Dù thân thấm đẫm bụi đời
Và tóc con chớm điểm màu sương
Nhưng với mẹ,
Con vẫn còn thơ trẻ
Dù vóc hạc hao mòn theo từng tia nắng xế
Mẹ luôn là bóng cả,
ân cần rợp tỏa
Trìu mến ủ che
Dắt dìu con lìa thoát bến mê
La Thuỵ
THU CẢM
Heo may gợn nhẹ lá vàng rơi
Cảnh sắc trời thu đẹp rạng ngời
Thạch thảo xòe hoa cười góc núi
Hải âu tung cánh điểm lưng trời
Tình thơ tuôn chảy dường khôn cạn
Ý nhạc trào dâng tưởng nỏ vơi
Ai đó tri âm cùng chuốc chén
Ngắm quỳnh thưởng nguyệt bạn lòng ơi !
La Thuỵ
VÔ THƯỜNG
(Cảm khái khi đọc truyện thần thoại Hy lạp)
Một thời vang bóng còn đâu
Khói sương chừ lại úa màu thời gian
Một thời xuân sắc nhựa tràn
Nhành xanh biếc lộc, hoa vàng thắm cây
Nắng chiều xế bóng hao gầy
Xiêu theo triền dốc ngấm say vị đời
Tiếng lòng ngân vọng chơi vơi
Âm xưa bóng cũ mù khơi dấu tìm
La Thuỵ
PHIÊU BỒNG
Nhàn tản tiêu dao với tháng năm
Chừng thiên kỷ hết có bao lăm
Thảnh thơi trăng gió thơ bay bổng
Man mác trời mây nhạc lắng trầm
Múa gậy đầu non bừng tráng khí
Trổi tiêu cuối sóng dậy hài âm
Thong dong nâng chén tràn xuân ý
Thế sự đùa chơi há lẽ nhàm
La Thụy
Nhà Thơ La Thụy
TỰ CẢM CUỐI NĂM
Dặm trường rong ruổi ngựa phi
Thời gian vút cánh xuân thì hụt hao
Chồn chân dừng bước bên cầu
Lặng nhìn nước chảy nuối màu tóc xưa
Cánh buồm lộng gió ước mơ
Băng qua sông biển cập bờ nơi nao ?
Vọng âm sóng vỗ dạt dào
Bên chiều đông tận nắng đào dần phai
Hoa tóc sương muối đang cài
Tàn niên tự cảm thoảng bay tiếng lòng
La Thuỵ
DƯỜNG NHƯ
Dường như bóng xế đường trần
Dường như cuộc sống thanh bần rồi qua
Dường như tóc muối sương pha
Dường như phấn bảng sắp là vọng âm
Bên chiều một thoáng trầm ngâm...
La Thuỵ
Nhà Thơ La Thụy
Vọng Cố Hương
Mây Tần dõi bóng dạ nao nao
Hồi ức miên man cuộn sóng trào
Quảng Trị đường xưa ươm kỷ niệm
La Gi phố mới vắng tâm giao.
Ly hương khắc khoải thương mưa Bấc
Biệt xứ bâng khuâng nhớ gió Lào
Trở gối chập chờn chao cánh mộng
Vọng về quê cũ dấu yêu trao.
La Thuỵ
DÁNG HOA
Thuỳ mị trong chiều
Bên cầu soi bóng
Ta như lóng ngóng
Tim đập liên hồi
Thoáng nhìn đôi môi
Thắm trời hạ đỏ
Rặng mi biếc cỏ
Khoé mắt hồ thu
Hồn ta vỗ sóng
Chiều đông gió lộng
Đồng vọng âm ba
Diễm tuyệt dáng hoa
Bến bờ viễn mộng
Trùng khơi tình động
Man mác u hoài
Trầm mặc liêu trai ...
La Thuỵ
Nhà Thơ La Thụy
BUÔNG XẢ
BUÔNG
Buông thân đẫm bụi ta bà
Buông tình sóng cuộn hải hà giận yêu
Buông hồn theo gió phong phiêu
Trí buông xuôi nốt, tàn chiều ... vô ngôn
XẢ
Xả lòng vơi nhẹ tục căn
Suối nguồn xả gột trần tâm não phiền
Xả tình, hồn trí an nhiên
Xả hương tục lụy ghé miền vô ưu
La Thụy
Nhà Thơ La Thụy vào năm 1974
ẢNH TƯỢNG
Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại
Thăm thẳm nhìn tôi không nói năng
ĐINH HÙNG
Vâng, chưa một lần được duyên hạnh ngộ
Sao tôi yêu cuồng nhiệt dáng mơ hồ
Lung linh lạ, ôi chao là hư ảnh
Ngấm say nhiều ngầy ngật đến bơ vơ
Kìa Hiên đó, bừng to đôi mắt đẹp
Miệng mỉm cười vạn thuở ngất tình si
Tay dang rộng đưa ta vào cõi mộng
Ngực phập phồng ôi cả vạn lời thi
Trong phút chốc đời tan thành vũng bóng
Khói mơ huyền cô đọng nhạt mắt nai
Mi chớp nhẹ xanh xao ngàn vực thẳm
Thời gian dừng rực rỡ sáng sắc tài
Nhan sắc tuyệt nhưng vẫn là mộng ảo
Rét căm hồn dù biết chỉ hư vô
Thuyền hồn rộng lan bay tình chất ngất
Đưa ta về dìu dặt xứ em thơ
LA THUỴ
Huế, 11/4/1974
Nhà Thơ La Thụy
HOÀI CỔ LONG
Cảnh trong phim Tiểu Lý Phi Đao
HOÀI CỔ LONG*
Trong bóng thâm u núi đồi hoang dã
Bước chân yêu run rẫy mỗi đêm về
Ta lạc bước giữa hoa ngàn cỏ lạ
Gió muôn trùng âm vọng phủ lời mê
Lá tương tư vẫy vầng trăng khuyết sử
Rêu xanh rì mềm ướt, đẫm sương giăng
Tay vuốt nhẹ lòng đàn reo tở mở
Muôn tơ huyền rung động khúc hòa âm
Em kiều mị bất ngờ ta choáng váng
Phút giây nào thảng thốt đến mê si
Từng ép xác dưng không chừ thoáng đãng
Lòng Tiểu Phi* đồng vọng viễn khúc gì?
Ừ, Mai Hoa Đạo* mỹ nhân kỳ ảo
Kiếm ngây tình, lãng tử muốn Tầm Hoan*
Lâm Tiên Nhi* từng đêm về cỡi áo
Dợn sóng tình mê mải cõi hồng hoang
Vô tình kiếm, bên hông đa tình khách
Có bừng lên sát khí chấn đêm trường
Chừ phóng kiếm ném tung vào tuyệt cốc
Dạo sông hồ khinh khoái gót Lưu Hương* ...
La Thụy
* Cổ Long (1937- 1985) là nhà văn Đài Loan viết tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng. Ông cũng là nhà biên kịch, nhà sản xuất và đạo diễn. Các tác phẩm của ông đã được chuyển thể nhiều lần trên phim truyền hình cũng như điện ảnh.
* Lý Tầm Hoan, Tiểu Phi, Mai Hoa Đạo, Lâm Tiên Nhi, Sở Lưu Hương ... : Tên nhân vật trong tiểu thuyết võ hiệp của Cổ Long
Nhà Thơ La Thụy
NGÀY CÁ THÁNG TƯ
Anh rất yêu em
Mong rằng biển cứ vẫn xanh
Và CÁ mãi tươi
Trong THÁNG TƯ, NGÀY MỒNG MỘT
Để chúng ta được nói dối ngọt ngào
Không ai phải hờn ghen giận dỗi
Dù là chồng em hay vợ anh - cũng rứa
Dù thật sự
Có những phút ngoại vợ ngoại chồng
Mà hình như ai cũng có
Ngay nhà thơ Thuận Hữu
Chắc cũng đắn đo
Khi viết ra điều đó !
Anh lại nói to cùng hoàng hôn
Anh yêu em hơn kia nhé !
Dù gió có chuyển lời tình tự
Hay mây mang lời giận dỗi
Dù mưa nắng thất thường
Như tính tình em
Yêu giận ghen hờn
Đổi thay từng buổi
Anh xót lòng vì hôm nay
"Em buồn như con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận
Sao chẳng là nước biển"
Như thơ Nguyên Sa anh thuộc
May rằng CÁ không ươn
Vì NGÀY MỘT THÁNG TƯ
Không đòi lỗi chuộc
Khi mọi người thi nhau nói dối
La Thuỵ
(Chúc mọi người ngày CÁ THÁNG TƯ nói dối thật hay nhé!)
Nhà Thơ La Thụy
LỜI VỌNG CHÂN MÂY
(Cảm đề "Hát giữa rừng chiều" của ĐHT)
Non thiền lắng bợn sắc không
Suối nguồn lờ lững một dòng chân như
Hương Tây phương giũ phù hư
Thoát trùng bể khổ Thuyền Từ phiêu diêu
Hòa mình cùng chốn tịch liêu
Chuông mai Suối Đó, kinh chiều Chùa Đây
Thì thầm lời vọng chân mây
Rừng chiều ai hát riêng tây vô thường
La Thuỵ
Nhà Văn La Thụy
Bài viết từ năm 1978, bị bỏ quên rất lâu trong chồng bản thảo, tình cờ tìm thấy lại.
CHẬP CHỜN TỈNH MÊ
“Voici maintenant ma vieille angoisse, là, au creux de mon corps, comme une mauvaise blessure que chaque mouvement irrit. Je connais son nom. Elle est peur de la solitude éternelle, crainte qu'il n'y ait pas de réponse. " (Albert Camus)
Ừ trong cái thảnh thơi ngụy tạo do thích ứng với hỗn mang đời sống cùng sự đồng lõa của cõi lòng cố gắng phóng ngoại, chối bỏ cả những kỉ niệm sắc cạnh đang trầm tích tận đáy hồn, bóng tối hoài tưởng nhuộm đen nội tâm tự bao giờ, tưởng chừng đã mờ dần theo khói sương của năm tháng - Ờ mà phải, những đêm trăng tỏ, rải vàng trên không, dát vàng trong hồn, sang giàu trong thoáng chốc, dưới gốc cây điều, ngước nhìn vóm lá ngời xanh sắc ngọc, an bình choáng ngợp cõi lòng, thanh thản vô bờ, ngỡ rằng tiểu ngã đã tan cùng hư không, tâm trí hết còn định cố, như được chân như huyền nhiệm, ta bà rủ sạch, cực lạc, thiên đường chỉ thu về trong cùng ý nghĩa. Nhưng, đó chỉ là bề mặt, vỏ bao huyển hảo hay là giấc mơ đẹp trong cơn say ngủ thoáng hiện tha thiết để rồi trôi nhanh. Những góc cạnh của kỉ niệm từ bên trong bưng bít của vỏ bao ấy, khía cắt những đường ngọt bén, xuyên thành những kẻ hở tạo thành những đợt sóng ngầm mãnh liệt như muốn ngoi lên bề mặt biển cả lặng lờ gây nên cơn nước xoáy hung cuồng. “Từ trong sâu thẳm của hình hài, cái niềm khắc khoải hãi hùng xa xưa như bừng dậỵ tạo nên vết cắt hằn sâu dáng sẹo, nhức buốt theo từng mỗi cử động”. A! thì ra cái tâm trạng bị khuấy động không cùng đó của Albert Camus hôm nay chính lại là của ta, cả hai đã có sự tương trùng. Ờ ! mà phải, có lẽ cũng là điểm chung cho những tâm hồn luôn hướng nội, mặc dù tìm cách phóng ngoại, mong tìm quên. Khi phát hiện “mối sợ cô đơn ngàn thu không tiếng đáp” đó, Camus còn được diễm phúc “một mình” để chiêm nghiệm dù là nơi quán trọ cô liêu, còn ta thì còn bị khuấy động bởi ngoại vật, chỉ có cô liêu theo căn nhà. Bị khuấy động đến buồn nôn, không chỉ “ buồn nôn” như một Roquentin (của Jean Paul Sartre) chỉ ở tâm hồn mà còn diễn ra ở thực tại thể chất. Từ vô thức, cơn đau bật dậy bất ngờ, lan nhẹ theo từng sớ thịt, gây run váng óc não, rã rời thân xác, nếu được tận hưởng cơn đau cũng là hứng thú nhỉ! Nhưng trí óc muốn xoa dịu bằng mùi hắc nồng của khuynh diệp.
Trong thoáng chốc, cái chết từ tốn phảng phất như làn khói nhẹ , quyện lấy trí não – nếu nhập vào cõi chết ngay thì chắc hay nhỉ ! Sự sảng khoái ắt có khi linh hồn ra đi buông nhẹ cho xác thân, vì sự có mặt của nó đã ám nặng hình hài bao lâu. Thể xác nằm im bất khả tri những tuế toái cuộc đời. Linh hồn được tách rời tất giảm trọng sẽ không phải sa xuống thấp nếu chưa được bay cao. Nhưng trong cùng một lúc có sự đối kháng mãnh liệt của ý nghĩa khác của cùng óc não - xác thân còn lại nhẹ nhàng cho chính nó, lại nặng nề ám chướng tha nhân, linh hồn khó vứt áo ra đi vì chưa đến độ cao vô trách nhiệm phó mặc cho đời. Đầu óc quay cuồng những ý nghĩa tương tranh phút càng gay gắt, cõi lòng lại quặn xót. Có lẽ lòng ta bắt đầu sụp xuống thành huyệt sâu rồi đấy, chắc sẽ không ai đem thánh giá lại lòng, cũng như không có ai đến chết. (Chế Lan Viên). Hình như có tên phù thủy nào đang khuấy đảo ngôn ngữ, gây hỗn độn tư tưởng, chân khí đang chạy ngược chiều kinh mạch, cả lời văn vẫn như sao chép chưa tiêu hóa, ta đang tẩu hỏa nhập ma, hôn mê theo giấc ngủ nặng.
(Trong cơn đau)
Tân Mỹ, Hàm Tân, 21/2/1978
La Thụy
“Voici maintenant ma vieille angoisse, là, au creux de
mon corps, comme une mauvaise blessure que chaque mouvement irrit. Je connais son nom. Elle est peur de la solitude éternelle, crainte qu'il n'y ait pas de réponse."
(Albert
Camus)
DỊCH:
“Và ở đây, bây giờ, niềm khắc khoải hãi hùng xa xưa từ trong sâu thẳm của hình hài, tựa như chấn thương tồi tệ, nhức buốt theo từng mỗi cử động. Tôi biết tên nó. Đó là mối sợ cô đơn nghìn thu không tiếng đáp
Tác Giả La Thụy
RONG RUỔI TRỜI SAY
Sầu dâng phủ giấc muộn phiền
Hồn hoang nghẽn lối tìm quên trăng vàng
Sáng ra mình mãi lang thang
U uất mấy nhịp cơ hàn ai hay.
Chừ đây tay vẫn trắng tay
Phú sao tưởng mộng ăn mày vu vơ
Ngửa tay nếm chút dại khờ
Dìu nhau bạn hữu vài giờ lất lây.
Thanh bần hằn vết chua cay
Ô hay trôi mất chân mây mộng đời
Mạch sầu hiu hắt làn môi
Đẫm thơm men rượu, dệt lời thơ bay.
Thả hồn rong ruổi trời say
Nghênh ngang gõ nhịp hao gầy tháng năm
Xa xăm nhòa ánh trăng rằm
Niềm đau đan phủ bụi lầm xác thân.
Chừ cho trái đất xoay vần
Trong ta tuôn chảy vô ngần bơ vơ.
LA THỤY
1988
(Cùng Hoàng Hữu Bản nối vần trong cơn say)
THUẬT HOÀI
“Sao anh trợn mắt nhìn tôi”
Gớm sao thô lố như lồi võng mô
Có chăng ngôn ngữ hồ đồ
Bâng khâng tửu vị hư vô thấm tràn
Cho hồn một thoáng đi hoang
Bừng bừng hứng khởi, ngày tàn ngất ngây
Xớt chia nồng ấm men say
Rượu, Thơ, Đời thực ngọt cay chan hoà
Mến nhau dù chỉ sát na
Cũng là hạnh ngộ, ta bà chấp chi
Xôn xao quán sá thị phi
Mãng phu anh thiệt lạ kỳ xuất chiêu
Đốm tàn lửa giận phong phiêu
Ờ may chìm tắt trong chiều rêu rong
LA THỤY
THƠ TÌNH BÊN SÔNG - NỖI ĐAU XÉ LÒNG - La Thuỵ
Tác giả La Thuỵ
Hồ Quang - người bạn thơ của La Thuỵ đã thành người thiên cổ. Sinh thời, vào lúc cuối đời, Quang sống lang thang, cơ cực. Anh gửi tâm trạng u uất vào sáng tác thơ văn và gửi đăng trên tạp chí Văn Nghệ Bình Thuận, báo Bình Thuận với bút danh Hoài Quang. Nhân mùa Phục Sinh của Thiên Chúa Giáo, La Thụy ghi lại bài mình viết về tập THƠ TÌNH BÊN SÔNG của Hoài Quang, như thắp lên nén nhang lòng tưởng niệm người bạn giang hồ hiện giờ chắc đang lãng du vào vùng trời miên viễn
THƠ TÌNH BÊN SÔNG - NỖI ĐAU XÉ LÒNG
“Quân tại Tương giang đầu
Thiếp tại Tương giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương giang thủy”
Những câu thơ cổ chợt hiện về trong tôi – như tiếng thở dài não nuột của đôi lứa yêu nhau da diết, mà đành cách trở đôi dòng, người đầu sông kẻ cuối bãi, ngậm ngùi trông nhau luyến nhớ - khi đọc THƠ TÌNH BÊN SÔNG của Hoài Quang.
Người xưa, dù vời vợi ngàn trùng cách biệt vẫn được diễm phúc “đôi bên" cùng đẫm lệ, hướng mặt gởi tấm lòng son sắt về nhau. Người nay, bi thiết hơn, con sông Dinh, đôi bờ hẹp nhỏ, cách nhau chỉ một chuyến đò ngang, chỉ bằng nửa tầm tay với, thế mà "riêng ai" lại quặn lòng, đau đáu dõi trông. Ôi ! "Cái gần gụi tấc gang ấy là cái gần gụi muôn đời không hội điểm của hai con đường sắt" (Mai Thảo). Biết làm sao, khi :
Ta đi em ở lỡ làng
Mới hay khuya đã sang ngang cùng đò
Vâng, Hoài Quang đã ra đi nhưng vẫn luyến lưu khung trời cũ, nơi từng in đậm dấu mười năm ân ái mặn nồng, vẫn gởi hồn mình từng đêm theo chuyến đò khuya trở lại bên kia sông , thế nhưng :
Em đã hiểu hay vô tình chối bỏ
Chút thủy chung đánh mất giữa môi hường
Bên kia sông, người xưa, (ôi! Em đã trở thành người xưa rồi) đã phũ phàng buông trôi tình chăn gối, nghĩa vợ chồng, để hằn lại trong Hoài Quang niềm đau rớm máu, và tiếng thơ xé lòng như thê thiết ngân vọng lên:
Tình như xát muối vào tim
Hỡi em thánh thiện nỡ chìm đam mê
Hoặc :
Buồn như đeo đá vào hồn
Buồn theo ta mãi – bồn chồn không yên
Cơn đau quằn quại, cơn đau buốt nhói, đeo đẳng mãi trong tim người lỡ phận, như dàn trải suốt tập thơ THƠ TÌNH BÊN SÔNG, nỗi đau tuôn trào ra cả ngoại vật: "TIẾNG CHIM" như cô liêu ai oán, "TRĂNG LẺ" đầy bàng bạc đơn côi , "CHIỀU SAY" vàng vọt u sầu , "BIỂN" … thì thầm gợi sâu niềm nhớ .Và , "KHUYA" với câu kinh tiếng kệ không còn thanh thoát, làm lắng dịu tấc lòng, trái lại từng hồi chuông mõ như khua động cuộc tình đau
Thôi, quên đi, quên đi … Hình bóng ai xưa hãy mau mau nhạt nhòa theo khói thuốc, mau mau mờ biến theo men cay, cho ta mơ lại một thời vang bóng. Men say thấm đẫm, xô vào câu chữ mông lung làm vần điệu nghiêng ngã lệch xiêu, hồn đang thả bước đi hoang nên vần gieo lạc tiếng:
Ngông nghênh một chén rượu tràn
Nâng thời gian cũ lên thành chiêm bao
Mộng Trạng nguyên, áo hoàng hoa
Thành xưa dáng cũ nhạt nhòa chân mây
Nhưng, "dục phá sầu thành tu dụng tửu, túy tự túy đảo sầu tự sầu". Bừng giấc mơ, vị đắng còn sót lại trên môi, nỗi sầu càng chất ngất vút tỏa trời mây, Hoài Quang lại rong ruổi với mối tình đau:
Tỉnh ra hồn chất ngất đầy
Sầu đong mấy lượt dạn dày tháng năm
Thôi về em – cõi xa xăm
Câu thơ yên ngựa biệt tăm kiếp người
Rượu chưa đủ lượng nồng để ru tình sầu vào sương khói lãng quên, nên Hoài Quang phải lấp đầy khoảng trống mông lung hình bóng ai xưa, bằng mắt biếc môi hường của người kỹ nữ thoáng gặp trên đường rong ruổi:
Em như quán một giờ khuya
Đón ta đón cả ngoài kia con đường
Hỡi ôi! Đời là bể khổ trầm luân! Thương ta chưa xiết kể , lại phải ngậm ngùi cho em – cánh hoa tàn mấy lượt thanh lâu:
Tàn hoa mấy lượt gió sương
Về đâu em hỡi ca nương bạc đầu
Phấn son bia bọt nát ngầu
Màu thời gian đọng trên màu mắt xanh
Ai đó cho rằng, Hoài Quang chỉ biết thương vay khóc mướn, chỉ đắm chìm trong rên xiết một cách ủy mị, yếu hèn. Không! "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay"! Thương em, chính là thương ta, cùng thương cho những mảnh hồn rách nát tả tơi. Xưa, Chu Mạnh Trinh đã từng rưng rưng: “Ai dư nước mắt mà khóc người đời xưa, thế mà giống đa tình luống những sầu chung, giọt lệ Tầm Dương chan chứa. Lòng cảm cựu ai xui thương mến, nghe câu ngọc thụ não nùng. Cho hay danh sĩ, giai nhân, cùng kiếp hoa nghiêm nặng nợ, ngán nỗi non xanh đất đỏ để riêng ai lưu lạc đau lòng. Ta cũng nòi tình thương người đồng điệu, cái kiếp " không hoa" lẩm cẩm, con hồn xuân mộng vẩn vơ ... " (Tổng vịnh truyện Kiều – Đoàn Quỳ dịch)
Tiếng nấc nghẹn từ con tim u uất của Hoài Quang bi thiết lắm. Niềm đau của người anh em làm não lòng chúng ta. Nỗi đau riêng của từng kiếp người cũng là nỗi đau chung của nhân thế, rất đáng nâng niu trân trọng, rất đáng sớt chia và cảm thông:
"Xin dâng này máu đang tươi
Này đây tíếng khóc giọng cười chen nhau"
(Hàn Mặc Tử)
Ai nỡ quay lưng, lạnh lùng nhìn chén máu tươi đang nhỏ giọt từ trái tim đau khổ, ai nỡ cứng lòng với tiếng khóc ai oán, với tiếng cười thê thiết đầy nỗi đau trần thế của ngươi anh em. Huống hồ sau những lần vùi mình trong hoan lạc rã rời, sau những khi mê mải theo sòng đời đen đỏ, tìm cách chôn đi niềm đau chất ngất : Hoài Quang cảm thấy sám hối ăn năn. Con chiên lạc muốn trở về bầy đàn, muốn được tắm mát trong suối nguồn ân sủng của trời xanh:
Đức tin này đã bao lần sỏi đá
Trời thì xanh và mây trắng phiêu bồng
Cớ sao con lại chìm trong bóng tối
Lời yêu thương đã thành kinh sám hối
Tiếng chuông chiều đã thức hồn lơi
Tình yêu Chúa – ôi con tim vời vợi
Xin cho con một ngày –
Biết sống, một ngày ăn năn
Hy vọng rằng, Hoài Quang không còn để "sầu thành" phong tỏa bưng bít đường về, trái lại sẽ thoát ra khỏi vỏ ốc cô đơn khép kín, để Hoài Quang hòa thân mặn mà cùng sóng nước đại dương đầy ân tình, theo tiếng thì thầm của Ngôi Lời khẽ gọi, theo như lời cầu nguyện của chính Hoài Quang:
Đêm nay con chắp tay cầu
Xin nguồn cứu độ - dạt dào yêu thương
Cho con một chuyến hồi hương
Tìm về Tổ Ấm náu nương Vĩnh Hằng
Mùa chay sám hối tâm tình
Chết đi mới được Phục Sinh với Người
Chúa ơi! Con hối lỗi rồi
Con hoang xin được thốt lời ăn năn
Đúng thế Hoài Quang ạ! Nỗi đau không làm mình xơ cứng đâu, trái lại cõi lòng mềm nhũn ra, dễ cảm thông và đồng điệu với niềm đau của tha nhân, dễ mở lòng ra giao hòa với đất trời. Nói như Đức tin tôn giáo của Quang: Có chết đi mới mong được ân phúc Phục Sinh trong ánh sáng nhân ái của Đấng Thánh Thiêng. Có phải dụ ngôn trong Kinh Thánh nêu lên ý : Hạt giống có thối mục đi, mới nảy mầm được, cây cỏ hoa trái mới sinh sôi nảy nở không nhỉ?
La Thụy
La Thụy