Số này chúng tôi tiếp tục giới thiệu một số bài TÁI THƯỢNG KHÚC và TÁI HẠ KHÚC của các tác giả Nhung Dục, Chu Phac, Lí Bạch, Đới Thúc Luân, Trương Trọng Tố…
NHUNG DỤC (TRUNG ĐƯỜNG)
Nhung Dục 戎昱 (Trung Đường) người Kinh Nam (nay thuộc Giang Lăng, Hồ Bắc, Trung Quốc), đỗ tiến sĩ. Khi Vệ Bá Ngọc giữ Kinh Nam, ông làm tòng sự. Năm Kiến Trung, ông làm thứ sử Thần, Kiền Châu. Thơ có 5 quyển, biên thành 1 quyển trong "Toàn Đường thi".
(Theo thivien.net)
胡風略地燒連山,
碎葉孤城未下關。
山頭烽子聲聲叫,
知是將軍夜獵還。
TÁI THƯỢNG KHÚC - NHUNG DỤC
Hồ phong lược địa thiêu Liên Sơn,
Toái Diệp cô thành vị hạ quan.
Sơn đầu phong tử thanh thanh khiếu,
Tri thị tướng quân dạ liệp hoàn.
Gió Hồ thổi vào đài phong hoả ở Liên Sơn
Thành Toái Diệp trơ vơ cửa chưa đóng
Tiếng ngọn lửa ở đài phong hoả đầu núi đang reo phần phật
Biết rằng đó là lúc tướng quân đi săn về
Dịch thơ:
Gió Hồ thổi Liên Sơn phong đài
Toái Diệp thành trơ cửa chẳng cài
Phần phật lửa reo nơi đầu núi
Đi săn tướng đã về đấy thôi.
CHU PHÁC (VÃN ĐƯỜNG)
Chu Phác 周樸 (?-878) tự Kiến Tố 見素 (có nơi nói Thái Phác 太樸), người Ngô Hưng. Theo "Đường tài tử truyện", ông năm sinh không rõ, mất vào năm Càn Phù thứ 5 đời Đường Hy Tông (878). Ông chú
trọng làm thơ, ẩn cư ở núi Tung Sơn, thường qua lại cùng với bạn thơ là sư Quán Hưu 貫休, không đoái hoài công danh. Sau ông lánh nạn tới Phúc Châu, ăn nhờ ở chùa núi Ô Thạch. Hoàng Sào chiếm đất Mân, muốn dùng ông. Ông
trả lời: "Tôi là xử sĩ, không có con trai, có thể yên tâm theo giặc?", Sào sai giết đi.
Thơ ông cực điêu trác, thời đó được gọi là "Nguyệt đoán niên liên" 月煅年鏈 (Tháng nung năm nấu), không được biên thành tập, chỉ truyền miệng. Sau khi ông mất, thơ của ông được sưu tầm trên trăm bài, biên
thành 2 quyển truyền trên đời.
(Theo thivien.net)
塞上曲
- 周朴
一陣風來一陣沙
有人行處沒人家
黃河九曲冰先合
紫塞三春不見花
Phiên âm:
TÁI THƯỢNG KHÚC – CHU PHÁC
Nhất trận
phong lai nhất trận sa
Hữu nhân hành xứ, một nhân gia
Hoàng hà cửu khúc băng tiên hợp
Tử tái tam xuân bất kiến hoa
Chú thích: 1/ Hoàng hà cửu khúc, quan ải đóng trên thượng nguồn sông Hoàng hà, khi đó mới là chín con suối nhỏ. 2/ tử tái, quan ải đời Tần khởi xây bằng gạch màu
tía, đời Đường vẫn giữ như vậy.
Dịch nghĩa:
KHÚC HÁT NGOÀI BIÊN TÁI – CHU PHÁC
Mỗi trận gió tới là một trận bão cát.
Chỉ có người tới [bổ sung quân số] quan ải chứ không có người được về nhà,
Chín khúc suối [thượng nguồn] sông Hoàng hà đã đóng băng,
Đã ba năm nay ở quan ải màu tía này chưa có hoa nở.
Dịch thơ:
KHÚC HÁT NGOÀI BIÊN TÁI – CHU PHÁC
Bão cát cùng mỗi trận phong ba
Người đi quan ải, chẳng về nhà
Hoàng hà chín khúc băng đông đặc
Ải tía ba năm chẳng nở hoa.
石國胡兒向磧東,
愛吹橫笛引秋風。
夜來雲雨皆飛盡,
月照平沙萬里空。
TÁI HẠ KHÚC – CHU PHÁC
Thạch quốc Hồ nhi hướng thích đông,
Ái xuy hoành địch dẫn thu phong.
Dạ lai vân vũ giai phi tận,
Nguyệt chiếu bình sa vạn lý không.
Dịch nghĩa:
KHÚC HÁT NGOÀI BIÊN TÁI
Trai Hồ Thạch quốc hướng sang đông
Thổi sáo dẫn theo ngọn gió thu
Đêm đến mây mưa bay đi hết
Trăng soi sa mạc vạn dặm quạnh không.
Dịch thơ:
KHÚC HÁT NGOÀI BIÊN TÁI
Trai Hồ Thạch quốc hướng sang đông
Thổi sáo gió thu dẫn theo cùng
Đêm đến mây mưa đều bay hết
Trăng soi sa mạc vạn dặm không
Phiên âm:
Đại Hán vô trung sách,
Hung Nô phạm Vị Kiều.
Ngũ Nguyên thu thảo lục,
Hồ mã nhất hà kiêu.
Nhà Đại Hán mưu chước không giỏi
Quân Hung Nô phạm đến Vị Kiều
Gò Ngũ Nguyên cỏ thu xanh
Ngựa rợ Hồ sao hung hăng quá thế.
Đại Hán không mưu lược
Hung Nô chiếm Vị Kiều
Ngũ Nguyên cỏ thu biếc
Ngựa Hồ sao quá kiêu!
ĐỚI THÚC LUÂN (TRUNG ĐƯỜNG)
Đới Thúc Luân 戴叔倫 (732-789) tên chữ là Ấn Công 幼公, người Giang Tô, làm quan đến Phủ Châu thứ sử.
(Theo thivien.net)
寒上曲
二首其一
- 戴叔倫
漢家旌幟滿陰山
不遣胡兒匹馬還
愿得此身長報國
何須生入玉門關
TÁI THƯỢNG KHÚC KÌ I – ĐỚI THÚC LUÂN
Hán gia tinh xí mãn Âm sơn
Bất khiển Hồ nhi thất mã hoàn
Nguyện đắc thử thân trường báo quốc
Hà tu sinh nhập Ngọc Môn quan
Chú thích: 1/ Âm sơn, tên núi, nay ở trung bộ Nội Mông. 2/ Ngọc Môn quan, tên cửa ải trọng yếu trên đường buôn bán tơ lụa sang các nước phía tây nước Tàu, cố chỉ
nay tại xã Sa châu, huyện Đôn Hoàng tỉnh Cam Túc. 2/ Hán, thi nhân đời Đường muốn viết về Đường, thường phải nói tránh sang Hán để được yên thân.
Dịch nghĩa:
KHÚC CA NGOÀI BIÊN ẢI (KÌ I) – ĐỚI THÚC LUÂN
Bài 1/2
Cờ xí nhà Hán cắm đầy trên núi Âm,
khiến không một con ngựa nào của người Hồ dám trở lại.
Nếu nguyện đem thân báo đền tổ quốc lâu dài,
thì [nơi đâu chẳng được] đâu cần cứ phải tới Ngọc Môn quan !
Dịch thơ:
KHÚC CA NGOÀI BIÊN ẢI (KÌ I)
Nhà Hán cờ xí rợp Âm Sơn
Ngựa Hồ muốn lại sợ hết hồn
Nếu thề đem thân mà báo quốc
Đâu cần phải tới ải Ngọc Môn!
TRƯƠNG TRỌNG TỐ (TRUNG ĐƯỜNG)
Trương Trọng Tố 張仲素 tự Hội Chi 繪之, người Hà Gian 河間, giữc hứcHàn lâm học sĩ đời Đường Hiến Tông.
(Theo thivien.net)
三戍漁陽再渡遼,
騂弓在臂劍橫腰。
匈奴似若知名姓,
休傍陰山更射雕。
Phiên âm:
TÁI HẠ KHÚC KÌ 1 – TRƯƠNG TRỌNG TỐ
Tam thú Ngư Dương tái độ Liêu,
Tinh cung tại tí kiếm hoành yêu.
Hung Nô tự nhược tri danh tính,
Hưu bạng Âm Sơn cánh xạ điêu.
KHÚC CA NGOÀI BIÊN ẢI (KÌ I) – TRƯƠNG TRỌNG TỐ
Ba lần đi trấn Ngư Dương, lại theo dòng sông Liêu mà đến,
Cưỡi ngựa lông đỏ, lưng đeo cung, ngang hông đeo kiếm đi tuần.
Giặc Hung Nô có lẽ đã nghe danh tiếng,
Nên chỉ nghỉ ngơi bên mạn bắc núi mà bắn chim điêu chơi.
Dịch thơ:
KHÚC CA NGOÀI BIÊN ẢI (KÌ I)
Tam trấn Ngư Dương xuôi dòng Liêu
Cưỡi ngựa hồng, cung kiếm mang theo
Hung Nô dường đã nghe danh tiếng
Nghỉ mạn bắc núi bắn chim điêu.
獵馬千行雁幾雙,
燕然山下碧油幢。
傳聲漠北單于破,
火照旌旗夜受降。
Phiên âm:
TÁI HẠ KHÚC KÌ 2 – TRƯƠNG TRỌNG TỐ
Liệp mã thiên hàng nhạn kỷ song,
Yên Nhiên sơn hạ bích du tràng.
Truyền thanh Mạc Bắc Thiền Vu phá,
Hoả chiếu tinh kỳ dạ Thụ Hàng.
Ngựa chiến vạn bầy nhạ có mấy hàng
Yên viên lưu chuyển bích du đây
Tin truyền Mạc Bắc Thiền Vu phá
Cờ xí chiếu sáng rực ban đêm ở Thụ Hàng.
Nhạn mấy đôi ngựa chiến vạn bầy
Yên viên lưu chuyển bích du đây
Tin truyền Mạc Bắc Thiền Vu phá
Cờ xí rực đêm Thụ Hàng này.
朔雪飄飄開雁門,
平沙曆亂卷蓬根。
功名恥計擒生數,
直斬樓蘭報國恩。
Phiên âm:
Sóc tuyết phiêu phiêu khai Nhạn Môn,
Bình sa lịch loạn quyển bồng căn.
Công danh sỉ hử cầm sinh sổ,
Trực trảm Lâu Lan báo quốc ân.
Tuyết phương bắc rơi xuống ải Nhạn Môn tới tấp,
Cát trên đất bằng bay loạn xạ, cuốn phăng cả gốc cỏ bồng.
Nghĩ tới công danh mà xấu hổ vì bắt nhiều tù binh quá,
Từ nay sẽ chém thật nhiều giăc Lâu Lan để báo đền ơn nước.
Tuyết bắc rơi dày ải Ngọc Môn
Cát bay loạn xạ cuốn cỏ bồng
Công danh thẹn bắt nhiều binh tướng
Chém hết Lâu Lan để lập công
隴水潺湲隴樹秋,
征人到此淚雙流。
鄉關萬里無因見,
西戍河源早晚休。
Lũng thuỷ sàn viên Lũng thụ thu,
Chinh nhân đáo thử lệ song lưu.
Hương quan vạn lý vô nhân kiến,
Tây thú Hà nguyên tảo vãn hưu.
Ở đất Lũng này, sông chảy lừ đừ, cây cối đã vào thu,
Lính xa nhà ai đến đây cũng buồn rơi hai hàng lệ.
Quê hương xa vạn dặm không cách gì thấy được,
Trấn thủ phương tây đầy kênh rạch này không biết đến bao giờ!
Đất Lũng sông chậm cây đã thu
Xa nhà lính chiến mắt lệ mờ
Quê hương vạn dặm bao xa cách
Trấn thủ phương Tây đến bao giờ.
陰磧茫茫塞草肥,
桔槔烽上暮雲飛。
交河北望天連海,
蘇武曾將氣節歸。
Phiên âm:
TÁI HẠ KHÚC KÌ 5 – TRƯƠNG TRỌNG TỐ
Âm thích mang mang tái thảo phì,
Kết cao phong thượng mộ vân phi.
Giao hà bắc vọng thiên liên hải,
Tô Vũ tằng tương khí tiết quy.
Dịch nghĩa:
KHÚC CA NGOÀI BIÊN TÁI (KÌ 5) – TRƯƠNG TRỌNG TỐ
Đất thảo nguyên mênh mông cỏ béo
Ngọn hoả phong gọi réo mây chiều
Sông Giao, vọng bắc trời liền với biển
Tô Vũ đã từng mang khí tiết về.
Dịch thơ:
KHÚC CA NGOÀI BIÊN TÁI – TRƯƠNG TRỌNG TỐ
Bát ngát thảo nguyên cỏ béo phì
Hỏa phong réo gọi mây chiều đi
Sông Giao vọng bắc trời liền biển
Tô Vũ từng mang khí tiết về.
ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI
(Kì 5)
TS. Nguyễn Ngọc Kiên chọn dịch và giới thiệu thơ
Lí Bạch
塞下曲其四
塞下曲其四
白馬黃金塞,
雲砂繞夢思。
那堪愁苦節,
遠憶邊城兒。
螢飛秋窗滿,
月度霜閨遲。
摧殘梧桐葉,
蕭颯沙棠枝。
無時獨不見,
淚流空自知。
Phiên âm:
TÁI HẠ KHÚC KÌ 4 – Lí Bạch
Bạch mã Hoàng Kim tái,
Vân sa nhiễu mộng tư.
Na kham sầu khổ tiết,
Viễn ức biên thành nhi.
Huỳnh phi thu song mãn,
Nguyệt độ sương khuê trì.
Tồi tàn ngô đồng diệp,
Tiêu táp sa đường chi.
Vô thời độc bất kiến,
Lệ lưu không tự tri.
Dịch nghĩa:
TÁI HẠ KHÚC KÌ 4
Ngựa trắng phi trên ải Hoàng Kim
Mây cát cuốn theo giấc mộng
Sá kể chi nỗi đau khổ
Xa nhớ trẻ ngoài biên cương
Mùa thu, đom đóm bay đầu cửa sổ
Sương lạnh, trăng chầm chậm qua buồng the
Lá ngô đồng tàn rụng
Cành sa đường xác xơ
Trông ngóng luôn nhưng nào có thấy
Một mình tuôn lệ âm thầm
Dịch thơ:
KHÚC HÁT DƯỚI ẢI (KÌ 4)
Ngựa trắng phi Hoàng ải
Giấc mộng theo cát mây
Sá kể gì đau khổ
Nhớ trẻ biên ải này
Thu, đóm qua cửa sổ
Sương lạnh trăng qua đây
Lá ngô đồng tàn rụng
Cành sa đường lá bay
Trông ngóng nào có thấy
Một mình lệ tuôn đầy!
塞下曲其五
塞虜乘秋下,
天兵出漢家。
將軍分虎竹,
戰士臥龍沙。
邊月隨弓影,
胡霜拂劍花。
玉關殊未入,
少婦莫長嗟。
Dịch thơ:
TÁI HẠ KHÚC KÌ 5
Tái lỗ thừa thu há,
Thiên binh xuất Hán gia.
Tướng quân phân hổ trúc,
Chiến sĩ ngọa Long Sa.
Biên nguyệt tùy cung ảnh,
Hồ sương phất kiếm hoa.
Ngọc Quan thù vị nhập,
Thiếu phụ mạc trường ta.
Dịch nghĩa:
KHÚC HÁT DƯỚI ẢI (KÌ 5)
Gặp tiết thu giặc ngoài ải tràn xuống
Binh trời ra từ nhà Hán
Tướng quân chi ấn hổ trúc
Binh sĩ nằm lăn trên bãi Bạch Lonh Đôi
Trăng ngoài ải theo lẩn bóng cung
Sương đất Hồ thấm ướt lưỡi kiếm
Ngọc Quan chưa vào được
Vợ trẻ chớ nên than dài
Dịch thơ:
KHÚC HÁT DƯỚI ẢI
Thu giặc tràn xuống ải
Nhà Hán xuất binh trời
Tướng nhận ấn hổ trúc
Chiến sĩ nằm Long Đôi
Trăng ải, cung theo ảnh
Sương Hồ ướt kiếm thôi
Ngọc Quan chưa vào được
Thiếu phụ chớ than dài.
塞下曲其六
烽火動沙漠,
連照甘泉雲。
漢皇按劍起,
還召李將軍。
兵氣天上合,
鼓聲隴底聞。
橫行負勇氣,
一戰靜妖氛。
Phiên âm:
HẠ TÁI KHÚC KÌ 6
Phong hoả động sa mạc,
Liên chiếu Cam Tuyền vân.
Hán hoàng án kiếm khởi,
Hoàn triệu Lý tướng quân.
Binh khí thiên thượng hợp,
Cổ thanh lũng để văn.
Hoành hành phụ dũng khí,
Nhất chiếm tĩnh yêu phân.
Dịch nghĩa
KHÚC HÁT DƯỚI ẢI (KÌ 6)
Khói lửa rung động ngoài sa mạc
Soi đến tận mây Cam Tuyền
Vua Hán chống kiếm dậy
Lại vời Lý tướng quân
Khí quân tụ cả trên trời
Tiếng trống vang dậy ngoài cõi
Tung hoành đầy khí thế
Yêu quái một trận dẹp tan
Dịch thơ:
KHÚC HÁT DƯỚI ẢI (KÌ 6)
Khói lửa rung sa mạc
Soi mây Cam Tuyền lan
Vua Hán chống kiếm dậy
Lại vời Lý tướng quân
Trên trời khí quân tụ
Ngoài cõi tiếng trống vang
Tung hoành đầy khí thế
Yêu quái một trận tan.
SẦM THAM (715-770)
Sầm Tham là người Nam Dương, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Cha ông từng làm Thứ sử (hai lần), và đã qua đời lúc Sầm Tham còn nhỏ.
Nhà nghèo, ông phải tìm cách tự học. Năm 744 đời Đường Huyền Tông (ở ngôi: 712-756), Sầm Tham thi đỗ Tiến sĩ lúc 29 tuổi, được bổ làm một chức quan nhỏ là Binh tào Tham quân.
Năm 749, ông theo tướng Cao Tiên Chi đến An Tây (ra biên ải lần thứ nhất), nhưng chẳng bao lâu lại trở về kinh đô Trường An.
Năm 754, ông ra biên ải lần thứ hai, làm Phán quan cho Tiết độ sứ An Tây là Phong Thường Thanh. Thời kỳ này, ông sáng tác rất nhiều thơ về chủ đề "biên tái".
Sau loạn An Sử (755-763), từ Tửu Tuyền (nay thuộc Cam Túc), Sầm Tham đến Phượng Tường (nay thuộc Bảo Kê, Thiểm Tây) là nơi Đường Túc Tông (ở ngôi: 756-762) đang ở. Được bạn thân là nhà thơ Đỗ Phủ và Phòng Quân tiến cử, ông được giữ chức Hữu bổ khuyết.
Thời Đường Đại Tông (ở ngôi: 762-779), Sầm Tham lại ra biên ải (lần thứ ba). Năm 766, ông được bổ làm Thứ sử Gia Châu (nên ông xưng là Sầm Gia Châu), nhưng sau đó bị bãi chức .
Lâm cảnh đói nghèo, năm 770, Sầm Tham mất trong quán trọ tại Thành Đô (nay là tỉnh lỵ tỉnh Tứ Xuyên) lúc 55 tuổi.
Tác phẩm của ông để lại có Sầm Gia Châu thi tập (Tập thơ của họ Sầm ở Gia Châu) gồm 8 quyển.
(Theo Từ điển mở Kiwipedia tiếng Việt)
磧中作
走馬西來欲到天,
辭家見月兩回圓。
今夜不知何處宿,
平沙萬里絕人煙。
Phiên âm:
THÍCH TRUNG TÁC
Tẩu Mã tây lai dục đáo thiên,
Từ gia kiến nguyệt lưỡng hồi viên.
Kim dạ bất tri hà xứ túc,
Bình sa vạn lý tuyệt nhân yên.
Dịch nghĩa:
VIẾT TRONG SA MẠC
Giục ngựa chạy về phía Tây, muốn đến tận chân trời
Rời nhà ra đi, đã thấy trăng hai lần tròn
Đêm nay không biết ngủ ở đâu
Trên sa mạc muôn dặm, tuyệt không thấy bóng người và khói bếp.
Dịch thơ:
CẢM TÁC TRONG SA MẠC
Ngựa sải về Tây muốn tới trời
Xa nhà chốc đã hai mùa rồi
Đêm nay chẳng biết tìm đâu ngủ
Vạn dặm cát xa chẳng khói, người.
見渭水思秦川
渭水東流去,
何時到雍州.
憑添兩行淚,
寄向故園流.
Phiên âm:
KIẾN VỊ THỦY TƯ TẦN XUYÊN
Vị thuỷ đông như khứ,
Hà thời đáo Ung Châu.
Bằng thiêm lưỡng hàng lệ,
Ký hướng cố viên lưu.
Dịch nghĩa:
THẤY SÔNG VỊ NHỚ TẦN XUYÊN
Song Vị chảy về đông
Bao giờ tới châu Ung
Nếu chở thêm được hai dòng lệ
Xin gửi đưa giùm về quê hương
Dịch thơ:
THẤY SÔNG VỊ NHỚ TẦN XUYÊN
Sông Vị chảy về Đông
Bao giờ tới châu Ung
Nếu thêm đôi dòng lệ
Xin gửi về cố hương.
逢入京使
故園東望路漫漫,
雙袖龍鐘淚不乾。
馬上相逢無紙筆,
憑君傳語報平安。
Phiên âm:
PHÙNG NHẬP KINH SỨ
Cố viên đông vọng lộ man man,
Song tụ Long Chung (1) lệ bất can.
Mã thượng tương phùng vô chỉ bút,
Bằng quân truyền ngữ báo bình an.
Dịch nghĩa:
GẶP SỨ GIẢ VÀO KINH
Ngóng về hướng đông nơi quê nhà, đường dài hun hút
Hai tay áo thõng, nước mắt không cạn
Ở trên lưng ngựa gặp nhau, không có bút trong tay
Nhờ anh gửi lời nhắn tin báo rằng tôi vẫn được bình yên.
Dịch thơ:
GẶP SỨ GIẢ VÀO KINH
Đông ngóng quê nhà, chốn mênh mang
Hai tay áo thõng, nước mắt giàn
Gặp trên lưng ngựa không giấy bút
Nhắn hộ rằng tôi vẫn bình an.
Nguyễn Ngọc Kiên
Tiểu sử: Vương Xương Linh là người Kinh Triệu, Trường An (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc).
Năm Khai Nguyên thứ 15 (727) đời Đường Huyền Tông (ở ngôi: 712-756), ông thi đỗ Tiến sĩ.
Bảy năm sau (734), ông lại đỗ khoa Bác học hoành từ, lần lượt trải chức: Bí thư sảnh, Hiệu thư lang, huyện úy huyện Dĩ Thủy [3].
Năm Khai Nguyên thứ 28 (740), vì phạm lỗi ông bị giáng làm Giang Ninh thừa. Rồi vì những vụn vặt, ông lại giáng làm Long Tiêu úy.
Cuối năm 755, tướng An Lộc Sơn dấy binh chống triều đình. Sau đó, Vương Xương Linh trở về làng thì bị viên Thứ sử ở địa phương tên là Lư Khưu Hiển giết chết vì tư thù khoảng năm 756.
Số thơ của Vương Xương Linh để lại hiện còn hơn 180 bài, một nửa là tuyệt cú.
Ngoài ra, theo thiên "Nghệ văn chí" trong Tân Đường thư (Sử nhà Đường bộ mới), thì ông còn viết sách lý luận có nhan đề là Thi cách (Khuôn phép của thơ, gồm 2 quyển) và Thi trung mật chỉ (Ý sâu kín của thơ, gồm 1 quyển); nhưng nay chỉ còn quyển Thi cách do người đời Minh chép, nhưng có người nghi là sách giả, không phải nguyên bản
蟬鳴空桑林,
八月蕭關道。
出塞復入塞,
處處黃蘆草。
從來幽并客,
皆向沙場老。
莫學遊俠兒,
矜誇紫騮好。
Thiền minh không tang lâm,
Bát nguyệt Tiêu Quan đạo.
Xuất tái phục nhập tái,
Xứ xứ hoàng lô thảo.
Tòng lai U Tinh khách,
Giai hướng sa trường lão.
Mạc học du hiệp nhi,
Căng khoa tử lưu hảo.
Ve kêu trong rừng dâu đã rụng hết lá
Tháng tám ở cửa ải Tiêu Quan
Ra khỏi ải rồi lại vào ải
Đâu đâu cũng chỉ thấy cỏ lau đã úa vàng
Xưa nay những người ở U châu và Tinh châu
Đều sống chết một đời ở sa trường
Xin đừng học thói người hiệp sĩ du hành
Khoe khoang con ngựa xích thố oai hùng của mình
Dịch thơ:
Ve kêu dâu hết lá
Tháng tám ải Tiêu Quan.
Ra vào nơi cửa ải
Cỏ lau đã úa vàng.
Người U,Tinh Châu đó,
Một đời trên sa trường
Xin đừng như hiệp sĩ
Đem xích thố khoe khoang!
飲馬渡秋水,
水寒風似刀。
平沙日未沒,
黯黯見臨洮。
昔日長城戰,
咸言意氣高。
黃塵足今古,
白骨亂蓬蒿。
Ẩm mã độ thu thuỷ,
Thuỷ hàn phong tự đao.
Bình sa nhật vị một,
Ảm ảm kiến Lâm Thao.
Tích nhật Trường Thành chiến,
Hàm ngôn ý khí cao.
Hoàng trần túc kim cổ,
Bạch cốt loạn bồng mao.
Cho ngựa uống nước, qua sông thu
Nước lạnh, gió như dao cắt.
Trên bãi cát phẳng, mặt trời chưa lặn,
Nhìn thấy Lâm Thao mờ mịt xa xa.
Ngày xưa, chiến đấu ở Trường Thành,
Mọi người đều biểu lộ ý khí cao.
Bụi vàng đủ hết chuyện xưa nay,
Chỉ còn xương trắng lẫn lộn trong cỏ dại.
Dịch thơ:
KHÚC HÁT DƯỚI ẢI (KÌ II) – VƯƠNG XƯƠNG LINH
Sông thu, ngựa uống nước
Nước lạnh, gió cắt da
Bãi cát phẳng chưa tối
Lâm Thao mờ mịt xa
Trường Thành xưa chiến đấu
Ý chí biểu lộ ra
Nhìn bụi vàng đủ biết
Cỏ dại trắng xương pha
LÍ BẠCH
Tiếu sử: (Xem thêm kì 3)
五月天山雪,
無花祇有寒。
笛中聞折柳,
春色未曾看。
曉戰隨金鼓,
宵眠抱玉鞍。
願將腰下劍,
直為斬樓蘭。
Phiên âm:
Ngũ nguyệt Thiên sơn tuyết,
Vô hoa chỉ hữu hàn.
Địch trung văn "Chiết liễu",
Xuân sắc vị tằng khan.
Hiểu chiến tuỳ kim cổ,
Tiêu miên bão ngọc an.
Nguyện tương yêu hạ kiếm,
Trực vị trảm Lâu Lan.
Tháng năm núi Thiên Sơn vẫn còn tuyết phủ
Chẳng thấy hoa chỉ giá rét lạnh lùng
Tiếng sáo thổi nghe bài "Chiết liễu"
Chưa từng thấy cảnh sắc mùa xuân
Buổi sớm đánh nhau nghe theo hiệu trống
Ban đêm nằm ngủ ôm chiếc yên ngọc
Muốn tuốt gươm bên lưng
Thẳng chém chúa Lâu Lan
Tháng Năm Thiên Sơn tuyết
Không hoa, rét tê người
Nghe sáo thổi “Chiết liễu”
Cảnh sắc xuân đâu rồi?
Sớm đánh theo hiệu trống
Đêm ôm yên ngủ thôi!
Muốn tuốt thanh gươm nọ
Chém Lâu Lan làm đôi!
天兵下北荒,
胡馬欲南飲。
橫戈從百戰,
直為銜恩甚。
握雪海上餐,
拂沙隴頭寢。
何當破月氏,
然後方高枕。
Thiên binh há bắc hoang,
Hồ mã dục nam ẩm.
Hoành qua tòng bách chiến,
Trực vị hàm ân thậm.
Ác tuyết hải thượng xan,
Phất sa lũng đầu tẩm.
Hà đương phá Nguyệt Chi,
Nhiên hậu phương cao chẩm.
Binh trời xuống cõi Bắc
Ngựa Hồ muốn uống nước bờ Nam
Ngáng giáo xông pha trăm trận
Chỉ vì được đội ơn sâu
Trên bể, vốc tuyết ăn
Bên ruộng, phủi cát ngủ
Bao giờ đánh tan được Nguyệt Chi
Mới nằm gối cao yên giấc
KHÚC HÁT DƯỚI ẢI KÌ 2 – LÍ BẠCH
Thiên binh xuống cõi bắc
Ngựa Hồ uống bờ Nam
Cầm gươm đánh trăm trận
Mong được báo hoàng ân
Trên bể, vốc tuyết uống
Ruộng cát ngủ ấm thân
Khi nào tan giặc Nguyệt
Kê gối cao, yên nằm!
駿馬如風飆,
鳴鞭出渭橋。
彎弓辭漢月,
插羽破天驕。
陣解星芒盡,
營空海霧銷。
功成畫麟閣,
獨有霍嫖姚。
Tuấn mã như phong biều,
Minh tiên xuất Vị Kiều.
Loan cung từ Hán nguyệt,
Sáp vũ phá thiên kiêu.
Trận giải tinh mang tận,
Doanh không hải vụ tiêu.
Công thành họa Lân các,
Độc hữu Hoắc Phiêu Diêu.
Tuấn mã chạy như gió
Ra roi thẳng Vị Kiều
Giương cung từ tạ trăng Hán
Mũi tên cắm lông bắn phá giặc trời
Trận tan, tia sáng trên sao tắt
Doanh vắng, khói biển tiêu tan
Lập công được vẽ tượng trên gác Kỳ Lân
Chỉ có quan Phiêu Diêu họ Hoắc
Dịch thơ:
Tuấn mã vút như gió
Rời Vị Kiều ra roi
Giương cung biệt trăng Hán
Mũi tên phá giặc trời
Trận tan, sao sáng tắt
Doanh vắng, khói biển trôi
Vẽ Kì Lân công trạng
Chỉ Hoắc Phiêu Diêu thôi!
LẠC TÂN VƯƠNG 駱賓王 (640?-684)
Tiểu sử tóm tắt: Lạc Tân Vương người Nghĩa Ô tỉnh Chiết Giang, nổi tiếng thơ hay từ năm bảy tuổi. Ông ra làm quan
đời vua Cao Tông, Võ Hậu nhưng bất mãn xin thôi. Khi Từ Kính Nghiệp nổi lên chống lại triều đình có dùng ông làm chức phủ thuộc. Ông có thảo bài hịch kể tội Võ Hậu. Cuộc biến loạn thất bại, ông
bỏ trốn và mất tích. Theo Cựu Đường thư thì ông bị giết năm 684
Các tác phẩm được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1923 của tác gia này đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước. Những bản dịch hoặc lần tái bản phát hành sau ngày đó vẫn có thể có bản quyền. Các tác phẩm được phát hành sau khi tác giả mất có thể có bản quyền tùy thuộc vào chúng đã phát hành được bao lâu tại từng quốc gia và lãnh thổ cụ thể.
Dịch nghĩa:
Thử địa biệt Yên Đan,
Tráng sĩ phát xung quan.
Tích thời nhân dĩ một,
Kim nhật thuỷ do hàn.
Nơi đây từ biệt Thái tử Đan nước Yên
Tóc tráng sĩ (2) dựng ngược đội cả mũ lên
Người xưa đã khuất rồi
Nước sông nay còn giá lạnh (3)
Đây biệt Thái tử Đan nước Yên
Tóc tai tráng sĩ ngược mũ lên
Người xưa nay đã đi đâu khuất
Sông nước nay còn giá lạnh nguyên!
(1) Thuộc tỉnh Hà Bắc Trung Quốc
(2) Kinh Kha vâng mệnh Thái Tử Đan nước Yên đi mưu sát Tần Thủy Hoàng
(3) Nhắc lại lời Kinh Kha đêm chia tay "gió hiu hắt, sông Dịch lạnh ghê . Tráng sĩ một đi không trở về."
Nguyễn Ngọc Kiên
ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI
(Kì II)
Nguyễn Ngọc Kiên chọn dịch thơ
Trong số trước chúng tôi đã giới thiệu một số bài thơ Đường, chủ đề Biên tái. Với đề tài này, chúng tôi tiếp tục giới thiệu ba bài “Lương Châu từ” (Khúc hát Lương Châu) của Trương Tịch (Trung Đường). Trương Tịch 張籍 (768-830), người Hoài Châu, một đời làm quan khá thuận lợi. Ông là bạn thân của Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ, Nguyên Chẩn, Bùi Độ. Ông từng làm Quốc Tử tư nghiệp.
Lương Châu (涼州) nay thuộc tỉnh Cam Túc, giữa Lan Châu và Vũ Uy, trước đây là nơi hàng bao thế kỷ người Hồ và người Hán đánh nhau. Lương Châu từ là một điệu hát cổ của nói về chuyện trận mạc biên ải. Nó thường được các thi nhân thời trước lấy làm đầu đề để sáng tác.
邊城暮雨雁飛低,
蘆筍初生漸欲齊。
無數鈴聲遙過磧,
應馱白練到安西。
Phiên âm:
LƯƠNG CHÂU TỪ KÌ I – TRƯƠNG TỊCH
Biên thành mộ vũ nhạn phi đê,
Lô duẩn sơ sinh tiệm dục tề.
Vô số linh thanh dao quá thích,
Ưng đà bạch luyện đáo An Tây.
Dịch nghĩa:
KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU KÌ I – TRƯƠNG TỊCH
Mưa chiều ở thành biên giới nhạn bay thấp
Lau măng mới mọc cùng nhau từ từ vươn cao
Nhiều tiếng chuông vọng qua sa mạc nghe xa xa
Ngựa và lạc đà chở lụa trắng vào An Tây.
Dịch thơ:
KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU KÌ I – TRƯƠNG TỊCH
Biên giới mưa chiều nhạn sà bay
Lau măng mới mọc cùng vươn tay
Xa xa chuông vọng qua sa mạc
Lạc đà chở lụa tới An Tây.
古鎮城門白磧開,
胡兵往往傍沙堆。
巡邊使客行應早,
每待平安火到來。
Phiên âm:
KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU KÌ II – TRƯƠNG TỊCH
Cổ trấn thành môn bạch thích khai,
Hồ binh vãng vãng bạng sa đôi.
Tuần biên sứ khách hành ưng tảo,
Mỗi đãi bình yên hỏa đáo lai.
Dịch nghĩa:
KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU KÌ II – TRƯƠNG TỊCH
Cửa thị trấn xưa cát trắng bắt đầu lấp
Lính Hồ lui tới trên những đụn cát
Sứ giả tuần biên muốn lên đường sớm
Thường chờ những đội lính (phục kích ban đêm) trở lại bình yên.
Dịch thơ:
KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU KÌ II – TRƯƠNG TỊCH
Cổng trấn xưa cát trắng lấn ra
Lính Hồ trên đụn cát gần, xa
Sứ tuần biên muốn lên đường sớm
Chờ lính bình an trở lại nhà.
鳳林關裏水東流,
白草黃榆六十秋。
邊將皆承深恩澤,
無人解道取涼州。
Phiên âm:
LƯƠNG CHÂU TỪ KÌ III – TRƯƠNG TỊCH
Phượng Lâm quan lý thủy đông lưu,
Bạch thảo hoàng du lục thập thu.
Biên tướng giai thừa thâm ân trạch,
Vô nhân giải đạo thủ Lương Châu.
Dịch nghĩa:
KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU KÌ III – TRƯƠNG TỊCH
Trong ải Phượng Lâm nước chảy về hướng đông
Cỏ trắng du vàng đã 60 năm rồi
Tướng ngoài biên đã hưởng nhiều ân sủng
Nhưng không có người mở đường đánh lấy Lương Châu.
Dịch thơ:
KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU KÌ III – TRƯƠNG TỊCH
Về đông nước chảy, ải Phượng Lâm
Cỏ trắng du vàng sáu chục năm
Tướng lĩnh biên cương nhiều ân sủng
Chiếm Lương Châu ai nấy lặng câm.
ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI
Nguyễn Ngọc Kiên chọn dịch thơ
Trong các tác phẩm Đường thi, chủ đề Biên-tái là một trong những chủ đề được nhiều tác giả khai thác.
Nhìn lại hoàn cảnh lịch sử thời Đường, Tống, khi mà các bộ tộc phía Bắc và phía Tây Bắc Trung Hoa không ngừng lớn mạnh và xâm lược về phương Nam thì có thể hiểu tại sao nhiều thi nhân thời Đường như: Lý Bạch, Vương Xương Linh, Đỗ Phủ,... đã để lại những tác phẩm bất hủ, còn mãi với thời gian.
Chủ đề Biên-tái có thể phân ra làm 2 mảng:
Mảng thứ nhất với các bài thơ mang tâm trạng hừng hực ý chí yêu nước, quyết lập công nơi vùng biên ải.
Mảng thứ hai là các bài thơ mang tâm trạng buồn xa quê hương, nhớ nhung nơi quê nhà hoặc đau xót khi nhìn vật xưa cảnh cũ.
Tiêu biểu trong chùm thơ này phải kể đến các bài:
Lũng tây hành - Trần Đào
Quan san nguyệt, Tư biên - Lý Bạch
Cổ ý - Lý Kỳ
Cô nhạn - Thôi Đồ
Lương châu từ, Tái thượng khúc, Tái hạ khúc - Vương Xương Linh
Xuất tái - Vương Chi Hoán. Chúng tôi xin giới thiệu “Lũng Tây” của Trần Đaò, “Tư biên” của Lí Bạch và mấy bài “Lương Châu từ” của Vương Hàn và Vương Chi Hoán.
隴西行其二 - 陳陶
誓掃匈奴不顧身,
五千貂錦喪胡塵。
可憐無定河邊骨,
猶是深閨夢裡人。
Phiên âm:
LŨNG TÂY HÀNH KÌ 2 – TRẦN ĐÀO
Thệ tảo Hung Nô bất cố thân
Ngũ thiên điêu cẩm táng Hồ trần
Khả liên Vô Định hà biên cốt
Do thị xuân khuê mộng lý nhân.
Dịch nghĩa:
LŨNG TÂY HÀNH KÌ 2
Thề quét sạch giặc Hung Nô chẳng tiếc thân
Năm nghìn chiến sĩ mặc áo gấm, đội mũ da điêu vùi xác trong bụi Hồ
Đáng thương cho những bộ xương bên bờ sông Vô Định
Vẫn còn là người trong mộng của chốn xuân khuê.
Dịch thơ:
LŨNG TÂY HÀNH KÌ 2
Thề quét Hung Nô chẳng tiếc thân
Bụi Hồ vùi xác, mấy nghìn quân
Thương cho xương cốt bờ Vô định
Mà vẫn người trong giấc mộng xuân.
思邊 - 李白
去年何時君別妾,
南園綠草飛蝴蝶。
今歲何時妾憶君,
西山白雪暗秦雲。
玉關去此三千里,
欲寄音書那可聞。
Phiên âm:
TƯ BIÊN – LÍ BẠCH
Khứ niên hà thời quân biệt thiếp
Nam viên lục thảo phi hồ điệp
Kim tuế hà thời thiếp ức quân
Tây sơn bạch tuyết ám Tần vân
Ngọc quan khứ thử tam thiên lý
Dục ký âm thư na khả văn ?
Dịch nghĩa :
NHỚ BIÊN CƯƠNG
Năm ngoái vào lúc này, chàng và thiếp ly biệt
Bên vườn nam, bướm bay vờn cỏ xanh biếc
Năm nay vào lúc chia biệt ấy, thiếp nhớ tới chàng
Núi phía tây, tuyết trắng che kín, xám mây Tần
Ngọc quan nơi chàng đến cách xa ba ngàn dặm
Muốn gởi lá thư, không biết chàng có nhận được chăng ?
NHỚ BIÊN CƯƠNG
葡萄美酒夜光杯,
欲飲琵琶馬上催。
醉臥沙場君莫笑,
古來征戰幾人回。
Phiên âm:
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU (KÌ I)
Rượu bồ đào cùng với chén lưu ly
Muốn uống nhưng đàn tỳ bà đã giục lên ngựa
Say khướt nằm ở sa trường, anh chớ cười
Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về đâu.
Ghi chú: Lương Châu nay thuộc tỉnh Cam Túc, giữa Lan Châu và Vũ Uy, trước đây là nơi hàng bao thế kỷ người Hồ và người Hán đánh nhau. Lương Châu từ là một điệu hát cổ của nói về chuyện trận mạc biên ải. Những điệu hát cổ như: Thượng chi hồi, Chiến thành nam, Thương tiến tửu, Quân mã hoàng, Viễn như kỳ, Hoàng tước hành, Lạc mai hoa, v.v... được các thi nhân thời trước lấy làm đầu đề để sáng tác.
KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU (KÌ I)
秦中花鳥已應闌,
塞外風沙猶自寒。
夜聽胡笳折楊柳,
教人意氣憶長安。
Phiên âm:
LƯƠNG CHÂU TỪ KÌ 2 - VƯƠNG HÀN
Tần trung hoa điểu dĩ ưng lan
Tái ngoại phong sa do tự hàn
Dạ thính Hồ già Chiết Dương Liễu
Giao nhân ý khí ức Trường An.
Dịch nghĩa:
KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU KÌ 2 –VƯƠNG HÀN
Ở đất Tần, hoa sắp tàn, chim bay đi gần hết
Ngoài quan ải thì gió cát vẫn còn lạnh lẽo
Ban đêm tiếng Hồ già (1 loại sáo của người Hồ) thổi bài “Chiết dương liễu”
Khiến cho lòng người nhớ về Trường An.
Dịch thơ:
KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU KÌ 2
Đất Tần chim vắng hoa sắp tàn
Gió cát ải ngoài buốt ruột gan
Nghe sáo Hồ đêm “Chiết dương liễu”
Lòng người bỗng nhớ tới Trường An
出塞 - 涼 州
詞 - 王 之
渙
黃 河
遠 上
白 雲 間
一 片
孤 域 萬 仞
山
羌 笛
何 須 怨 楊
柳
春 風
不 度 玉 門
關
Phiên âm
XUẤT TÁI - LƯƠNG CHÂU TỪ - VƯƠNG CHI
HOÁN
Hoàng hà viễn thượng bạch vân gian
Nhất phiến cô thành vạn nhận san
Khương địch hà tu Oán Dương Liễu
Xuân phong bất độ Ngọc môn quan
Dịch nghĩa:
KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU – VƯƠNG CHI HOÁN
Hoàng Hà chảy xa xa như dài lên tận mây trắng
Một phiến thành cô quạnh, muôn trượng núi cao
Tiếng sáo người Khương cần chi phải oán dương liễu (ý là thổi bài “Chiết Dương liễu”)
Vì gió xuân nào có qua được cửa ải Ngọc Môn Quan.
Dịch thơ:
KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU
Hoàng Hà chảy phía mây trắng bay
Một phiến thành cô vạn trượng này
Sáo Khương sao thổi “Oán dương liễu”
Gió xuân có tới Ngọc Môn đây?
Nguyễn Ngọc Kiên
CHÙM THƠ VỀ HOA BẰNG LĂNG
MÀU TÍM BẰNG LĂNG
Áo em tím tự ban đầu
Hay là hoa tím nhuộm màu áo em?
Hồn tôi còn có bình yên
Cánh hoa tựa những nỗi niềm khát khao
Đất trời bỗng thấy lao xao
Bằng lăng sắc tím bay vào thơ tôi!
Hà Nội mùa hoa bằng lăng, 2013
Nguyễn Ngọc Kiên
DƯỚI TÁN BẰNG LĂNG (I)
Có phải em đang đợi một người?
Vô tình năm tháng cứ dần trôi
Bằng lăng cố ý gây thương nhớ
Rõ khổ thân tôi… Tội nghiệp tôi!
DƯỚI TÁN BẰNG LĂNG (II)
Dưới tán bằng lăng chẳng thấy người
Lối xưa nay đã khác đi
rồi
Màu hoa tím vẫn nôn nao tím
Ngơ ngác bên đường một bóng tôi!
Hà Nội,5/2014
(Tặng T.)
Địa cầu đang bị nung khô
Cây xơ xác lá, người xơ xác … người.
Hiếm hoi ngọn gió mồ côi
Không mang đi nổi những lời thở than.
Đêm qua trên khắp nhân gian
Ngập tràn trong nỗi hân hoan vô bờ.
Cơn mưa bất chợt đầu mùa
Gợi bao cảm xúc mơ hồ trong ta.
Sáng nay mở cửa nhìn ra
Bằng lăng lại tím như là … bằng lăng!
Hà Nội, mùa bằng lăng 2013
Thơ Nguyễn Ngọc Kiên
NỘI BÀI TIỄN EM
(Tặng C. T.)
Nguyễn Ngọc
Kiên
Dặn dò chẳng kịp đôi câu
Ngượng ngùng như
chửa biết nhau bao giờ.
Tiễn em như thể tình cờ
Mà tôi ngơ ngác, thẫn thờ vì đâu?
Kiếp xưa có nợ gì
nhau
Mà ai gieo thảm rắc sầu cho ai?
Tôi bơ vơ giữa Nội Bài
Chuyến bay như thể ra ngoài hành tinh!
Hà Nội, 9/2013
Thơ Nguyễn Ngọc Kiên
TƠ GIĂNG
Nguyễn Ngọc Kiên
Cửa sổ phòng anh để gió lùa
Ngoài kia con nhện vẫn giăng tơ
Hương hoa vẫn ngát theo làn gió
Mê mải anh tìm những tứ thơ.
Em đến thăm anh buổi tối này
Ngắm nhìn khung cửa đến mê say
Có gì liên tưởng mơ và thực
Có lẽ tơ hồng kết từ đây.
Anh mới bình tâm nhận thấy rằng
Hồn em cũng tựa lưới tơ giăng
Cho anh ngơ ngẩn từ hôm ấy
Đã vướng vào em, em biết chăng?
Hải Đường, Hải Hậu, 5/2015
Nguyễn Ngọc Kiên
Thơ Nguyễn Ngọc Kiên
Nguyễn Ngọc Kiên
QUYỀN ĐƯỢC RÊN – MỘT KIỆT TÁC
CỦA NHÀ VĂN LÊ MAI
Cầm truyện ngắn “Quyền được rên” trên tay, ngườì đọc nghĩ ngay đến Hà Nội những năm tám mươi của thế kỷ trước. Nhà chật chừng hai mươi mét vuông mà chứa đến ba cặp vợ chồng. Mọi sinh hoạt thật bất tiện! Ngay cả rên khi quan hệ tình dục cũng phải ý tứ nhìn trước ngó sau! Nhưng “Quyền được rên” không phải truyện viết về tình dục hay sinh hoạt vợ chồng. Truyện viết về cuộc đời thực của nhà văn Hoàng Công Khanh, người đã được nhà nước đặt tên đường ở Kiến An Hải Phòng.
Trong công ước LHQ về quyền con người có nói, mọi người đều có quyền được lao động học tập và nghỉ ngơi (Each person has the right to work, to rest and to housing). Rồi quyền hội họp, quyền biểu tình…, nhưng không thấy nói đến quyền được rên.
Có thể nói mà không sợ ngoa ngôn rằng “Quyền được rên” của nhà văn Lê mai có thể xếp trên “Sống mòn” của Nam Cao; vì “Sống mòn” viết về cuộc đời của ông giáo Thứ rất khổ cực trước cách mạng tháng Tám. Ở đây nhân vật chính là Hoàng không những vô cùng cực khổ mà còn phải chịu trăm đắng ngàn cay! “Quyền được rên” còn xếp trên “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn, có dung lượng mấy trăm trang, cuối cùng chỉ đi tìm câu trả lời vì sao mình bị tù. “Quyền được rên” là truyện ngắn nén rất chặt trong mấy chục trang, nhưng nó có tầm tư tưởng rất lớn của một tiểu thuyết. Nó được viết ra không phải để gây thù chuốc oán hoặc khắc sâu thêm mối hận thù. Mà nó rất bao dung để nhớ lại một thời ấu trĩ! Đúng như có lần nhân vật chính đã “thủ thỉ nói với con và cũng như nói với lòng mình:
Ông - Con ơi! Oán hờn mà trả bằng oán hờn thì oán hờn ngày càng chồng chất. Con người hơn con vật ở chỗ đối xử với nhau có nghĩa có nhân. Lớn lên rồi con sẽ hiểu, không phải ngẫu nhiên mà Thánh Găng Đi nói: “Tôi không bao giờ tự hạ thấp mình ngang tầm của bạo lực.” Cái gì đã qua bố con mình cùng cho qua con nhé! Chớ để bụng, đừng thù oán ai cả… Càng đớn đau mình phải sống càng nhân hậu, con có hiểu không?”
Đó cũng chính là tư tưởng nhân văn xuyên suốt của mạch truyện.
Cách hành văn có những đoạn đảo ngữ, nói lên được cái phi lý không thể giải thích được. Nó hệt như các truyện của Kafka, phi lý nhưng rất đúng “quy trình” ở xã hội Việt nam hôm nay!
“Quyền được rên” giống như câu thành ngữ của người Anh: “thanh gươm Damocles (the sword of Damocles) treo lơ lửng trên đầu” nhà văn. Viết văn là nghề hết sức nguy hiểm. Nhà văn lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Nguyên nhân chính là người ta nghi ông có dính dáng đến “Nhân văn giai phẩm” và bắt ông vào tù.
Nhân vật Hoàng, tức Hoàng Công Khanh bắt đầu được biết đến qua vở kịch thơ Về Hồ được diễn ở Hà Nội chào mừng quốc hội khóa một nước Việt Nam dân chủ cộng hòavà sau đó được công diễn trên nhiều vùng kháng chiến khắp cả nước. Thời gian đầu kháng chiến chống Pháp ở Liên khu 3, ông giữ nhiều chức vụ quản lý trong ngành văn hóa và vẫn viết đều tay. Giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám đến 1950, ông xuất bản hai tập truyện ngắn Trên bến Búng (1947) và Chuyện người tù binh Algérie (1948), hai vở kịch nói Màn cửa vàng (1950) và Nhập ngũ (1950) cùng tập thơ Hà Nội không ngủ (1950). Các sáng tác của Hoàng Công Khanh thời kỳ này chủ yếu có mục đích phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp.Từ giữa năm 1950 đến 1954, ông về Hà Nội viết văn, viết báo, làm tổng biên tập tạp chí Dân ý, một tạp chí có sự lãnh đạo của thành ủy Hà Nội. Những tác phẩm được nhắc tới nhiều nhất của Hoàng Công Khanh được viết trong thời gian này. Ông đã cho xuất bản các tác phẩm Mối tình đầu (tiểu thuyết, 1951), Mẹ tôi sớm biệt một chiều thu (tiểu thuyết, 1953, tái bản 1991), Yêu chỉ một lần (tiểu thuyết, 1954), Trại Tân Bồi (tiểu thuyết, 1953), Bạn đường (tiểu thuyết, 1953), Éo le (tiểu thuyết, 1954), Bến nước Ngũ Bồ và Cung phi Điểm Bích (kịch thơ, xuất bản 1953, tái bản 1991). Các vở kịch thơ Bến nước Ngũ Bồ, Cung phi Điểm Bích được dựng lại trên sân khấu vào các năm 2007, 2008 và đều được đánh giá rất cao. Riêng Cung phi Điểm Bích còn được Giải A giải thưởng sân khấu 2007 của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Cuộc đời của nhân vật Hoàng (Hoàng Công Khanh) đầy tài năng và lừng lẫy như vậy nhưng đầy những nghịch lý:
- Nghịch lý thứ nhất, ông làm nhà văn, và viết văn khi chẳng biết làm nghề gì khác. Với một nhà văn lừng lẫy như thế, khi ra tù nhớ nghề lúc rảnh, ông lại viết. Ông biết “ Văn chương là thứ cực kỳ nguy hiểm. Vinh quang chẳng đáng là bao mà nhục nhã ê chề thì vô tận. Ngày ra tù ông đã ngầm tự hứa sẽ cai nó, sẽ cạch nó đến già. Nhưng gió, nhưng nắng, nhưng hương đồng gió nội, nhưng những thôn nữ dịu dàng, e ấp như lúa, như ngô… khiến thi hứng giờ đây cuồn cuộn trào dâng. Ông chặc lưỡi . Sao mình lại không viết?”
Thấy ông ngồi viết, đứa con gái ông sợ hãi – một nỗi sợ mơ hồ, đã phải kêu lên:
“Bố ơi! Bố đừng viết nữa con sợ lắm. Thảo nào thi sĩ Phúc, văn sĩ Lam cứ phải viết chui, viết lủi. Mỗi lần viết cứ phải lén lút như tội phạm. Những câu thơ hay, những áng văn hay thẫm đẫm tình người – tình vật phải chịu chung số phận đớn đau nơi gầm giường, nóc bếp, đống rơm, chuồng lợn…
Có lần, ông nghiêm túc nói với con:
“- Bác Trần vừa tề gia nội trợ - nữ công gia chánh để bác gái bán hàng vừa viết truyện. Ông Trương vừa bới rác nhặt rau nuôi lợn vừa viết kịch. Bác Phùng vừa cắt tóc vừa làm thơ. Bác Loan vừa câu cá vừa vẽ… Chẳng lẽ bố lại không vừa làm lái chó vừa viết văn được sao? Không đọc không viết bố thấy tiếc thời gian lắm, tủi mình và chưa xứng với mẹ, với các con. Vả lại, không viết nữa tức là bố công nhận mình sai, phải đi tù là đúng”
- Nghịch lý thứ hai, một ngày ở ngoài nghìn thu ở tù. Bạn bè phải thốt lên, khi ông được vào tù - cái chi tiết thật đắt và cũng hài hước, chỉ có ở Việt Nam:
“- Học tập xong rồi hả? Giác ngộ rồi, đến giáo huấn ta đấy phỏng?... Ngẫm kỹ thấy anh cũng giỏi. Giỏi lắm! Người đời phải gây tội mới được tù. Còn anh, chẳng phải nhọc xác gây gì cũng được tù. Thời Pháp đi tù thời Pháp. Thời ta đi tù thời ta. Thời nào cũng được tù. Dễ thường nghề tù cũng đến kịch bậc rồi chứ kém cỏi gì!”
Cuộc đời ông này ở tù đâm ra lại còn sướng hơn ở ngoài. Ở tù ông có cơm ăn, áo mặc và có công ăn việc làm. Ra tù thì chẳng có việc gì để làm. Để kiếm kế sinh nhai ông đã từng làm kéo xe, rồi làm người buôn chó, rồi dùng sức “chân cò tay vượn” của mình để đi đào hầm thuê.
Ra tù, có lúc không việc làm, những bạn bè, “đồng chí” một thời cũng xa lánh ông như xa lánh hủi:
“Ngày ra tù, về nhà con thấy đấy. Nhà mình vẫn hoang lạnh như nấm mồ hoang. Bạn bè thân thiết, hàng xóm láng giềng có ma nào đến sẻ chia với mình đâu. Thậm chí ra ngoài đường có người chẳng may gặp bố, họ còn kéo mũ che mặt lảng đi.”
- Nghịch lý thứ ba, nỗi buồn khi hết chiến tranh. Người ta thì vui mừng khi nghe tin chấm dứt chiến tranh. Đối với ông, hết chiến tranh đồng nghĩa với việc ông bị thất nghiệp. Hết chiến tranh thì ai còn thuê ông đào hầm nữa! Cuộc đời đầy chua chát!
“Sư cha cái anh Giôn Xơn, nó lại tuyên bố: Ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Nghĩa là, nó ngừng ném bom ở khoảng không gian mà ông sống và đào hầm để kiếm sống. Thế là… ông lại thất nghiệp.”
Nghịch lý thứ tư, ông đi tù mà không biết mình phạm tội gì. Ở trong tù, ông hỏi quản giáo:
“Thưa cán bộ, trường hợp tôi bao giờ thì được ra toà?” Ra tòa! Phải! Ra tòa! Các phạm kinh tế hay hình sự ở lán ông ai cũng đã được ra tòa. Họ có án đàng hoàng. Họ biết rõ ngày đi – cũng biết rõ ngày về. Còn ông… Ông mong ước được ra tòa. Ra tòa – ông nghĩ: Mọi việc sẽ được phân định rõ ràng. Trắng ra Trắng. Đen ra Đen. Lúc ấy, dẫu có phải đi tù ông cũng không oan ức. Người quản giáo nhìn ông. Nhìn từ đầu xuống chân rồi khinh khỉnh nói:
- Ông là nhà văn có tiếng mà còn dốt thế! Tù rồi còn đòi ra tòa làm gì?
Những câu trả lời ngô nghê của người quản giáo là minh chứng hùng hồn cho một thời quá ư là ấu trĩ:
Ông lạnh người nhận ra cái tuyệt đúng, tuyệt gọn, tuyệt dễ hiểu của lời lẽ anh quản giáo, nhưng như thế thì mông lung quá, mịt mờ quá… Ông rụt rè thưa tiếp:
- Nếu không ra tòa, không có án tôi biết sao được tội gì? Hình phạt là bao nhiêu năm?
Và đây nữa, lời anh quản giáo mới thật hài hước như lời một diễn hài:
“Nhìn ông, anh quản giáo cười hiền, tỏ ý thông cảm:
- Dốt thế, ở tù cũng đáng... Ông là đi học tập, đi cải tạo chứ có phải tù đâu mà hỏi án bao nhiêu năm. Đi học tập, đi cải tạo thì bao giờ học tập tốt, cải tạo tốt thì… ra trường. Tốt nghiệp ý mà! Muốn biết bao nhiêu năm thì phải tự hỏi mình chứ hỏi gì tôi. Thôi, hồ hởi, phấn khởi nhé!.
Cái tư tưởng nhân văn của tác phẩm được gói lại ở đoạn đối thoại với vợ ông, khi ông bộc bạch – đây là cái đoạn cũng rất con người:
“Vợ con khóc tu tu: Tiếng Tây tiếng Tàu đầy người…Tù thì còn hiểu được chứ. Đẩy xe bò thì không thể nào hiểu nổi”.
Và cuối cùng Hoàng đã trả lời vợ:
“Mà bà còn lạ gì tôi, nào có biết hận thù, căm uất ai đâu mà bà phải lo, phải sợ. Họ đánh mình đau quá thì mình rên. Rên cho nó đỡ đau, bà ạ! Con người ai chẳng có quyền được Rên.
Nhưng thật hài hước khi mà ở một xã hội đến rên cũng không thể được, thì không thể nói quyền làm gì khác của con người. Vợ ông nói:
- Sắp xuống lỗ rồi mà ông còn thơ ngây thế? Ông tưởng Rên là tội nhẹ lắm ư? Các ông ngày xưa ngợi ca – hát ông ổng còn bị kẻ độc miệng cho mang vạ. Giờ lại đòi Rên. Quyền được Rên! Ơ hơ…quyền được Rên! Ngớ ngẩn, ngớ ngẩn hết chỗ nói…”
Vĩ thanh
Tóm lại “Quyền được rên” là một kiệt tác của Lê Mai. Cách hành văn trong sáng, ngắn gọn, khúc triết, dung lượng của truyện được nén rất chặt. Nội dung tư tưởng và tính nhân văn rất rõ được thể hiện qua từng nhân vật. Mặc dù trải qua những ngày tháng tù đày phải chịu “trăm đắng ngàn cay” nhưng cuối cùng ông đã được minh oan. Tên Hoàng Công Khanh đã được đặt tên đường. Tác phẩm của ông đồ sộ và có giá trị ghi dấu ấn một thời như vậy, nhưng nhà văn chưa một lần được giải thưởng (phải chăng đây lại là một nghịch lý). Nhà văn Hoàng Công Khanh giờ đây hẳn cũng ngậm cười nơi chín suối. Mỗi tác phẩm đều có số phận riêng của nó. Nhưng người viết tin rằng “Quyền được rên” sẽ sống mãi cùng hậu thế, bất chấp thời gian.
Nguyễn Ngọc Kiên
TỨ TUYỆT NGUYỄN NGỌC KIÊN
VIẾT GIỮA ĐẦM SEN
Giữa vùng đầm trời và nước mênh mông
Em cứ mơn mởn thế làm sao anh chịu nổi!
Anh ngơ ngẩn cùng mây bay và gió thổi
Đứng chết lặng trên bờ em có cứu anh không?
Hà Nội, 10/9/2013
KHÓM HỒNG TRƯỚC SÂN
Một khóm hồng xanh ở trước sân
Mưa sa gió giật đã bao lần
Sớm nay bỗng nở bừng dăm nụ
Kịp đón xuân về với chủ nhân.
Hải Đường Hải Hậu, 1/ 2014
GHI Ở THÁNH ĐỊA MĨ SƠN
Giữa trưa hè về với Mĩ Sơn
Cô
hướng dẫn viên ném vào tôi cái cười tinh nghịch.
Chợt
thấy mình hóa thành phế tích
Trước vẻ đẹp hút hồn bất chấp cả thời gian!
Quảng Nam, 7/2013
Nguyễn Ngọc Kiên
Nguyễn Ngọc Kiên
Chuyện rằng, nhà nọ bỗng dưng xuất hiện rất nhiều chuột. Chuột đủ loại: Chuột Cống – Chuột Đồng – Chuột Chù – Chuột Nhắt… Chúng quá thể lắm, chẳng coi ai ra gì. Thế là anh chồng nghĩ ra keo dính chuột. Rồi lợi bất cập hại! Chuột chẳng dính lại dính ngay người. Nghĩ đủ cách nhưng mỗi cách chỉ được một thời gian, trong đó có cả phương pháp diệt chuột theo binh pháp Tôn Tử! Cách kể chuyện ngụ ngôn hài hước (humour), giọng văn trào lộng không lẫn vào đâu, chỉ có ở Lê Mai! Vì vậy câu chuyện càng thêm hấp dẫn, mang tính thời sự cao! Bà vợ bèn nghĩ ra cách nuôi mèo, nhưng cũng không ổn. Mèo (đại diện chống tham nhũng) lại thông đồng với chuột (kẻ tham nhũng). Thỉnh thoảng mèo mới vồ được con chuột nhắt mà cứ chờn vờn ra oai với thiên hạ, theo kiểu “thùng rỗng kêu to”, công lao của ta cũng rất lớn:
“Năm thì mười họa mới vồ được con chuột nhắt mà cứ ra vẻ ta đây, quăng con mồi chỗ này, quẳng con mồi chỗ kia, dền dền dứ dứ… sốt ruột. Gặp con chuột to, chuốt cống thì lỉnh. Lại còn lươn lẹo, thông đồng cả với lũ chuột mới kinh. Chẳng phải ngẫu nhiên mà đồng dao có câu:
Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đồng xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.”
Cuối cùng anh ta nghĩ đến chuyện nuôi chó. Ngay cả cái chuyện vợ chồng đặt tên cho chó cũng thật khôi hài rất “Lê Mai”! Tên ta hay Tây? Hiện đại hay truyền thống? Làm sao phải xóa bỏ hận thù hướng tới tương lai!
“Anh đặt cho nó là Cún. Cún có được không em? Cún! Nghe vừa thuần Việt, thuần chủng vừa tình cảm. Vợ anh buột miệng khen: tên hay, được lắm. Không như cái tên Bíp. Chẳng biết có bíp được ai không, hay chỉ bíp chính mình. Cún! Giỏi lắm. Các cụ mình từ ngàn xưa thường vẫn gọi cháu chắt yêu dấu của mình là Cún con anh nhỉ. Cún. Hay, hay tuyệt. Vừa tình cảm vừa truyền thống. Anh vui với niềm vui của vợ. Cún mừng với niềm vui của chủ.”
Nhưng kết cục thật thảm hại!
Chuột (tham nhũng) càng leo lên cao thì cún (chống tham nhũng) càng bất lực. Vì ở cùng một nhà nên đành phải thỏa hiệp “ chung sống hòa bình” như dân chúng ở vùng thiên tai phải sống chung với lũ – cún ta tự an ủi bằng cái lý luận cù lần “ thôi, anh em cùng một nhà không thể ta chống ta được!”. Không tìm ra giải pháp, cún ta cứ luẩn quẩn bế tắc, đến nỗi cún phải …khóc, ngẩng mặt nhìn lũ chuột hoành hành. Từ nay có lẽ phải “cấm cửa” không cho lũ chuột xuống tầng một!
Nhà văn Lê Mai (Hà Nội) vốn là một thương binh chống Mỹ, sống một mình ẩn dật, cô đơn. Ông lặng lẽ quan sát, chiêm nghiệm thời cuộc, viết lên những trang văn sống động đầy tính hiện thực mang tính phúng dụ. Ông không đi theo lối mòn của một số nhà văn trại lính, viết theo kiểu “minh họa” - như nhà văn đại tá Nguyễn Minh Châu đã cáo chung. Nhà thơ Nguyễn Khôi nói rằng, với các tác phẩm như: “Tẩu hỏa nhập ma”, “Quyền được rên”, “Cún khóc”, “ Thời gian xuẩn ngốc” Lê Mai đã vượt trên cả Nam Cao, Bùi Ngọc Tấn (Hậu sinh khả úy!)
Đọc “Cún khóc” của Lê Mai người đọc lại nghĩ đến bài thơ “Hội đồng Chuột” (Conseil tenu par les rats) của nhà thơ ngụ ngôn nổi tiếng người Pháp La Phông ten (La Fontaine) , đầy tính phúng dụ.
Nguyễn Ngọc Kiên
Hải Đường, Hải Hậu, 12/11/2016
Thơ Nguyễn Ngọc Kiên
Kẻ lữ khách cô đơn như treo lơ lửng cuộc đời mình trên sợi tóc
Mây trắng ở dưới chân trời xanh ở trên đầu.
Với em, chỉ một tích tắc thôi anh có thể là mãi mãi,
Mãi mãi với ngàn xưa và vĩnh viễn với ngàn sau !
Chợt thấy mình gấp ngàn lần mạo hiểm
Dám đem cá cược cả số phận mình
Trên một sợi dây vô hình
Đưa anh đến với cuộc đời em!
Nguyễn Ngọc Kiên
Đà Nẵng 18/7/2013
Thơ Nguyễn Ngọc Kiên
GỬI NGƯỜI XA
Thơ tình tôi viết tặng em,
Đêm Hà Nội trời cao xanh vời vợi
Hàng cây xanh xạc xào gió thổi
Đang thì thầm nỗi nhớ gửi người xa.
Bao tháng ngày thấm thoắt trôi qua,
Với những chiều tiễn đưa, những đêm hò hẹn
Em như cơn mưa đầu hè chợt đi rồi chợt đến
Mái trường hồng bao kỉ niệm thiêng liêng
Nhưng mỗi người ai chẳng có cuộc đời riêng
Ai chẳng có những bồng bột vô tư của một thời tuổi trẻ
Dẫu những lời của hôm nay là “dời non lấp bể”
Thì mai vẫn hai trời li biệt ngóng tin nhau
Vẫn biết rằng những mất mát buồn đau
Với những gì của hôm nay chỉ còn trong thương nhớ
Những gì của hôm nay sẽ thuộc về quá khứ
Thì ta cứ nghĩ về nhau như buổi ban đầu
Để tâm hồn đẹp mãi với mai sau!
Đêm Hà Nội trời cao xanh vời vợi,
Hàng cây xanh xạc xào gió thổi…
Nguyễn Ngọc Kiên
Nguyễn Ngọc Kiên
NGÀY CHỦ NHẬT VẮNG EM |
|
Anh có chờ đâu ngày chủ nhật hôm nay
Rất vô lý hững hờ như chẳng có Chẳng biết là em có nhớ tới anh không?
Nhìn bầu trời vời vợi mênh mông Tâm sự cồn lên bao điều mới mẻ. Ngày chủ nhật hôm nay sao mà dài đến thế, Trong đợi chờ khắc khoải nhớ mong em!
Anh biết ngày mai em vẫn lặng im Cái lặng im xoáy vào tâm tư bao tháng ngày làm anh day dứt Niềm tin của anh lóe lên như ánh chớp Trong bão tố cuộc đời vụt tắt phía trời xa!
Nhưng anh vẫn đợi chờ mong chủ nhật chóng đi qua Để ngày mai lại thấy em trong lớp học Nghe giọng nói thân thương nhìn nụ cười ánh mắt Cho đời anh vợi bớt nỗi u sầu!
Có lẽ là anh chẳng xứng với em đâu Nhưng trái tim anh không thể nào khác được! Niềm tin của anh phải chăng là huyễn hoặc Nhưng anh chẳng thể dối lừa được nữa em ơi!
Đời sinh viên năm tháng cứ dần trôi Vẫn đậm nét trong anh từ buổi đầu gặp mặt. Ôi phải chi đừng có ngày chủ nhật, Ở mái trường này anh mãi mãi được gần em!
Nguyễn Ngọc Kiên
|
Thơ Nguyễn Ngọc Kiên
Trở về với rạ với rơm
Nguyễn Ngọc Kiên
Tặng quê hương Hải Hậu
Trở về với rạ với rơm
Còn nghe thoang thoảng hương thơm quê nhà
Mùi bùn đồng đất phù sa
Vị mồ hôi mặn thấm qua kiếp người!
Bàn chân cuối đất cùng trời
Trở về đây giữa buổi sùi sụt mưa
Trở về nơi bến sông xưa
Mùa xuân năm ấy em vừa tiễn anh
Trở về sau cuộc chiến tranh
Bao lời hò hẹn bỗng thành chia xa,
Em giờ cũng đã thành bà
Riêng mùi rơm rạ vẫn là hương xưa!
Hải hậu 3/2015
Nguyễn Ngọc Kiên
Nguyễn Ngọc Kiên
NƯƠNG THEO NƯỚC MẮT MÀ ĐI
( ĐÔI ĐIỀU CẢM NGHĨ VỀ THƠ NGÔ MINH)
Lê Mai
Làng Thượng Luật của anh toàn cát
Mẹ con anh là cát giữa mắt ĐƯỜI…
Sống sao đây khi đã mất tính người?
Lặng đi thôi! Nín đi thôi! Cát vọng.
Nước mắt người xoa cát dịu dàng trôi…
Nước mắt trong văn vắt tình người.
Cho anh những câu thơ vùi sâu trong cát đỏ
Tím lịm lòng người, hoảng loạn những giấc mơ…
Làm sống những câu thơ mà gượng dậy
Nương theo nước mắt mà trôi
Cho con chữ rạo rực sinh sôi trong cát nín
Gia sản cha dành chỉ còn có thế thôi
Lặng đi thôi! Nín đi thôi! Cát vọng.
Nước mắt người xoa cát dịu dàng trôi…
Những câu thơ bay ra từ cát trắng
Lấp lánh tình đời, nồng ấm tình quê
Cứ nương nước mắt mà đi…
Cát vọng!
Lời bình của TS. Nguyễn Ngọc Kiên
LÊ MAI CẢM THƠ NGÔ MINH BẰNG …THƠ
Nhà thơ Lê Mai viết cảm nhận thơ Ngô Minh bằng … thơ.
Đó là cách làm hết sức độc đáo!
Có thể coi đây là “lí lịch trích ngang” của nhà thơ Ngô Minh!
Nhà thơ Lê Mai dường như rất hiểu Ngô Minh và cả thời đại của ông. Vì vậy, cái đầu đề của bài thơ là “Nương theo nước mắt mà đi” cũng rất gợi.
Thật vậy, Ngô Minh sinh ra từ nước mắt, lớn lên cùng nước mắt. Khổ thơ thứ nhất nói về bi kịch cuộc đời Ngô Minh.
Mẹ con anh là cát giữa mắt ĐƯỜI…
Sao lại là “giữa mắt ĐƯỜI”? Thôi thi ai muốn hiểu thế nào thì hiểu.
Ngô Minh phải trải qua những bi kịch - bi kịch của cuộc đời ông, bi kịch của thời đại ông. Thơ của ông có những câu xúc động lòng người. Chẳng hạn:
Ba ra đi một sáng hãi hùng
Máu quằn quại máu ròng cọc xử bắn
(Cát vọng)
Hay trong bài “Khuya bên mộ Ba”:
Biển lập lòe nhang sám hối
Con về tay trắng tay
Thơ làm sao cứu rỗi
Hoặc trong bài “Thơ khác trên bia mộ Mạ”:
Con xin dựng tim con làm bia mộ
Tạc câu thơ đời mạ đau buồn
Trái tim nhỏ ước là quả chín
Trên cát nhèo trắng xóa thời gian
Thời đại của ông, với gia cảnh của ông sống được cũng là một kì tích. Có nhiều cái biết đấy mà không dám nói ra. Muốn sống được, muốn tồn tại được đã khó, đằng này ông lại phấn đấu học tập để trở thành nhà thơ danh tiếng trong cả nước; vậy nên đành phải:
Lặng đi thôi! Nín đi thôi! Cát vọng.
Ông chịu ơn nước mắt:
Nước mắt người xoa cát dịu dàng trôi…
Nước mắt trong văn vắt tình người.
Cho anh những câu thơ vùi sâu trong cát đỏ
Tím lịm lòng người, hoảng loạn những giấc mơ…
Và đây nữa, ông đã phải tự vươn lên. Cũng may mà một lũ người ngu dốt khi không chia những quyển sách của cha ông làm “quả thực” và ông còn được thừa hưởng:
Làm sống những câu thơ mà gượng dậy
Nương theo nước mắt mà trôi
Cho con chữ rạo rực sinh sôi trong cát nín
Gia sản cha dành chỉ còn có thế thôi
(Lê Mai - Nương theo nước mắt mà đi)
Cuộc đời ông rất nhiều tâm trạng. Nó giống như người có cái dằm lớn ở đầu ngón tay. Nhổ ra thì không được mà để thì nhức nhối khó chịu. Chính điều này đã chi phối toàn bộ sáng tác của Ngô Minh mà chúng tôi sẽ nói dưới đây.
Ở khổ thứ hai, Lê Mai viết:
“Nước mắt người xoa cát dịu dàng trôi…
Nước mắt trong văn vắt tình người.”
Nói đến sáng tác của Ngô Minh, chúng tôi đặc biệt chú ý đến thể loại lục bát của ông. Thơ ông có mấy đặc điểm nổi bật sau:
1) tôn vinh nước mắt,
2) chịu ơn nước mắt,
3) nương theo nước mắt mà đi,
4) thơ ông không có âm hưởng rộn rã reo vui.
Như trên đã nói, do hoàn cảnh, ông không dám đi đến tận cùng. Thơ của Ngô Minh hầu như bài nào cũng có câu hay, tứ thơ đẹp, lấp lánh. Ta dễ dàng nhặt ra những câu hay, dễ đi vào lòng người. Chẳng hạn, bài thơ viết tặng vợ:
Nhâm Thìn giờ giáp niên tròn
Bi bô cháu, rộn ràng con ấm lòng
Bao năm mặn ngọt vợ chồng
Xuân này anh níu đuôi rồng lại bay
(Nhâm Thìn em)
Trong bài “Tường ơi…” tặng Hoàng Phủ Ngọc Tường có những câu thật thông minh, thật trí tuệ:
Tường nằm điện thoại và nghe
Tiếng cười xa ngái sơn khê mây mù
Rồi khóc cười đẫm câu thơ
Rượu không còn uống vẫn thừa men say.
…..
Tường ơi
Không đứng thì nằm
Nghê nga cùng lũ dế buồn gáy mưa
Trong bài “Lục bát mùa đông” có những câu thật lấp lánh:
Mùa đông lục bát cơ hàn
Từng cơn gió lạnh thổi tràn tâm tư
Đặc biệt, có những chi tiết rất bình thường cũng đi thẳng và thơ Ngô Minh và có thể gây ấn tượng mạnh:
May mà mình có Miền Đông
Tuổi hai mươi ấy thật không dễ tìm
Chiều ra quán xép không tên
Tiết canh lòng lợn…
nhớ quên chuyện buồn.
(Gặp lại miền Đông)
Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Duy Khoát nói với chúng tôi rằng: “Cứ ở đâu có thơ Ngô Minh là ông tìm đọc cho bằng được”. Đó chẳng phải là hạnh phúc của người sáng tác hay sao?
Thơ ông đầy ắp tình bè bạn. Ông ca ngợi những bậc tiền bối như các bài “Lạy cụ Nguyễn Du”, “Nhớ ông Nguyễn Tuân”, “Điềm Phùng Thị”, “Cõi lặng Trần Dần”…., ông viết về những người đương thời “Tiễn NGuyễn Khắc Thạch lên tàu đi học trường viết văn Nguyễn Du”, “Khuya uống với bạn thơ Cà Mau”, ở đâu cũng có thơ tặng bạn bè: “Dưới đỉnh Mu Rùa tặng nhà thơ Hà Nhật”, “Chiều cùng nhà thơ Hải Kì qua đèo Hải Vân”, “Thơ đề tranh Trương Bé”…v.v…Rồi ông làm thơ tặng “thành phố người mới đến”, làm “thơ tặng người bán mặt nạ”. Nhiều lắm, không thể kể hết ra đây. Bài nào của ông cũng thấm đẫm tình người, ấm áp tình quê!
Nhưng phải nói thật là chưa có bài nào đạt đỉnh cao tầm cỡ như “Tây tiến” của Quang Dũng. Mặc dù chúng tôi đánh giá không thấp về trình độ của Ngô Minh.
Ngô Minh làm thơ với thái độ hết sức nghiêm cẩn. Nhưng nếu chỉ nói về cái tài tình khi Ngô Minh dùng từ, hay ngắt câu, bẻ chữ như các nhà phê bình vẫn làm thì mới nói chung chung chứ chưa nói được đặc trưng của thơ Ngô Minh. Thơ ông định nói một cái gì đấy mà không dám. Vậy nên thơ ông nhất là lục bát, nói mà như không nói, không nói mà như nói. Nó mang màu sắc : sắc sắc không không của Đạo Phật, nhiều khi như vô vi của Đạo Lão. Chẳng hạn:
một đời có có không không
đều về với cỏ phiêu bồng người ơi
nằm nghe lục bát gọi đôi
một anh
một bóng
một người
một không
(Lục bát gọi đôi)
Thực vậy, người đọc không khỏi đặt dấu hỏi khi ông viết: “con đi tìm giặc cho đến ngày bạc tóc.”
Thơ Ngô Minh không chỉ là tiếng nói nội tâm, khi ông dành cho bạn bè, quê hương và những người xung quanh. Ông còn dành một mảng lớn để Thưa Cha, Thưa Mẹ, Thưa Em. Đọc đến đây bất giác tôi nhớ đến bài “Dặn con” của thi sĩ Lục Du đời Tống:
Vốn biết thác rồi mọi việc qua,
Chín châu chưa hợp xót lòng ta.
Bao giờ bắc chiếm Trung Nguyên được,
Ngày giỗ đừng quên cáo lão gia.
( Lục Du - Mai Lăng dịch)
……………………….
Như đã nói, Lê Mai rất hiểu Ngô Minh, hiểu cả thời đại của ông và đã viết Nương theo nước mắt mà đi. Không hiểu Lê Mai có trải qua hoàn cảnh tương tự như Ngô Minh hay không hoặc chí ít ông từng trải qua thời kì Cải cách ruộng đất “long trời lở đất”, cái thời kì tàn khốc nhất trong lịch sử của dân tộc!
Nguyễn Ngọc Kiên
Nhà Thơ Nguyễn Ngọc Kiên
Nhưng quê tôi, Hà Nôi !
LÊ MAI
LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN NGỌC KIÊN
Tôi đã đọc nhiều bài thơ viết về Hà Nội. Xưa nay có khá nhiều thơ hay viết về Hà Nội. Chẳng hạn Thăng Long hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan. Đọc xong ta có một cảm giác bâng khuâng hoài cổ. Hay buổi sớm mùa thu Hà Nội cứ man mác trong bài “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi thời kỳ kháng chiến:
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
Giờ đọc đến « Hà Nội Quê tôi », cái cảm giác đọng lại trong tôi là rất lạ. Lạ về cảm xúc và cấu tứ! Những người lớn lên học hành rồi công tác ở Hà Nội thì nhiều. Nhưng không phải ai cũng là Hà Nội gốc. Lê Mai sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Đúng như lời tự sự của nhà thơ :
Tôi là người lao động, thế thôi!
Nhưng quê tôi:
Hà Nội!
Rồi những kỷ niệm của tuổi ấu thơ – ai chẳng có thời như thế. Lời thơ như những lời tâm sự thủ thỉ. Và chỉ có những người Hà Nội gốc mới viết được như thế này:
Đất quê tôi không lũ cao nắng hạn
Chỉ chân trời trên nóc bếp cheo leo
Tuổi thơ tôi những năm tháng leo trèo
Bắt bọ ngựa,
dính ve,
trèo me,
ném sấu.
Lời rủ rê của lũ ve yêu dấu
Gọi hè về khúc nở những mùa chơi.
Còn “những mùa chơi” là mùa gì thì chỉ người trong cuộc mới hiểu được. Tiếp theo là cái điệp khúc “... là của tôi” được lặp đi lặp lại nhiều lần. Sau mỗi lần như vậy, tác giả như tự hỏi rồi lại tự trả lời. Thì ra kiến thức về Hà Nội của một người Hà Nội bị dồn nén bấy lâu, nay mới có dịp bung ra qua những lời thơ mộc mạc, giản dị. Đơn giản: Tôi là người Hà Nội
Thế thôi!
Điểm nhấn của bài thơ là những Giếng Ngọc, Văn Miếu, Tháp Bút, Chùa Diên Hựu, Hồ Gươm và Hồ Tây. Một Hà Nội thật tinh tế:
“Pho sách thơm cha ông tạc để đời cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội đốt trầm trong lúc đọc thơ”. Và đây nữa: “Tả Thanh Thiên xao xuyến cả cõi trời, cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội nâng cốm vòng trong những lá sen tươi.”
Hà Nội của ta nhân văn lắm: “Cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội, huyền thoại rồi còn vời vợi yêu thương.”. Hà Nội cũng thật anh hùng, thật nhân đạo: “Đóa sen tâm bừng nở nát cõi người cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội cấp gạo thuyền giặc chết khỏi tha hương”.
Có người cho rằng, chuyện cấp gạo thuyền và ngựa cho quân giặc Minh trở về là chuyện của toàn dân ta, là chính sách nhân đạo của Nguyễn Trãi, sử sách cũng đã ghi. Chứ đâu phải chuyện của riêng Hà Nội. Người đọc dễ dàng cho qua câu thơ có tính “vơ vào” này vì tác giả quá yêu Hà Nội.
Tất cả “...là của tôi” để cuối cùng nhà thơ chốt lại: “Và em là của tôi !
Sự sống thiêng liêng kết bằng máu xương người, cho tôi hiểu mình lẽ đời giản dị ! »
Tục ngữ Mường có câu: “Người ta là hoa của đất”. Trong phép tu từ tiếng Việt xưa nay chỉ thấy ví “người đẹp như hoa”. Người viết bài này chỉ duy nhất thấy cách ví : « Ở đây hoa cũng đẹp như người », tức là so sánh đối tượng cần so sánh với vật so sánh .Và bây giờ lại thấy Lê Mai viết : « Báu vật của đời được phép ví với em ! »
Tôi thì hiểu rằng đây là cách viết xuất thần của tác giả!
Tóm lại “Quê tôi Hà Nội” là một bài thơ hay cách viết rất độc đáo. Tác giả thay mặt cho những người lao động Thủ đô nói lên được những tâm tư, suy nghĩ và niềm tự hào chính đáng của mình. Bởi vì:
Tôi là người lao động,
thế thôi !
Nguyễn Ngọc Kiên
Chùm thơ Nguyễn Ngọc Kiên
CÓ MỘT MÙA HÈ
Nguyễn Ngọc Kiên
Đó là mùa hè đầu tiên của nhưng năm Chín mươi,
Mùa hè cuối cùng của những năm ngồi trên ghế trường Đại học.
Có trái tim lần đầu tiên thổn thức
Lần đầu tiên biết yêu trộm nhớ thầm!
Đó là mùa hè mong đợi nhừng hồi âm
Anh khắc họa hình em trong những bài thơ mới hoàn thành và những bài thơ đang viết dở!
Căn gác nhỏ bỗng nhiên thừa một nửa
Thừa cả cái bộn bề đơn lẻ từ đây
Cứ mỗi chiều anh thơ thẩn dưới hàng cây
Như những hôm nào tiễn em vào giờ tan học.
Có con chim đã lâu rồi im tiếng hót
Bỗng cất tiếng véo von xao động cả đất trời
Con chim cũng đau nỗi đau của đồng loại một thời
Nay ca những bài ca ấm tình bè bạn!
Giữa thành phố nhỏ nhoi mà anh và em cứ như hai tinh cầu cách xa nhau hàng triệu năm ánh sáng.
Anh như trái đất đang ngày đêm phát tín hiệu đi tìm sự sống xa xôi trong dải ngân hà.
Có phải anh và em đều đang phát sóng
Và hai sóng tâm hồn cũng sẽ giao thoa!
Hà Nội, 1991
CÓ MỘT MÙA ĐÔNG
Nguyễn Ngọc Kiên
Nghĩa lí gì đâu hỡi mùa đông
Đất trời trở dạ cứ như không
Em hay đợt gió mùa đông bấc
Tê buốt lòng anh nỗi nhớ mong!
Nguyễn Ngọc Kiên
KHI ANH CHẾT
Khi anh chết, anh vẫn còn thấy đói
Anh nhìn tôi như hỏi: Có còn gì?
Mắt lệ nhòa, tôi còn biết nói chi
Bốn phía rợn tiếng đề pa của pháo!
Khi anh chết anh vẫn còn muốn nói
Tâm sự gì với vòi vọi trời cao?
Gió thương anh nên cố sức phều phào
Bốn phía rợn tiếng đề pa của pháo!
Khi anh chết anh vẫn còn muốn nhắn
Nhắn nhủ gì trong nước mắt rưng rưng?
Mắt đột nhiên biến sắc khoảng trời rừng
Bốn phía rợn tiếng đề pa của pháo!
Anh chết vội tôi chôn anh cũng vội
Không đào sâu chôn chặt mộ cho anh
Biết làm sao anh hỡi chiến tranh
Bốn phía rợn tiếng đề pa của pháo!
Lê Mai
LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN NGỌC KIÊN
|
Tác giả Nguyễn Ngọc Kiên |
Nhà văn Lê Mai là cây bút đa năng. Anh đã có hai cuốn tiểu thuyết gây tiếng vang lớn là “Tẩu hỏa nhập ma” và “Thời gian xuẩn ngốc”, và truyện ngắn “Quyền được rên”. Anh lại viết rất nhiều bài ký chân dung đặc sắc về các văn nghệ sĩ như “Hà Thành siêu độc giả” được độc giả rất mến mộ. Nhưng anh vào Hội Nhà văn Hà Nội với tư cách là tác giả thơ. Qủa đúng như vậy…
Kể từ đó tôi mới tìm đọc thơ Lê Mai, không khỏi ngỡ ngàng trước những tứ thơ độc đáo, lời thơ sâu đằm triết luận. Như nhà văn Vũ Ngọc Tiến đã nói rằng, hình tượng trong thơ Lê Mai có lúc phiêu bồng lãng mạn, có lúc trần trụi thô nháp cứ xuyên xoáy vào lòng người đọc. Nói về phận người anh viết “Khát một ngụm nước trong phải uống cả một dòng sông đục”; nói về sự xuống cấp văn hóa của người Hà Nội anh lại viết họ thản nhiên “đái lõm tường Văn Miếu”…
“Khi anh chết” là một bài thơ tiêu biểu của Lê Mai – một hồi ức về chiến trường Quế Sơn, Quảng Nam trong những năm tháng khốc liệt. Trong bài “Khi anh chết” này tác giả cũng không cần nói nhiều, kể lể dài dòng mà cái điệp ngữ cứ lặp đi lặp lại “Bốn phía rợn tiếng đề pa của pháo” ở mỗi khổ thơ khiến tôi bị ám ảnh đến kỳ lạ! Những người tử tù giờ đây trước khi ra pháp trường để thi hành án cũng được ăn một bữa no. Nhưng hồi ấy người lính chết trận thì ngược lại, không một bữa no, người lính chết trận muốn nói điều gì với bạn hay nhắn nhủ với vợ con hay với người yêu nơi hậu phương. Ít ra là cũng có người để mà thương mà nhớ! Mà không bết lúc vào chiến trường người lính ấy đã kịp cầm tay người con gái hay chưa hay là “lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai” (Trần Mạnh Hảo - Đất nước hình tia chớp).
Còn ở đây:
“Khi anh chết anh vẫn còn muốn nói
Tâm sự gì với vòi vọi trời cao?
Gió thương anh nên cố sức phều phào”.
Khổ thơ như có một mối đồng cảm giữa người lính và tác giả. Giờ là đồng đội
ra đi rồi sẽ đến lượt mình đây. Cũng có là thể bất cứ lúc nào! Và:
“Khi anh chết anh vẫn còn muốn nhắn
Nhắn nhủ gì trong nước mắt rưng rưng?
Mắt đột nhiên biến sắc khoảng trời rừng”
Nhưng tất cả đều không kịp nữa và rồi người lính chết vội, và bạn anh ta
cũng chỉ chôn rất vội. Thương đồng đội lắm mà không thể làm khác được!…
Đọc đến đây, có người viết trên FB cho rằng cái chi tiết:
“Chết nằm xuống, còn hôn cờ Đảng
Chết còn trao súng đạn, quên đau
Chết còn trút áo cho nhau
Miếng cơm dành để người sau ấm lòng”
mới thật sáo mòn, gượng gạo, sống sượng làm sao! Nhưng tôi thì cho rằng đó là vì để phục vụ công tác tuyên truyền mà thôi!
Tất cả nội hàm tư tưởng bài thơ dồn đọng vào cái điệp ngữ rợn người, lạnh lùng, ma quái kia buộc người đọc phải liên tưởng suy ngẫm. Kết thúc bốn khổ thơ là bốn điệp khúc “Bốn phía rợn tiếng đề pa của pháo!”
Mới hay “ở đời chữ cũng như lời có tiết kiệm mới quý, càng tiết kiện càng quý”. Câu nói bất hủ của nhà phê bình văn học Hoài Thanh đủ để tôi kết thúc dòng suy tưởng luận bàn về thơ Lê Mai qua bài “Khi anh chết”, một tứ thơ không mới mà rất lạ… Nhưng rất chân thực! Nó có sức ám ảnh và lay động! Đó là bài thơ hay viết về chiến tranh và sẽ còn sống mãi với thời gian!
Nguyễn Ngọc Kiên
Thơ Nguyễn Ngọc Kiên
GẶP LẠI DÁNG HÌNH EM
Nguyễn Ngọc Kiên
Tôi có một mối tình,
Ngày tiễn tôi lên đường em tròn mười tám tuổi.
Tháng ba. Lúa đang thì con gái
Trên cánh đồng làng. Xanh, bát ngát xanh!
Tôi mang theo bóng hình em suốt những năm chiến tranh
Vượt qua những ngày tháng cam go, vô cùng tàn khốc
Nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau một khoảng bằng sợi tóc.
Cơn sốt rừng bợt bạt cả làn môi!
Vẫn một niềm tin bất diệt trong tôi
Ngày trở về em đón tôi trên cánh đồng đang mùa gặt,
Tôi sẽ đi tiếp bên cuộc đời em với tình yêu và đất
Với khát vọng ngàn đời mơ ước của cha ông!
Nhưng ngày tôi trở về “con sáo đã sang sông”
Chiến tranh như cơn địa chấn đi qua, bao người vợ mất chồng, bao
lứa
đôi thành dang dở!
Mẹ cha cũng ra đi không chờ tôi được nữa,
Sau những năm tháng mỏi mòn, héo hắt ngóng tin con!
Trên cánh đồng làng có những buổi buổi hoàng hôn
Tôi muốn khóc mà không khóc nổi!
Tôi và em chẳng ai là có lỗi,
Mà để tôi bơ vơ lạc lõng giữa quê nhà!
Mảnh đất này chẳng còn chỗ cho ta,
Tôi trốn chạy quê hương trong nỗi đau giằng xé
Quê ta đó mà bỗng xa lạ thế
Mỗi bận về quê,
Tôi như kẻ trộm rình mò trước cổng nhà ai!
Mọi nỗi buồn đau rồi cũng nguôi ngoai
Vết khứa trong tim cũng chai dần thành sẹo.
Suốt hành trình đi tìm bến đậu
Tôi như con ngựa bất kham rong ruổi khắp trăm miền!
Đã lâu rồi tưởng quá khứ đã ngủ yên
Hôm nay lại gặp em với dáng hình thân thuộc.
Có phải em từ hai mươi năm trước,
Tay ôm lượm lúa vàng vẫn đang đợi chờ tôi!
Hải Đường Hải Hậu Nam Định, 6
/2013
Nguyễn Ngọc Kiên
THƠ TỨ TUYỆT NGUYỄN NGỌC KIÊN
VỀ TÚ LỆ
Lúa nương óng ánh hạt vàng
Hội mùa(1) nhộn nhịp, bản làng xôn xao
Hỡi em gái Thái hôm nào
Ai đem thương nhớ rắc vào hồn tôi!
Mù Cang Chải, 5/ 2015
ĐẸP BÊN DÒNG SÔNG TÔ
Giữa hè phượng cháy rực ven sông
Mắt em xoa dịu nhưng oi nồng
Em buông câu giữa dòng xuôi ngược
Anh đã mắc vào nhẹ như không!
Hà Nội, 5/ 2016
NGÀY EM XA
Ước chi trên cõi đời này
Đừng bao giờ ốm những ngày em xa.
Mai anh sẽ ốm để mà,
Được bù lại những khi nhà không em!
Hà Nội, tháng 7/1991
NGÕ NHỎ
Ngõ nhỏ trưa hè hun hút sâu
Nồm nam lồng lộng ngát hương cau
Trời cao vời vợi, xanh thăm thẳm
Vi vút diều ai vẳng tự đâu!
Hải Hậu, 2016
CÂY THANH LONG TRÊN ĐẤT HẢI HẬU QUÊ MÌNH
Nguyễn Ngọc Kiên
Thanh long quê ở miền Nam
Về đây xứ Bắc cứ ngàn ngạt xanh!
Trên thân cau đón gió lành
Leo lên cột điện vờn quanh mây trời!
Làng biển Hải Hậu, 2/2017
Thơ Nguyễn Ngọc Kiên
DƯỚI TÁN BẰNG LĂNG (II)
Dưới tán bằng lăng chẳng thấy người
Lối xưa nay đã khác đi rồi
Màu hoa tím vẫn nôn nao tím
Ngơ ngác bên đường một bóng tôi!
Hà Nội, mùa hoa bằng lăng 5/2014
EM NEO ANH LẠI VỚI ĐỜI!
Qua cơn tai biến đời anh
Như tia chớp vụt qua nhanh giữa trời.
Em neo anh lại với đời,
Ngoài kia những giọt trăng rơi đầy thềm!
Hà Nội, 2014
Nguyễn Ngọc Kiên