Nhà Thơ Phạm Đức Nhì

 

 

  BÀN VỀ CHỮ “BUÔNG” CỦA TRỊNH CÔNG SƠN

 

      TRONG “ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI”

 

                                                     

 

Vài Lời Phi Lộ

 

Từ bài viết Hiểu Đúng Nghĩa Câu Hát Của Trịnh Công Sơn Như Thế Nào? của giáo sư Hoàng Đằng đã dẫn đến một cuộc trao đổi văn học nho nhỏ khá lý thú. Mỗi người một cách hiểu, một cách dẫn giải khác nhau. Mỗi người một “tấm lòng”, nhất định không chịu “Để Gió Cuốn Đi”. Và thế là chỉ cần một câu nói vô tình của người này “đụng chạm” đến “tấm lòng” của người khác, cuộc trao đổi văn học nho nhỏ đã biến thành một cuộc tranh luận nảy lửa. Có người mải mê ham vui đã ít nhiều bị “văng miểng”.

 

Độc giả có thể đọc bài viết của giáo sư Hoàng Đằng theo link dưới đây:

https://vannghequangtri.blogspot.com/2018/11/hieu-ung-nghia-cau-hat-cua-trinh-cong.html

 

Cô giáo Vân Anh ở Đà Nẵng, bạn Facebook, đứng ngoài theo dõi cuộc tranh luận, nhắn tin cho tôi (đại ý): “Nếu có dịp viết về Trịnh Công Sơn, anh viết mở rộng một tý để em được học hỏi thêm.” Tôi nghĩ rằng, muốn hiểu một chữ, để chắc ăn, nên hiểu nó trong khung cảnh một câu, có khi cả đoạn. Hiểu một câu hát, muốn khỏi bị lầm, phải hiểu câu hát ấy trong khung cảnh của cả bản nhạc. Đọc kỹ lại các ý kiến tranh cãi thấy mọi người chỉ nhắm vào, xoáy vào một câu hát nên đôi khi, theo tôi, hơi bị “lệch” với ẩn ý của tác giả. Nhân có lời yêu cầu của cô giáo, tôi nảy ra ý định bàn rộng ra một tý để mọi người thấy được bức tranh toàn cảnh của bản nhạc.  

Vì thế, xin phép những đôc giả khác cho tôi được tặng bài viết này cho cô giáo Vân Anh.

 

Với tôi, đây là đề tài quen thuộc, lại nhân dịp lễ nên rảnh rỗi hơn khi viết những bài khác. Vì thế, cũng có chút tự tin khi đem bài viết trình làng. Nhưng dù tự tin đến mức nào đi nữa, đây cũng chỉ là quan điểm của riêng cá nhân mình. Rất sẵn sàng và vui vẻ đón nhận ý kiến phê bình từ những góc nhìn khác.  

 

 

 

Để Gió Cuốn Đi

 

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng 

Để làm gì em biết không? 

Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi 

Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông 

Ngày vừa lên hay đêm xuống mêng mông 

Ôi trái tim đang bay theo thời gian 

Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian 

Những khi chiều tới cần có một tiếng cười 

Để ngậm ngùi theo lá bay 

Rồi nước cuốn trôi, rồi nước cuốn trôi 

Hãy nghiêng đời xuống nhìn suốt một mối tình 

Chỉ lặng nhìn không nói năng 

Để buốt trái tim, để buốt trái tim 

Trong trái tim con chim đau nằm yên 

Ngủ dài lâu mang theo vết thương sâu 

Một sớm mai chim bay đi triền miên 

Và tiếng hót tan trong trời gió lên 

Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người 

Còn cuộc đời ta cứ vui 

Dù vắng bóng ai, dù vắng bóng ai

(Trịnh Công Sơn, 1973)

 

Theo tôi, ca từ của bản nhạc có thể chia làm 4 đoạn:

 

1/

 

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng 

Để làm gì em biết không? 

Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi 

Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông 

Ngày vừa lên hay đêm xuống mêng mông 

Ôi trái tim đang bay theo thời gian 

Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian 

 

Tôi hiểu “tấm lòng” ở đây là tâm ý tốt lành, cao thượng, hành xử nhân ái, vị tha … (theo cách đánh giá của chính người có “tấm lòng” đó).

 Ai tôn vinh hoặc có thiện cảm với “tấm lòng” đó sẽ là bạn hoặc đồng minh. Người nào coi thường hoặc xúc phạm đến “tấm lòng” ta sẽ bị coi là kẻ xa lạ, thậm chí kẻ thù. Sự yêu mến, thù ghét phát sinh từ đó sẽ làm ta mờ mắt, nhìn cảnh vật, cuộc đời quanh ta sai lạc.

 

Thương nhau củ ấu cũng tròn

Ghét nhau thì quả bồ hòn cũng vuông

(Ca dao Việt Nam)

 

Không phải là nếu không để gió cuốn “tấm lòng” đi thì mây sẽ không qua dòng sông và ngày sẽ không lên hoặc đêm sẽ không xuống - thời gian sẽ ngừng trôi. Thật ra, vũ trụ vẫn vận hành, lẽ vô thường vẫn chi phối vạn vật – nghĩa là mây vẫn qua dòng sông, ngày vẫn lên, đêm vẫn xuống như thường lệ.

 

Nhưng vì nếu gió không cuốn “tấm lòng” đi thì nó sẽ phủ mờ tâm trí ta, che mắt ta, khiến ta dù chưa bị đưa vào nhà thương Chợ Quán, chỉ số IQ rất cao, mắt vẫn mở to, nhưng lại suy nghĩ, hành xử như một gã ngu ngơ khờ khạo, không thấy, không biết hoặc thấy biết một cách sai lạc những sự vật, sự việc hiển nhiên ở quanh ta.

 

Để chứng tỏ mình là người có “tấm lòng” lớn, là dân điệu nghệ trong tình yêu – khi đã yêu là yêu hết lòng nên xa người yêu là nhớ thương khôn xiết - một anh người Hoa nào đó đã phát biểu:

 

Nhất nhật bất kiến như tam thu hề

(Một ngày không gặp dài bằng 3 năm)

 

Thế đấy! Vũ trụ vẫn vận hành, thời gian vẫn qua đi, qua đi đều đặn, nhưng dưới mắt những người muốn biểu lộ “tấm lòng” thì hình như nó đang ngừng trôi hoặc trôi rất chậm - chậm đến cả ngàn lần.

 

Lúc đó, theo Trịnh Công Sơn thì:

 

Ôi trái tim đang bay theo thời gian 

Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian 

 

Sự quảng bá “một tấm lòng” – tâm ý tốt lành, thanh thản, cách hành xử nhân ái, vị tha, cao thượng - của chính mình thoạt nhìn tưởng chừng như một việc làm cần thiết, có lợi cho nhân quần, xã hội. Thực tế đã chứng tỏ ngược lại. Muôn ngàn trường hợp vì muốn loan truyền, bảo vệ tiếng tốt cho mình và gia đình, con người đã phải gian dối, lừa đảo, nhiều khi còn phạm cả những tội ác to lớn. Lắm khi vì hám danh, “tấm lòng” ít lại xít ra nhiều, không có “tấm lòng” cũng tìm cách mua hoặc tạo “tấm lòng giả” để lên mặt, lấy le với đời.

 

Biết bao nhiêu những nhà lãnh đạo tôn giáo, lãnh đạo quốc gia, chính trị gia - để giữ bí mật, bảo vệ “tấm lòng giả” của mình - đã lừa phỉnh giáo dân, dối gạt dân tộc. Không ít trường hợp đã xuống tay tạo vô vàn tội ác.

 

“Tấm lòng” do đó, với người chính trực, nhiều khi lại là gánh nặng cho bản tâm.

Đoạn đầu của bản nhạc có thể hiểu như sau: Mỗi người đều có một “tấm lòng”, một niềm tự hào (thực sự hay giả tạo) về nhân cách của mình. Hãy “để gió cuốn đi” cho tâm thanh thản. Nếu không, chính “tấm lòng” đó sẽ là khởi điểm của vạn lời dối gian, của muôn ngàn tâm sở bất thiện.

 

2/

 

Những khi chiều tới cần có một tiếng cười 

Để ngậm ngùi theo lá bay 

Rồi nước cuốn trôi, rồi nước cuốn trôi 

 

Cuộc đời cũng có lúc hạnh phúc, tâm trạng vui vẻ, và dĩ nhiên, cũng cần có tiếng cười. Nhưng cũng không nên cố bám giữ hoặc nuối tiếc tâm trạng hạnh phúc, tiếng cười vui vẻ đó làm gì. Hãy để nước cuốn trôi.

3/

 

Hãy nghiêng đời xuống nhìn suốt một mối tình 

Chỉ lặng nhìn không nói năng 

Để buốt trái tim, để buốt trái tim 

Trong trái tim con chim đau nằm yên 

Ngủ dài lâu mang theo vết thương sâu 

Một sớm mai chim bay đi triền miên 

Và tiếng hót tan trong trời gió lên 

 

Đến tuổi biết suy nghĩ và có cảm xúc ai chẳng sở hữu một (hoặc vài) “con chim đau, mang vết thương sâu” nằm đâu đó trong tim. Đừng ôm ấp chú chim tội nghiệp ấy như một “thú đau thương”. Hãy mở cửa trái tim để chim bay đi cho nhẹ lòng, cho tâm hồn thanh thản.

 

Đến đây, qua 3 đoạn nhạc, TCS đã thể hiện chữ “buông” ở 3 trạng thái tâm:

 

     a/ Với “tấm lòng”: Hãy “để gió cuốn đi”

 

     b/ Với hạnh phúc (tiếng cười): Hãy để nước cuốn trôi.

 

     c/ Với khổ đau, bất hạnh: Hãy mở cửa trái tim để “con chim đau, mang vết thương sâu” bay đi.

 

4/

Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người 

Còn cuộc đời ta cứ vui 

Dù vắng bóng ai, dù vắng bóng ai

 

Để hiểu rõ đoạn kết có lẽ cần nhìn “tấm lòng” kỹ lưỡng hơn chút nữa.

 

Có hai loại “tấm lòng”.

 

1/ “Tấm lòng” hướng ngoại: Là “tấm lòng” của ta dưới con mắt người đời (reputation: tiếng tăm). Người xây dựng tấm lòng theo lối hướng ngoại rất chú ý đến dư luận. Mỗi hành xử đều ra sức chiều ý, lấy lòng người đời để được tiếng tốt. Đây là loại tấm lòng giả, xây trên cát, rất dễ sụp đổ. “Tấm lòng” loại này sẽ sản sinh ra “cái tôi văn hóa” – cái tôi để sống với xã hội.

 

2/ “Tấm lòng” hướng nội: Là “tấm lòng” thật của chính ta. Mỗi suy nghĩ, mỗi hành xử đều tuân theo mệnh lệnh của trái tim, bất cần dư luận người đời, bất cần thiên hạ. Đây là loại “tấm lòng” TCS muốn muốn đề cập. Chính “tấm lòng” này sẽ sản sinh ra “cái tôi đích thực”.

 

Trịnh Công Sơn sử dụng đoạn kết của bản nhạc để dẫn độc giả đến một “tấm lòng” rộng hơn, sâu hơn. Theo ông, dù là “cái tôi văn hóa” hay “cái tôi đích thực” cũng là bản ngã, cũng là hình bóng của chính ta. Hãy cứ yêu đời và vui sống dù cái bản ngã đó đã “vắng bóng”, đã đuợc “gió cuốn đi”.  Có thể nói Trịnh Công Sơn - với một trí tuệ sáng suốt khác thường - mới khoảng trên 30 tuổi (1973), đã thả tầm mắt của mình đến tận trạng thái vô ngã của cái tâm con người.

 

Lỗi Kỹ Thuật

 

1/

 

Nghe rồi đọc kỹ phần đầu của câu hát:

 

“Những khi chiều tới cần có một tiếng cười”

 

trong tôi bỗng nẩy ra 2 câu hỏi:

 

     a/ Tại sao phải chiều tới mới cần một tiếng cười? Nếu ở thời điểm khác trong ngày mà bụng vui, miệng muốn cười thì sao? Chẳng lẽ phải bụm miệng lại chờ đến khi chiều tới?

 

     b/ Nếu chiều tới mà bụng không vui, miệng không muốn cười thì sao? Chẳng lẽ tự nhiên lại ngửa cổ cười kha kha kha cho những người quanh ta tưởng ta điên?

 

Dĩ nhiên, người nghe nhạc hiểu biết rồi cũng nhận ra ý tác giả. Nhưng một tác phẩm nghệ thuật mà câu văn không thể “vẹn cả đôi đường” (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) thì uổng quá.

 

Rồi còn phần sau:

 

để ngậm ngùi theo lá bay

Rồi nước cuốn trôi. Rồi nước cuốn trôi.

 

trong đó “ngậm ngùi” có nghĩa là buồn và thương xót âm thầm lặng lẽ.

 

Nói đến chữ “buông” mà “buồn và thương xót âm thầm lặng lẽ” khi tiếng cười bị “nước cuốn trôi” thì làm sao “buông” được?

 

Hai chữ “ngậm ngùi” đã làm câu nhạc dở hẳn đi.

 

2/

 

Cấu trúc của dòng nhạc và ca từ không song song, đồng bộ.

 

Độc giả thử cùng tôi nghe câu nhạc ở đoạn đầu:

 

“Để gió cuốn đi. Để gió cuốn đi”.

 

Và ở đoạn 2:

 

“Rồi nước cuốn trôi. Rồi nước cuốn trôi”.

 

Hai câu nhạc có âm và nhịp điệu hoàn toàn giống nhau. Về ý thì cùng nói đến chữ “buông”. Câu ở đoạn đầu nói đến sự buông bỏ “tấm lòng”; hiểu rộng ra là nhân cách hay bản ngã. Câu ở đoạn 2 nói đến sự buông bỏ tiếng cười, nghĩa là niềm vui hay hạnh phúc.

                                              

Ấn tượng về sự buông bỏ đang bắt rễ thì ở đoạn 3, cũng câu nhạc có âm và nhịp điệu đó, thay vì nói đến sự buông bỏ nỗi khổ đau, niềm bất hạnh - chẳng hạn như:

 

“Để chim bay đi. Để chim bay đi” (Tôi chỉ nói ý; nếu muốn hợp với âm điệu của câu nhạc phải tìm nhóm chữ khác)

 

để có hiệu ứng cảm xúc của sự lập đi, lập lại nhiều lần một ý tưởng thì lại bị dùng để diễn tả chính nỗi khổ đau, một ý hoàn toàn khác:

 

“Để buốt trái tim. Để buốt trái tim”.

 

Còn sự buông bỏ nỗi khổ đau thì phải chờ đến cuối đoạn – câu nhạc có âm và nhịp điệu khác hẳn:

 

“Một sớm mai chim bay đi triền miên

Và tiếng hót tan trong trời gió lên”

 

Cách diễn đạt như vậy làm người nghe nhạc và người đọc ca từ khó “bắt” được ẩn ý của tác giả. Mà nếu nhờ đọc kỹ và “bắt” được ẩn ý đó thì ấn tượng cũng không được sâu sắc.

 

Hơn nữa, trong đoạn đầu có phần sau khá dài nói đến cái lợi của việc “để gió cuốn đi” (2 câu đầu) và hậu quả của sự cố chấp, nuối tiếc, không dám hoặc không có khả năng buông bỏ (2 câu sau):

 

Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông 

Ngày vừa lên hay đêm xuống mêng mông 

Ôi trái tim đang bay theo thời gian 

Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian 

 

Cho nên đoạn 3, vì không cần lập lại cái ý đó nữa, sẽ có một đoạn nhạc trống, không có ca từ.

 

Ý chính của đoạn 3 chỉ còn là: “Nếu có con chim bị thương nằm đâu đó trong tim, hãy để nó bay đi cho nhẹ lòng, cho tâm hồn thanh thản” (24 chữ). Vì thừa nhạc nên Trịnh Công Sơn phải thêm 31 chữ nữa (tổng cộng 55 chữ) trong ca từ để lấp chỗ trống. Chính vì thế đoạn nhạc này có nhiều chữ, nhiều câu nếu không “vô tích sự”, thí dụ như:

 

Chỉ lặng nhìn, không nói năng

 

thì cũng chỉ đóng vai “thợ vịn”, đóng góp rất ít cho đoạn nhạc.

 

Chỉ Có Lý – Chưa Có Sự

 

Một điểm yếu nữa của Trịnh Công Sơn trong Để Gió Cuốn Đi là mặc dù được diễn tả bằng ngôn ngữ thơ ảo diệu, hình tượng gợi cảm, thông điệp về chữ “buông” của ông đến từ bộ óc chứ không phải con tim. Nói khác đi, nó là sản phẩm của lý trí. Theo tôi, ông đã hiểu, đã ngộ, đã “thấy’ một cách sâu sắc, đến ngọn đến ngành nguyên nhân nỗi khổ tâm của con người. Tuy nhiên, thông điệp của ông, theo ngôn ngữ thơ, chỉ có ý mà chưa có trải nghiệm; theo ngôn ngữ thiền, chỉ có lý mà thiếu sự - ông chưa đưa tâm của mình vào khung cảnh bản nhạc để thực chứng ý tưởng về chữ “buông” của mình.

 

Kết Luận

 

Xin chào nhau giữa con đường

Mùa xuân phía trước miên trường phía sau.

(Bùi Giáng)

Miên trường, theo tự điển Phật Học có nghĩa là dài lâu, vĩnh cửu. Đó là 2 câu thơ – như một lời chào – Bùi Thi Sĩ muốn gởi đến những người bạn đã “thấy”, đã ngộ được chữ “buông”. Lúc ấy, họ đã bỏ sau lưng những tháng năm dài mê muội, chấp giữ, tiếc nuối, để thấy phía trước là một mùa xuân bất tận – tâm nhẹ nhàng, thanh tịnh. Với một trí tuệ như thế, một cái tâm như thế, tuy bến bờ giải thoát cũng còn một khoảng cách nữa, nhưng không phải là đã nắm chắc trong tay chiếc chìa khóa có thể mở cánh cổng bước vào những đoạn đời an lạc để thanh thản vui sống hay sao?

 

Nếu có ai đó trong số độc giả “thấy” được điều này chắc sẽ nhớ đến Trịnh Công Sơn, ngưỡng mộ và cảm mến một nhạc sĩ tài hoa, có cái nhìn sắc bén, chạm đến được chỗ sâu kín nhất của tâm hồn con người. Nhưng nhớ, ngưỡng mộ và cảm mến một chút vậy thôi. Sau đó, chắc rồi cũng như tôi, sẽ lại “để gió cuốn đi”.

 

Texas ngày 28 tháng 12 năm 2018

 PHẠM ĐỨC NHÌ

 

  MỐI TÌNH XUYÊN LỤC ĐỊA  

          

Chị Phuong Kim Ngoc Huynh, một bạn Facebook, muốn nhờ tôi soi cặp kính chiếu yêu của người bình thơ vào bài thơ Muốn Gởi Cho Em của anh Phạm Hữu T, một bạn FB của chị, xem có phải là lời chân thật hay lại là những câu thơ xạo, chót lưỡi đầu môi. 

Tôi chỉ là người làm thơ và bình thơ, không có khả năng, và cũng không muốn, làm công việc “cắt hoặc nối nhịp cầu tình yêu” cho những người tim đang rạo rực lửa tình. Hơn nữa, tôi rất kỵ bình thơ theo yêu cầu mà chỉ bình những bài thơ tôi thích và nghĩ là có thể đem lại một chút gì mới mẻ cho bạn đọc yêu thơ. Hơn nữa, bài thơ phải có gì đó hấp dẫn, gợi hứng thì bình mới … đã. 

Nhưng đọc Muốn Gởi Cho Em - bài thơ tình như một lời cầu hôn – tôi thấy khoái quá, chẳng cần biết chị PKNH có yêu cầu hay không yêu cầu, cứ “xắn tay áo” đưa bài thơ lên bàn mổ.

 

MUỐN GỞI CHO EM

Muốn gởi cho em

chút gió biển Galveston

để dịu bớt cái nắng Sài Gòn gay gắt

nhưng sợ người ta đang đi mà chợt mát

rồi bồi hồi

nhớ nhớ thương thương.

 

Những bông hồng tươi thắm trong vườn

muốn gởi cho em – thay những nụ hôn nồng cháy

nhưng sợ lúc hoa tàn

em buồn tự hỏi

“tình mình có tàn nhanh như hoa?”

 

Muốn chia sẻ với em 

những ước mơ

nhưng sợ phải nghe

“Sao giống của tui quá ‘zậy’?”

rồi khi thơ mình nổi tiếng

tiền tác quyền

người ta bắt chia hai

 

Muốn gởi đến em một áng mây  

lại sợ sẽ mưa làm Sài Gòn ngập nước

chưa kịp về nhà

người ta sũng ướt

mình ở xa

“con bệnh”

ai chăm nom?

 

Còn nhiều thứ nữa

muốn gởi cho em

thứ nào cũng rất đẹp, rất “hay”

nhưng vẫn … sợ

thôi thì anh sẽ bay về bên đó

thể xác linh hồn này

giao hết cho em.

(Phạm Hữu T)

 

Đọc lướt qua độc giả dễ dàng nhận ra đây là bài thơ tình – tác giả từ khu biển Galves ton, tiểu bang Texas (Mỹ) viết cho người yêu của mình, một cô gái Sài Gòn.

Tứ Thơ:

Bài thơ không có ẩn dụ toàn bài nên ý với tứ là một.

Thương nhớ người yêu, tác giả muốn gởi cho nàng mấy món quà nhưng món nào - nếu thực sự gởi -  khi đến tay người nhận cũng gây ra “phản ứng phụ không hay” nên thay vì gởi quà, chàng quyết định sẽ bay về Sài Gòn giao hết thể xác và linh hồn cho nàng.

Dối Trá Đời Thường Và Lối Nói Thậm Xưng

 Khác với dối trá đời thường (trong thơ), lối nói thậm xưng là một kiểu “xạo” đầy tính nghệ thuật. Tác giả cũng “phịa” ra những điều không thật nhưng với mục đích “để tạo sự đột phá, thay đổi cái trật tự đời thường bằng cái phi lý mà có lý trong nghệ thuật” (1)

Trong dối trá đời thường tác giả xạo và luôn có ý che dấu hành vi, lời nói giả dối của mình. Độc giả tinh ý, có thể bằng nhiều thủ thuật khác nhau, moi ra những điều không thật ấy. Khi bằng chứng của sự giả dối được trưng ra, độ khả tín của bài thơ xuống rất thấp, và bài thơ hoặc là chết yểu, hoặc sống lây lất để làm trò cười cho thiên hạ.

Ngược lại, trong lối nói thậm xưng, tác giả không có ý che dấu mà còn công khai biểu lộ cái xạo của mình để độc giả càng dễ nhận ra càng tốt. Cái xạo ấy không nhằm mục đích lừa dối mà muốn đưa vào bài thơ nét khôi hài, ý nhị - thoát khỏi cái “thường lệ” quá quen thuộc, gây cảm giác buồn chán. Tác giả phải có tài tạo ra cái xạo đến mức phi lý nhưng cái phi lý ấy phải được dẫn đến chỗ, hoặc trở thành, có lý trong nghệ thuật.

Nghệ Thuật Xạo Trong “Muốn Gởi Cho Em”

Bài thơ có 5 đoạn thì 4 đoạn - ở mức độ khác nhau – có dính dáng đến lối nói thậm xưng.

1/ Xạo tới bến    

                                                                                                        

Muốn gởi cho em

chút gió biển Galveston

là một câu “xạo tới bến” vì gió từ biển Galvston (ở Mỹ) làm sao gởi về Việt Nam được? Nhưng phần sau của đoạn thơ lại là những cái “có lý trong nghệ thuật”.

Gió từ Mỹ gởi về:

để dịu bớt cái nắng Sài Gòn gay gắt.

Có lý quá đi chứ! Và hai câu kế tiếp:

nhưng sợ người ta đang đi mà chợt mát

rồi bồi hồi

nhớ nhớ thương thương.

vừa trữ tình lãng mạn - khi mượn ý của Nguyên Sa trong Áo Lụa Hà Đông -  lại vừa khôi hài ý nhị. Đoạn thơ mở đầu thật tuyệt vời.

2/ Xạo nhưng chưa “hết ga”

Những bông hồng tươi thắm trong vườn

muốn gởi cho em – thay những nụ hôn nồng cháy

Bông hồng trong vườn ở Mỹ mà gởi về Việt Nam không phải là chuyện bất khả thi, nhưng chắc chỉ những tay triệu phú, tỷ phú hoặc những nhân vật thích “chơi bạo lấy tiếng”  mới ngông nghênh kiểu đó chứ người bình thường ít ai làm như vậy. Theo tôi, đây cũng là 2 câu thơ xạo - nhưng chưa xạo đến “hết ga”. Tuy vậy, khi kết hợp vời 2 câu sau:

nhưng sợ lúc hoa tàn

em buồn tự hỏi

“tình mình có tàn nhanh như hoa?”

thì lại là một đoạn thơ hay vì đưa trí tưởng tượng của độc giả đến một “phản ứng phụ” rất hợp tình, đầy thương cảm  và có duyên.

3/ Lời tâm tình pha chút xạo

Muốn chia sẻ với em 

những ước mơ

Ở thời buổi truyền thông bùng nổ như hiện nay, liên lạc bằng điện thư, điện thoại, messenger hay cả bằng “video chat” rất dễ dàng và thường không tốn tiền thì có khó gì đâu việc chia sẻ những ước mơ. Theo suy đoán của tôi, hai nhân vật trong bài thơ không phải mới quen mà “đường tình chung lối” của họ đã có một chiều dài đáng kể.

Câu thơ:

nhưng sợ phải nghe

“Sao giống của tui quá vậy?”

gợi nhớ đến sự tích “chim sợ cành cong”. Độc giả có thể nghĩ Phạm HữuT đang bị một nỗi ám ảnh trong quá khứ nào đó nên giờ như con chim đã một lần bị bắn (hụt), hễ thấy cành cong lại sợ. Theo tôi, nỗi sợ của chàng ở đây khác với nỗi sợ bình thường của người đời mà là - một cách khéo léo - “khoe” sự “gần gũi” và ít nhiều đã tâm đầu ý hợp của hai người. Cái hay, cái độc đáo của câu thơ là ở chỗ đó.

Nhưng đến 2 câu sau:

rồi khi thơ mình nổi tiếng

tiền tác quyền

người ta bắt chia hai

thì đúng là mùi phét lác đã bốc lên khá cao - cứ làm như mình sắp trở thành thi sĩ nổi danh đến nơi rồi, sợ người ta chia mất tiền tác quyền. Chúng đã kết hợp với hai câu đầu thành một đoạn thơ xạo, khôi hài, đầy tính nghệ thuật và thật dễ thương.

4/ Lại xạo “mút chỉ”

Muốn gởi đến em một áng mây

 

Cách nhau cả nửa vòng trái đất mà “Muốn gởi đến em một áng mây” thì nếu không là bệnh nhân của nhà thương Chợ Quán thì cũng là một tay nói dóc “một tấc đến giời”. Vậy mà thật lạ! Khi đọc câu thơ xạo này – câu thơ đã thay đổi những cái hợp lý quá nhàm chán của đới thường - độc giả lại cảm thấy thích thú, sảng khoái vì nó dẫn dắt họ vào một cuôc phiêu lưu mà chưa biết điểm đến ở hướng nào. Nhưng độc giả không phải gồng mình, nhắm mắt “nhảy qua dòng sông nghệ thuật” với những câu thơ “tối như hũ nút” theo yêu cầu của những người làm mới thơ quá lố hiện nay. Ba câu thơ sau ở đây lại là hậu quả rất hợp lý của việc gởi áng mây đó:

lại sợ sẽ mưa làm Sài Gòn ngập nước

chưa kịp về nhà

người ta sũng ướt

mình ở xa

“con bệnh”

ai chăm nom?

Mây làm mưa, mưa làm Sài Gòn ngập nước, làm ướt người tình, và cuối cùng là “con bệnh ai chăm nom?” Cái phi lý ban đầu đã trở thành cái hợp lý trong nghệ thuật.

Đoạn Kết Của Bài Thơ

Ở Mỹ, sau một thời gian hò hẹn, tình yêu đã “chín” đến một mức độ nào đó, chàng trai không muốn cô gái tiếp tục “lửng lơ con cá vàng” mà phải quyết định có chịu trở thành người yêu của mình, thực sự thuộc về mình hay không. Chàng sẽ chọn một khung cảnh thích hợp, quỳ dưới chân nàng, nắm bàn tay trái của nàng và hỏi” Will you marry me?” (Em có lấy anh không?) Nếu nàng đồng ý, trả lời “Yes” chàng sẽ moi từ trong túi ra một chiếc nhẫn kim cương (bí mật chuẩn bị sẵn) đeo vào ngón tay áp út của nàng. Hai người hôn nhau và từ đó, trước mắt người đời, họ là một đôi tình nhân gắn bó.

Sau 4 đoạn thơ xạo về ý định gởi quà cho em - thật ra tác giả chỉ mượn đó làm cái cớ để, bằng một cách lãng mạn, bày tỏ tình cảm của mình với cô gái - đoạn kết của bài thơ:

Còn nhiều thứ nữa

muốn gởi cho em

thứ nào cũng rất đẹp, rất “hay”

nhưng vẫn … sợ

thôi thì mình sẽ bay về bên đó

thể xác linh hồn này

giao hết cho em.

 

chính là lời câu hôn trang trọng đó. Đơn giản, không nhẫn kim cương, không đám đông chứng kiến nhưng là lời cầu hôn rất ấn tượng và rất đẹp.

Ngôn Ngữ, Hình Ảnh:

Ngôn ngữ bình dị, sắc sảo nhưng dễ hiểu, dễ cảm, hình ảnh rất thơ nên độc giả đọc một cách thoải mái, không bị khựng vì tứ thơ rất dễ bắt.

Thể thơ:

Bài thơ được viết theo thể thơ mới với một vài phá cách. Số chữ trong câu thay đổi tùy tiện nhưng với biên độ hẹp. Câu ngắn nhất 6 chữ:

rồi khi thơ mình nổi tiếng

câu dài nhất 10 chữ (2 câu):

Muốn gởi cho em chút gió biển Galveston (Gal – ves – ton)

và:

thứ nào cũng rất đẹp, rất “hay” nhưng vẫn … sợ

Vần:

Vần liên tiếp, khá đều đặn. Bài thơ 20 câu, gieo 8 cặp vần mà chỉ là thông vận nên vị ngọt của thơ vừa dịu. Hơn nữa, ý của mỗi đoạn thơ lạ, đẹp và ý nhị, gây cảm giác thích thú cho người đọc nên bài thơ hoàn toàn không có hội chứng nhàm chán vần.

Cảm Xúc Và Hồn Thơ

Cảm xúc tầng 1 và tầng 2:

Do ngôn ngữ đẹp, dễ cảm, hình tượng rất thơ nên cảm xúc ở tầng 1 khởi đầu đã mạnh. Tác giả dùng 4 đoạn đầu để thố lộ tình mình với người đẹp, đoạn sau như một lời cầu hôn. Thế trận như vậy tương đối hợp tình hợp lý, tạo cảm xúc mạnh hơn nữa ở tầng 2. Thêm vào đó, hiệu ứng của lối nói thậm xưng làm tâm hồn độc giả như bồng bềnh trên gió, trên mây, rất sảng khoái.  

  

Cảm xúc tầng 3 (hồn thơ)

Bài thơ gieo vần liên tiếp nên – xét về phương diện thanh âm – câu này nối câu kia, đoạn sau nối đoạn trước, cứ như ngựa phi bon bon trên đường vì không có mô gò cản trở. Với hình thức thơ và cách gieo vần như thế, nếu tác giả đang cao hứng và tâm trạng tuôn chảy theo chiều dọc, chúng ta ít nhiều cũng sẽ có cảm xúc ở tầng 3. (Nếu tác giả cao hứng đến mức lạc thần trí, cảm xúc tầng 3 sẽ chính là Hồn Thơ.) Khốn nỗi bài thơ lại chia làm 5 đoạn, mỗi đoạn là một ý riêng biệt nên tâm trạng của thi sĩ không phát triển theo chiều dọc mà trải rộng theo chiều ngang, không cùng hướng và cùng nhịp với nhạc điệu của bài thơ. Không có sóng sau dồn sóng trước, chúng ta không có hồn thơ.

Tóm lại, Muốn Gởi Cho Em là bài thơ có nhiều điểm nổi bật.

Nó viết theo thể thơ mới nhưng đã vươn tới cái vóc dáng tối ưu của thể thơ này. Số chữ trong câu thay đổi tùy tiện không theo một quy luật nào nên tuy vần liên tiếp, vị ngọt của thơ cũng chỉ ở mức độ vừa phải, không có hội chứng nhàm chán vần.

Bài thơ sử dụng lối nói thậm xưng - một biện pháp tu từ rất khó nhai – không khéo, thay vì “xạo” nghệ thuật lại biến thành giả trá đời thường. Ở đây bài thơ đã có hai đoạn thậm xưng tuyệt vời thấm đẫm chất thơ.

Hai đoạn 2 và 3, tuy chưa đạt hiệu ứng cảm xúc tối đa của lối nói thậm xưng (vì xạo chưa tới bến) - nhưng chỉ ở ngữ nghĩa đời thường – đó vẫn là những đoạn thơ mới lạ, đầy ắp chữ tỉnh, gây cảm giác ấm áp, sảng khoái cho độc giả.

Nhắn Chị Phuong Kim Ngoc Huynh,

Thiệt tình tôi không biết anh chàng Phạm Hữu T của chị mặt ngang mũi dọc ra sao, nhưng đọc bài thơ của hắn thấy quá đã. Theo tôi, Muốn Gởi Cho Em “nặng” hơn một bài thơ tỏ tình; nó vừa tỏ tình vừa lên tiếng cầu hôn – nghĩa là chàng muốn cùng chị đi “tới bến”. Quan trọng nhất, đó là những lời chân thật - vì nếu không chân thật khó viết được những vần thơ nhiều cảm xúc như thế. Chuyện riêng của chị, chị tự quyền quyết định, tôi không ý kiến. Dù sao đi nữa chị cũng tốt phước và đáng hãnh diện tự hào, đã là nhân vật chính - được thương mến và trân trọng – trong một bài thơ hay như Muốn Gởi Cho Em.

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

CHÚ THÍCH:

1/ Diên Hồng Dương, Có Cái Gì Đó Sai Sai Trong Bài Phê Bình “Một Kịch Bản Thơ ‘Xạo’” https://www.facebook.com/dienhong.duong.5/posts/986680141469017

 

 

 

 

  MỘT KỊCH BẢN THƠ “XẠO”

 

Kịch Bản Thơ

Có một số bài thơ ngắn, đơn giản, bày tỏ một “mảnh nhỏ” tâm trạng của tác giả trước một khung cảnh, một tình huống nào đó của cuộc sống. Nhưng cũng có những bài thơ dài hơn, bề thế hơn, nói về một “nỗi lòng” phức tạp hơn, nhiều tình tiết hơn. Lúc ấy, bài thơ sẽ như một vở kịch đời và thi sĩ sẽ vừa là biên kịch vừa là đạo diễn, diễn viên … tất tật. 

Vì là thơ nên tác giả sẽ dồn hết sự chú ý vào cảm xúc, những xao động của tâm hồn trước cảnh đời. Cảm xúc muốn có cơ hội phát triển, lớn mạnh cần nương theo dòng chảy của tứ thơ. Và tứ thơ muốn chảy đúng hướng cần phải dựa vào kịch bản của bài thơ.  

Muốn thơ hay, tâm trạng phải thật, cảm xúc phải thật. Đó là điều cốt yếu. Trường hợp kịch bản cũng hoàn toàn thật nữa thì quá tốt; nếu kỹ thuật thơ của thi sĩ nhuần nhuyễn, bài thơ sẽ dễ có nhiều cảm xúc, và nếu hội đủ một vài điều kiện khác nữa, hồn thơ có cơ hội xuất hiện. 

Nhưng không phải lúc nào kịch bản của bài thơ cũng “vừa khít” với tâm trạng. Đôi khi thi sĩ phải xê dịch, điều chỉnh chút ít để có sự ăn khớp cần thiết. Là một người làm thơ, thú thật, tôi cũng có một số lần làm như vậy. Chưa có sự đồng thuận của tất cả những người làm thơ, nhưng tôi nghĩ những xê dịch, điều chỉnh chút ít ấy có thể chấp nhận được.

Nhưng đôi khi có những kịch bản bị xê dịch quá nhiều, đi đến chỗ không hợp tình, hợp lý. Độc giả sẽ cho rằng thi sĩ “xạo”, và bài thơ thất bại

.

Xin mời độc giả đọc bài thơ Tình Yêu Không Lời của Phạm Trung Dũng sau đây.

TÌNH YÊU KHÔNG LỜI

Em thuê trọ cạnh nhà tôi

Hương đồng gió thở khoảnh trời cách xa

Mấy mùa cây khế trổ hoa 

Hái nhành tim tím sang nhà em chơi

Em hào phóng ban nụ cười

Pha trà rót nước rồi ngồi lặng im

Hồn tôi như mảnh trăng chìm

Bao lời thông thái nằm im trong đầu...

Một lần trời đổ mưa mau

Bỗng dưng em tới gục đầu vai tôi

Lặng yên... Cứ lặng yên thôi

Làn môi khoá chặt làn môi bất ngờ.

Bồng bềnh nửa thực, nửa mơ

Cùng em lạc giữa mịt mờ phiêu linh

Sông mê - bến lú - thuyền tình

Đã trao thì cháy hết mình vẫn trao.

Một lời chẳng nói là sao?

Một từ cũng chẳng... Lẽ nào, người ơi?

Gương trăng nhoà nước mắt rơi

Đưa tôi mẩu giấy, em ngồi lặng im.

Hồn tôi lại mảnh trăng chìm

Lời vô nghĩa hết! Trái tim khóc thầm.

Thương em vừa điếc lẫn câm

Tai ương từ tuổi mười lăm tới giờ.

Trần nhà cánh nhện buông tơ

Tôi ghì em giữa đôi bờ vai tôi.

(Phạm Trung Dũng)

 

Thật Hay Xạo?

Lần theo tứ thơ tôi đoán khoảng thời gian từ lúc cô gái đến thuê trọ cạnh nhà chàng trai cho đến khi có cuộc ân ái giữa hai người, ít nhất cũng phải mấy tháng (mấy mùa cây khế trổ hoa) và chàng trai hái hoa sang nhà thăm cô, ngồi uống trà với cô cũng vài ba lần. Thử hỏi từng ấy thời gian, từng ấy cơ hội tiếp xúc mà chàng trai không nhận ra cô gái câm điếc thì thật lạ lùng.

 Rồi còn bà con lối xóm khác, ra vào trông thấy nhau hàng ngày, mà hàng mấy tháng trời, không ai nhận ra cái tật câm điếc của cô gái thì quả là “lạ hết chỗ nói”. Phải chờ đến khi hai người “tò tí” xong, đọc mẩu giấy nàng đưa, chàng trai mới biết được sự tình và ôm cô gái mà bàng hoàng thương cảm, thì thật không thể nào tin nổi.

Khi nhận ra chi tiết chính trong kịch bản của bài thơ không phải chỉ “không hợp tình hợp lý” mà còn xạo một cách trắng trợn, cảm xúc có được qua việc đọc thơ chỉ là thứ cảm xúc giả tạo, độc giả cảm thấy bẽ bàng vì bị xúc phạm. Bài thơ thất bại một cách ê chề.

Kết Luận:

Gặp bài thơ như thế mà dám cầm bút viết lời bình thì cô giáo Diên Hồng Dương (trường Cao Đẳng Sư Phạm Tây Ninh) quả là vô cùng can đảm. Người chuyển bài thơ và lời bình có đoạn giới thiệu rất bay bướm:

Nhiều người nói: “Phê bình nghệ thuật là cây Tầm Gửi sống nhờ cây Sáng Tạo. Tôi không nghĩ vậy. Theo tôi, phê bình nhiều lúc như gió nâng tác phẩm bay lên.”

Trường hợp Tình Yêu Không Lời thì khác. Bài thơ không những không bay lên mà còn kéo người bình thơ xuống hố.

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

 

Phụ Lục:

LỜI YÊU TRONG "TÌNH YÊU KHÔNG LỜI"

Lần đầu tiên đọc thơ anh, tôi may mắn gặp ngay đề tài mình thích. Đề tài này ít người viết, ấy vậy mà vẫn rất thơ trong cõi thiếu thơ.

"Tình yêu không lời” của nhà thơ Phạm Trung Dũng là một khúc hát đồng quê, gợi hương nồng nàn, tim tím màu hoa khế của một mối tình hy hữu. Ngay nhan đề “ Tình yêu không lời” đã có sức gợi, kích thích sự tò mò, khám phá của người đọc về một nét mới, cách nhìn mới trong thơ tình: Khoảng lặng ngôn ngữ tình yêu giữa trùng trùng những lời nói có cánh, những ồn ào, sến sẩm khi đôi lứa bày tỏ cảm xúc trái tim trong những cung bậc âm thanh thơ nhạc.

Giao thoa với tự sự, bài thơ kể lại một kỷ niệm đẹp - mối tình trong sáng và thuần khiết của một chàng trai với cô hàng xóm dễ thương. Nàng ấy xuất hiện với nét đẹp của một cô gái không lời. Chính cái không lời, e ấp ban đầu là sức hút kỳ lạ đưa hai tâm hồn nên thơ tiếp cận, hữu duyên.

Câu chuyện thơ vào đề gợi nhớ môtip mở đầu của bài thơ " Cô hàng xóm" của Nguyễn Bính: " Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn". Nhưng ở đây hoàn cảnh khác, không gian khác, và cách xưng hô cũng khác, chỉ có cái hồn chung thú vị là dư ba ngọt ngào ngàn đời trong cách phối thanh của luật thơ lục bát:

" Em thuê trọ cạnh nhà tôi 

Hương đồng gió thở khoảnh trời cách xa 

Mấy mùa cây khế trổ hoa 

Hái chùm tim tím sang nhà em chơi"

Em và tôi, tuy gần mà xa. Không gian đâu có ngăn cách vậy mà trong " tôi" có cảm nhận giữa hai người là hai thế giới. Em chân quê, quen thuộc với hương mộc mạc của đồng nội ướp trong hơi thở của gió làm " tôi" ngất ngây. Nhưng em thu mình lại trong một khoảnh trời. Và "tôi " chỉ cảm nhận được em qua hơi thở xa xôi, mang máng, mát lành như cơn gió chợt đến, chợt đi... rất mơ hồ ! Câu thơ " Hương đồng gió thở khoảnh trời cách xa" là câu thơ đẹp và lạ, minh chứng cho nguồn thơ lục bát của tác giả dồi dào. Đồng thời cho thấy thể thơ lục bát tuy cổ điển, nhưng vẫn mênh mông khoảng trời sáng tạo cho nhiều cung bậc cảm xúc của người đương đại.

Thơ Phạm Trung Dũng rất cô đọng. Chỉ mới đọc khổ đầu, độc giả đã có thể mở ra trong suy tưởng những hình ảnh, những ý tình sâu sắc. Tình yêu là chuyện muôn đời nhưng nói về tình yêu, mỗi nhà thơ có điểm tựa riêng. Phạm Trung Dũng chọn điểm tựa mộc mạc, chân quê, gắn với mạch nguồn của dân tộc nhưng hồn thơ sắc sảo và hiện đại. Hình ảnh cây khế mấy mùa trổ hoa và "hái chùm tim tím" làm cớ sang chơi nhà nàng vừa cụ thể nhưng vừa có ý nghĩa biểu tượng. Nó không chỉ gợi nhắc, khái quát tâm lý mà dân gian đúc kết: " giả đò mua khế bán chanh...", mà còn cho thấy thời gian "em" đến thuê trọ vẫn chưa quá lâu: "Chanh chua thì khế cũng chua/ Chanh chỉ một mùa, khế có cả ba". Tâm lý của tình yêu thường bắt đầu bằng sự rụt rè. Tác giả cũng không ngoại lệ. Anh đã tạo một lực nén cho câu thơ và sức nén đó khiến người đọc thấy thú vị khi tiếp cận thơ Phạm Trung Dũng.

Bài thơ dẫn người đọc đi vào câu chuyện một cách tự nhiên, lời kể liền mạch theo cấu trúc lục bát: 

" Em hào phóng ban nụ cười 

Pha trà rót nước rồi ngồi lặng im. 

Hồn tôi như mảnh trăng chìm

Bao lời thông thái nằm im trong đầu.”

Những từ : " hào phóng", " thông thái" hoàn toàn là ngôn ngữ thành thị kết hợp với những cụm từ bình dị "pha trà rót nước", "nằm im trong đầu" rất hài hòa, có chút ngộ nghĩnh, phóng túng trong cách diễn đạt. Thế mà hay, cái hay của một hồn thơ không câu nệ, cũng không cần màu mè trang nhã để thi vị hóa tình yêu. Bản chất tình yêu vốn đẹp. Và trong tình yêu, con người càng chân thật thì càng đẹp bởi cái đẹp là sự gắn kết hài hoà của Chân- thiện - mỹ. Điều thú vị chính là: trong cách diễn đạt tự nhiên vẫn tồn tại những ánh trăng lung linh huyền ảo, ẩn sâu nhiều điều không lời. Người đọc rất thích lối ví von: " hồn tôi như mảnh trăng chìm". Hình tượng "mảnh trăng chìm " đẹp mong manh và tạo cảm giác " chới với" khi đắm mình trong biển tình. Còn hơn bị sét đánh. Nó khiến trái tim hoảng loạn đến nỗi mất luôn ngôn ngữ, mất sự thông thái. Và có lẽ chính sự im lặng đã tạo nên mối đồng cảm cho tình yêu của em? Câu chuyện tình dễ thương cứ hút người đọc. Và tiếp tục hấp dẫn cho đến khi tình huống bất ngờ xẩy ra trong không gian đặc nén, mọi việc tưởng như bế tắc: 

"Một lần trời đổ mưa mau 

Bỗng dưng em tới gục đầu vai tôi"

Hành động quá bất ngờ. Không chỉ nhân vật "anh" trong bài thơ, mà người đọc cũng thấy vậy. Cái tình cảm bùng lên như lửa rơm ấy liệu có bền được không? Sẽ dẫn đến đâu? Người con gái ấy sao hành động khác lạ vậy? Tình yêu và tình dục đôi khi rất khó phân biệt ranh giới. Nó vừa bản năng vừa lý trí; vừa thánh thiện vừa hoang dại. Tác giả đã mô tả khéo léo quy luật phát triển tâm lý cái phần "người" và phần "con" trong những câu thơ tiếp:

"Lặng yên. Cứ lặng yên thôi 

Làn môi khoá chặt làn môi bất ngờ 

Bồng bềnh nửa thực, nửa mơ 

Cùng em lạc giữa mịt mờ phiêu linh

Sông mê - bến lú - thuyền tình

Đã trao dẫu cháy hết mình vẫn trao". 

Thơ mà cứ như tiểu thuyết! Rất hấp dẫn trong lối kể, cách tả. Tác giả dắt người đọc đi vào chuyện tình bằng những rung động hồn nhiên, chân thực và cuốn hút mạnh. Nếu cách đây một thế kỷ mà viết như vậy thế nào cũng bị người đời đóng cho con dấu: " Dâm thư". Nhưng đến thời điểm này mà kể chuyện yêu chỉ như vậy thì quá trong sáng, tế nhị. Cách diễn đạt đẹp, vừa cổ điển, vừa hiện đại. Tác giả không tả những hình ảnh cụ thể mang vẻ đẹp nhục cảm của em mà người đọc cảm nhận em rất đẹp trong bài thơ rất đời, rất người qua các hình ảnh gợi rất sâu: " làn môi khóa chặt làn môi", " bồng bềnh...", "sông mê- bến lú- thuyền tình", " cháy hết mình"... Dường như ở đây có một chút " lạc trôi" trên sông mê, bến lú mất rồi...

Tôi thích câu : “ Đã trao dẫu cháy hết mình vẫn trao" bởi nó mang ngữ điệu của một tính cách quyết liệt. Tình yêu thật sự là cháy bỏng, đam mê, trao dâng và bất chấp, dẫu biết thuyền tình chông chênh, đầy trắc trở trên bến lú sông mê nhưng nếu không cháy, không phiêu hết mình, có lẽ đó chỉ là nửa vời, sống không thật lòng với chính mình và với người yêu. Có thể bản năng con người khi yêu phải vậy, nhưng không hẳn, ai sống trong bản năng cũng biết cháy đúng nghĩa. Nhận phần “cháy” cho mình, quả là yêu đương thật mãnh liệt! 

Sau cơn mưa tình ái, một khoảng lặng vô thanh xuất hiện. Cái nhu cầu được trao đổi bằng ngôn từ để sẻ chia, gắn kết trở nên hết sức cần thiết. Thế mà, chờ đợi mãi, em vẫn im lặng. Im lặng đến khó hiểu:

"Một lời chẳng nói là sao?

Một từ cũng chẳng... Lẽ nào, người ơi?"

Hai chữ "người ơi" chưa hẳn đã là trách móc, hờn dỗi. Nhưng khao khát đợi chờ được nghe, được xác tín thì đã rõ. Thật bất ngờ:

"Gương trăng nhoà nước mắt rơi

Đưa tôi mẩu giấy em ngồi lặng im

Hồn tôi lại mảnh trăng chìm 

Lời vô nghĩa hết! Trái tim khóc thầm".

Bốn câu thơ chỉ 28 chữ mà chứa bao tâm trạng, cảm xúc như những đợt sóng ngầm trong tâm hồn hai trái tim yêu. Nó dẫn dắt người đọc từ cực này sang cực khác. Chưa kịp hiểu vì sao "em" khóc, lại phải đặt câu hỏi trong mẩu giấy ấy nàng viết gì mà chàng trai buồn đến vậy? Chẳng lẽ không có tình yêu? Chàng trai vừa khát khao được nghe "em" nói đến cháy lòng, đã chuyển sang khẳng định: "Lời vô nghĩa hết!". Sự diễn biến tâm lý mang đầy kịch tính: Thắt - mở, mở - thắt, được đẩy lên tới cao trào trước một sự thật nghiệt ngã, bất ngờ:

"Thương em vừa điếc lẫn câm

Tai ương từ tuổi mười lăm tới giờ".

"Tình yêu không lời" đã được lý giải, nhưng không dừng lại ở nhục cảm tầm thường. Hai câu vĩ thanh mới là điểm nhấn, thông điệp chính của bài thơ, giống như tiếng đàn Thạch Sanh vang lên hóa giải sự ngăn cách giữa tình yêu của người không lời và người nói được mà phải nghẹn lời bằng hai câu thơ đẹp và đằm sâu:

"Trần nhà cánh nhện buông tơ

Tôi ghì em giữa đôi bờ vai tôi".

Hình ảnh “Trần nhà cánh nhện buông tơ” vừa ước lệ, tượng trưng vừa phác họa một bức tranh tả thực của không gian tĩnh lặng. Cảm xúc tình yêu dâng lên tuyệt đỉnh trong giờ phút giao hoan là nước mắt. Tôi yêu những giọt nước mắt hạnh phúc của sự cho và nhận. Động từ "ghì" được tác giả sử dụng đúng chỗ, đúng thời điểm, vì vậy nó có sức lan toả, truyền cảm, tạo nên điểm sáng mang tính hài hoà, đồng điệu giữa tình yêu và lòng nhân ái. 

Bằng chất liệu lục bát, ngôn từ giản dị mà tinh tế, "Tình yêu không lời" của nhà thơ Phạm Trung Dũng đã gửi đến người đọc một thông điệp đầy tính nhân văn, mở cho ta một góc nhìn sâu trong cuộc sống. Giữa vô vàn những cuộc tình có hương hoa sắc lá, có tiếng chim mê đắm của vườn xuân thánh thót, ta vẫn bắt gặp những tình yêu lạ và đẹp. Trong cái lặng thầm của thế giới không lời là cả một bầu trời vô ngôn đầy ắp thương yêu.

 

Diên Hồng Dương

 

 

 

Nhà Bình Thơ Phạm Đức Nhì

 

 

Ähnliches Foto 

 

 “CON VỀ NGÕ NHỎ”: BÀI THƠ MỚI QUEN

 

Khi bắt đầu viết bài này tôi chỉ mới biết Ngọc Mai, tác giả bài thơ, khoảng một tuần trên Facebook. Chỉ mới quen biết, chưa kết bạn. Chị thường ghé vào bình luận những bài viết của tôi. Lời bình ngôn ngữ lịch sự, biểu lộ một sự hiểu biết về thơ khá vững. Nhắn tin qua lại mấy ngày chị tiết lộ “Em cũng làm thơ nhưng thơ chỉ nói về gia đình, làng xóm, quê hương, không có gì mới lạ đâu.” Chị rất ngại ngùng nhưng tôi khuyến khích chị gởi tập thơ của chị cho tôi đọc. Sau hai ngày du ngoạn trong thế giới thơ của Ngọc Mai, tôi chọn Con Về Ngõ Nhỏ để viết lời bình.

 

Con Về Ngõ Nhỏ

 

Con về ngõ nhỏ thoảng hương

lối vào vẫn lát vàng ươm nắng chiều

đâu rồi bóng mẹ liêu xiêu

đâu rồi dải yếm rất nhiều gió hong

 

còn đâu chổi quét lá bòng

còn đâu bông bưởi trắng trong rụng đầy

chẳng còn hoa khế tím cây

chẳng còn vai mẹ hao gầy gió sương

 

mơ màng khói bếp còn vương                       

thoáng hơi nước vối tỏa hương ngọt ngào

gạo khuya ai giã đêm sao

thèm nghe tiếng mẹ ho bào canh thâu

 

Trăng non (*) khóc đẫm lá trầu

kìa như tay mẹ chải đầu cho trăng!

 

(Ngọc Mai)

 

(*) Tác giả ví mình như vầng trăng non, lúc còn bé thơ thường đứng bên giàn trầu của mẹ mà

 

khóc dỗi hờn để được mẹ dỗ dành và chải đầu cho.

 

Tứ Thơ:

Không có ẩn dụ nên ý với tứ là một – tác giả qua ngõ nhỏ về thăm nhà, chỉ thấy quang cảnh cũ gợi lại biết bao kỷ niệm êm đềm, còn mẹ già đã khuất bóng.

 

Thể Thơ:

Thơ lục bát ngắn, 14 câu nhưng tác giả gieo vần nghiêm túc quá nên hơi “cứng”. Có 13 cặp vần thì đến 12 cặp là chính vận (y boong), chỉ có một cặp thông vận (hương, ươm). Giá tác giả bớt đi vài cặp chính vận thì âm điệu nhẹ nhàng hơn. Cũng may, bài thơ liền mạch, tứ thơ chảy thành dòng từ câu đầu đến câu cuối, chưa có hội chứng nhàm chán vần thì bài thơ đã hết.

 

Ngôn Ngữ Hình Ảnh:

 

Ngôn ngữ bình dị, dễ cảm, dễ thương, những hình ảnh dân quê, gần gũi đầy dấu tích, kỷ niệm của mẹ như: dáng mẹ liêu xiêu, giải yếm, chổi quét lá bòng, bông bưởi, hoa khế, nước vối, tiếng giã gạo, tiếng ho … đã được nữ thi sĩ liệt kê một cách rất nghệ thuật. Nói chung, ngôn ngữ, hình ảnh rất đậm “mùi” Nguyễn Bính nhưng ở tầm thấp hơn.

 

Những Câu Thơ Hay:

 

     a/ Lối vào vẫn lát vàng ươm nắng chiều

Câu thơ tả cảnh lối vào trong nắng chiều thật đẹp.

 

     b/ Mơ màng khói bếp còn vương

         thoảng hơi nước vối tỏa hương ngọt ngào

Chỉ là hình ảnh ấm nước vối sôi trên bếp nhưng những con chữ kết hợp khéo léo đã vẽ lên một bức tranh rất thơ, có cả hương thơm ngọt ngào lan tỏa trong không gian.

 

Đoạn Kết Hay

 

Trăng non khóc đẫm lá trầu

kìa như tay mẹ chải đầu cho trăng

 

Đọc chú thích của “trăng non” mới hiểu được niềm mơ ước đơn sơ nhưng thấm đậm nỗi nhớ thương mẹ hiền của tác giả. Hai câu kết vừa đẹp, vừa nên thơ, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

 

Cảm Xúc

 

Quang cảnh của “ngõ nhỏ” vắng lặng quá. Nhưng sức mạnh của những hình ảnh trong ký ức hiện về làm sống lại những kỷ niệm thân thương với mẹ hiền. Tác giả đã khéo léo đem niềm nhớ thương và nỗi buồn man mác ấy rải đều trên mỗi bóng hình của thời son trẻ, thơ dại. Phải nói bài thơ khá nhiều cảm xúc, nhưng hình như từ trong sâu thẳm của vô thức có một tiếng nói vô hình nào đó thì thầm, chỉ dẫn để dòng cảm xúc trong thơ chỉ ở mức vừa phải chứ không dậy sóng tràn bờ.

 

Theo tôi, Con Về Ngõ Nhỏ tròn trịa, không sai sót, có thể nói là bài thơ hay nhưng khi đọc lên vẫn không thấy cái gì đó thật đặc biệt. Nó như một viên đá quý, không tì vết nhưng lại không có nét riêng để hấp dẫn những tay chơi ngọc sành sõi. Nói rõ ra, Con Về Ngõ Nhỏ là bài thơ thiếu cá tính nên không gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc.

 

“Hoa đẹp nằm khuất trên giàn

Em xinh đứng lẫn trong hàng, ai hay?” (PĐN)

 

Vâng! Bài thơ như một cô gái đẹp. Các chuyên viên thẩm mỹ nhìn cô - từ khuôn mặt đến vóc dáng -  không nhìn thấy điểm nào không vừa ý để chê bai. Nhưng cách ăn mặc, cách giao tiếp làm cho cô chìm khuất giữa đám đông. Giá cô biết thỉnh thoảng ăn mặc khác thường một tý (nhưng đừng lố lăng) và đứng ở một chỗ riêng biệt để vẻ đẹp của mình lộ diện, nổi bật trước mắt mọi người, thì chỉ cần thế thôi, cô sẽ có trong tầm ngắm của mình vô số những chàng trai hào hoa phong nhã, biết thưởng thức sắc đẹp và nét duyên dáng của phụ nữ, miệt mài săn đón.

 

Tôi chọn bình Con Về Ngõ Nhỏ vì quý một tài thơ chưa phát huy hết sức mạnh của mình. Ngọc Mai có kỹ thuật thơ nhuần nhuyễn, hồn thơ nhạy cảm nhưng còn e thẹn, ngại ngùng, chưa dám mở tung cánh cửa tâm hồn để những cảm xúc, những khát khao cháy bỏng của “cái tôi đích thực” đổ ập xuống trang thơ.

 

Kết Luận

 

Con Về Ngõ Nhỏ là bài thơ “mới quen”.  Tác giả của nó là người thơ ở mãi tận Bắc Giang chưa hề gặp. Ngay cả tấm hình trên Facebook để biết mặt mũi ra sao cũng không có. Thôi thì cứ như Hoài Thanh, qua thơ,  “lấy hồn ta để hiểu hồn người”. Hiểu rồi thì viết mấy lời bình phẩm.  Nếu tác giả đọc bài viết này và dám “nghe lời xúi dại”, tôi tin rằng chị sẽ ung dung bước vào làng thơ với túi hành trang trên vai trong đó chứa nhiều bài thơ còn hay hơn nũa.

 

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

phamnhibinhtho.blogspot.com

 

 

 

Nhà Thơ Phạm Đức Nhì

 

 

Bildergebnis für ẢNH ĐỘNG HOA ĐẸP

 

TIÊU CHÍ 4 THỂ THƠ (PHẦN 2)

                        HỘI CHỨNG NHÀM CHÁN VẦN CỦA THƠ LỤC BÁT

 

Phần Dẫn Nhập

Đây không phải là một tiểu luận về thơ mặc dù cũng dính líu một chút đến lý thuyết thơ và cũng khá … dài (14 trang). Lý do: cái chỗ dính líu đến lý thuyết thơ đã được bàn ở bài trước (Tiêu Chí 4: Thể Thơ - Phần I). Bài này chỉ là phần tán rộng ra cho dễ hiểu nên rất nhẹ về biện giải mà nặng về thí dụ dẫn chứng. Như đã trình bày ở Phần I, giá trị nghệ thuật của một bài thơ, đặc biệt là thơ lục bát, bị hạ thấp một cách đáng kể nếu bài thơ ấy có Hội Chứng Nhàm Chán Vần. Vì thế tôi tuyển chọn những bài thơ lục bát từ ngắn đến dài, đưa vào bài viết như những thí dụ cụ thể, để các bạn đọc trẻ có cơ hội tự đọc, tự khám phá và cảm nhận sự xuất hiện của Hội Chứng Nhàm Chán Vần hầu nắm vững thêm một mấu chốt quan trọng để thẩm định giá trị một bài thơ.

 

Những Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến “Hội Chứng Nhàm Chán Vần”

1/ Tứ thơ: tứ thơ càng lạ người đọc càng chú ý, để tâm theo dõi, hội chứng nhàm chán vần chậm xuất hiện.

2/ Tình tiết: sự kiện này dẫn đến sự kiện khác, tâm trạng này dẫn đến tâm trạng kia, kích thích óc tò mò của người đọc. Tình tiết càng hấp dẫn người đọc càng dễ quên (hoặc vượt qua) cảm giác nhàm chán.

3/ Độ dễ tiêu của câu chữ: chọn ngôn ngữ tượng hình, dễ cảm nhận, dễ tiêu, tránh dồn thông tin dầy đặc, nặng chất trí tuệ, bắt người đọc phải căng óc ra để “tiếp nhận”, rất dễ ngán, hội chứng nhàm chán vần dễ xâm nhập.

4/ Cảm xúc: cảm xúc tầng 3 (hồn thơ) càng mạnh người đọc không (hoặc ít) phải dùng đến lý trí, câu thơ, đoạn thơ không đi qua đầu mà hướng thẳng đến tim. (Cảm xúc tầng 1 đến từ câu chữ, cảm xúc tầng 2 đế từ thế trân, cảm xúc tầng 3 đến từ sự cao hứng của tác giả “bên ngoài chữ nghĩa”).

Những Bài Lục Bát Ngắn

Những bài lục bát 10 câu trở lại (ngoại trừ trường hợp “vờn bóng giữa sân” hoặc ý trùng lặp) hội chứng nhàm chán vần chưa kịp xuất hiện thì bài thơ đã hết.

 

SÔNG  LẤP

Sông xưa rày đã nên đồng

Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai

Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

(Trần Tế Xương)

Đây là một tuyệt tác của Trần Tế Xương.  Chỉ với 4 câu ông Tú Vị Xuyên đã bày tỏ tâm tình hoài cổ sâu sắc của mình một cách tài tình. Từ tiếng gọi đò gợi nhớ đến bến đò, từ bến đò gợi nhớ đến con sông (nay đã bị lấp), từ con sông lấp gợi nhớ đến thời Nho học còn giữ vị trí quan trọng trong xã hội. Ẩn dụ tuyệt vời. Bài thơ chỉ có 4 câu nên chưa có hội chứng nhàm chán vần.

 

BUỔI CHIỀU VÀ MÁI TÓC

Buổi chiều và mái tóc em

Bắt đầu phủ xuống những miền núi xa.

Anh nằm khi tóc bay qua

Đám mây tình tự thịt da nhẹ nhàng

Giống như trời lấy áo choàng 

Đắp lên thân thể võ vàng từ lâu.

(Nguyên Sa)                                                                     

Đây là bài thơ tình ngắn, ngôn ngữ bay bướm, hình ảnh đẹp. Vì ngắn, có 6 câu, nên chưa có hội chứng nhàm chán vần.

THU CẢM

Mùa thu đẹp đến nao lòng

nắng hơi hơi nắng, mây bồng bềnh mây

người thì nửa tỉnh nửa say

nửa lo giá chợ, nửa ngây vì trời

mùa thu ơi, đẹp vừa thôi

giăng chi khoảng cách giữa đời và mơ

đời càng nhiều nỗi ưu tư

ngưòi càng đơn lẻ trước thu tuyệt vời

(Nguyễn Thị Hồng, Thơ VN Thế Kỷ 20 Thơ Trữ Tình, NXB Giáo Dục, trang 308)

 

Đây là bài thơ hay. Nguyễn Du viết:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

nhưng ở đây trong đôi mắt của tác giả lại có sự mâu thuẫn giữa cảnh và tình, Cảnh thu thì rất đẹp mà trong lòng lại đầy nỗi ưu tư. Bài thơ có 8 câu nhưng nhờ tình tiết sinh động và tứ thơ đã chảy thành dòng nên vẫn chưa xuất hiện giọng ầu ơ, chưa có hội chứng nhàm chán vần.

 

TIẾT PHỤ NGÂM

Bản Dịch Ngô Tất Tố

Chàng hay em có chồng rồi,

Yêu em chàng tặng một đôi ngọc lành.

Vấn vương những mối cảm tình,

Em đeo trong áo lót mình màu sen.

Nhà em vườn ngự kề bên,

Chồng em cầm kích trong đền Minh Quang.

Như gương, vâng biết lòng chàng,

Thờ chồng, quyết chẳng phụ phàng thề xưa.

Trả ngọc chàng, lệ như mưa,

Giận không gặp gỡ khi chưa có chồng. (1)

 

Đây là bài thơ trong đó người thiếu phụ từ chối lời tỏ tình của một người có địa vị cao trọng. Lý do bà đưa ra là “Thờ chồng quyết chẳng phụ phàng thề xưa”. Tác giả của Tiết Phụ Ngâm – Trương Tịch – đã dùng vế thứ hai “liệt nữ bất canh nhị phu” để gởi đến Lý Sư Đạo - người mời ông ra “cộng tác” - ý của vế thứ nhất “trung thần bất sự nhị quân”. Nhờ bài thơ, ông vừa tránh được họa chiến tranh với một sứ quân quá mạnh vừa không phải phục vụ một Tiết Độ Sứ của phe nghịch đảng. Hiểu được lý do ra đời của bài thơ độc giả có thể đọc 10 câu lục bát trên một lèo mà không ngán. Hội chứng nhàm chán vần đã bị tình tiết mạch lạc của bài thơ lấn át.

 

Những Bài Lục Bát 12 Câu Trở Lên

 

Trong số các thể thơ đang lưu hành, lục bát có độ ngọt cao nhất. Số lần gieo vần bằng tổng số câu trừ một. Như vậy bài thơ lục bát 12 câu có 11 lần gieo vần hay 11 cặp vần. Bởi thế làm thơ lục bát từ 12 câu trở lên cũng như hành quân mà đi vào khu mìn bẫy của địch, không cẩn thận lính tráng sẽ đạp phải mìn, thơ sẽ mắc phải hội chứng nhàm chán vần. (Tôi chọn số 12 là do kinh nghiệm cá nhân; tùy mức độ “hảo ngọt” của mình bạn đọc có thể chọn con số khác).

Sau đây là 3 bài lục bát dài bằng nhau (6 cặp lục bát 12 câu).

HOA ĐÀO NỞ SỚM

Hoa đào trước ngõ em qua

Sáng nay bỗng ướm cành hoa vào mùa

Đầy vườn lộc biếc cây tơ

Năm đi chưa hết, đã ngờ xuân đâu

Bỗng dưng một đóa hoa đầu.

Nghe như đất lạ năm nào gặp em

Phải rằng xe xích thời gian

Vầng dương bên ấy mọc sang bên này? 

Nắng hoe, bướm trở mình bay

Cành non nở vội kịp ngày chào hoa.

Lòng anh tự độ em qua

Hoa bay bướm dạo cùng ta vào đời.

(Chế Lan Viên)

Hoa Đào Nở Sớm, theo tôi, đã hơi có giọng ầu ơ, đã chớm – dù rất nhẹ - hội chứng nhàm chán vần. Lý do: tứ thơ bình thường lại có dấu hiệu “vờn bóng giữa sân”. Vừa mới “Sáng nay bỗng ướm cành hoa vào mùa” ở đoạn trước, đoạn sau lại “bỗng dưng một đóa hoa đầu”, đã vậy, đoạn cuối còn thêm “Cành non nở vội kịp ngày chào hoa”. Rõ ràng sự trùng lặp (thiếu nghệ thuật) của ý tứ đã tạo cảm giác “ngao ngán” lẽ ra chưa nên có. Hơn nữa, tác giả khi làm thơ đã nghiêng về phía cái đầu nên ít cảm xúc. Vì thế hội chứng nhàm chán vần đã xuất hiện sớm hơn bình thường. Nhận xét như vậy hoàn toàn chủ quan, tùy thuộc vào cảm nhận từ thính giác của mỗi người. Tuy nhiên, nếu bạn đọc lắng nghe và để ý, một lúc nào đó bạn có thể tự mình khám phá ra điều đó.

 

CHỚM SANG VỊ HÈ

Đường tình đã nở hoa xoan

Lao xao gió gợn, hân hoan lá chờ

Trên cao ngan ngát hương đưa

Em ơi, tim tím mơ mờ chùm hoa..

Nhẹ nhàng gió thổi tháng ba

Trong hơi thanh mát có hòa nồng say

Xuân còn, hè đã thoảng bay

Một niềm xa vợi ngất ngây khí trời

Tình yêu muôn thuở, em ơi!

Hôm nay lại đượm hương đời, màu xoan

Ý xuân trong lúc chứa chan

Tình đôi ta lại chớm sang vị hè.

(Xuân Diệu)

Tứ thơ không có gì đặc biệt, có dòng chảy nhưng chỉ lững lờ vì ít cảm xúc, tuy nhiên, không có sự trùng lặp và bài thơ có 12 câu (không dài lắm) nên chưa có hội chứng nhàm chán vần.

NGẬM NGÙI

Nắng chia nửa bãi, chiều rồi... 

Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu. 

Sợi buồn con nhện giăng mau, 

Em ơi! Hãy ngủ … anh hầu quạt đây. 

Lòng anh mở với quạt này, 

Trăm con chim mộng về bay đầu giường. 

Ngủ đi em, mộng bình thường! 

Ru em sẵn tiếng thuỳ dương mấy bờ 

Cây dài bóng xế ngẩn ngơ 

Hồn em đã chín mấy mùa thương đau? 

Tay anh em hãy tựa đầu, 

Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi.

(Huy Cận)

 

Tứ thơ chảy thành dòng khá nhanh vì nhiều cảm xúc, có thể đưa người đọc tới bến mà không bị khựng ở chỗ nào. Trong bối cảnh đó hội chứng nhàm chán vần khó xuất hiện.

 

PHÚT BÌNH YÊN VĂN MIẾU

(Tặng Phạm Đức Nhì – nhà thơ Mỹ gốc Việt)

 

Anh từ Texas về đây

Bạn thơ dang rộng vòng tay đón chào

Bỏ qua thủ tục ngoại giao

Toàn thằng lính trận thuở nào choảng nhau

Người mẻ trán, kẻ sứt đầu

Trở trời trái gió ngấm đau một mình

Duyên thơ nối nhịp ân tình

Rời tay súng chẳng phải rình rập ai

Vào nơi trọng dụng hiền tài

Qua Khuê Văn Các sánh vai cùng người

Thơ hay thả đỏ rực trời

Rưng rưng ánh mắt rạng ngời lửa thiêng

Vượt trên giông bão trăm miền

Quê hương ơi phút bình yên diệu kỳ. (2)

 

(Nguyên Tiêu Canh Dần, trannhuong.net)

Trịnh Anh Đạt

Bài thơ có 14 câu và cũng không mắc phải hội chứng nhàm chán vần.

THIẾU NỮ

Cô gái ơi, anh nhớ em!!!

Như con nít nhớ cà rem vậy mà

Như con dế trống đi xa 

Một hôm chợt nhớ quê nhà, gáy chơi

Con dế nó gáy một hơi 

Còn anh gáy hết một thời con trai

Tiếng gáy bò lên lỗ tai

Làm em nhột suốt một ngày một đêm

Cô gái ơi, anh nhớ em !!!

Như má lúm nhớ đồng tiền đúng chưa ?

Như cà chớn nhớ cà chua

Như da em nhớ "da-ua" ngọt ngào

Cái nhớ nhảy qua hàng rào

Không thèm đăng ký cứ nhào vô anh

Xô ra thì thấy không đành

Nên anh ôm lấy, ngồi canh giữ hoài

Con kiến còn nhớ củ khoai 

Huống chi tóc ngắn tóc dài nhớ nhau

Nhớ nhau không biết để đâu

Nếu để trên đầu thì tóc che đi

Để trong túi áo cũng kỳ

Lỡ đi đường rớt, lấy gì chứng minh

Chi bằng giả bộ làm thinh

Hét lên " nhớ quá " một mình nghe chơi !!!

(Bùi Chí Vinh, Thơ VN Thế Kỷ 20 Thơ Trữ Tình, NXB Giáo Dục, trang 887)

Đây là bài thơ tình nhẹ nhàng, viết về một đề tài rất bình thường nhưng ngôn ngữ và giọng thơ “lạ lạ”, dí dỏm, có duyên và dễ thương. Chính vì thế mà đọc cả bài 24 câu một lèo cũng chưa thấy ngán. Hội chứng nhàm chán vần đã bị những đặc tính “lạ lạ”, dí dỏm, có duyên, dễ thương lấn át.

 

ĐẤT VIỆT LÀ CỦA VIỆT NAM

 

Biển trời hải đảo đât liền

Là máu da thịt Rồng Tiên ngàn đời . 

Việt Nam đất nước con người   

Tình yêu Tổ Quốc rạng ngời trong ta.

Trời xanh sông núi hiền hòa 

Biển quê ôm ấp đảo xa đảo gần

Trường Sa quần đảo thiên thần

Đảo chìm đảo nổi quây quần bên nhau.

Hoàng Sa quần đảo ngọc châu

Tỏa rung khí phách con tàu hiên ngang

Thành đồng dạ ngọc gan vàng 

Anh hùng đảo sắt thép gang kiên cường.

Chẳng mòn đứng trước đại dương 

Gan cùng bão tố bốn phương đổ vào

Người Việt Nam mãi tự hào

Tâm hồng Phúc rộng Tài cao Đức lành.

Bốn nghìn năm sống đấu tranh

Việt Nam tổ quốc đã thành thiêng liêng

Đât Việt Nam đất Việt thiêng  

Muôn đời là của con Tiên Cháu Rồng .

Lũ xâm lăng chớ có hòng 

Chỉ một hạt cát đừng mong hỡi mày 

Biển trời hải đảo xưa nay 

Biên cương hùng vĩ đất này của ta .

Đây Hoàng Sa - Kia Trường Sa 

Là xương máu thịt nước nhà Việt Nam .

Kẻ thù xin chớ lòng tham

Đất Việt là của Việt Nam muôn đời …! 

(Chu Long)

Đây là bài thơ “phải đạo”, viết theo xu hướng của xã hội, có 28 câu, nhưng vì viết bằng cái đầu nên thiếu cảm xúc, chỉ đọc khoảng một nửa là đã thấy ngán. Nửa còn lại càng về cuối càng như “cơm nếp nát”

TRẢ LỜI CỦA NGƯỜI YÊU

Các anh hãy chuốc thật say

Cho tôi những cốc rượu đầy rồi im! 

Giờ hình như quá nửa đêm

Lòng đau đau lại cái tin cuối mùa. 

Hơi đàn buồn như trời mưa

Các anh tắt nốt âm thừa đi thôi! 

Giờ hình như đã tối rồi 

Bánh xe đã nghiến, đã rời rã đi! 

Hồn tôi lờ mờ sương khuya 

Hờ rung tôi viết bài thơ trả lời 

Vâng, tôi vẫn biết có người 

Một đêm cố tưởng rằng tôi là chồng

Để hôm sau khóc trong lòng 

Vâng, tôi vẫn biết cánh đồng thời gian

Hôm qua rụng hết lá vàng 

Và tôi lỡ chuyến chiều tàn về không. 

Tiếng xe trong vết bụi hồng 

Nàng đi thuở ấy nhưng trong khói mờ. 

Tiếng xe trong xác pháo xưa 

Nàng đi có mấy bài thơ trở về

Tiếng xe mở lối vu quy

Hay là tiếng cắt nàng chia cuộc đời 

Miệng chồng Khánh gắn trên môi 

Hình anh mắt Khánh sáng ngời còn mơ 

Đàn xưa từ chia đường tơ 

Sao tôi không biết hững hờ nàng đan 

Kéo dài một chiếc áo lam 

Tơ càng đứt mối, nàng càng kéo giay 

Nàng còn gỡ mãi trên tay 

Thì tơ duyên mới đã thay hẳn mầu 

Chung hai thứ tóc đôi đầu 

Bao giờ đan nổi những câu ân tình 

Khánh ơi, còn hỏi gì anh? 

Lá rơi đã hết màu xanh màu vàng 

Chỉ kêu những tiếng thu tàn

Tình ta đã chết anh càng muốn xa 

Chiều tan, chiều tắt, chiều tà 

Ngày mai, ngày mốt vẫn là ngày nay 

Em quên mất lối chim bay

Và em sẽ chán trông mây trông mờ 

Đoàn viên từng phút từng giờ 

Sóng yên lặng thế em chờ gì hơn? 

Từng năm từng đứa con son 

Mím môi vá kín vết thương lại lành 

Khánh đi còn hỏi gì anh

Ái tình đã vỡ, ái tình lại nguyên 

Em về đan nốt tơ duyên 

Vào tà áo mới, đừng tìm mối xưa

Bao nhiêu hạt lệ còn thừa 

Dành ngày sau khóc những giờ vị vong 

Bao nhiêu những cánh hoa lòng 

Hãy dâng cho trọn nghĩa chồng hồn cha 

Nhắc làm chi chuyện đôi ta 

Bản năng anh đã phong ba dập vùi 

Hãy vui lên các anh ơi! 

Nàng đi tôi gọi hồn tôi trở về 

Tâm hồn lạnh nhạt đê mê

Tiếng mùa lá chết đã xê dịch chiều 

Giờ hình như gió thổi nhiều 

Những loài hoa máu đã gieo nốt đời 

Tâm hồn nghệ sĩ nổi trôi 

Sá chi cái đẹp dưới trời mong manh 

Sái chi những truyện tâm tình 

Lòng đau đem chứa trong bình rượu cay!

(Thâm Tâm)

Nếu đúng là của Thâm Tâm (3) thì tác giả Tông Biệt Hành viết bài thơ này quá tệ,  Đọc Trả Lời Của Người Yêu tôi thấy rời rạc, nhạt nhẽo, toàn là sự kiện, chẳng có tý “hồn vía” nào. Bài thơ dài, 64 câu, hội chứng nhàm chán vần rất nặng.

 

NGƯỜI HÀNG XÓM

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi

Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn 

Hai người sống giữa cô đơn 

Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi

Gía đừng có dậu mùng tơi

Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.

Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng ... 

Có con bướm trắng thường sang bên này.

Bướm ơi! Bướm hãy vào đây!

Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi. 

Chẳng bao giờ thấy nàng cười 

Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên; 

Mắt nàng say đắm trông lên 

Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi!

Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi 

Tôi buồn tự hỏi: - Hay tôi yêu nàng?

Không, từ ân ái lỡ làng

Tình tôi than lạnh tro tàn làm sao!

Tơ hồng nàng chẳng cất vào 

Con bươm bướm trắng đêm nào cũng sang.

Mấy hôm nay chẳng thấy nàng 

Gía tôi cũng có tơ vàng mà hong

Cái gì như thể nhớ mong ?

Nhớ nàng! Không! Quyết là không nhớ nàng.

Vâng, từ ân ái lỡ làng 

Lòng tôi riêng nhớ bạn vàng năm xưa.

Tầm tầm trời cứ đổ mưa

Hết hôm nay nữa là vừa bốn hôm 

Cô đơn buồn lại thấy buồn.

Tạnh mưa bươm bướm biết còn sang chơi?

Hôm nay mưa đã tạnh rồi.

Tơ không hong nữa, bướm lười thôi sang!

Bên hiên vẫn vắng bóng nàng 

Rưng rưng tôi gục xuống bàn rưng rưng!

Nhớ con bướm trắng lạ lùng!

Nhớ tơ vàng nữa, nhưng không nhớ nàng 

Hỡi ôi! Bướm trắng tơ vàng!

Mau về mà chịu tang nàng đi thôi!

Đêm qua nàng đã chết rồi 

Nghẹn ngào tôi khóc, qủa tôi yêu nàng

Hồn trinh còn ở trần gian!

Nhập vào bướm trắng mà sang bên này.

(Nguyễn Bính)

 

Tôi đặt bài thơ Người Hàng Xóm ở cuối để bạn đọc thấy cái tài của Nguyễn Bính. Lục bát viết đến 42 câu là rất dài nhưng tôi có thể đọc một lèo từ đầu đến cuối. Tình tiết hấp dẫn, và đặc biệt là cảm xúc nóng hổi đã khiến dòng chảy của tứ thơ vừa mạnh, vừa nhanh, lấn át được hội chứng nhàm chán vần.

 

Kết Luận

Làm thơ lục bát nên tránh “vờn bóng giữa sân” – nghĩa là “cà kê dê ngỗng” ở giữa bài; căn bệnh nhàm chán vần sẽ xuất hiện làm tổn hại bài thơ ngay. Đọc hoặc bình thơ lục bát, nếu có khả năng nhận diện được hội chứng nhàm chán vần bạn đã có trong tay chiếc chìa khóa để mở cánh cửa đầu tiên hầu tiếp cận cái hay, cái đẹp cũng như cái dở, cái hạn chế của bài thơ một cách tự tin hơn. Hãy xem bài viết này như những gợi ý và hướng dẫn trong lúc bạn tìm cách nắm giữ chiếc chìa khóa đó.

 

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

phamnhibinhtho.blogspot.com

 

Chú Thích:

1/ Trương Tịch tự Văn Xương, người đất Tô Châu, thi gia thời Trung Đường (766-827), đậu Tiến sĩ dưới triều vua Đức Tông. Năm 799, được Hàn Dũ tiến cử làm Quốc tử bác sĩ, cuối cùng lên đến chức Quốc tử tư nghiệp. 

Trong nước lúc bấy giờ lại diễn thành cuộc phiên trấn cát cứ. Mỗi Tiết độ sứ chuyên chế mỗi phương. Trấn nào, Tiết độ sứ tuân mạng triều đình thì cho là thuận đảng. Trái lại, Tiết độ sứ nào đem binh đối kháng lại triều đình thì cho là nghịch đảng. Trương Tịch hiện làm một tân khách trong mạc phủ của một Tiết độ sứ thuộc về thuận đảng. Ông muốn giúp triều đình mong đạt đượccuộc thống nhất đất nước. 

Bấy giờ có Lý Sư Đạo là một Tiết độ sứ thuộc về nghịch đảng, vốn tay quật cường. Biết Trương là người có tài nên họ Lý ân cần viết thư, đem lễ vật đến đón Trương về giúp mình trong công cuộc xây dựng sự nghiệp. 

Trương không dám từ khước ngay. Vì tình thế lúc bấy giờ nguy ngập lắm. Thế lực của Lý thì mạnh, nếu ông không bằng lòng thì chắc chắn hai trấn phải sinh chiến họa to. Do đó, ông phải giả cách cám ơn nhận lễ rồi dần dần tìm cách từ khước. Trong khi hoàn lại lễ vật, Trương Tịch làm một bài thơ kèm theo, nhan đề là "Tiết phụ ngâm" (hoavouu.com)

2/ Tết Canh Dần 2010 tôi được nhà thơ Trịnh Anh Đạt gởi thiệp mời tham dự lễ hội Thơ Nguyên Tiêu ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội. Là nhà thơ từ Mỹ về, đã từng đối đầu với tác giả ở mặt trận Huế, Quảng Trị trước 75 và đã viết nhiều bài thơ chống cộng nảy lửa sau đó, tôi vẫn được TAĐ quý mến dẫn vào Văn Miếu giới thiệu với đám bạn văn chương của ông. Chúng tôi, những kẻ cựu thù, đã có mấy buổi họp mặt bàn tán chuyện văn chương lý thú. Bài Phút Bình Yên Văn Miếu được sáng tác nhân dịp này.

3/ Bài thơ này được tác giả Anh Đào đăng trên một tập san ở Hà Nội năm 1951, ghi là của Thâm Tâm làm để minh chứng cho mối tình giữa Thâm Tâm và T.T.Kh. Về nội dung, bài thơ này so với bài "Các Anh" của Thâm Tâm trùng 8 câu đầu và 8 câu cuối, với hai điểm khác biệt là "cái tim cuối mùa" được chép thành "cái tin cuối mùa" và "Tâm tình lạnh nhạt đâu nghe" được chép thành "Tâm hồn lạnh nhạt đê mê". Vì vậy, có lẽ bài thơ này là do tác giả Anh Đào dựa vào bài "Các Anh" của Thâm Tâm rồi viết thêm 48 câu vào giữa để chứng minh cho bài báo của mình. (thivien.net)

 

 

Tác Giả: Phạm Đức Nhì

 

 

Bildergebnis für ẢNH ĐỘNG HOA ĐẸP

 

TIÊU CHÍ 4: THỂ THƠ (PHẦN I)

 

 

Làm thơ, có người chuyên về một thể loại; thí dụ: lục bát. Có người thể thơ nào cũng “thử” một đôi bài nhưng khi cao hứng gặp được tứ thơ hay thì sẽ chọn thể thơ mình thích nhất. Đọc thơ, tôi thường nghe những câu đại loại như “Tạng tôi không hợp với thơ ‘ông này’ mà gần với thơ ‘bà kia’ hơn.”

 

Khi mới tập làm thơ thầy giáo dạy Việt Văn, khi được hỏi ý kiến nên chọn thể thơ nào, đã cho tôi lời khuyên: “Thấy thích, hợp thể thơ nào thì cứ chọn thể thơ đó. Có thích, có tự tin thì làm thơ mới hay. Hơn nữa, đó là quyền tự do của thi sĩ”. Sau này góp nhặt thông tin từ các bài bình thơ, các cuộc tranh luận về thơ, cộng với kinh nghiệm làm thơ của chính mình tôi đi đến kết luận:

 

Trên trang thơ của mình, đồng ý, thi sĩ là vua, có toàn quyền quyết định mọi thứ, nhưng đối với thể thơ, nếu cứ lẽo đẽo ở phía sau, không vươn lên cùng thời đại thì chính thi sĩ sẽ không được hưởng cái thoải mái tự do khi phóng bút mà bài thơ khi xuất xưởng sẽ bị giới thưởng ngoạn nhìn với đôi mắt thiếu thiện cảm.

 

1/ Song Thất Lục Bát

 

Đây là thể thơ truyền thống, một thời được bà Đoàn Thị Điểm dùng để dịch Chinh Phụ Ngâm từ chữ Hán sang chữ Nôm và được người đời khen ngợi là nhiều câu, nhiều đoạn “bản dịch còn hay hơn bản chính”. Nhưng cho đến bây giờ thể thơ STLB rất ít được dùng, có lẽ đang trên đường đi đến chỗ tuyệt chủng. Có người cho rằng thể thơ này tạo ra quá nhiều vần, vừa yêu vận, vừa cước vận; nếu bài thơ hơi dài một tý thì hội chứng nhàm chán vần rất nặng nề, đọc lên nghe rất … ầu ơ. Vì thế nếu ở thời điểm này thi sĩ nào chọn STLB để làm thơ thì bài thơ sẽ có nhiều cơ hội yểu tử. Ở cương vị người bình thơ, nếu gặp thơ song thất lục bát thì dù không muốn phụ rẫy nàng Thơ, cũng đành phải ngoảnh mặt làm ngơ.

 

2/ Đường Luật

 

Đường luật thất ngôn bát cú là một thể thơ có nhiều nguyên tắc khắt khe; vần đối niêm luật với những trói buộc của nó khiến thi sĩ luôn phải xoay ngang trở dọc đối phó nên ít có cơ hội chăm chút cho phần cảm xúc, hồn thơ. Dĩ nhiên, năm thì mười họa cũng có những bài thơ hay, nhưng ngay cả những bài thơ hay đó cũng có vẻ khô cứng so với thơ đương đại.

 

Giờ đây Nàng Thơ đã có bộ mặt mới. Các thi sĩ đã cố công tìm tòi, thể nghiệm nhiều thể thơ “mới”, sao cho vừa giữ được vị ngọt của thơ ca, vừa cởi trói cho người làm thơ khỏi những luật lệ quá khắt khe, gò bó. Đâu là thể thơ tối ưu của thi ca đương đại? Công cuộc chọn lựa, tranh cãi còn chưa ngã ngũ. Nhưng chắc chắn đã có rất nhiều thể thơ, ở mức độ khác nhau, cho phép người làm thơ thời nay được thoải mái hơn, tự do hơn, thể hiện tứ thơ của mình, và nhờ đó, có thể dễ dàng đưa cảm xúc của mình, thả tâm hồn của mình vào thơ.

 

Thơ Đường luật bỗng trở thành cô gái lỡ thì, thân hình khô cứng lại kênh kiệu, khó tính, bị những chàng trai trẻ ngoảnh mặt làm ngơ. Họ nhìn về hướng khác để tìm những cô gái đang xuân, vóc dáng, trang phục hợp thời hơn, hấp dẫn hơn, tính tình cởi mở hơn, gần gũi hơn với cái “gu” thẩm mỹ của thời đại mới.

 

Đối với những vị chuộng thơ Đường luật, đã “quen” với thơ Đường luật, thích thù tạc xướng họa thơ Đường luật, thì chẳng việc gì mà phải từ bỏ cái thú vui tao nhã ấy. Xin cứ tiếp tục làm thơ để góp cho đời những bông hoa tươi đẹp. Xin cứ tiếp tục đọc thơ Đường luật để thưởng thức những cảm nghĩ, những rung động nhẹ nhàng, thanh thoát của người xưa.

 

Những quý vị làm thơ Đường luật, theo tôi, như võ sĩ lên võ đài, rất ương ngạnh và oai hùng, chấp nhận chịu trói cả 2 tay, 2 chân để đấu với đối thủ. Khi bị bươu đầu sứt trán, hoặc nằm thẳng cẳng đo ván thì (dù không nói ra) thường cho là tại bị gò bó, trói buộc. Những quý vị đó quên rằng chính họ đã tình nguyện lên võ đài với tư thế ấy.

 

Riêng tôi, nếu gặp thơ Đường Luật, “đọc thì cứ đọc nhưng bình thì không”

 

3/ Lục bát

 

Lục bát, cho đến khi tôi viết những dòng chữ này, có thể nói, là thể thơ “trẻ mãi không già”, rất thích hợp để chuyển tải tâm trạng, cảm xúc nhẹ nhàng nhưng thâm thúy, ý nhị. Non tay, thi sĩ sẽ đẻ ra những bài lục bát nếu không à ơi như vè thì cũng tẻ nhạt, không gây chút ấn tượng nào cho người đọc. Nhưng bên cạnh vô số những bài lục bát nhạt nhẽo, mờ nhạt lặng lẽ đi vào quên lãng ấy thỉnh thoảng vẫn có những bài xuất sắc. Nhờ đặc tính “trẻ mãi không già” đó lục bát, dù được xếp vào loại thể thơ truyền thống, không bị chi phối bởi luật đào thải trong tiến trình vận động của thi ca.

 

Lục bát sử dụng cả yêu vận lẫn cước vận nên nếu bài thơ hơi dài (khoảng trên 20 câu) mà tình tiết không liên tục hấp dẫn thì đọc sẽ … ngán. Với thơ lục bát hội chứng nhàm chán vần luôn luôn rình rập, sơ hở một tý là “ầu ơ” ngay.

 

Gặp thơ lục bát tôi thường đọc lớn để nghe độ ngân, độ vang vọng của nhạc trong thơ. Nếu nhạc đơn điệu, tẻ nhạt mà tứ thơ không đặc sắc, tình tiết không lôi cuốn thì cho qua. Nếu bài lục bát ngắn, nên đọc chậm để khám phá ý tứ thâm trầm, sâu lắng. Nếu bài thơ trung bình (khoảng 20 câu) mà đọc hết cũng chưa thấy ngán thì nên đọc lại – bài thơ chắc chắn có “cái gì đó” đặc biệt. Hoặc là tứ thơ hay, tình tiết hấp dẫn, hoặc là cảm xúc dạt dào, nóng bỏng. Nếu bài lục bát quá dài thì khoảng từ câu thứ 20 trở đi, giọng ầu ơ đã xuất hiện, càng về cuối đọc càng ngán.

 

Tóm lại, lục bát, do hình thức của thể thơ, có độ ngọt rất cao. Bài thơ có hội chứng nhàm chán vần hay không? Câu trả lời sẽ cho phép người bình thơ nâng hoặc giảm giá trị bài thơ một cách đáng kể.

Phạm Đức Nhì 

nhidpham@gmail.com 

 

 

 

Nhà Bình Thơ Phạm Đức Nhì

 

 

Bildergebnis für ảnh hà nội

 

 

TA XA HÀ NỘI

NỖI BUỒN TÊ TÁI CỦA MỘT NGƯỜI HÀ NỘI

 

Ngày nghỉ lễ
t
hôi, ta xa Hà Nội
về Nhà Quê nghỉ dưỡng thỏa tâm hồn
x
a để "thoát" lấn chen, xô đẩy
tìm nơi "buồn" yên tĩnh, dịụ dàng hơn...


Ô
i Hà Nội,
đi xa cho bớt "sợ" 
đường cây xanh bị "đốn" nắng vỡ đầu
x
e ùn tắc, kinh bọn len cướp giật
"Người Tràng An thanh lịch" ở đâu đâu?


Ôi Hà Nội,
p
hố phường xây chắp vá ,
cầu Long Biên để "rỉ" đến bao giờ?
đường gốm sứ bụi bám hoe
n mưa nắng
g
ái quần đùi đến bẹn phóng xe đua...


Ôi Hà Nội,
c
òn mấy Nàng thỏ thẻ?
mở miệng  ra là "đ. mẹ" chửi thề
d
ân tứ xứ vào Kiếm Tiền, chụp giựt...
c
òn góc nào thanh thản
uống Cafe'?


Ôi Hà Nội,
có điều gì không ổn?
như trên mây
trên gió "cấp điều hành"?
m
ong sớm có một Tràng An thanh lịch
để ta về
soi bóng xuống Hồ Gươm.
 
            -----
Viết tại Gia Lộc- Hải Dương 28-4-2015
        NGUYỄN KHÔI
       (Nhà văn Hà Nội)

Tứ Thơ: Do không có ẩn dụ nên tứ cũng là ý – tác giả hễ có cơ hội là muốn xa Hà Nội để khỏi phải thấy, phải nghe những điều tệ hại của Thủ Đô, và ông thốt ra một điều ước mà có lẽ ngay lúc đó cũng nhận ra là mơ ước viển vông.

 

Cấu Trúc

 

Bài thơ gồm 5 đoạn, ngoại trừ đoạn kết, mỗi đoạn nói về một (hoặc vài) điều tệ hại của đất ngàn năm văn vật.

 

1/

Ngày nghỉ lễ
thôi, ta xa Hà Nội
về Nhà Quê nghỉ dưỡng thỏa tâm hồn
xa để "thoát" lấn chen, xô đẩy
tìm nơi "buồn" yên tĩnh, dịụ dàng hơn...

 

Xa Hà Nội để “thoát” lấn chen, xô đẩy

 

2/

Ôi Hà Nội,
đi xa cho bớt "sợ" 
đường cây xanh bị "đốn" nắng vỡ đầu
xe ùn tắc, kinh bọn len cướp giật
"Người Tràng An thanh lịch" ở đâu đâu?

 

Xa Hà Nội để tránh xe ùn tắc, cướp giật và nắng vỡ đầu vì cây xanh bị đốn

 

3/

Ôi Hà Nội,
phố phường xây chắp vá ,
cầu Long Biên để "rỉ" đến bao giờ ?
đường gốm sứ bụi bám hoe
n mưa nắng
gái quần đùi đến bẹn phóng xe đua...

 

Xa Hà Nội để khỏi phải nhìn cầu cống rỉ sét, đường xá, phố phường xây chắp vá, gái tân thời nhố nhăng.

 

4/

Ôi Hà Nội,
còn mấy Nàng thỏ thẻ?
mở miệng  ra là "đ. mẹ" chửi thề
dân tứ xứ vào Kiếm Tiền, chụp giựt...
còn góc nào thanh thản
uống Cafe'?

 

Xa Hà Nội để khỏi phải nghe ngôn ngữ lưu manh, chửi thề tục tĩu của dân tứ xứ

 

5/

Ôi Hà Nội,
có điều gì không ổn ?
như trên mây
trên gió "cấp điều hành "?
mong, sớm có một Tràng An thanh lịch
để ta về
soi bóng xuống Hồ Gươm.

 

Buồn bã thốt ra một lời ước nhưng - với con người ngày càng trở nên vô cảm, với cách lèo lái đất nước vô trách nhiệm, với xã hội nhiễu nhương, thối nát- lời ước ấy cũng chỉ thoảng bay theo gió.

 

Ưu Điểm


Trước hết, Nguyễn Khôi là nhà thơ lão thành, sự nhuần nhuyễn trong kỹ thuật thi ca đã thể hiện rõ nét trong bài thơ. Chữ nghĩa bình thường nhưng vẫn sang trọng và gợi cảm.

 

Ông chọn lối gieo vần gián cách (1/3, 2/4), nhưng tìm cách “lách” vần 1/3 mà chỉ gieo vần 2/4 (hồn hơn. đầu đâu, giờ đua, thề phê, hành gươm) cho nên cả đoạn 4 câu chỉ có một lần gieo vần. Do đó hội chứng nhàm chán vần đã giảm ít nhất 95%, món chè Tôi Xa Hà Nội chỉ còn hơi ngọt một chút nhưng không đáng kể. Cảm xúc ở tầng một, do thành công của việc sử dụng chữ nghĩa, đã dâng lên rất cao.

 

Những “tệ hại” của Hà Nội được nhắc đến tùy hứng, tiện đâu nói đó, không theo một trình tự nhất định. Cách diễn đạt này tuy không được ngăn nắp, lớp lang (sản phẩm của lý trí) nhưng chính nhờ thế tứ thơ chuyển động tự nhiên, không gò bó, gượng ép, và người đọc – không có gì ngần ngại - cảm nhận rất dễ dàng.

 

Tứ thơ hay, tâm tình chân thật, nỗi buồn tưởng đâu chỉ của riêng người Hà Nội, đã lan tỏa đến người Việt yêu quê hương ở mọi miền đất nước và cả ở hải ngoại. Rồi còn cộng thêm lời ước vu vơ rất khéo của nhà thơ khiến nỗi buồn truyền đến người đọc càng da diết, sâu lắng.

 

 

Khuyết Điểm:

 

1/ Trong câu “để ta về soi bóng xuống Hồ Gươm” cụm từ “soi bóng xuống Hồ Gươm” làm câu thơ hơi sượng.

2/ Thể thơ

Đây là thể thơ mới trường thiên (từng đoạn 4 câu). Tứ thơ được chia thành nhiều “tứ nhỏ”, ý nhỏ. Mỗi ý nhỏ được diễn tả, gói ghém trong một đoạn 4 câu. Cái tiện lợi của thể thơ này là thi sĩ có thể thích ý nào, đoạn nào thì viết ngay ý đó, đoạn đó; sau cùng, nếu muốn, có thể thay đổi vị trí của các đoạn để có một bài thơ suôn sẻ, mạch lạc. Thể thơ này có 3 khuyết điểm chính:

a/ Hội chứng nhàm chán vần: Đây là khuyết điểm chung của thơ mới; dù nhất khí, liền mạch hay phân mảnh, đứt đoan, nếu thi sĩ không khéo, và bài thơ hơi dài một tý, đọc lên sẽ ầu ơ, gây cảm giác … chán ngán.

b/ Tứ thơ phân tán: Chọn thể thơ này thi sĩ bắt buộc phải chia cắt tứ thơ chính và giải quyết từng phân mảnh một. Sẽ không có sợi chỉ xuyên suốt để nối các ý nhỏ với nhau. Bài thơ sẽ như một ngôi nhà tiền chế được xe kéo từng phần đến khu đất rồi lắp ghép lại. Sẽ không có dòng sông thơ mà chỉ có những vũng thơ, những ao thơ nằm cạnh nhau.

c/ Cảm xúc, hồn thơ không được tự do tăng tiến: Cứ hết một đoạn 4 câu lại ngừng để nhảy qua một ý khác nên có gom nhặt được tý cảm xúc nào ở ý này thi khi tạm quên nó để nhảy qua ý khác, nó cũng nhạt, cũng nguội hẳn đi.

 

Như đã nói ở trên, đoàn quân chữ nghĩa trong Ta Xa Hà Nội được chia làm 5 đơn vị nhỏ, Đơn vị nào cũng tinh nhuệ nhưng không biết hợp đồng tác chiến vì không có sự chỉ huy thống nhất. Nói thế để thấy thế trận chữ nghĩa của bài thơ lỏng lẻo, tứ thơ phân tán, đoạn nào lo phần vụ của đoạn ấy nên cảm xúc ở tầng 2 không đáng kể.

 

NK đã kín đáo bày tỏ sự buồn giận, thất vọng đối với thành đô ngàn năm văn vật bằng những dẫn chứng điển hình, chính xác, mang cả tính thời sự. Nhưng tại sao ông không đẩy nỗi buồn giận, thất vọng rất chính đáng của mình đi xa hơn nữa, mạnh hơn nữa để tăng giá trị nghệ thuật của bài thơ?

Có lẽ một phần do tuổi tác cao làm cho người ta điềm đạm, chừng mực hơn, không “máu” như đám trẻ, “đã chơi thì chơi tới bến”. Nhưng phần khác do thể thơ không liền mạch, nhất khí nên không có liên tục sóng sau dồn sóng trước để đến cuối bài cảm xúc sẽ như dòng thác đổ ập xuống hồn người đọc. Vì thế cảm xúc ở tầng 3 (hồn thơ) không có.

 

Một nhà “tình dục học” khi viết về những bí quyết để hâm nóng tình yêu, gìn giữ hạnh phúc gia đình đã có lời khuyên:

“Nếu hai người có ý định ‘tò tí’ thì - không phải chờ lúc lên giường mà ngay khi bước vào phòng ngủ – hãy chốt cửa, rút phích khỏi ổ cắm điện thoại bàn và vứt điện thoại tay vào thùng rác.”

Tôi hiểu là nhờ thế sẽ không có tiếng chuông điện thoại làm gián đoạn tiến trình “cùng trèo lên đỉnh Vu Sơn” của hai kẻ yêu nhau. Thi sĩ, nếu đã có tay nghề vững vàng lại biết áp dụng lời khuyên ấy – không phải trên giường ngủ mà trên trang thơ của mình – thì rất dễ sáng tác được những bài thơ “tới bến”.

 

Kết Luận

 

Với tôi, Ta Xa Hà Nội là một bài thơ hay. Như rất nhiều bài thơ cùng loại khác của Nguyễn Khôi, ngôn ngữ sang trọng mà bình dị nên dễ hiểu, dễ cảm, đề tài không cao xa, viển vông mà rất gần gũi, có khi hiển hiện ngay trước mắt mọi người. Tôi không cảm thấy ngạc nhiên khi biết rằng thơ ông được rất nhiều người đọc, từ trí thức thị thành cho đến giới “bình dân học vụ” ở nông thôn.

Tôi rất có cảm tình với nhà thơ lão thành Nguyễn Khôi. Tôi đọc thơ ông khá nhiều từ Văn Đàn Việt và Văn Nghệ Quảng Trị. Một khả năng sử dụng chữ nghĩa điêu luyện như thế, một hồn thơ nhạy cảm, tươi mát, thấm đẫm tình người như thế, nếu tạo được thể thơ nhất khí, liền mạch, tôi tin rằng chúng ta sẽ được đọc những vần thơ còn hay hơn nữa.

 

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

phamnhibinhtho.blogspot.com

 

 

 

 

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền