấp nhận băng truông vượt suối
Không dè, hoài bão hóa mông lung
Ở tuổi trai trẻ nhà thơ đạp lên định mệnh, vượt qua “Trũng thấp đồi cao” chính là cái “Lưới trời giăng mắc”. Ông chấp nhận “băng truông vượt suối” vì lý tưởng của mình. Đến tuổi già nhà thơ mới chiêm nghiệm ra “Không dè, hoài bão hóa mông lung”. Bốn câu thơ đọc nhẹ như những chiếc lá bay nhưng đặt vào lòng ta khối sầu “ bấc đắc chí” của một đời người nặng nề còn hơn bao ngọn núi.
Thế rồi nhà thơ đem mình so sánh với Kiều:
Như thể đoạn trường đeo bổn mạng
Phải thân Kiều gãy khúc đa đoan
Tiền Đường nào tưởng đời quên lẵng
Mảng lưới ngư ông quẳng giải oan
Gởi chốn xa xăm nơi ẩn dấu
Thâm sơn cùng cốc mười năm trường
Bước ra ngoái mặt mình trong kiếng
Nhăn nhúm da nhèo tóc điểm sương
Kiều 15 năm truân chuyên, sau khi nhảy xuống sông Tiền Đường được ngư ông vớt lên thì đến ngày đoàn tụ. Nhà thơ Hạ Thái Trần Quốc Phiệt không biết truân chuyên bao nhiêu năm, sau đó lại phải “Thâm sơn cùng cốc mười năm trường”. Đem sự truân chuyên của mình tá khách vào Kiều, nhà thơ gián tiếp bộc lộ nỗi oan của mình trong cuộc sống. Thật ra bao nhiêu chàng trai cùng thời đại với nhà thơ phải ra chiến trận đều chịu nỗi oan uổng chẳng khác chi Kiều bán mình chuộc cha cả. “Bán mình” là hy sinh tuổi trẻ, “chuộc cha” là chuộc cho nền tự do đất nước trong cuộc tương tàn phi lý. Hai khổ thơ nầy nhà thơ nói hộ cho những chàng trai thời đó.
Bốn khổ thơ kế tiếp nhà thơ tỉ tê tâm sự, tỏ bày biết bao uẩn khúc trong lòng. Đoạn “Hành” nầy như một khúc trường ca bi hùng, khơi gợi niềm đau của người trong cuộc, kể cho người ngoài cuộc đồng cảm với thăng trầm của thế hệ:
Mắt mỏi mòn trông vời cố quận
Lòng mơ khắc khoải mộng tơ vương
Riêng niềm hoài vọng hồn du tử
Liễu lạnh trăng chìm rũ bến sương.
Cố hữu bạt phiêu khắp vạn nẻo
Từ ngày lửa xám mặt quê hương
Rẫy nương ẩn náu đời lưu xứ
Chữ nghĩa ích gì buổi nhiễu nhương!
Chiến hữu bao năm cùng tuyến trận
Sát kề vai giải gió dầm sương
Nung lời thề một lòng son sắt
Phút chốc tan đàn, ngựa lỏng cương!
Cùng cảnh truân chiên thuở đọa đày
Đồng cam cộng khổ sớt chua cay
Ngược xuôi luân chuyển vòng đây đó
Rải rác trăm phương chịu lạc bầy!
Rồi thì tác giả không quên đề cập sơ qua đến cuộc sống về già, cuộc sống hiện nay:
Bạn từng hòa vận xa xôi cả
Lời vọng băng ngàn khó ới nhau
Viết một vần thơ trăm nỗi nhớ
Đọc dăm cuốn sách vạn niềm đau!
Bạn xưa thì tản lạc vì thời cuộc, bạn nay thì ở bốn phương trời. Sự cô đơn đè nặng trên tuổi thất thập cổ lai hy. “Viết một vần thơ trăm nỗi nhớ” là nhớ quá khứ và nhớ ngay cả trong hiện tại. “ Đọc dăm cuốn sách vạn niềm đau” là đau cho quá khứ, đau trong hiện tại và đau cả tương lai mịt mờ không biết về đâu. Hai câu thơ đầu như hai con suối lạnh, hai câu thơ sau như suối biến thành sông băng giá. Cả khổ thơ nếu nói không quá thì cho ta liên nghĩ đến tâm sự những nhà yêu nước bị lưu đày thuở trước. Ngày nay không phải một vài người bị lưu đày như ngày ấy mà hàng triệu người đang bị lưu đày trong đó có nhà thơ.
Trong cảnh cảnh cô đơn, nhà thơ đâm ra bi quan:
Gẫm lại cõi trần là giấc ngủ
Gốc hòe tỉnh dậy mộng bay xa
Xưa nay nhân thế toàn hư ảo
Không, sắc... kề nhau quả thật là!
Giữa có và không nguyên một lẽ
Có rồi không chung gốc liền vòng
Nửa trang đời vào sinh ra tử
Buổi trói tay cam chịu khóa còng.
Không chỉ “Thâm sơn cùng cốc mười năm trường” mới gọi là “Buổi trói tay cam chịu khoá còng”. Tác giả đã bị khoá còng từ ngày ấy đến nay vì những hệ luỵ tiếp theo những ngày tù tội. Ở tuổi 70 ông càng trăn trở nhiều hơn, thao thức nhiều hơn và cảm nhận nhiều hơn nỗi đau của chiếc còng khóa trên tay không mở được cho đến cuối cuộc đời:
Bảy mươi mời rượu cùng ai nhỉ
Nhìn lại quanh đây chỉ một mình
Giáo dựng gươm treo ngoài ải vắng
Hương trầm xin bái vọng vong linh
Sinh nhật bảy mươi không yến tiệc
Trong vườn khuya khoắt đếm sao rơi
Ngâm thơ huyễn mộng thay lời tiễn
Hồn lạc phiêu diêu cuối nẻo trời
Ở hai khổ áp chót của “Bảy Mươi Hành” tác giả gởi cho đời một triết lý sống:
Người chúc tâng nhau lên bậc lão
Ta cầu trăng rọi suốt thiên thu
Cồn xưa dấu tích gò cương ngựa
Tiễn mộng xa xăm cõi mịt mù
Chẳng ước mơ gì câu bách tuế
Phương này vị đắng vốn triền miên
Rong rêu bám víu bờ nhân thế
Ba chục năm thêm… bấy muộn phiền!
Tuy phải nhận nhiều vết thương tinh thần, tác giả vẫn áp dụng triết lý của thánh hiền trong cuộc sống “bất phùng thời” của mình. Con người ai cũng thích sống trăm năm, nhưng bậc thánh hiền không cần sống thọ, mà cần cái nhân cách sống như “trăng rọi suốt thiên thu”. Hai vế thơ gợi cho ta hình ảnh người kỵ sĩ buông cương, ẩn danh để nhấm vị đắng nhưng cái chí khí ngất trời hạo nhiên trường tồn mãi mãi.
Cuối cùng nhà thơ độc ẩm giữa đêm trăng trong ngày sinh nhật để thấy hồn mình hay nước mắt mình đẩm trên trang giấy thành thơ:
Đốt nến lên ngâm thơ lạc vận
Hồ trường nghiêng cạn giữa đêm trăng
Mảnh hồn tản mạn loang trên giấy
Sinh nhật ta tròn bảy chục năm.
Khổ thơ cuối cùng của “Hành” giống như câu thơ “Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi” của Kiều ở “Lầu Ngưng Bích khoá xuân”. Đây là cái giây phút mà nỗi đau như một cái đinh ốc cứ xoắn, cứ xoắn và lên đến đỉnh nhọn. Nếu nhà thơ không ngất đi ở đây thì cũng buông tay cho “lửa tắt bình khô rượu” để dòng lệ rơi hay nuốt ngược vào lòng .
Nếu đọc “Hành” cúa Thâm Tâm và Nguyễn Bính viết theo lối thất ngôn phá thể, ta có thể kết luận “Hành” là đi. Với Thâm Tâm “Hành” là “đưa người”, với Nguyễn Bính “Hành” là “lưu lạc”. Thể thơ “Hành” còn là thể thơ dùng để viết cho sự phân ly, trực tiếp hay gián tiếp nói cho mình hay đối tượng nào đó về sự chia tay hay sự trôi nổi giữa cuộc đời. Gần đây cũng có tác giả dùng “Hành” để nói về cuộc sống lưu vong.
“Hành” của Hạ Thái Trần Quốc Phiệt viết rất công phu, phản phất chất cổ điển, theo thể thất ngôn trường thiên đúng luật từ đầu đến cuối, là một bài có nội dung tổng hợp của “Hành”, trong đó ông tự thán ở tuổi 70 và gởi vào đó tâm sự mình, gián tiếp phản ánh nỗi đau thời đại mà mình đã sống. Bài thơ dài nhưng cuốn hút, với tiếng thơ như tiếng từng con sóng quyện nhau nối tiếp vào bờ, với ý thơ tiềm ẩn những suy nghiệm sâu xa và với nhiều tứ thơ bác học, tác giả đặt người đọc, nhất là người lớn tuổi đồng cảm, thổn thức với những thăng trầm đã qua và hiện nay chất chứa trong thơ. “Bảy Mươi Hành” của hạ Thái Trần Quốc Phiệt thêm một lần nữa làm nổi bật ưu điểm của thể thơ “Hành”./.
Châu Thạch
BẢY MƯƠI HÀNH
Hạ Thái Trần Quốc Phiệt
Nhịp gõ thời gian điểm bảy mươi!
"Nhân sinh thất thập" đến đây rồi
Giẫm lên lằn mức người xưa hiếm
Mà ngỡ như còn giữa cuộc chơi.
Thỉnh thơ vào án văn đề bút
Gom nắng chiều thương rũ bóng đời
Hiu hắt tà dương rơi cuối ngõ
Chập chờn cánh nhạn lạc xa xôi
*
Cầm bằng bảy chục an nhiên vậy
Sinh bất phùng thời chịu nổi trôi
Nửa chặng phong trần bao nghiệt ngã
Xoáy theo cơn lốc tả tơi đời!
Lưới trời giăng mắc đan huyền ảo
Trũng thấp đồi cao những chập chùng
Đành chấp nhận băng truông vượt suối
Không dè, hoài bão hóa mông lung
*
Như thể đoạn trường đeo bổn mạng
Phải thân Kiều gãy khúc đa đoan
Tiền Đường nào tưởng đời quên lẵng
Mảng lưới ngư ông quẳng giải oan
Gởi chốn xa xăm nơi ẩn dấu
Thâm sơn cùng cốc mười năm trường
Bước ra ngoái mặt mình trong kiếng
Nhăn nhúm da nhèo tóc điểm sương
Mắt mỏi mòn trông vời cố quận
Lòng mơ khắc khoải mộng tơ vương
Riêng niềm hoài vọng hồn du tử
Liễu lạnh trăng chìm rũ bến sương.
*
Cố hữu bạt phiêu khắp vạn nẻo
Từ ngày lửa xám mặt quê hương
Rẫy nương ẩn náu đời lưu xứ
Chữ nghĩa ích gì buổi nhiễu nhương!
Chiến hữu bao năm cùng tuyến trận
Sát kề vai giải gió dầm sương
Nung lời thề một lòng son sắt
Phút chốc tan đàn, ngựa lỏng cương!
Cùng cảnh truân chiên thuở đọa đày
Đồng cam cộng khổ sớt chua cay
Ngược xuôi luân chuyển vòng đây đó
Rải rác trăm phương chịu lạc bầy!
Bạn từng hòa vận xa xôi cả
Lời vọng băng ngàn khó ới nhau
Viết một vần thơ trăm nỗi nhớ
Đọc dăm cuốn sách vạn niềm đau!
Gẫm lại cõi trần là giấc ngủ
Gốc hòe tỉnh dậy mộng bay xa
Xưa nay nhân thế toàn hư ảo
Không, sắc... kề nhau quả thật là!
Giữa có và không nguyên một lẽ
Có rồi không chung gốc liền vòng
Nửa trang đời vào sinh ra tử
Buổi trói tay cam chịu khóa còng.
Bảy mươi mời rượu cùng ai nhỉ
Nhìn lại quanh đây chỉ một mình
Giáo dựng gươm treo ngoài ải vắng
Hương trầm xin bái vọng vong linh
Sinh nhật bảy mươi không yến tiệc
Trong vườn khuya khoắt đếm sao rơi
Ngâm thơ huyễn mộng thay lời tiễn
Hồn lạc phiêu diêu cuối nẻo trời
*
Người chúc tâng nhau lên bậc lão
Ta cầu trăng rọi suốt thiên thu
Cồn xưa dấu tích gò cương ngựa
Tiễn mộng xa xăm cõi mịt mù
Chẳng ước mơ gì câu bách tuế
Phương này vị đắng vốn triền miên
Rong rêu bám víu bờ nhân thế
Ba chục năm thêm… bấy muộn phiền!
*
Đốt nến lên ngâm thơ lạc vận
Hồ trường nghiêng cạn giữa đêm trăng
Mảnh hồn tản mạn loang trên giấy
Sinh nhật ta tròn bảy chục năm.
Hạ Thái Trần Quốc Phiệt
Nhà Bình Thơ Châu Thạch
ĐÔI DÉP: BÀI THƠ TÌNH KHÁC LẠ
ĐÔI DÉP
Tác giả: Nguyễn Trung Kiên
Bài thơ đầu tiên anh viết tặng em
Là bài thơ anh kể về đôi dép
Khi nỗi nhớ trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng viết thành thơ
Hai chiếc dép kia gặp nhau tự bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẽo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau
Cùng bước cùng mòn không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp
Dẫu vinh nhục không đi cùng kẻ khác
Số phận chiếc nầy phụ thuộc ở chiếc kia
Nếu ngày nào một chiếc mất đi
Mọi thay thế đều trở thành khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng người đi sẽ biết
Hai chiếc nầy chẳng phải một đôi đâu
Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bênh cạnh đã có người thay thê
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh
Đôi dép vô tri khắn khít song hành
Chẳng thề nguyện mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi
Không thể thiếu nhau trên bước đường đời
Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái
Nhưng tôi yêu em ở những điều ngược lại
Gắn bó nhau vì một lối đi chung
Hai mãnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia.
LỜI BÌNH: Châu Thạch
Đôi dép là một vật rất tầm thường dùng đễ mang dưới chân, nhưng với tâm hồn thi sĩ, đôi dép trở thành đối tượng đễ viết thành thơ, và qua lời thơ xúc tích, đôi dép lại trở thành tình yêu chung thủy gắn bó keo sơn. Nhà thơ Nguyễn Trung Kiên không nhân cách hóa đôi dép. Đôi dép vô tri vẫn được tác giả giữ nguyên như chính nó, nhưng tác giả lại biến cái vật vô tri kia thành vật đầy ý nghĩa cao đẹp, lại biến cái tầm thường kia mang đầy đủ nhân cách của con người, của những cặp tình nhân sắc cầm hòa hợp. Qua đôi dép tác giả đã gởi tiếng lòng của mình, bày tỏ với người yêu những ước ao, những kỳ vọng, những hứa hẹn một tình yêu cao thượng ở đời. Như tác giả đã viết, đây là “bài thơ đầu tiên anh viết cho em’’ và bài thơ tình đầu tiên ấy không dùng trăng, sao, mây , nước để ru hồn người đẹp mà lại đề cập đến một vật rất tầm thường: Đôi dép. Bởi vì:
Khi nỗi nhớ trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng viết thành thơ.
Hai chiếc dép đã được nhà thơ giới thiệu rằng “chẳng rời nửa bước" và“cùng gánh vác những đường xuôi ngược’’, không những thế, khi “lên thảm nhung’’ khi “xuống cát bụi’’, khi bị “người đời chà đạp’’ thì hai chiếc dép vẫn:
Dẫu vinh nhục không đi cùng kẻ khác
Số phận chiếc nầy phụ thuộc chiếc kia.
Người ta thường nói đôi dép cũng có số, và trong bài thơ, Nguyễn trung Kiên cũng dự trù cho đôi dép một số phận nghiệt ngã như con người, số phận một ngày kia kẻ mất người còn. Nếu dép mất đi một chiếc, thì lúc đó dép có thể được người đi thay chiếc khác. Đôi dép bây giờ nhìn bên ngoài vẫn là hai chiếc dép giống nhau. Hai chiếc dép giống nhau nhưng chưa từng “nẽo đường xuôi ngược’’, chưa từng “bước cùng mòn không kẻ thấp người cao’’, bây giờ lại song song bên nhau thì bước đi khó mà khôngkhập khiễng. Đương nhiên người mang dép sẽ nói rằng“ Hai chiếc nầy không phải một đôi đâu’’.
Bài thơ đến đây được chuyển ý một cách thú vị. Nhà thơ Nguyễn trung Kiên đã tạo một bất ngờ thật là ngoạn mục. Bốn khổ thơ trên được nói quanh co về đôi dép, nâng đôi dép lên ở đỉnh cao của sự chú ý, để rồi đột nhiên tác giả đem ví đôi dép với tình yêu chúng ta:
Cũng như mình trong những lúc vắng
nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh.
Đôi dép vô tri nhưng con người có hồn. Đôi dép giống con người ở chổ khi vắng nhau thì “Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía’’ nhưng khác con người ở chỗ “Dẫu bênh cạnh đã có người thay thế. Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh’’.
Từ khổ thơ nầy, lời thơ trở nên dồn dập, ấm áp, đầy ắp yêu thương, khắn khít nồng nàn như chính hơi thở của tác giả được gởi vào đây, dầu tác giả viết về mình hay về đôi dép:
Đôi dép vô tri khắn khít song hành
Chẳng thề nguyện mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi.
Đây là lời thề son sắc của tác giả, là ước vọng của tác giả gởi đến người yêu, lấy đôi dép để tá khách lòng mình, dùng cái vô tri đễ gởi vào đó những đạo lý của tình yêu chân chính, nó như cái đinh đóng vào cột, chắc hơn lời thề, bền hơn lời hứa hẹn và mơ ước cho sự trọn vẹn trong tình trường mà con người phải làm dược, làm bằng và hơn đôi dép vô tri kia. Bốn câu thơ nầy chẳng khác chi bốn lời tuyên thệ trước bàn thờ tình yêu, trước bàn thơ ông tơ bà nguyệt vậy. Qua khổ thơ kế tiếp tác giả bày tỏ một tình yêu đích thực mà mọi sự khác biệt không làm giảm đi khối tình gắn bó:
Chẳng thể thiếu nhau trên
bước đường đời
Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái
Nhưng tôi yêu em ở những điều ngược lại
Gắn bó nhau vì một lối đi chung.
Ở vế cuối, bài thơ được kết thúc như một lời thề đồng tử, một tuyên ngôn của những kẻ yêu nhau bằng một thứ tình yêu lớn mà những thiên tình sữ còn lưu lại trong đời. Hai đôi dép, hai khoảng đời, hai linh hồn cùng thể hiện một cái hai khắn khít, đi song song nhưng lòng thì hiệp một, đồng sống đồng diệt vì không thể thiếu nhau:
Hai mãnh đời thầm lặng
bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia.
Tác giả Nguyễn trung Kiên thật là tài tình khi viết bài thơ tặng em. Bài thơ tặng em là bài thơ tình. Thơ tình mà lại dùng đôi dép tầm thường để thể hiện cho tình thì thật là khó, nhưng ngược lại cái đôi dép tầm thường đó lại làm cho bài thơ trở nên tuyệt tác, phản chiếu được cái thâm thúy trong cuộc tình sâu đậm gắn bó cùng nhau. Bài thơ chỉ tả đôi dép mà không khô khan, nói về tình mà không rên rỉ, ý nghĩa xúc tích , âm điệu hài hòa, giọng văn nhỏ nhẹ đúng là lời tình tự trang nghiêm mà âu yếm. Quả “Đôi Dép’’ là một bài thơ tình khác lạ.
Châu
Thạch
Nhà Bình Thơ Châu Thạch
ĐỌC “BẾN MY LĂNG” THƠ YẾN LAN
Châu Thạch
BẾN MY LĂNG
Yến Lan
Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách,
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu.
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách,
Ông lái buồn để gió lén mơn râu.
Ông không muốn run người ra tiếng địch
Chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao,
Vì đìu hiu, đìu hiu, trời tĩnh mịch
Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao.
Trôi quanh thuyền những lá vàng quá lạnh
Tơ vương trời, nhưng chỉ rải trăng trăng,
Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh,
Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng.
Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã,
Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly,
Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi.
Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách,
Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng,
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách,
Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng.
Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng./.
Bình thơ: Châu Thạch
Nhiều nhà phê bình văn học nghiên cứu về thơ Yến Lan cho biết bến My Lăng không có thật, chỉ là một cái tên tác giả đặt ra. Vậy thì Trước hết ta hãy tưởng tượng bến Mi Lăng là cái bến thế nào. Tra trong tự điển Hán Việt tôi thấy chử “mi” có nhiều nghĩa, nhưng nghĩa chung cúa nó mang hình ảnh của sự tươi đẹp, dịu dàng, mong manh. Chữ “lăng” cũng có nhiều nghĩa nhưng trong đó có một nghĩa là “nước đóng thành băng”. Ghép hai chữ “Mi” và chữ “Lăng” ta có thể liên nghĩ đên hai từ nầy chỉ một bến nước buồn, lạnh lẽo và rất đẹp . Vậy đọc bốn câu của khổ thơ đầu ta có thể hiểu được ý tác giả muốn nói điều gì:
Bến My Lăng nằm không,
thuyền đợi khách,
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu.
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách,
Ông lái buồn để gió lén mơn râu.
Trước tiên ta thầy một con thuyền nằm yên nơi một bến sông vắng vẽ. Ánh trăng bát ngát đổ lên thuyền, đổ trên ông lái đò đang say ngủ và rơi đầy trên mặt sách. Đọc thơ ta biết ông lái đò đọc sách. Vậy đây không phải là một ông lái đò bình thường. Cái câu “Trăng thì vàng rơi đầy trên mặt sách” tự nhiên làm ta kính nể ông lái đò ngay, và tự nhiên làm cho ta thấy có cái gì bí ẩn đánh động trí tò mò. Bến sông bây giờ không tầm thường như bao bến sông khác. Nó mang đậm chất thơ vì nó là My Lăng nghĩa là đẹp và rất lạnh, lạnh đến đóng thành băng. Nó mang đậm chất thanh cao, hào hùng ví ông lái đò là người đọc sách. Vậy có thể ông lái đò là một nhân sĩ đang ẩn danh nuôi chí lớn.
Khổ đầu của bài thơ vẽ nên một bức tranh tỉnh lặng, nhưng nhìn bức tranh tỉnh lặng đó thì hồn ta động. Động là vì cảnh hiện ra lồng lộng, trăng tràn lan như thật trước mắt ta, Động là vì ẩn trong giấc ngủ của ông lái đò, ta như có linh cảm đến những biến động trong hồn ông chìm dưới đáy sự yên lặng đó. Bởi sự kiện trăng rơi trên sách,ta có cảm tưởng giấc ngủ ông lái đò không có chút bình an nào mà chất chứa trong lòng ông muôn vàn u uẩn.
Để chứng minh cho tấm lòng u uẩn của ông lái đò, Yến Lan khẳng định trong bốn câu thơ sau:
Ông không muốn run người
ra tiếng địch
Chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao,
Vì đìu hiu, đìu hiu, trời tĩnh mịch
Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao.
Thường một người biết thổi sáo hay là địch thì họ sẽ thổi lúc buồn hay lúc vui, còn khi mà họ cảm thấy chán chường thì họ không thổi bao giờ. Hai câu thơ trên cho ta thấy ông lái đò là một người tài hoa. Tài hoa vì ông đọc sách và biết thổi địch, lại thổi rất hay nên tiếng địch của ông “chở mãi hồn lên tắm bến trăng sao”. Ở đây ông lái đò “không muốn run người ra tiếng địch” giữa cảnh thơ mộng đầy trăng thì ta biết ông đang có tâm trạng chán chường. Rượu đã hết, ông lái đò ngủ say nhưng không phải ông say rượu, vì ông còn tỉnh táo để biết mình không muốn thổi địch trước cảnh trời đìu hiu, võ vàng và thiếu những vì sao. Diều đó chứng tỏ có tâm sự trĩu nặng hồn ông khiến ông chán chường muốn quên đời trong giấc ngủ say. Câu thơ “Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao” cũng gián tiếp nói lên sự chán chường và phương hướng bị mất trong con người cô đơn trên bến vắng.
Bốn câu thơ diễn tả tâm trạng yếm thế của ông lái đò, cũng làm cho người đọc cùng mang tâm trạng đó, khiến cho cái bến sông rất đẹp dưới trăng tỏa một làn hơi lạnh, khiến cho ta cũng se lòng trước cái võ vàng, cái thiếu vắng trời sao hay đúng ra, sự võ vàng và thiếu vắng trong lòng ông lái đò kia.
Qua khổ thơ thứ ba tác giả hoàn toàn tả cảnh, đúng như lời mà nhà phê bình văn học Hoài Thanh- Hoài Chân nhận xét trong quyển “Thi nhân Việt Nam”:“ Cảnh như muốn theo lời mà tan ra. Nó chỉ mất một tí rõ ràng để được thêm rất nhiều thơ mộng. Yến Lang cũng làm thơ lối ấy, nhưng Yến Lan đi quá xa”:
Trôi quanh thuyền những
lá vàng quá lạnh
Tơ vương trời, nhưng chỉ rải trăng trăng,
Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh,
Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng.
Tại sao Hoài Thanh- Hoài Chân nói “Yến Lang đi quá xa”? Quá xa vì cảnh thật thơ mộng, nhưng cái thơ mộng đó còn như trong giấc chiêm bao. Hai câu thơ đầu nói đến tơ trăng quá lạnh. Câu thơ thứ ba chỉ hình bóng buổi chiều trôi như ở tít một chân trời tâm tưởng. Câu thứ tư có chữ My Lăng làm cho đêm buồn như đóng băng lóng lánh. Cả khổ thơ cho ta một không gian mộng và với câu thơ “Chiều ngui ngút trôi về nẻo quạnh” tác giả còn cho ta thấy dược thứ thời gian có hình sắc “ngui ngút” bay về nơi xa tít ở chân trời. Đọc thơ ta cảm thấy lạnh bao nhiêu thì đẹp bấy nhiêu, quạnh bao nhiêu thì đẹp bấy nhiêu, hầu như hồn ta đang lắng vào giấc mơ và bay về bên My lăng.
Rồi thì, trong cảnh yên tịnh đó diễn biến bất ngờ xảy ra:
Nhưng đêm kia đến một
chàng kỵ mã,
Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly,
Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi.
Trong văn chương, người kỵ mã thường là hình tượng của hiệp sĩ, của chiến binh. Ở đây chàng kỵ mã đẹp làm sao! Đẹp ở chiếc áo dát đầy trăng, đẹp ở tiếng gọi đò hối hả như chàng đang mang một trong trách trên người nên cần qua sông gấp, đẹp ở chổ sự nôn nóng cũng đầy chất thơ: “Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi”. Bốn câu thơ cho ta nhìn hình ảnh chàng ky mã lồng lộng dưới trăng và chất thơ hiển hiện trên áo, trong âm thanh tiếng gọi đò và cả trên con đường bên bờ kia của bến My Lăng. Tiếng gọi đò hối hả làm cho cảnh đang tỉnh thành động. Tiếng động làm cho bức tranh sống, và sự sống vọng trong bức tranh tỉnh làm cho bức tranh hóa rộng ra, mênh mông và xa vắng.
Qua khổ thơ thứ năm tác giả để nghịch cảnh xảy ra, một người ngủ say và một người cứ goi đò trong đêm vắng:
Ông lão vẫn say trăng,
đầu gối sách,
Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng,
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách,
Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng.
Khổ thơ nầy cho ta liên nghĩ đến điều gì? Liên nghĩ đến vận mệnh. Vận mệnh của một cuộc gặp. vận mệnh của một đời người, vận mênh của quốc gia không tuy thuộc vào ta, có khi tùy thuộc vào phút giây nào đó. Bài thơ không cho ta biết hai người có liên quan nhau không nhưng bài thơ cũng cho ta đoán định đây là hai con người nghĩa khí. Một người có học, canh cánh bên lòng nổi u uẩn. Một người đang mang trọng trách trong mình. Nếu họ gặp nhau và đưa nhau qua đò biết đâu sẽ làm việc lớn, và chuyến đò kia sẽ là chuyến đò định mệnh. Vì họ không gặp nhau, vì định mệnh không cho họ hội ngộ nên ông lái đò phải:
Bến My Lăng còn lạnh,
bến My Lăng
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng.
Như vậy, người khách kia đi đâu không biết nhưng ông lái đò đã phí cả thơi gian, phí đi kinh sử, mất đi chí lớn, u uất nép mình chèo đò bao năm trên bến My lăng để đợi một người khách sang sông, người khách sẽ làm cuộc đời ông thay đổi. Đó là nhân vật nào ta đâu biết. Một tri kỷ? một đồng chí? Một lảnh tụ chăng? chứ dứt khoát không phải chỉ là một chàng kỵ mã bình thường.
“Bến My Lăng” của Yến Lang có thể cho là một bản anh hùng ca, bi hùng ca hay là một bài thơ lảng mạn tuyệt vời. Ai hiểu sao tùy người ấy nhưng đọc nó, ta nghĩ đến hàng ngàn bến sông trên đất Việt suốt chiều dài lịch sử bị đô hộ của dân ta,hàng vạn con người lăn mình trong những đêm trăng, qua sông vì việc nước và hàng vạn nhân tài dấu mình đâu đó, chờ ngày đem tài trí phụng sự quê hương. “ Bến My lăng” rất đẹp, đẹp về cảnh, đẹp về người và đẹp về chí lớn gởi trong thơ./.
Châu Thạch
ĐỌC “NỬA BÀI THƠ” THƠ LÊ ĐÌNH HẠNH
Châu Thạch
NỬA BÀI THƠ.
–Thơ Lê Đình Hạnh
Một nửa bài thơ còn đãng trí
Quay tìm không biết lạc nơi đâu
Đứng yên anh chép bài thơ lại,
Từ cuối bàn chân...đến tận đầu.
Một nửa bài thơ chưa tỉnh rượu
Hương nồng,hơi ấm ở quanh đây.!
Hỏi ai còn nhớ bài thơ đó
Có kẽ cười tôi..một gã say.
Rớt nửa bài thơ trong ngõ vắng
Không người giữ hộ_lối đi chung.
Dường như tôi vướng chân người ấy,
Nên suốt đường riêng bước ngập ngừng.
Tiếc nửa bài thơ nay thất lạc,
Hỏi người còn nhớ một đôi câu.
Hỏi ta chưa viết bài thơ trọn
Từ thuở đầu xanh đến bạc đầu...!
LĐH.
Bình Ngắn: Châu Thạch
Lê Đình Hạnh có khiếu đọc thơ. Anh không biết ngâm, nhưng mỗi lần chúng tôi họp mặt nhau thì Hạnh thường đọc thơ của anh, bài nào bài nấy đều mượt mà, nghe xong lại muốn nghe lại, nghe lại lại
muốn nghe tiếp bài khác. Đầu xuân năm nay tôi tâm đắc “Nửa bài thơ” của Hạnh, và tôi yêu cầu gởi bài thơ ấy cho tôi.
Đọc toàn bộ bài thơ ta thấy ngay cái hay của nó là tác giả nói về nửa bài thơ mà không phải nửa bài thơ, sự thật là nửa mối tình. Đem nửa mối tình ví với nứa bài thơ làm cho thơ trở nên sâu đậm
mà tình thì trở nên đậm chất thơ. Vào vế đầu ta nghe những câu thơ dí dỏm mà lảng mạn tuyệt vời của tác giả:
Một nửa bài thơ còn đãng trí
Quay tìm không biết lạc nơi đâu
Đứng yên anh chép bài thơ lại,
Từ cuối bàn chân...đến tận đầu.
Hình ảnh bài thơ vụt chốc trở thành hình ảnh người thiếu nữ để anh chép lại “Từ cuối bàn chân… đến tận đầu”. Cụm từ “Đứng yên anh chép lại…” giống như nhà thơ đang nói với cô con gái nào đó. Cái cách nói lấp lửng nầy có duyên vô cùng và tạo vóc dáng cho bài thơ trong tâm tư người đọc. Tất nhiên người con gái “Đứng yên” chỉ là hình ảnh còn trong ký ức mà thôi. Bây giờ bảo đứng yên thì cũng chỉ bóng xưa đứng yên trong đầu tác giả khi anh lục trí óc mình tìm lại nửa bài thơ, còn người xưa thì đã xa vắng lâu rồi.
Bốn câu thơ cho ta thấy nhiều hình ảnh linh động thật dễ thương nhờ vào những tứ thơ thanh bai hòa nhập người và thơ, thơ và người trong từ ngữ nửa đùa nửa thật.
Vế thư hai không chỉ tác giả say mà thơ cũng say:
Một nửa bài thơ chưa tỉnh rượu
Hương nồng,hơi ấm ở quanh đây.!
Hỏi ai còn nhớ bài thơ đó
Có kẽ cười tôi..một gã say.
Câu “Một nửa bài thơ chưa tỉnh rượu” tác giả đã đồng hóa mình với thơ. Ở vế trên, thơ và thiếu nữ là một, còn ở vế thơ nầy thì thơ và người làm thơ là một. “ Một nửa bài thơ” chưa tỉnh rượu chính
là tác giả chưa tỉnh rượu nhưng vẫn biết có “Hương nồng, hơi ấm ở quanh đây”. Câu thơ cho ta thấy cơn say rất dịu dàng và thú vị. Câu thơ cũng cho ta thấy cái hương nồng, cái hơi ấm đó cũng chỉ
có trong cơn mơ. Cuối cùng tác giả hỏi một câu ngớ ngẩn “Hỏi ai còn nhớ bài thơ đó” để người khác “cười tôi…một gã say”. Câu thơ nầy chỉ cốt khoe cái say của anh chàng thi sĩ. Gã say nầy đầy đủ
tính chất của một nghệ sĩ, vì trong cơn say ngất ngưởng hồn vẫn không tục lụy mà chìm trong “Hương nồng, hơi ấm ở đâu đây”. Có lẽ cái hương nồng, hơi ấm đó còn vương trong ngõ vắng ở vế thơ
sau:
Rớt nửa bài thơ trong ngõ vắng
Không người giữ hộ_lối đi chung.
Dường như tôi vướng chân người ấy,
Nên suốt đường riêng bước ngập ngừng.
Nửa bài thơ đã rớt chính là nửa cuộc tình đã mất. Có lẽ cuộc tình xảy ra trong ngõ vắng và chia tay cũng trong ngõ vắng cho nên suốt đời tác giả “bước ngập ngừng” để nhớ “lối đi chung”. Vế thơ cho ta suy diễn hiểu được hoàn cảnh cuộc tình: Hai người có chung một lối đi, yêu nhau rồi đã chia ly. Vế thơ cũng đem đến cho ta hình ảnh một con người chung tình ngập ngừng trên lối đi xưa, đưa hồn ta lạc đến một miền nào đó còn lưu lại thoang thoảng hương yêu .
Qua vế thơ chót, sự nuối tiếc đi theo suốt đời tác giả:
Tiếc nửa bài thơ nay thất lạc,
Hỏi người còn nhớ một đôi câu.
Hỏi ta chưa viết bài thơ trọn
Từ thuở đầu xanh đến bạc đầu...!
Sự nuối tiếc tình không nói về người mà chỉ nói về thơ. “Nửa bài thơ” trở nên vóc dáng con người. Tác giả hỏi người chỉ là sự nhấn mạnh về những kỷ niệm của cuộc tình đã mất. Tác giả hỏi mình chưa viết trọn bài thơ chỉ là tiếng than tội nghiệp cho một cuộc tình tan vỡ. Vế thơ không nhắc đến chữ tình mà chữ tình tràn vào trong thơ như sóng biển từng đợt tràn lên trên bờ cát. Vế thơ không nói chữ yêu mà ta biết tình yêu còn đến thuở bạc đầu. Tác giả gởi tình yêu của mình và hình tượng của người xưa vào trong nửa bài thơ, chất chứa tất cả trong đó hoài niệm, tiếng lòng cùng sự thổn thưc vì cuộc tình tan vỡ . Vế thơ cho ta hưởng trọn vẹn niềm đau rất đẹp của một người thơ đa cảm, đầy trong linh hồn một tình yêu triền miên bất tận.
Đó là thơ Lê Đình Hạnh, một thứ thơ như tiếng đàn bay trong mây trong gió. Tiếng đàn đó đôi khi nghe thoảng qua cũng đủ thấm vào tim, khiến tâm hồn ta cũng chìm vào cơn say thi vị, nghe hoài nghe mãi vẫn muốn còn nghe ./.
Châu Thạch
Nhà Bình Thơ Châu Thạch
ĐẦU XUÂN ĐẾN VỚI THƠ HAY
Hồi sinh.
Thơ Bích Trần
Có một em tên là ,
Lá non xanh mon mởn,
Được sinh ra hôm qua,
Trong tận cùng đau đớn!
Cây khô cành mục ruỗng,
Hoà cùng ánh bình minh
Chiếc lá non run rẫy,
Trong gió bão : hồi sinh !
Trời xanh ơi có thấu ,
Nỗi đau này của con
Đất nâu ơi có hiểu ,
Lòng này vẫn còn son ?
Để cây khô đậu quả
Cần bao nhiêu bông hoa ?
Để hoa xinh nở nhụy
Bao nhiêu Lá Mượt Mà ?
Hiện tại chỉ duy nhất,
Một chiếc Lá non tơ ,
Bơ vơ khóc trong gió ,
Cô đơn tựa trên cành !
Cuộc sống ta mong manh ,
Vô thường ta nếm được .
Trong tận cùng bất hạnh ,
Ta ngước nhìn trời xanh !
(Codohue -Paris -04062016
Bình ngắn: Châu Thạch
Đây có phải là một bài thơ ngụ ngôn hay không? Tôi không biết chắc nhưng rõ ràng bài thơ chứa nhiều ẩn dụ. Bài thơ nói về một chiếc là non vừa nhú ra trên một cây khô báo hiệu cho một sự hồi sinh diệu kỳ. Sự hồi sinh đó phải chịu nhiều đau đớn và còn phải chịu nhiều hy sinh để cây ra hoa kết quả. Một chiếc lá non nhú lên từ thân cây khô không chỉ là hình ảnh về sự hồi sinh của một cá thể mà còn là hình ảnh về sự hồi sinh của một tập thể, một xã hội hay một thời đại đã trở thành như một “Cây khô cành mục ruỗng”. Chiếc lá non thật là yếu đuối “run rẩy trong gió bão” nhưng sứ mạng của nó thật là vỹ đại và tính chất của nó thật là kiên cường. Chiếc lá non tuy “Bơ vơ khóc trong gió/Cô dơn tựa trên cành”nhưng nó chấp nhận đối đầu tất cả mọi thế lực đối nghịch tác động lên nó để nó nhận làm tiên phong khởi đầu cho một cuộc hồi sinh.
Bài thơ rất gọn gàng và rất nhẹ nhàng lại chuyển tải một thông điệp hàm chứa nhiều ý nghĩa thâm thúy đến người đọc. Con người thấy giá trị của những chiếc lá non báo hiệu sự khởi sắc lại của đời mình. Nhân loại trân trọng những chiếc lá non đem đến niềm tin và hy vọng cho cuộc sống. Mọi chiếc lá non đều phải nhận đắng cay và phủ phàng, chưa nói đến sự chết khi chưa được hồi sinh trọn vẹn. Bài thơ gián tiếp nhắc nhở ta nhớ đến và cảm tạ những chiếc lá non của những cuộc hồi sinh trong lịch sử.
Chính bài thơ cũng là một chiếc lá non!!!
Châu Thạch
ĐÊM XUÂN - ĐỘC ẨM BUỒN
Thơ Nguyễn Khôi
(Tặng Nguyễn Bàng)
"Mọi chuyện thiêng liêng thành nhảm nhí
Khắp nơi trí trá lọc lừa nhau"
Thơ Lưu Quang Vũ
Lên ở chung cư thưa bè bạn
Đêm xuân nay ngồi uống rượu một mình
Giữa Thế giới mịt mùng hỗn loạn
Đang hiện hành "chủ nghĩa Pu tin" ?
Ôi, nhân loại đã qua "thời dân chủ"
các Yêng hùng thành các "đấng Quân Vương"
những Donald Trump, Tập Cận Bình... hung dữ
Trong hơi say ta gặp Tần Thủy Hoàng ?
"Thế giới phẳng" xem chừng tan vỡ
Chúng đang xây những "Vạn lý trường thành"
Quân Hung Nô không sợ bằng I S
"Tên lửa hành trình" đan lưới khắp trời
xanh...
Ừ chuốc chén đem nay mình "độc ẩm"
Để quên đi những "tham nhũng" / thối môi trường
Chẳng còn khoái để mà ngất ngưởng
Chén rượu buồn "độc ẩm" với trăng suông.
Hà Nội, xuân Đinh Dậu - 2017
NGUYỄN KHÔI
Bình ngắn: Châu Thạch
Để hiểu bài thơ, trước hết phải tìm hiểu một vài cụm từ mà tác giả đặt vào trong dấu ngoặc kép, những cụm từ nầy ít người biết đến. Người viết đã tra cứu trên google, tạm tim ra những giải thích gọn nhẹ sau đây:
“Chủ nghĩa PuTin”:
“Chủ nghĩa Putin dùng mô hình chính trị Dân chủ Phi Tự do làm mất dần đi việc độc lập của ngành tư pháp và giới hạn các quyền căn bản cá nhân, nơi mà những biện pháp kiểm soát thường tinh vi hơn là những kiểm duyệt thông thường”.
“Thế giới phẳng”:
“Phẳng” với ý nghĩa mọi “mấp mô” thuộc mọi phạm trù biên giới, lãnh thổ, sự toàn vẹn chủ quyền quốc gia, chế độ chính trị - xã hội, bảo tồn bản sắc văn hóa, sự khác biệt về tôn giáo, chủng tộc, lịch sử, địa lý…, tất cả phải được duy trì, được bảo vệ, được xử lý theo hướng góp thêm vào cho tính “phẳng” của thế giới – quốc gia nào cũng phải ứng xử như thế nếu như không muốn tự cô lập mình”.
“Thời dân chủ”:
“Theo nhà khoa học chính trị Larry Diamond, chế độ dân chủ bao gồm bốn yếu tố chính:
Một hệ thống chính trị cho việc lựa chọn và thay thế các chính phủ thông qua bầu cử tự do và công bằng.
Sự tham gia tích cực của công dân, trong chính trị và đời sống dân sự.
Bảo vệ quyền con người của mọi công dân.
Một nguyên tắc của pháp luật, trong đó các luật và thủ tục áp dụng chung cho tất cả các công dân.
“Tên lửa hành trình”:
Tên lửa hành trình là những trái bom có điều khiển, bay nhanh ở quỹ đạo rất thấp song song với mặt đất. Chúng rất khác với các tên lửa bình thường (không phải hành trình) chủ yếu là vì chúng bay rất xa.
Những cụm từ trong ngoặc kép còn lại dễ hiểu với mọi người”.
Bài thơ “Đêm Xuân-Độc Ẩm Buồn” thật ra nó có vẻ là của một ông già hâm hâm. Hâm là vì đêm xuân mà một ông già ngồi độc ẩm thì một vạn bài thơ đều nói đến cô đơn, đều nghĩ đến ký ức đời mình để thổn thưc cho tình yêu, tình đời, cho thời gian qua mau chớ mấy ai nói bông lông những câu chuyện đâu đâu về thế giới. Hâm hâm vì ông già ngồi bàn cuộc diện thế giới một mình chẳng khác chi người bị bệnh tâm thần nói chuyện với ma với quỷ. Thế nhưng, chính cái hâm đó lại làm cho bài thơ trở nên độc đáo. Độc đáo vì nó khác với hàng ngàn bài thơ. Độc đáo vì nó báo bão, gióng lên tiếng báo động gió đang về, cuồng phong đang tới.
Bài thơ nói lên một nhân cách, nhân cách sống. Kẻ sống vì mọi người dầu bó mình trong gác nhỏ nơi lầu cao lòng cũng luôn đau đáu đến biến động quanh mình. Tấm lòng đó tuy không lo toan được thời cuộc cũng nặng trĩu vì thời cuộc, để tiếng thở dài biết đâu đánh động được lương tâm xã hội.
Đọc bài thơ, tôi nghĩ đến người xưa, những nhân tài bất đắc chỉ, nhưng người yêu nước, những nhà cách mạng bị thúc thủ trong nơi nào đó nhưng lòng họ rộng như biển, cao như trời, nặng nề như thái sơn vì đại cuộc.
Đọc thơ Nguyễn Khôi tôi tưởng tượng đến chiếc lá đầu tiên hồi sinh trên thân “cây khô cành mục ruỗng” của nhà thơ Bích Trần. Biết đâu những chiếc lá hồi sinh như thế của cây đời đã uống nhựa nguyên từ những bài thơ giống như thế của Nguyến Khôi./.
Châu Thạch
Thơ Châu Thạch
MƯA ĐÔNG CHIỀU XUÂN
Người ta bảo mưa mùa xuân rất đẹp
Nắng vẫn trong và không lạnh bao giờ
Nhưng hôm nay mưa xuân nhìn rất lạ
Cũng lạnh lùng như hết cả chiều đông.
Em có thế hay là em chẳng thế?
Để giận hờn đang giữa buổi đương yêu
Khiến hồn xuân mưa dỗi đã bao chiều
Ta bó gối ngồi mơ miền đất hạ.
Hè có nóng nhưng bướm bay rộn rã
Những cành hoa khoe màu sắc xinh tươi
Mỗi đóa hoa một nụ thắm em cười
Để nhan sắc chở linh hồn mơ tưởng.
Mùa hạ nắng, trời khô tình vẫn hưởng
Mùa xuân mây vần vũ có gì hay?
Em đừng sầu, trong mắt lắm tơ bay
Đừng đễ gió đễ mưa trong tuổi mùa xuân thắm.
Hôm nay lạnh, cơn mưa xuân ướt đẫm
Nước mắt em trôi cả ánh chiều xuân
Trong lòng ta ân hận mãi không ngừng
Đành xin lỗi, kẻo mưa dài mưa mãi ./.
Châu Thạch
ĐÊM ĐÀ-NẴNG NHỚ VỀ ĐÀ-LẠT
Đêm Đà-Nẵng đường bên sông rực rỡ
Ta nhớ sao Đà-Lạt phố trời xanh
Qua sông Hàn nhìn mặt nước long lanh
Hồn bay đến Xuân-Hương hồ gió lộng.
Đây muôn sắc còn nơi em thơ mộng
Đây đèn hoa còn nơi ấy trăng thanh
Đây một mình, chỉ có một mình anh
Còn nơi đó có ai cùng trăng nước?
Em có nhớ hay quên lời hẹn ước?
Ta vẫn mơ vẫn đợi phút tương phùng
Cả hồn ta cơn gió lạnh mông lung
Em đầu núi, có mong không buốt giá?
Đời trăm lối, hai chúng mình hai ngã
Ước mơ chung chỉ gối mộng mà thôi
Nhớ nhung chi, chỉ giây phút bồi hồi
Để hồn gởi cho nhau nhiều ảo tưởng.
Đêm Đà-Nẵng bước chân hoang vất vưởng
Nhớ làm sao Đà-Lạt mến và thương!
Trước và sau đời vẫn cõi vô thương
Đây và đó sao xa vời quá đỗi ? ! ./.
Châu Thạch
Tác Giả Châu Thạch
CHÂU THẠCH GIỚI THIỆU THƠ HAY.
TÌNH NỞ
Nở ơi... đận ấy... trăng hè
Giả ngây Nở để Chí đè cưỡng yêu
Ơn trời đêm ấy Chí liều
Cháo hành Thị Nở còn phiêu đến giờ.
Vườn trăng nhễ nhại chẳng ngờ
Hương tình Thị Nở tới giờ vẫn tươi.
*. Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2013
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Cảm nhận ngắn:
Chỉ mấy câu thơ ngắn gọn mà nó diễn đạt đến đỉnh cao của cảm xúc: cảm xúc xác thịt và cảm xúc tâm hồn. Đọc thơ không ai không thấy máu nóng hình như
cũng chảy rần rần trong da thịt mình trước cảnh ân ái dưới trăng của hai con người bị dồn nén sinh lý lâu ngày. Đọc thơ ta cũng thấy yêu mến cái thứ tình chất phát trong tâm hồn của hai con
người thật thà được bày tỏ qua tô cháo hành.
Ta thấy vườn trăng đêm ấy “nhễ nhại” nhưng không nhớp nhúa như những
chốn lầu xanh đèn mờ, vì trong ánh trăng “nhễ nhại” đó nồng nàn một thứ “hương tình tới giờ vẫn tươi”.
Chuyện Chí Phèo-Thị Nở thì ai cũng biết, cũng viết nhưng để diển tả
hết cái chất nóng kích dục cuồng nộ, cái hương tình âu yếm vọng đến trăm năm chỉ trong vài câu thơ ngắn gọn thì Đặng Xuân Xuyến đã thàng công./.
Châu Thạch
HƯƠNG THƠ TƯỞNG NIỆM
(Kính dâng cô Phan Ngọc Lan)
Tháng mười một về sủng ướt bài thơ
Nghĩ về cô giữa lung linh ngọn nến
Trang giấy trắng viết muôn lời thương mến
Vẽ hình thầy tóc bụi trắng vai nghiêng
Đời trôi mãi tuổi chồng lên gánh phận
Gởi về đâu? Giữa cõi mộng thiên thu
Người lặng lẽ ngủ say không từ biệt
Bao lời kinh khép lại cõi sa mù
Người ôm trọn phiều ưu số kiếp
Chỉ một mình nguyện ước với riêng mình
Ôi cô giáo?
Vòng hoa in tưởng niệm
Nhớ câu vàng giải trọn nghĩa nhân sinh
Chẳng cần phấn- Bảng đời in nét rõ
“Sống vô ưu. Để giữ nghĩa ân tình”
Tháng Mười Một. Hoa cười- Người vắng
Lời ân sư tỏa ngát lòng trò
Với tâm thành khẩn nguyện giữa hư vô
Người yên nghĩ ngàn thu yên tịnh.
Quang Tuyết
Cảm nhận ngắn:
Đây là bài thơ Quang tuyết đăng trên tập “Tưởng Nhớ Gương Xưa” để tri ân và tưởng nhớ thầy cô trường Nguyễn Hoàng Quảng Tri do thầy Lê Hữa Thăng chủ trì
Chỉ hai câu thơ mở đầu cũng cho ta tưởng tưởng một hình ảnh rất buồn: Cô gái ngồi trước những ngọn nến lung linh trong một đêm trời mưa rất lớn. Trời mưa không ướt bầu trời mà lại sủng ướt bài thơ trong lòng cô. Bởi vì sao? Bởi vì bài thơ ấy là giai điệu yêu thương của cả một thời cắp sách đến trường trong giờ phút nầy đã ướt vì “Người lặng lẽ ngủ say không từ biệt”.
Bài thơ có những tứ thơ thật tuyệt vời: “Trang giấy trắng viết muôn lời thương mến”. Thật thế, không có trang giấy nào viết đủ muôn lời thương mến với thầy cô. Vậy cho nên trang giấy trắng không viết gì vào đó mới đủ sức chứa trọn vẹn những gì muốn nói với thầy cô. Tôi nghĩ cái “hình thầy tóc bụi trắng vai nghiêng” rất đẹp mỹ thuật kia cũng chỉ là sự tưởng tượng trong con mắt tác giả mơ hồ khi nhìn lên trang giấy trắng mà thôi. Đọc câu thơ nầy tự nhiên tôi nhớ đến cái tượng đài tuyệt mỹ mà nhà thơ Phan Thạch Giang muốn xây: “ Sao em không về cùng ta xây một tượng đài?/Vâng! Một tượng đài bên dòng sông bụi phấn” ( Người Ở Lại Bên Sông). Câu thơ “Tháng Mười Một- Hoa cười- Người vắng” đặt vào lòng ta đầy ấn tượng . Tháng mười một viết hoa: Một dấu ấn trong đời. Hoa cười: niềm vui. Người vắng: nỗi buồn. Một câu thơ ngắn và gói trọn tâm trạng của người, bộc lộ hết niềm đau hằng sâu trong tim, chua xót oán than một sự nghịch lý đang xảy ra giữa đời ngang trái.
Đây là một bài thơ rất cô đọng, khô lệ vì lệ lan tỏa trong mỗi dòng thơ. Bài thơ không nhắc đến công ơn thầy, chỉ nói nhiều đến nỗi đau của một số khiếp, nhưng nỗi đau đó đã tôn vinh thầy, đã diễn đạt hoàn toàn được tiếng khóc bi thương và chân thật của người học trò yêu quý thầy cô, nó là nỗi đau hằn sâu trong con tim mỗi chúng ta, khác với với những lời tán tụng nói ra trên cửa miệng thường ngày./.
Châu Thạch
KHƠI XA
Em lạc mấy mùa trăng cố xứ ?
Hồn đi hoang lữ thứ xa đưa
Nhớ thương một mái nhà xưa
Bên hiên tiếng võng mẹ đưa triũ lòng
Trời viễn xứ buồn trông quê cũ
Để nỗi buồn ũ rũ chiều mưa
Đâu rồi một tiếng gà trưa
Gáy bên bờ dậu lưa thưa bồi hồi
Em ngày cũ xa xôi cách trở
Đường tương lai vạn thuở lao đao
Chuyện tình một giấc chiêm bao
Dung nhan đã héo nhạt màu áo phai ?
Trăng đã úa bên trời quan ngoại
Mây giăng đầy mấy ải non cao
Bước chân ghềnh đá chênh chao
Khơi xa sóng vỗ bạc đầu nhớ thương…
NHÃ MY
(USA)
Cảm nhận ngắn:
Bài thơ dùng thể thơ song thất lục bát, một thể thơ đã được dùng trong hai kiệt tác Chinh Phụ Ngâm và Cung oán Ngâm Khúc lưu lại cho đời hai áng văn chương tuyệt vời. Tuy thế ngày nay thể thơ nầy hầu như không mấy ai dùng nữa . Nhà thơ Nhã My đã cảm hứng , sáng tác ngắn gọn nhưng tính chất tài hoa, đài các, tinh xảo và nhuần nhuyển của thể thơ nầy cũng hội đủ trong bài thơ. Đặc biệt không như người xưa, tác giả không dùng điển tích, điển cố mà câu thơ vẫn được trau chuốt một cách tuyệt xảo. Bài thơ bày tỏ nỗi nhớ cô hương của một người ở “khơi xa” nghĩa là ở bên kia bờ biển. Nhạc điệu của bài thơ réo rắt như tiếng gió bay qua đại dương. Nỗi buồn có góc cạnh, dội vào sâu thẳm lòng người. Hình ảnh trong thơ nổi lên rõ mồn một như trên phim ảnh. Ta thấy võng mẹ đong đưa, ta nghe vẳng tiếng gà trưa, và tất cả cảnh bên nầy và bên kia bở biển trôi trong nỗi buồn diệu vợi len vào tâm hồn người đọc. Đặc biệt bốn câu thơ cuối chùng xuống với hình ảnh bầu trời trăng úa, mây giăng, bước chân gập ghềnh bên bờ khơi xa sóng vỗ bạc đầu đẹp đến diễm lệ nhưng lại buồn đến se thắt cõi lòng.
Bài thơ ngắn gọn nhưng lại gói trọn tinh túy của một thể thơ bị lãng quên, nó làm thức tỉnh trong lòng người đọc tên tuổi của những thi hào Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều và những bụi phấn trên tóc thầy cô đứng trên bục giảng một ngày xa nào đó trong ký ức ./.
Châu Thạch
Châu Thạch
TẢN MẠN VỚI BÀI THƠ “UỐNG RƯỢU VỚI LÊ MAI LĨNH” CỦA KHA TIỆM LY – CHÂU THẠCH
Tôi biết Kha Tiệm Ly cở trên 5 năm rồi và có dịp được gặp anh vài ba lần. Tôi biết Lê Mai Lĩnh cở 50 năm rồi khi hai tôi còn cắp sách đến trường. Hồi đó tôi có đến nhà anh một hai lần khi anh muốn thành lập một hội thơ học trò nhưng hình như không thành. Rồi thôi anh không nhớ tôi nhưng tôi thì nhớ anh từ đó, bởi vì tôi đã gối đầu giường quyển thơ đầu tay của anh tên là “Nỗi Buồn Nhược Tiểu” mà anh đã bán xe đạp, bán áo quần để kiếm tiền cho nó ra đời. Quyển thơ đó bị cháy trong Mùa Hè Đỏ Lứa Quảng Trị khi tôi bỏ Cổ Thành với quê hương của một thời tuổi trẻ vàng son và tài sản đồ sộ của gia đình tôi.
Có thể nói Kha Tiệm Ly, Lê Mai Lĩnh là thần tượng của tôi. Tôi yêu giọng văn chương của hai người nhưng thú thật, tôi không thuộc bài thơ nào của họ vì chính thơ tôi, tôi cũng chẳng thuộc một dòng.Thời tuổi trẻ, cái đầu tôi chứa đầy thơ Mới.Chứa đến nỗi không còn chổ nhét vào nữa kể cả thơ của chính tôi. Bây giờ về già cái đầu thêm suy thoái nên làm gì còn nhớ được thơ ai.Tuy thế trời lấy cái nầy trời cho cái khác.Bây giờ đọc thơ, tôi thưởng thức được cái hay của bài thơ gần như rốt ráo. Thế mà lạ chưa kìà, bây giờ tôi lại thấy thơ Kha Tiệm Ly, thơ lê Mai Lĩnh nó hay hơn nhiều lần cái thứ thơ mà tôi chứa đầy trong đầu thuở ấy. Nói như thế có ai ném đá tôi không? Chắc không đâu vì phát biểu là quyền của tôi mà. Tuy thế tôi cũng xin giải thích thêm một chút để bạn đọc thông cảm mà tha thứ cho tôi, nếu có điều sai trật.Tất cả các thơ tôi đọc thời trẻ giống như một dòng nước mát chảy vào hồn tôi,mà hồn tôi đã là một dòng suối trong veo. Bây giờ đọc thơ Kha Tiệm Ly, Thơ Lê Mai Lĩnh giống như một dòng nước sôi bỏng chảy vào hồn tôi, mà hồn tôi là ống cống nhiều tháng năm tích tụ chất ô dơ .Ôi thích làm sao, chuột bọ, côn trùng bỏ chạy hết, chất ô dơ tan ra và trôi đi tuồn tuột, linh hồn tôi tuy không được trong veo như trước nhưng khoái lạc ngất ngây.Nhiều năm tôi muốn khóc, nhiều năm tôi muốn chửi, muốn dạy đạo đời, muốn khuyên nhân thế, muốn đạp sập bao bức tường rêu mốc, muốn tẩy sạch chất cặn bả bám vào tôi nhưng tôi làm không được. Đọc Kha Tiệm Ly, đọc Lê Mai Lĩnh tôi thấy hầu như họ đã làm cái mà tôi đã ao ước làm nhưng đã làm không được.Tôi thờ Chúa nên không dám khen họ là Chúa. Thì thôi tôi tôn họ là Vua đi, vua anh minh đã ban cho linh hồn tôi nhiều ân huệ được khóc, được cười, được than van, được chưởi rủa bằng tất cả cái thật của lòng mình, của tình cảm, cúa suy tư của con Người mình thực thụ.Tôi đọc thơ họ sang sảng để cái hùng khí trong tôi thỏa sức vẩy vùng.
Tôi cứ nghĩ Lê Mai Lĩnh và Kha Tiệm Ly không quen nhau vì họ ở hai chân trời xa nhau lăng lắc từ khi còn trẻ cho đến nay về già. Mà thật vậy, họ chưa gặp nhau lần nào nhưng lại ngồi uống với nhau mới lạ. Ôi! Tôi vừa nhớ ra không lạ mấy đâu. Cái anh Kha Hảo Hán nầy có linh hồn ngàn năm. Thơ anh uống rượu với tiền bối Phàn Khoái, Tống Giang sống ngàn năm trước còn được huống chi là với Lê Mai Lĩnh thời nay, chỉ cách một đại dương. Đọc bài thơ “Uống Rượu Với Lê Mai Lĩnh” của Kha Tiệm Ly sáng tác tôi sướng nân. Sướng là vì hai thần tượng của mình là tri kỷ của nhau, họ chén tạc chén thù để ta ngồi ngoài nghe được lời qua tiếng lại của họ, rửa được lổ tai trần tục,tiếp nhận hương hoa của tâm hồn họ, thứ mà mình ghiền nhưng dễ đâu thưởng thức trọn vẹn nếu họ không có cơ hội ngồi lại tâm tình. Bài thơ nầy chỉ có Kha Tiệm Ly nói, không thấy Lê Mai Lĩnh trả lời nên tôi cứ tưởng tượng vì mới uống rượu với nhau làn đầu nên nhà thơ đất Quảng Trị tịnh khẩu cái đã, sợ mở miệng ra chửi vung vít thì đàn em coi thương. Tiếc quá, nếu mà Kha nhà ta để cho Lê chửi vài câu thì ta được biết thêm cái văn hóa chửi của Lê đến hả dạ hả lòng. Bài thơ nhờ đó sẽ hay thêm lăm lắm.
Bây giờ ta hãy đi vào thơ. Mở đầu Kha Tiệm Ly viết:
Tôi chưa gặp anh dù - Chỉ một lần,
Mà quý anh ngợp trời khí phách.
Vậy là Kha mới “kiến kỳ thanh” Lê Mai Lĩnh chớ chưa hề “kiến kỳ hình”nhà thơ nầy. Mới “kiến kỳ thanh” mà khen người ta tới tấp:
Dòng đời quanh co, ai dơ, ai sạch,
Huynh vẫn trong ngần một khối tinh anh.
Núi càng cao, sông càng thác lũ,
Mới biết ai thất phu, ai đấng anh hùng.
Trời càng cao, càng gió to, bão dữ,
Mới biết đâu là chim sẻ, chim hồng!
Tay hào kiệt vươn ngoài vạn lý,
Thì có sá gì một nhúm biển khơi?
Kha Tiệm Ly có biệt danh là Kha Hảo Hán, coi trời bằng vung, cao ngạo giữa đời, tự cho mình uống rượu với Lỗ Trí Thâm, với Phàn Khoái, với hảo Hán, với La hán, với Tống Giang, với Bụi Đời, với Giang Hồ, với Đĩ,nhưng uống với ai thì đều là người có khí phách “Rượu hảo hán rót bung trời hảo hán/Gương anh hung mài bén dạ anh hùng”, vậy mà ca tụng Lê Mai Lĩnh là “Huynh vẫn trong ngần một khối tinh anh” chứng tỏ cái họ Lê nầy “danh bất hư truyền” rồi.Tôi đã gặp Kha, uống rượu với Kha một vài lần, lòng yêu mến và cảm phục khôn lường. Nay hình ảnh Lê Mai Lĩnh đã đẹp trong những bài thơ văn của anh lại càng đẹp thêm qua thơ Kha, hiện lên trong đầu tôi cái hình tượng của một con người “Tay hào kiệt vươn ngoài vạn lý/Thì sá chi một nhúm biển khơi”.
Hai anh chàng nầy đều có danh, nhưng danh bất phùng thời. Đều là bất đắc chí với nhau
cả:
Ly cụng ly, rượu tràn tràn sĩ khí,
Thiếu tiếng gươm khua vang bóng một thời!
Huynh nửa miệng cười đời ngạo nghễ
Cổ lai hy còn "Chống gậy tìm tình"!
Tôi đưa cay đắng bằng ly ba-xi-đế,
Vỗ bụng nhìn người, ít trọng, nhiều khinh!
Còn gì đâu, bao năm mưa cuồng, gió tạt?
Dừng bước kỳ hồ, ngoảnh lại cũng bằng không!
Cái sĩ khí tràn ra ly rượu vì nó dồn ứ lâu trong buồng tim. Tiếng gươm khua vang bóng một thời không có nữa nên sĩ khí mới bung ra tràn ly rượu. Ly rượu bây giờ là “chí làm trai dặm ngàn da ngựa. Gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao”, là “kinh luân khởi tâm thượng (việc chính trị đã định sẳn trong lòng). binh giáp tàng hung trung(việc giáp binh đã có sẳn trong bụng)” đã bao năm kìm tỏa, nay nó tràn ra trong ly rượu. Cái sĩ khí ấy đáng lẽ nó bung ra ngoài đời để kinh bang tế thế (trông coi việc nước, cứu giúp người đời) thì nay nằm hết trong ly rượu. Ly rượu hai người phải uống vào. Uống vào là uống cái thất bại của đời mình, là nuốt cái chí lớn của mình, là đau xót khi “dừng bước kỳ hồ, ngoảnh lại cũng bằng không”
Vế thơ có giọng điệu hào hùng nhưng ôm cả mối hận trong lòng đến nỗi ta tưởng tượng cái nụ cười ngạo nghễ kia nó cay đắng làm sao, ta tưởng tượng cai “vỗ bụng nhìn người ít trọng, nhiều khinh” kia nó xót xa nhường nào.
Cuối cùng là những tiếng thở dài. Tiếng thở dài của anh hùng, của hảo hán, của kẻ biết mình có tài mà đành thúc thủ, nó như riếng gầm của sư tử, tiếng hú của sói bị thương, tiếng sóng biển âm thầm ngàn năm vỗ vào ghềnh đá, tiếng gió thổi lạnh lùng qua sa mạc hoang liêu:
Huynh ngao ngán nhìn biển dâu tan tác,
Tôi lan man vót bút luận anh hùng!
Còn gì để trọng, còn gì để khinh?
Còn chăng là hai chữ nhục, vinh.
Dốc cạn bầu, nhiều lắm ta say rượu,
Rồi xót thương ai say khúc Hậu Đình!
“ Còn chăng là hai chữ nhục, vinh!”. Vâng, nhục vinh cũng chưa chắc tồn tại ở đời. Khúc hậu Đình Hoa vang vọng ngàn năm nhưng kẻ vinh thành nhục, kẻ nhục thành vinh trăm năm sau ai biết được là ai. Với tôi, cái còn lại là “Ly cụng ly,rượu tràn tràn sĩ khí”. Cái sĩ khí đó là nhân cách con người, là khí hạo nhiên của trời đất có trong hồn người. Người có khí hạo nhiên, chết đi thì tinh hoa đó đi vào vô vi cùng trời đất, sống muôn đời với gió với trăng. Người không có khi hạo nhiên, dẫu được thiên hạ mà đã mất linh hồn, chết đi chưa chắc thành cây cỏ.
Bài thơ “Uống Rượu với Lê Mai Lĩnh” là một bài thơ sầu. Sầu của những con người khí phách. Vì là nỗi sầu của những con người khí phách cho nên chất lãng mạn của nó vượt trên sự mơ mộng bình thường của thi nhân. Đọc thơ tôi liên tưởng đến đời tôi và thế hệ của tôi, phí đi năm tháng như những vườn hoa tốt tươi bị dập vùi trong cát, nhưng hoa vạn vật không gặp thời thì không nở còn hoa trong hồn người thì có khi gian nan lại nở đẹp thêm lên.Thơ Kha Tiệm Ly và Lê Mai Lĩnh phải chăng là thứ hoa đó, nở đẹp thêm nhờ biến động của cuộc đời ./.
Châu Thạch
Uống Rượu Với Lê Mai Lĩnh
Tôi chưa gặp anh dù - Chỉ một
lần,
Mà quý anh ngợp trời khí phách.
Dòng đời quanh co, ai dơ, ai sạch,
Huynh vẫn trong ngần một khối tinh anh.
Núi càng cao, sông càng thác lũ,
Mới biết ai thất phu, ai đấng anh hùng.
Trời càng cao, càng gió to, bão dữ,
Mới biết đâu là chim sẻ, chim hồng!
Tay hào kiệt vươn ngoài vạn lý,
Thì có sá gì một nhúm biển khơi?
Ly cụng ly, rượu tràn tràn sĩ khí,
Thiếu tiếng gươm khua vang bóng một thời!
Huynh nửa miệng cười đời ngạo nghễ
Cổ lai hy còn "Chống gậy tìm tình"!
Tôi đưa cay đắng bằng ly ba-xi-đế,
Vỗ bụng nhìn người, ít trọng, nhiều khinh!
Còn gì đâu, bao năm mưa cuồng, gió tạt?
Dừng bước kỳ hồ, ngoảnh lại cũng bằng không!
Huynh ngao ngán nhìn biển dâu tan tác,
Tôi lan man vót bút luận anh hùng!
Còn gì để trọng, còn gì để khinh?
Còn chăng là hai chữ nhục, vinh.
Dốc cạn bầu, nhiều lắm ta say rượu,
Rồi xót thương ai say khúc Hậu Đình!
Kha Tiệm Ly
Tác Giả: Châu Thạch
ĐỌC THƠ TỨ TUYỆT THÁI QUỐC MƯU
Thơ Tứ Tuyệt đã có trước cả thơ Đường Luật. Đầu tiên tứ tuyệt được giải nghĩa “tứ” là bốn, “tuyệt” là tuyệt diệu. Đến thời thơ Đường Luật phát triển thì chữ Tuyệt được hiểu là ngắn hay chấm dứt nên thơ Tứ Tuyệt từ đó có nghĩa là thơ làm chỉ có bốn câu thôi.
Dầu hiểu thế nào thì thơ Tứ Tuyệt cũng dễ làm mà khó hay. Dễ làm vì chỉ có bốn câu. Khó hay vì chỉ có bốn câu mà phải tóm tắt được nội dung và đầy đủ tính chất của một bài thơ. Do vậy, người làm thơ tứ tuyệt mà để lại cho đời nhớ thường là những thi sĩ trí thức, có kiến thức sâu rộng và có khả năng cô đọng suy tư của mình hay, gọn trong kết cấu bài thơ ngắn.
Trong những người làm thơ Tứ Tuyệt ngày nay, tôi có vinh dự được đọc thơ của Thái Quốc Mưu, một huynh trưởng trên các diễn đàn thơ văn. Những bài thơ gọn nhẹ của ông đem đến cho tôi nhiều bất ngờ khi thưởng thức và lý thú với những sự đột phá của ý, tứ và nghệ thuật diễn đạt.
Thường nhà thơ Thái Quốc Mưu ít làm thơ tình nam nữ. Thơ tình của ông là thứ tình cao rộng với tha nhân, với quê hương, với những thăng trầm của cuộc đời nhiều hơn là thứ tình nam nữ. Dò trong tập thơ tứ tuyệt của ông, tôi chỉ tìm ra hai bài thơ, một nói về “Đàn Bà” và một nói về “Mái Tóc Phụ Nữ” mà tôi tạm gán ghép là thơ tình nam nữ, chỉ vì nó có hình ảnh người nữ trong thơ:
Đàn bà
Rực rỡ xinh hơn vạn cánh hồng
Đã từng làm lệch núi nghiêng sông
Nụ cười phượng vĩ bừng sương sớm
Dưới nét kiêu sa cuộn sóng thần
Atlanta, Aug. 30, 2008
Mai tóc phụ nữ
Khi làn sóng lượn lúc mây bay
Như suối thong dong chảy miệt mài
Gặp cơn gió giật liền bung rối
Tóc chẳng khác chi với cuộc đời
Atlanta, Jan. 9, 2009
Thái Quốc Mưu
Trong bài thơ “Đàn Bà”, Thái Quốc Mưu ca tụng quyền lực của người phu nữ. Ông đem cái uy vũ của sắc đẹp được ca tụng ngàn xưa lồng trong cái cốt cách của người đẹp ngày nay. Người đẹp xưa thì “lệch núi nghiêng sông”, người đẹp nay thì “phương vĩ bừng sương sớm”, và cả hai sắc đẹp đó thì “kiêu sa cuộn sóng thần”. Bốn câu thơ của ông đánh giá, bao trùm hình tượng sắc đẹp của người đàn bà xưa và nay. Cuối cùng tác giả dựng hình tượng “cuộn sóng thần” như lọn tóc để tôn vinh sức mạnh vô biên trong sắc đẹp thanh nhã của người phụ nữ. Qua bài thơ “Mái Tóc Phụ Nữ” tác giả lại nhấn mạnh ở câu kết một quan niệm đột phá về mái tóc phụ nữ: “Tóc chẳng khác chi với cuộc đời”. Quan niệm nầy có được đồng ý, hay không đồng ý là tùy mỗi người, nhưng phải nói rằng nó rất sống động, diễn tả trọn vẹn thăng trầm của đời lên trên mái tóc bung rối của người đàn bà trong bão táp.
Tình yêu tha nhân trong thơ tứ tuyệt Thái Quốc Mưu có nhiều. Nhà thơ thường bày tỏ lòng mình qua những hình ảnh sự hay vật trong đời. Để tỏ rõ cái ước vọng giúp đời bằng nghĩa cử thanh cao của mình ông đã gởi tiếng lòng mình vào bài thơ cây cầu:
Cây cầu 2
Vươn mình qua đến bến kia sông
Nối vạn vòng tay, vạn tấm lòng.
Nối vạn nẻo đường trong bốn hướng,
Cả đời chân rửa giữa dòng trong!
Atlanta Aug. 3, 2008
“Cả đời chân rửa giữa dòng trong”: Một câu kết tuyệt hay đã nâng cao giá trị cây cầu, biến cây cầu có một nhân cách. Đọc bài thơ ta thấy được tất cả sự cao trọng của một tâm hồn, sự vĩ đại của những việc làm vị tha nhân, sự chân thành của một tấm lòng mở rộng vòng tay giúp đời. Đọc bài thơ không ai trong ta không hình dung được sự nhộn nhịp trên cây cầu, và không ai không biết cây cầu ấy đại diện cho mẫu người đáng kính, đem hạnh phúc cho tha nhân bằng tấm lòng thiện nguyện của mình.
Tình yêu quê hương thì ai mà không có. Nhà thơ Thái Quốc Mưu có những bài thơ Thất Ngôn Bát Cú tuyệt vời bày tỏ tấm lòng ông đối với quê hương. Riêng thể thơ Tứ Tuyệt, trong những câu thơ ngắn, ông thường rất linh hoạt, dùng sự so sánh ta và người để thổ lộ hết cái tình cảm sâu thẳm chất chứa trong lòng:
Quê người, quê ta.
Họ bảo quê người quá đẹp xinh
Quê ta chỉ có chút chân tình
Nét đẹp xứ người, vui ánh mắt
Quê mình, nhân nghĩa kín tâm linh.
Atlanta Aug. 24, 2008
“Chút chân tình” của quê ta là gì? Là “nhân nghĩa kín tâm linh”. Bài thơ cho biết cái đẹp của xứ người là đẹp vật chất mà cái đẹp của quê ta là đẹp ở tinh thần. Một chút mà ta hơn người đó, không ở trong tâm hồn mà nó là “tâm linh”, nghĩa là trong phong tục, tập quán, luân lý và tôn giáo. Quê người, quê ta có thể so sánh vài trang giấy chưa hết. Qua thơ tứ tuyệt, Thái quốc Mưu đề cập đến cốt lõi của sự khác biệt. Từ đó người đọc tự suy diễn, thấy được thứ hạnh phúc khác nhau giữa hai chân trời cũng như biết đâu là chân hạnh phúc. .
Nỗi nhớ quê hương canh cánh bên lòng nhà thơ Thái Quốc Mưu. Ông chỉ dùng cái bông tuyết thôi, nhưng gởi được linh hồn của nỗi nhớ trong ông vào trong bao la của vũ trụ, tạo được một bức tranh nên thơ cho nỗi nhớ của mình:
Tuyết
Bông tuyết bay bay vẻ thướt tha
Cho trời thêm sắc, đất thêm hoa
Đâu ngờ trong nét kiêu sa ấy
Khơi gợi trong ta nhớ nước nhà!
Atlanta, Aug. 26, 2008
Thơ Thái Quốc Mưu thường thuộc loại “văn dĩ tải đạo”. Ông hay nhắc nhở đến cái đạo lý sống ở đời. Ông quan niệm sống phải ra Người (viết hoa), nghĩa là phải sống đầy nhân cách:
Cây thông
Ta đứng thẳng lên giữa đất trời
Bốn mùa, mưa, nắng mãi xanh tươi
Mặc cho sấm sét gào giông tố
Vẫn lớn cao lên giữa giống người
Atlanta, Aug. 17, 2008
Bức tranh
Không là sông núi chẳng là mây
Bốn biển thu gom ở chốn nầy
Đền, miếu, cung đình, thôn xóm nhỏ
Sang hèn, vinh nhục ở trong tay.
Atlanta, July 30, 2008
Bài thơ “Cây Thông” khẳn định phẩm giá của mình. Bài thơ cho ta nhớ đến hai Câu thơ bi quan của Nguyễn Công Trứ: “Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Nhà thơ xưa chán làm người nên muốn làm thông cho thanh thản. Nhà thơ nay không chán làm người, muốn làm người như thông để đấu tranh với nghịch cảnh, cao lên vòi vọi giữa cuộc đời.
Qua bài thơ “Bức Tranh” nhà thơ Thái Quốc Mưu không những quy hết vũ trụ mà còn quy hết vận mệnh trong bàn tay của mình. Tác giả đưa ra một triết lý sống tích cực và một suy nghiệm siêu việt về sự biến hóa trời đất trong ảnh hưởng của lòng bàn tay mình. Tất nhiên đây không phải là toán số. Đây là một triết lý nhân sinh khẳng định ý chí của con người hòa nhập vào cõi vô vi mà thành quả hay không do bàn tay con người quyết định.
Nhà thơ Thái Quốc Mưu rất ghét cái xấu, nhất là cái xấu của quan quyền. Ở những thể thơ khác ông dùng lời cay nghiệt đã phá thói hư tật xấu của bọn người mà ông cho là “ngợm người” hay “người ngợm”. Trong thơ tứ tuyệt, nhà thơ ôn hòa hơn. Ông phủ dụ bằng lời khuyên nhẹ nhàng mà chí lý.
Hát tuồng. Bài 2:
Cũng là áo, mão, cũng râu ria
Quan chức - Thầy tuồng chọn cắt, chia (*)
Hò hét, oai phong… trông lẫm liệt
Đến khi hát vãn cũng ra rìa.
Atlanta, Aug. 19, 2008
* Thầy tuồng (Đạo diễn): Người toàn quyền cắt vai, chia vai cho diễn viên.
Thái Quốc Mưu cũng bi quan trước sự ngắn ngủi của đời người, nhưng ông có một phong cách sống Lão giáo, hòa nhập cùng vô vi đất trời để sự tự nhiên đem đến bình an cho sự sống:
Đường sinh, tử.
Sinh, tử rõ như bóng với hình
Đời người bệnh lão hãi hùng kinh
Soi gương mái tóc màu sương tuyết
Nhớ chuyện sinh ly bỗng giật mình!
Atlanta, Aug. 20, 2008
23
Cầu bình an.
Hôm nay chợt nhớ hôm qua
Trăng trên đỉnh núi vụt sa giữa dòng
Mặc đời gạn đục, khơi trong
Từ tâm, tĩnh mặc cho lòng thảnh thơi
Atlanta, Aug. 20, 2008
“Đường sinh, tử” rất rõ nhưng không bao giờ không đem đến sợ hãi. Muốn tránh sợ hãi phải “Cầu bình an”. Muốn cầu được bình an thì ta phải quán thấy sự an nhiên của trời đất như vầng trăng vụt sa giữa dòng sông nhẹ nhàng không một âm thanh, không một tiếng động. Suy nghiệm đó không phải dễ có, nhưng có thì chứng được, định được “Từ tâm, tỉnh lặng cho lòng thảnh thơi”. Cách cầu bình an của thái Quốc Mưu vượt qua tâm linh do tôn giáo dẫn dắt, vượt qua suy tư về luân hồi hay quyền năng tối thượng, bày con người tan vào cõi siêu nhiên như bóng trăng, như dòng nước trong veo thì đạt được chân lý.
Tứ tuyệt của Thái Quốc Mưu còn nhiều bài thơ hay đề cập đến nhiều mặt của cuộc sống. Đọc thơ ông ta tìm thấy ở đó một triết lý sống cao đẹp, một phong cách sống an nhiên, một sự đối nhân đầy yêu thương và một tâm hồn lãng mạn thanh cao.
Thơ tứ tuyệt của Thái Quốc Mưu có ngôn từ phóng khoáng, sáng tạo được những tứ thơ hay để lột tả hình ảnh, khai thác chi tiết, so sánh, liên tưởng phong phú và cô đọng trong bốn câu trọn ven ý thơ mà tác giả muốn nói.
Ước mong rằng thơ ông được đi vào lòng xã hội, vì nó có tính thiện, hướng dẫn được tình cảm con người nghĩ đến cái tốt, đem đến sự thư thái cho tâm hồn người đọc bởi những vần thơ thâm thúy, lắng đọng, nhiều khi rất dí dỏm ./.
Châu Thach
(Đà Nẵng, Việt Nam)