GÓP PHẦN TÌM HIỂU VỀ

TRẠNG NGUYÊN TRẦN VĂN BẢO 

 

          Trần Văn Bảo là một trong 5 vị Trạng nguyên của tỉnh Nam Định. Ông từng làm quan triều Mạc đến Thượng thư. Học vị Trạng nguyên đã khẳng định Trần Văn Bảo là người học rộng, tài cao, giỏi văn thơ. Nhưng tiếc rằng tài liệu cổ viết về ông hiện còn rất ít, lại quá sơ sài, nhiều chi tiết không thống nhất. Điều này dễ hiểu: vì Trạng nguyên Trần Văn Bảo làm quan triều Mạc, mà triều Mạc lại bị các nhà viết sử thời phong kiến coi là nguỵ triều nên không ghi chép đầy đủ, kỹ càng. Trải hơn 400 năm, các di tích đền thờ, sắc phong về ông bị mai một, thất lạc hầu như không còn gì đáng kể.

          Sinh thời Trạng nguyên Trần Văn Bảo có tiếng về sự nghiệp làm quan và tài văn học vang lừng sang cả Bắc quốc như người đời ca ngợi "Sự nghiệp, văn chương đằng Bắc quốc". Nhưng đáng tiếc là chúng tôi chưa tìm thấy tác phẩm nào của ông còn lại đến ngày nay. 

          Bước đầu nghiên cứu về Trạng nguyên Trần Văn Bảo, chúng tôi chỉ giám hy vọng tập hợp và phân tích tư liệu viết về ông, góp phần tái hiện chân dung xác thực về một danh nhân văn hoá tiêu biểu của tỉnh nhà.

          I - Sơ lược tiểu sử, sự nghiệp của Trạng nguyên Trần Văn Bảo

          Trần Văn Bảo (sau đổi tên là Trần Văn Nghi, có tài liệu chép là Trần Văn Tuyên) sinh năm Giáp thân 1524, mất năm Canh tuất 1610, quê làng Cổ Chử, huyện Giao Thuỷ, trấn Sơn Nam (nay là thôn Dứa, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).

          Theo gia phả họ Trần làng Cổ Chử, cha Trần Văn Bảo là Trần Công, người ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là thôn Tức Mặc, xã Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định). Vào thời Lê, Trần Công di cư xuống làng Cổ Lãm (sau đổi là Cổ Chử), huyện Giao Thuỷ. Trần Công lấy vợ người làng Cổ Chử, sinh được hai người con là Trần Văn Bảo và Trần Văn Hoà. Mồ côi cha từ nhỏ, nhà nghèo, anh em Trần Văn Bảo sống rất khổ cực nhưng vẫn ham học. Thân mẫu hai ông phải tần tảo buôn bán hoa quả ở chợ Lạc Đạo (nay thuộc xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) để lấy tiền nuôi hai con ăn học. Khi hai con vừa đến tuổi trưởng thành thì bà qua đời. Sau khi mẹ mất, gia cảnh Trần Văn Bảo lại càng khốn khó nhưng ông vẫn quyết chí học tập.

          Năm 27 tuổi, Trần Văn Bảo đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Lịch 3(1550) đời Mạc Phúc Nguyên.

          Sau khi đỗ Trạng nguyên, Trần Văn Bảo được bổ làm quan trong triều đình nhà Mạc. Sau này ông đổi tên là Trần Văn Nghi rồi đi sứ nhà Minh (Trung Quốc). Khoảng đầu niên hiệu Diên Thành (1578) triều Mạc Mậu Hợp, Trần Văn Bảo được thăng chức Thượng thư, tước Nghĩa Sơn bá. Đến tháng 7 năm Tân Tị 1581 ông lại được Mạc Mậu Hợp giao chức Lại bộ Thượng thư, cho vào hầu giảng ở toà Kinh Diên.

          Thời kỳ này nhà Mạc suy tàn, kỷ cương lỏng lẻo, xã hội rối ren, quan quân đánh dẹp liên miên, dân tình vô cùng khổ cực. Mạc Mậu Hợp lên ngôi từ khi mới hai tuổi, lớn lên chỉ ham chơi bời rượu chè, gái đẹp, chẳng quan tâm đến chính sự. Các quan đại thần trong triều như: Hộ bộ Thượng thư Giáp Trưng, Thiêm đô Ngự sử Lại Mẫn, Đông các học sĩ Nguyễn Năng Nhuận, các Đô cấp sự trung ở sáu khoa (Nguyễn Phong, Nguyễn Tự Cường, Phạm Như Giao, Nguyễn Ích Trạch, Lê Viết Thảng, Nguyễn Quang Lượng)... liên tiếp dâng sớ lên Mạc Mậu Hợp, chỉ rõ chính sự suy đồi, khuyên răn Mạc Mậu Hợp hãy chăm lo chính sự, nhưng Mạc Mậu Hợp vẫn không thay đổi.

Trước tình hình suy sụp của triều đình và Mạc Mậu Hợp càng ngày càng lao vào ăn chơi sa đoạ, Trần Văn Bảo đã tiên đoán sự diệt vong tất yếu của vương triều Mạc. Ông cảm thấy buồn nản và bất lực, muốn lui về ẩn dật. Trong tờ sớ của các Đô cấp sự trung sáu khoa dâng lên Mạc Mậu Hợp hồi tháng 6 năm Tân Tị 1581 có đoạn viết về Trần Văn Bảo như sau:

          "... Văn thần trọng trách như Nghĩa Sơn bá Trần Văn Nghi, Vịnh Kiều bá Hoàng Sĩ Khải, An Khê bá Mai Công, Đam Xuyên bá Nguyễn Triệt, thì đều giữ vẻ khoan hậu, không cần nghĩ tới việc sâu xa. Bởi thế các liêu thuộc nhân đó mà trễ nải..." (Lê Quý Đôn toàn tập.- H.: Khoa học xã hội, 1978.- T.3.- Tr. 328 - 329).

          Lời nhận xét trên chứng tỏ Trần Văn Bảo đã mang tâm trạng chán nản, không còn ham chức tước, muốn lui về quê làm một xử sĩ.

Ngày mồng 7 tháng 8 năm Tân Tị 1581, Trần Văn Bảo vào triều yết cáo xin về cố hương và dâng sớ từ chức Lại bộ Thượng thư. Đại lược nội dung tờ sớ của ông như sau:

          "Trong khoảng trời với người giao cảm, đều ứng vào cùng loại với nhau, như nhân sự hay thì trời ứng điềm lành, nhân sự dở thì trời ứng điềm dữ.

          Chính sự thời nay, rất nhiều việc hại đạo trái lẽ, không thể kể xiết.

Những tờ sớ của các vị đình thần trước sau đã tâu bày, đều nói thẳng những sự sai lầm, có thể như những liều thuốc hay, rất đáng cứu xét để tu tỉnh. Bệ hạ tuy đã ban chỉ dụ khen ngợi, mà vẫn chưa thấy mở rộng lượng theo lời can gián, như bệ hạ dạy rằng: lời này có thể làm theo, mà sao vẫn chưa thấy thi hành thực sự; như việc nọ đã qua bàn luận rất nên châm chước thi hành, mà sao vẫn không thi hành; như văn bản kia lưu ở trong cung, rất nên truyền ra, mà sao vẫn chưa phát ra... Không biết đó có phải là do ý định của bệ hạ mà tạo ra tình trạng đó hay là hoặc có kẻ làm mờ ám thông minh, lừa dối bệ hạ chăng?

          Những việc như thế, rất trái với đường lối trị nước. Cho nên thể thống triều đình, ngày càng rối loạn, những lời công luận, ngày càng bế tắc. Trong nước không có chính trị hay, cho nên trời ra điềm dữ để cảnh tỉnh, như là sao chổi xuất hiện; núi tự nhiên lở, cùng là nhật thực nguyệt thực. Nay lại phạt bằng trận mưa bão dữ dội ngay tại kinh sư, đó là tai dị rất lớn.

Thời xưa vua Cảnh Công chỉ nói một lời thiện, mà sao chổi phải lui; nước Trịnh vì có chính trị hay, mà khỏi tai hoạ về sau. Đó đều là điểm đã nghiệm về người thắng trời, đức giải hạn, mà cũng đủ làm tấm gương soi tỏ cho ngày nay.

          Kính mong bệ hạ, sợ oai trời, sửa đức mình, ban sắc lệnh cho phụ chính ứng vương phải hết sức tu tỉnh, giúp việc triều đình, để tâm vào việc giữ yên hoàng gia, nằm gai nếm mật, lấy việc diệt quốc thù làm trách nhiệm của mình. Lại cần đòi hỏi các vị đại thần, tin dùng những lời can gián trung thực; cải cách các điều lỗi, sắp đặt hết mọi việc. Như vậy là nhân sự đã hoàn thiện, thì thiên ý tự khắc vãn hồi, và thiên hạ quốc gia sẽ ngày một thịnh vượng thái bình. Nếu không thì thời kỳ bại vong khó tránh được. 

Hạ thần không xứng chức, tự hạch xin miễn chức, và tới trước cửa khuyết để đợi tội, hoặc biếm hoặc truất, kính theo mệnh của bệ hạ". (Hết trích)

          Sau khi xem xong tờ sớ của Trần Văn Bảo, Mạc Mậu Hợp liền ban sắc uý dụ và buộc ông phải nhận chức.

          Ngày 29 tháng giêng năm Nhâm Ngọ 1582, Mạc Mậu Hợp cho dựng ngôi điện giảng học, nhưng kỳ thực là để làm nơi yến tiệc chơi bời. Điện vừa làm xong thì bị hoả hoạn cháy trụi. Nhân sự kiện này, Trần Văn Bảo lại dâng sớ khuyên răn Mạc Mậu Hợp. Sớ rằng:

          "Kinh thư có câu: "Duy cát hung bất tiếm tại nhân, duy thiên giáng tai tường tại đức" (Sự lành dữ xảy ra không lộn, tại người, trời giáng tai ương hay điềm lành, đều bởi đức).

          Nay bệ hạ mới ngự ngôi điện mới dựng, đáng lẽ là lúc bắt đầu ban bố chính sự và giáo hoá, thế mà lại tới đấy để thoả vui yến tiệc, không có đề phòng, đến nỗi ngôi điện bị cháy, việc này không thể đổ cả cho trời được, đó chính là bởi nhân sự xui lên vậy. Nếu người không có sơ hở, thì tai biến đâu có xảy ra. Ý trời răn bảo đã rõ ràng như vậy, chính là lúc bệ hạ nên lo sợ chăm chỉ.

          Kính mong bệ hạ, kính sợ lời răn của trời, nghĩ tới vương đạo, đừng cho lời nói của hạ thần là viển vông.

          Đến như sự sửa sang lại kinh thành, trù hoạch quy củ, dự định dựng ngôi điện, để bệ hạ tới ngự, cũng là một cơ hội trung hưng thứ nhất. Vậy nên mong bệ hạ quyết đoán: giữa mong ứng vương tán trợ; dưới mong tất cả văn võ bá quan hoà mục, để cùng bàn tính kinh doanh, dựng lên một ngôi điện nguy nga giữa trời". (Hết trích)

          Mạc Mậu Hợp xem sớ rồi khen là thiết đáng, nhưng chỉ phán: "Trẫm đang suy nghĩ" và chứng nào vẫn tật ấy.

          Nội dung các tờ sớ của Trần Văn Bảo thật thẳng thắn, chí lý, phân tích rõ nguyên nhân suy tàn của triều Mạc, đồng thời đề ra biện pháp cứu vãn tình thế, khuyên răn Mạc Mậu Hợp phải kịp thời sửa mình và chăm lo chính sự... Hơn 30 năm làm quan dưới triều Mạc, Trần Văn Bảo đã đem hết sức lực, tài năng, trí tuệ giúp cho việc củng cố vương triều Mạc. Thật đáng tiếc là Mạc Mậu Hợp đã không nghe theo những đề xuất của Trần Văn Bảo, để đến nỗi bị nhà Lê tiêu diệt vào năm 1592.

          Tháng 3 năm Nhâm Ngọ 1582, Trần Văn Bảo lại xin từ chức Lại bộ Thượng thư để nhường cho các vị sứ thần vừa đi Trung Quốc về nhưng Mạc Mậu Hợp vẫn không chấp nhận.

          Tháng 11 năm Bính Tuất 1586, Lại bộ Thượng thư Nghĩa Sơn hầu Trần Văn Nghi (tức Trần Văn Bảo, thời gian này ông đã được thăng tước hầu) xin tu sửa Trường quốc học, hai giải vũ ở điện Đại Thành và nghi môn tiền, nghi môn hậu, giảng đường, định lễ nhạc để tỏ rõ sự tôn sư trọng đạo và mở rộng nền văn hoá giáo dục. Mạc Mậu Hợp không theo.

          Sau nhiều lần đề xuất những biện pháp cải thiện nền chính trị không được Mạc Mậu Hợp chấp nhận, khuyên răn vua Mạc sửa mình và chăm lo chính sự mà Mạc Mậu Hợp vẫn để ngoài tai, liên tiếp xin từ chức để về cố hương cũng không được Mạc Mậu Hợp đồng ý, Trần Văn Bảo cảm thấy mình bất lực. Tâm trạng buồn chán của ông ngày càng nặng nề, dần dần mất lòng tin đối với Mạc Mậu Hợp, dẫn đến hành động tất yếu là từ quan đi ẩn dật. Trần Văn Bảo bỏ nhà Mạc nhưng không làm quan cho nhà Lê. Đó là nỗi day dứt với quan điểm "Tôi trung không thờ hai chúa" và cũng chứng tỏ Trần Văn Bảo vẫn mong muốn nhà Mạc làm được những điều tốt đẹp cho dân cho nước.

          Khoảng cuối năm Bính Tuất 1586, Trần Văn Bảo bỏ quan về quê rồi đi ẩn dật ở làng Phù Tải, huyện Bình Lục (nay thuộc xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Tại đây ông mở trường dạy học kiếm sống và đào tạo nhân tài cho đất nước. Học trò theo học rất đông. Thương thày một thân vất vả, sớm khuya không người giúp đỡ, học trò bàn nhau mối manh và xin ông kết duyên cùng bà Đào Thị Phượng, người làng Tiêu Động gần bên. Trần Văn Bảo có một người con với bà Đào Thị Phượng là Trần Ngọc Lâm.

Năm Canh Tuất 1610 Trạng nguyên Trần Văn Bảo qua đời, thọ 87 tuổi. Học trò lập đền thờ ông ở Đông Lân điếm. Dân làng Phù Tải tôn ông làm Đương cảnh phúc thần. Mộ ông hiện còn tại khu Mả Cả (Phượng Hoàng), làng Phù Tải, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông làm quan trải thăng đến tước hầu, sau khi mất được tặng tước Nghĩa Quận công.

          Trần Văn Bảo có ba người con (hai con với bà vợ cả ở Cổ Chử, một con với bà vợ hai ở Phù Tải):

          - Con cả là Trần Đình Huyên, sinh năm Tân Dậu 1561, không rõ năm mất. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất niên hiệu Đoan Thái 1(1586) đời Mạc Mậu Hợp. Sau ông theo về nhà Lê, làm quan đến Công khoa Đô cấp sự trung.

          - Con thứ là Trần Văn Thịnh thi đỗ tứ trường (Hương cống) khoa Mậu Tý 1588, thi hội đỗ tam trường khoa Kỷ Sửu 1589 đời Mạc Mậu Hợp. Ông được Mạc Mậu Hợp gả em gái là Quyền Lộc công chúa cho làm vợ. Theo gia phả họ Trần ở Cổ Chử thì Phò mã Đô uý Trần Văn Thịnh làm quan nhà Mạc đến Thượng thư. Năm Nhâm thìn 1592 nhà Mạc mất, Phò mã Trần Văn Thịnh quyên sinh. Quyền Lộc công chúa cũng tự vẫn theo chồng.

          - Con út là Trần Ngọc Lâm, sau làm quan đến Tri huyện, được phong tới tước hầu, là thuỷ tổ họ Trần làng Phù Tải. Hậu duệ của Trạng nguyên Trần Văn Bảo ở Phù Tải, tính đến năm 1789, có 25 người ra làm quan thì 14 người trúng ngạch võ cử, trong đó có 4 người đỗ Tạo sĩ. Trong số con cháu Trạng nguyên Trần Văn Bảo ra làm quan có 1 người được phong tước bá, 1 người tước tử, 2 người tước nam. 

          II - Một số vấn đề về Trạng nguyên Trần Văn Bảo cần làm rõ:

Như trên đã trình bày, do Trạng nguyên Trần Văn Bảo làm quan với triều Mạc, mà triều Mạc đối với các sử gia thời trước bị coi là nguỵ triều, nên không được ghi chép đầy đủ. Do đó tài liệu viết về Trần Văn Bảo hiện còn rất ít, lại sơ lược và nhiều điều không thống nhất, cần phải làm rõ.

          1- Về người em của Trần Văn Bảo là Trần Văn Hoà có phải đỗ tới Tiến sĩ không?

          Cuốn “Thờ thần ở Việt Nam” (Nxb Hải Phòng, 1996.- T.2) chép anh em Trần Văn Hoà và Trần Văn Bảo cùng đỗ Hương cống khoa Kỷ mùi 1548, lại cùng đỗ đại khoa khoa Canh Tuất 1550 triều Mạc Phúc Nguyên (Trần Văn Bảo đỗ Trạng nguyên, Trần Văn Hoà đỗ Tiến sĩ).

          Khoa Canh Tuất triều Mạc lấy đỗ 26 Tiến sĩ. Các sách đăng khoa lục và lịch sử đều chép đủ cả tên tuổi, quê quán các vị đỗ khoa này. Một người là Trần Vi Nhân (người huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) vì gặp đại tang nên không dự thi Đình, do vậy “Đại Việt sử ký toàn thư” chỉ ghi khoa này lấy đỗ 25 người. Trong số 26 người đỗ khoa này không có Trần Văn Hoà. Tra cứu rộng ra các khoa thi triều Mạc và triều Lê cũng không thấy tên ai là Trần Văn Hoà người Cổ Chử đỗ Tiến sĩ.

          Có thể kết luận Trần Văn Hoà không phải là đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Lịch 3(1550) đời Mạc Phúc Nguyên. Nói Trần Văn Hoà đỗ Tiến sĩ cũng không có cơ sở. Như vậy Trần Văn Hoà có thể chỉ đỗ tới Hương cống thôi. Tuy nhiên nói Trần Văn Hoà đỗ Hương cống khoa Kỷ Mùi 1548 cũng không phải. Năm 1548 là năm Mậu Thân chứ không phải Kỷ Mùi.

          2 - Về dòng dõi Trạng nguyên Trần Văn Bảo

          Hiện có hai thuyết về dòng dõi Trạng nguyên Trần Văn Bảo:

a- Thuyết thứ nhất nói rằng Trần Văn Bảo là con Trần Công, người hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, di cư xuống vùng Cổ Chử, lấy vợ người làng, sinh ra anh em Trần Văn Bảo và Trần Văn Hoà... như đã trình bày ở phần trên, theo Gia phả họ Trần làng Cổ Chử, thần tích thần phả địa phương và một số tác giả thời nay.

          b- Thuyết thứ hai nói Trần Văn Bảo vốn họ Lê, con Lê Minh Triết ở làng Đại Bối, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Lê Minh Triết là một trong 5 vị hổ tướng triều Lê, được phong tước tới Hán Quận công. Năm 1527 Lê Minh Triết mất, Lê Minh Bảo theo mẹ về quê ngoại ở Cổ Chử sinh sống và đổi tên theo họ mẹ là Trần Văn Bảo... Thuyết này theo Gia phả họ Trần ở Phù Tải và các bài nghiên cứu về Trần Văn Bảo của một số tác giả gần đây.

Tra cứu nhiều tài liệu lịch sử, chúng tôi không tìm thấy sách nào nói về 5 vị hổ tướng triều Lê cả. Chẳng lẽ một vị hổ tướng được phong tước tới Quận công mà không một tài liệu nào nhắc đến?

          Tuy nhiên, “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Việt sử thông giám cương mục”, “Đại Việt thông sử” đều nói tới một Lê Minh Triết (Triệt) nổi dậy khởi nghĩa ở vùng Nghệ An, bị Trịnh Duy Sản đánh dẹp, chém đầu vào năm 1512. Rõ ràng Lê Minh Triết này không thể là cha Trần Văn Bảo, người ra đời năm 1524.

          Tìm hiểu cuốn “Gia phả họ Trần ở Phù Tải” thấy có nhiều điều mâu thuẫn, phi lý. Trần Văn Bảo bỏ quan về quê rồi đi ẩn dật với mục đích "mai danh ẩn tích". Có lẽ vì thế các tác giả viết gia phả họ Trần ở Phù Tải sau này đã không biết được gốc tích của Trần Văn Bảo. Họ đã dùng hình thức "phụ đồng giáng bút" để hư cấu những điều họ không biết rõ về Trần Văn Bảo. Một số tác giả nghiên cứu gần đây đã căn cứ vào cuốn gia phả này dựng lại chân dung Trạng nguyên Trần Văn Bảo mà không chọn lọc, phân tích, đối chiếu với tài liệu lịch sử, đã đưa ra thuyết về nguồn gốc Trần Văn Bảo không đúng sự thật này.

          3 - Trần Văn Bảo có phải là Tam nguyên không?

          Một số tác giả viết rằng Trần Văn Bảo đỗ đầu cả ba kỳ thi Hương, Hội, Đình (tức Tam nguyên). Thực ra đỗ Hội nguyên khoa Canh Tuất 1550 triều Mạc là Tiến sĩ Ngô Bật Lượng, người làng Bái Dương, huyện Tây Chân (nay là thôn Bái Dương, xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Các đăng khoa lục còn chép rõ điều này.

          Như vậy, Trần Văn Bảo không phải là Tam nguyên. Ông chỉ là người đỗ Đình nguyên thôi. Trạng nguyên là bậc đỗ Tiến sĩ cao nhất thời phong kiến, cho nên danh hiệu này đã bao hàm danh hiệu Đình nguyên rồi. Khi nói Trạng nguyên thì không cần nói Đình nguyên nữa.

          4 - Trạng nguyên Trần Văn Bảo đi sứ thời gian nào?

          Về việc đi sứ của Trần Văn Bảo, các thư tịch cổ chỉ chép chung chung là: "Sau ông đổi tên là Trần Văn Nghi đi sứ Trung Quốc" hoặc chỉ nói "Ông có đi sứ Trung Quốc".

          Cuốn “Thần tích Việt Nam” (Nxb. Văn hoá thông tin, 1995, sau Nxb. Hải Phòng in lại đổi tên là “Thờ thần ở Việt Nam”), cuốn “Thành hoàng Việt Nam” (Nxb. Văn hoá, 1997) và một số bài viết đăng tạp chí gần đây đều viết Trần Văn Bảo cầm đầu 4 bộ sứ thần nhà Mạc đi sứ Trung Quốc vào năm Canh Thìn 1580 (Lê năm Quang Hưng thứ 3, Mạc năm Diên Thành thứ 3). Sau khi đi sứ về ông lại giữ chức Thượng thư sáu bộ.

          Tra cứu các thư tịch cổ thấy rằng, cuối năm Canh Thìn 1580 nhà Mạc có cử 4 bộ sứ thần đi Trung Quốc. Đoàn đi sứ này mãi đầu năm Nhâm Ngọ 1582 mới về nước. “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Đại Việt thông sử” đều chép đầy đủ danh sách 12 vị sứ thần là : Lương Phùng Thì (Thìn, Thời), Nguyễn Nhân An, Nguyễn Uyên, Nguyễn Khắc Tuy, Trần Đạo Vịnh, Nguyễn Kính, Đỗ Uông, Vũ Cẩn, Nhữ Tống, Lê Đình Tú, Vũ Tính, Vũ Cận (Vũ Hoàng). Rõ ràng không có Trần Văn Bảo (Nghi, Tuyên) trong danh sách sứ thần. Hơn nữa, “Đại Việt thông sử” chép năm Tân Tị 1581 Trần Văn Nghi (tức Trần Văn Bảo) được Mạc Mậu Hợp giao chức Lại bộ Thượng thư nhưng ông đã xin từ chức mà không được Mạc Mậu Hợp đồng ý. Tháng 3 năm Nhâm Ngọ 1582 ông lại xin từ chức Lại bộ Thượng thư để nhường cho các vị sứ thần vừa đi Trung Quốc về. Như vậy Trần Văn Bảo không đi sứ vào thời gian từ năm 1580 đến năm 1582.

          Tháng 10 năm Giáp Thân 1584 nhà Mạc cử Nguyễn Doãn Khâm, Nguyễn Vĩnh Thác (có sách chép là Nguyễn Vĩnh Kỳ), Nguyễn Năng Nhuận, Đặng Hiển, Vũ Sư Thước và Nguyễn Phong (có sách chép là Nguyễn Lễ hoặc Nguyễn Nồng) đi sứ nhà Minh để cống nạp theo thường lệ. Trần Văn Bảo không có tên trong danh sách đi sứ lần này.

          Năm Mậu Thân 1548 có Lê Quang Bí đi sứ Trung Quốc mãi đến năm Bính Dần 1566 mới trở về nước. Nhà Mạc sai Lại bộ Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ Giáp Hải và Đông các hiệu thư Phạm Duy Quyết lên Lạng Sơn đón ông. “Đại Việt thông sử” chép về việc này như sau:

          "Quang Bí đi sứ sang nhà Minh lo việc cống hiến thường niên, từ năm Mậu Thân, niên hiệu Gia Tĩnh thứ 27 (1548), ông đến Nam Ninh, bị nhà Minh ngờ là quan giả mạo, bắt phải chờ để tra xét minh bạch đã, rồi mới cho dâng lễ phẩm. Thế rồi họ gửi văn thư đi tra xét, nhưng chẳng có hồi âm, Quang Bí cứ phải lưu tại sứ quán chờ mệnh lệnh, Phúc Nguyên thì vì lúc ấy trong nước nhiều nạn, bỏ khiếm khuyết việc cống hiến đã mấy năm liền, nên cũng không giám tâu xin. Đến năm Quý Hợi, niên hiệu Gia Tĩnh thứ 42(1563), quan quân Lưỡng Quảng nhà Minh mới sai người đưa Quang Bí tới Bắc Kinh. Nhân dịp đó Phúc Nguyên cũng sai quan hầu mệnh gửi cho Quang Bí 25 lạng bạc để thưởng lạo..." (Hết trích)

          Theo “Đại Việt thông sử” viết trên đây thì từ năm 1550 đến năm 1566 rất ít khả năng nhà Mạc đi sứ Trung Quốc.

          Như vậy có nhiều khả năng Trần Văn Bảo đi sứ Trung Quốc vào khoảng thời gian từ 1567 đến 1578. Nhưng không có tài liệu nào chép về việc đi sứ Trung Quốc của nhà Mạc trong khoảng thời gian này nên chưa xác định được Trần Văn Bảo đi sứ vào năm nào.

          5 - Trần Văn Bảo bỏ quan đi ở ẩn vào năm nào?

          Về năm bỏ quan đi ở ẩn của Trần Văn Bảo, các tài liệu viết về ông không thống nhất, có nhiều điểm mâu thuẫn với lịch sử. Đa số các thư tịch cổ chép Trần Văn Bảo thọ 63 tuổi, hoặc chết năm 63 tuổi. Có sách lại chép ông đi sứ rồi không về. Có lẽ các tác giả không biết rằng năm 63 tuổi Trần Văn Bảo bỏ quan đi ở ẩn nên đã cho là ông chết chăng? Năm 1586 cũng là năm Trần Văn Bảo 63 tuổi, do vậy việc bỏ quan về quê của ông có nhiều khả năng là vào năm này.

          Sách “Thành hoàng Việt Nam” chép Trần Văn Bảo về trí sĩ năm 1592, nhưng lại viết "lúc đó Trạng nguyên đã ngoại tứ tuần" thì thật là vô lý (vì Trần Văn Bảo sinh năm 1524).

          Sách “Thờ thần ở Việt Nam” viết Trần Văn Bảo từ quan năm 1591 và cho biết "năm đó Trạng nguyên 63 tuổi" cũng là không đúng. Nếu Trần Văn Bảo từ quan năm ông 63 tuổi thì năm ông từ quan phải là năm 1586 mới đúng.

          Sách “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn lần cuối cùng nhắc đến Trạng nguyên Trần Văn Bảo vào tháng 11 năm Bính Tuất 1586, sau đó không thấy nói gì về ông nữa. Trong số các quan chức của nhà Mạc ra hàng nhà Lê vào năm 1592 có Lại bộ Thượng thư nhưng không phải là Trần Văn Bảo, mà là Đỗ Uông. Trong số quan chức nhà Mạc ra hàng nhà Lê còn có một người mang tước là Nghĩa Quận công nhưng không rõ tên là gì. Vậy Nghĩa Quận công này có phải là Trần Văn Bảo hay không?

          Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú có chép về Trần Văn Bảo, cho biết ông làm quan "trải thăng đến tước hầu, năm 63 tuổi chết". Sách “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn cũng chép vào thời điểm năm 1581 cho biết tước của Trần Văn Bảo là "Nghĩa Sơn bá", đến năm 1586 lại chép là "Nghĩa Sơn hầu". Điều này cũng khẳng định sinh thời Trần Văn Bảo làm quan trải thăng tới tước hầu. Còn tước Nghĩa Quận công là ông được tặng sau khi mất. Do đó Nghĩa Quận công ra hàng nhà Lê năm 1592 không phải là Trần Văn Bảo.

          Từ những nhận xét trên chúng tôi nghĩ rằng có nhiều khả năng Trạng nguyên Trần Văn Bảo bỏ quan đi ở ẩn vào cuối năm 1586, sau khi ông xin tu sửa trường quốc học và định lễ nhạc để tỏ rõ sự tôn thày trọng đạo mà không được Mạc Mậu Hợp đồng ý. Lúc đó tâm trạng chán nản vì bất lực của ông đã tới đỉnh cao, tất yếu dẫn đến hành động bỏ quan đi ở ẩn.

          Bước đầu tìm hiểu về Trạng nguyên Trần Văn Bảo với tham vọng góp phần dựng lại chân dung ông một cách xác thực, nhưng lực bất tòng tâm, chắc chắn còn nhiều điều phải tìm hiểu kỹ. Mong được bạn đọc lượng thứ và chỉ giáo…

 

Trần Mỹ Giống

 

XIN ĐI TÙ 

 

          Thằng Mãnh là em con dì tôi. Thằng Mãnh trắng, đẹp như cục bột, lại rất ngoan nên họ hàng ai cũng yêu quý. Chú rể tôi là bộ đội cụ Hồ phục viên, mất vì B52 Mỹ khi đang trôi bè trên sông Hồng, hồi năm 1972, chẳng có chế độ gì. Chồng chết, dì tôi dồn hết tình cảm, sức lực vào chăm sóc yêu chiều thằng Mãnh.       

          Tôi đi bộ đội chiến đấu hết trong Nam lại lên biên giới phía Bắc chống quân Trung Quốc xâm lược. Năm 1982 tôi mới được chuyển ngành về quê. Dì tôi khóc bảo:

          - Thằng Mãnh bị bắt đi trại rồi anh ơi. Anh làm sao cứu thằng Mãnh cho dì, không thì nó chết mất...

          Tôi ngạc nhiên:

          - Làm sao đến nông nỗi này hả dì? Thằng Mãnh ngoan ngoãn thế, sao lại bị bắt đi cải tạo? Dì nói đầu đuôi sự việc cho cháu nghe... 

          - Thằng Mãnh vốn ngoan hiền. Nó thương dì vất vả nên bỏ học theo người ta đi đào vàng ở khu Tư. Thỉnh thoảng nó gửi về cho dì chỉ vàng. Dì cũng mừng. Nhưng dì có ngờ đâu... nó lại sinh nghiện hút. Xã truy quét bắt những thanh niên nghiện hút đưa đi trại, họ tóm được thằng Mãnh khi nó đang hút... 

          Tôi an ủi dì:

          - Thôi sự việc đã thế rồi, dì để cháu tính...

          Hai chú em ruột tôi làm trong ngành công an, chạy đôn chạy đáo gần năm trời mới bảo lãnh cho thằng Mãnh được ra trại. Dì tôi xin cho thằng Mãnh đi cai nghiện ở trại cai nghiện tỉnh. Mãnh cai nghiện xong, được chú em rể tôi làm Giám đốc một xi nghiệp bố trí cho làm nhân viên đứng quầy hàng. Được gần năm, Mãnh tiết kiệm mua được cái xe đạp Phượng Hoàng. Tôi mừng thằng Mãnh đã tu trí. Nhưng rồi một hôm người ta báo tin cho tôi rằng thằng Mãnh lại bị công an bắt giam rồi. Tôi xin thăm nó nhưng họ không cho gặp. Thì ra bạn nghiện từ trước luôn bám sát nó, rủ rê, ép buộc nó phải hút lại. Cho đến một đêm, thằng Mãnh để bạn nghiện vào quầy hàng ăn trộm, định sau đó làm hiện trường giả thì bị công an bắt quả tang. Mãnh đi tù ba năm.

          Ra tù, Mãnh về quê. Không có tiền hút hàng ngày, Mãnh bán dần tất cả các thứ gì có trong nhà có thể bán được để hút. Trong nhà không còn gì để bán, Mãnh bắt đầu ăn trộm của hàng xóm... Một lần bắt quả tang Mãnh ăn trộm, chính quyền xã chuyển Mãnh lên công an huyện. Mãnh lại đi tù.

          Ba năm sau Mãnh ra tù. Trông nó gầy, đen, đầu trọc lốc... Tôi khuyên răn nó nên từ bỏ thuốc phiện mà tu trí làm ăn. Nó vâng vâng dạ dạ tỏ ra thực tâm muốn cải tà quy chính.

          Bẵng đi mấy năm, tôi bận công việc không về quê. Một hôm, dì tôi bắt xe khách lên tỉnh. Vừa gặp tôi, dì đã kể trong tiếng nấc:

          - Thằng Mãnh lại đi tù rồi anh ơi!... Khổ thân tôi, kiếp trước tôi phạm tội gì mà trời đày đọa tôi thế này anh ơi...

          Chờ dì nguôi ngoai tôi hỏi:

          - Nó phạm tội gì mà người ta lại bắt nó đi tù?

          Dì tôi bảo:

          - Không! Không ai bắt cả. Tự nó xin đi tù thôi.

          Tôi nhạc nhiên:

          - Tự nó xin đi tù? Sao lạ vậy dì?

          Dì tôi phân trần:

          - Đi tù mấy lần về, nó quyết tâm làm lại cuộc đời. Mấy năm nay nó không ăn trộm cái gì của hàng xóm. Nó xin dì cho tiền để nó nhập trại cai nghiện. Cai nghiện xong, nó về quê mong sống yên ổn làm ăn. Nhưng nó đi xin việc ở đâu người ta cũng không nhận. Dì đã hơn tám mươi tuổi rồi, chẳng có lương, chỉ trông vào 5 miếng ruộng phần trăm thì làm sao nuôi nổi hai mẹ con. Thằng Mãnh sinh ra cáu bẳn, chán đời. Bạn bè rủ rê, nó hút lại. Tháng trước, người ta báo tin cho dì là thằng Mãnh đang bị giam ở huyện. Dì hớt hơ hớt hải lên huyện xin vào thăm nó. Ngươi ta bảo dì:

          - Khi công an đến bắt thì thấy thằng Mãnh đứng trong bốt điện, mồm kêu to: “Ối làng nước ơi! Có thằng ăn trộm công tơ điện đây này...” Hỏi tại sao làm thế, thằng Mãnh bảo: “Để được đi tù. Xin các cán bộ cho em đi tù!”...

          Dì van nó đừng xin đi tù. Nó bảo dì: “Mẹ ơi! Mẹ cứ để con đi tù! Chỉ có đi tù thì con mới có việc làm, mới có miếng ăn, mới được hút, mới có cơ hội được sống...”

          Anh ơi, em nó nói thế, dì chẳng còn biết làm sao. Chẳng lẽ cứ để nó sống mãi đến chết trong tù sao hả anh...

          Bất lực nhìn dì tôi khổ sở, tôi im lặng nghe dì tôi kể lể nỗi buồn khổ như vô tận. Trước mắt tôi, hình ảnh thằng Mãnh trắng đẹp như cục bột cứ chập chờn. Văng vẳng bên tai lời thằng Mãnh xin được đi tù để có cơ hội sống cứ ám ảnh tôi...

          Trần Mỹ Giống

         

 

CÁI GIẺ LAU

      

 

          Nhà văn Trần Quốc Tiến có nhiều bài viết trên báo Văn nghệ và một số báo, tạp chí khác về chủ đề chống tham nhũng rất sắc sảo. Nhân về thăm nhà văn (tại làng Địch Lễ, xã Nam Vân, ngoại thành Nam Định), tôi hỏi ông:

          - Thưa nhà văn Trần Quốc Tiến, đọc các bài viết chống tham nhũng của ông, tôi rất thích vì nó thường ngắn gọn mà súc tích. Nhưng hình như ông chưa chú ý lý giải vì sao cái nạn tham nhũng càng chống lại càng... tham nhũng hơn? Ông có dự định viết về điều này không?

          Trần Quốc Tiến sôi nổi:

          - Có chứ! Ông nghe tôi kể về... cái giẻ lau nhé.

          Nhà văn vừa mời chúng tôi uống trà, vừa hắng giọng kể câu chuyện tưởng như chẳng ăn nhập gì tới câu hỏi của chúng tôi:

          - Một lần, tôi sai thằng cháu nội lau cái bàn viết. Nó lau đi lau lại mà cái bàn vẫn không sạch. Nó bảo tôi: “Ông ơi, cái bàn của ông bẩn quá nên cháu lau mãi mà vẫn không sạch?” Thì ra cu cậu lau bằng cái giẻ lau bẩn. Tôi liền bảo cháu: “Cháu lau mãi mà bàn vẫn bẩn, không phải tại cái bàn bẩn, mà chính là tại cái giẻ lau của cháu bẩn”. Cháu tôi hiểu ra, nó liền thay bằng cái giẻ lau sạch, và tất nhiên là cái bàn cũng được lau sạch.

          Tệ tham nhũng làm bẩn xã hội, cần phải có những cái giẻ sạch để lau đi. Chúng ta chưa ngăn chặn triệt để được tệ tham nhũng là vì chúng ta còn dùng những cái giẻ lau bẩn. Bốn quan thanh tra tỉnh Nam Định bị bắt quả tang nhận hối lộ 40 triệu đồng mà gần đây báo chí phanh phui là những cái giẻ lau bẩn. Còn bao nhiêu cái giẻ lau bẩn hơn mà chúng ta chưa biết hoặc chưa xử lý đến nơi đến chốn?

          Chuyện cái giẻ lau của nhà văn Trần Quốc Tiến thật giản dị và dễ hiểu. Tôi trầm trồ:

          - Chuyện của ông như là chuyện ngụ ngôn hiện đại ấy. Chống tham nhũng trước hết phải chống bẩn cho những cái giẻ lau, phải không ông?

          Trần Quốc Tiến khẳng định:

          - Đúng vậy! Một trong các biện pháp hàng đầu chống tham nhũng là phải lựa chọn kỹ càng và thường xuyên làm trong sạch đội ngũ cán bộ thanh tra, những người được nhà nước trao cho trọng trách làm trong sạch xã hội. Giẻ có sạch thì mới lau sạch được bẩn. Đúng không?

          Tôi chỉ còn biết tán đồng:

          - Đúng thế! 

 

TRẦN MỸ GIỐNG

 


Trần Thị Nhật Tân- Cô Giáo Nhân Hậu

Đ ã có hàng trăm bài viết về nhà văn Trần Thị Nhật Tân trên báo chí. Các tác giả tập trung khai thác về những thăng trầm cuộc đời chị, về những tác phẩm của chị gây nên một hiện tượng văn học như “Dòng xoáy”, “Chân trời”, “Mây trắng”... Nói đến nhà văn Trần Thị Nhật Tân, bạn đọc nghĩ ngay đến điển hình chống tiêu cực và cuộc đời ba lần lấy chồng không thành của chị. Nhưng có một chi tiết, mấy chục năm qua chị dạy học từ thiện môn văn cho các cháu ôn thi đại học, thì chưa nhà báo nào nói đến.

Nhà văn Trần Thị Nhật Tân nguyên là nhà giáo bị “mất dạy” (như lời chị nói) từ sau vụ “Dòng xoáy” của chị ra đời, làm xôn xao dư luận bạn đọc. Những phần tử tiêu cực bị nhà văn phanh phui đã sử dụng cả guồng máy chính quyền, đoàn thể, hất văng chị ra ngoài lề xã hội, đe dọa và đầy ải chị sống trong cảnh không nhà, không công ăn việc làm, lang thang bất định.

Bằng sự kiên trì phấn đấu chị đã vượt lên hoàn cảnh khốn khổ của mình. Năm 1994 chị dành dụm mua được ngôi nhà lá lụp xụp ở xã Lộc Hạ, thành phố Nam Định. Chị dùng ngôi nhà đó làm lớp dạy một số cháu học sinh lớp 12 có hoàn cảnh khó khăn ôn thi đại học, không thu tiền học phí. Chị dạy học từ thiện vì phần thương các cháu nhà nghèo hiếu học, phần để đỡ nhớ nghề thầy của mình. Ngay cả những ngày bị tai biến não, phải nằm liệt giường, chị vẫn dạy văn các cháu ôn thi đại học. Điểm lại các cháu được chị dạy văn, cháu nào cũng đỗ đại học. Nhiều cháu thi đại học, môn văn bị điểm liệt, trượt. Năm sau học chị đã đạt điểm khá giỏi và đỗ đại học.

Việc nhà văn Trần Thị Nhật Tân dạy học ban đầu cũng không được phụ huynh tin tưởng. Có phụ huynh mắng con: “Học lò luyện thi mất mấy chục triệu còn trượt, nữa là học bà không thu tiền thì ăn thua gì...” Nhưng thời gian và kết quả việc dạy ôn thi cho các cháu đã làm những người không tin chị phải thay đổi nhận thức.

Cháu Đàm Thị Bích Ngọc, ở cạnh nhà chị Tân, được nhà văn hướng dẫn đọc các tác phẩm văn trong chương trình lớp 12, đọc “Tuổi thơ dòng xoáy” của nhà văn, cháu đã viết bài “Gửi người gieo hạt giống tâm hồn” được đăng trên báo Pháp luật Việt Nam số 50 ngày 19-2-2012. Cháu vừa tốt nghiệp Bác sĩ điều dưỡng, làm việc tại Hà Nội.

Cháu Trần Xuân Tùng, cùng xóm với nhà văn Nhật Tân, được nhà văn kèm học từ lớp 3 đến lớp 12. Tốt nghiệp đại học loại giỏi năm 2015 nhưng không xin được việc làm. Nghe lời nhà văn Trần Thị Nhật Tân khuyên, cháu đã xin đi lao động ở Nhật. Trước khi đi, cháu ôm chặt nhà văn: “Giờ cháu mới thấy tiếc. Giá cháu nghe lời bà học tiếng Anh cho giỏi thì đâu đến nỗi khổ nhục. Bà cao tuổi, nhưng suy nghĩ của bà lại rất hiện đại, rất trẻ. Sang Nhật, cháu sẽ cố học tiếng Anh, tiếng Nhật thật giỏi bà ạ”.

Năm nào cũng có dăm ba cháu theo học cô giáo Nhật Tân. Cháu nào đã học cô Nhật Tân, điểm thi đại học môn văn cũng đều khá giỏi. Năm học 2010-2011, cháu Trần Thị Oanh là con cô giáo Hải, bạn đồng nghiệp với nhà văn ở trường Trần Quốc Toản ngày chị Tân còn chưa “mất dạy”, được nhà văn hướng dẫn ôn thi môn văn, đã đỗ đại học, môn văn đạt 8,5 điểm. Cháu được cấp học bổng đi Ấn Độ. Mẹ cháu tặng cô Nhật Tân cái xe đạp để cảm ơn.

Năm 2015-2016, cháu Trần Ngọc Ánh cùng tổ dân phố với nhà văn, rủ 5 bạn theo học bà Tân. Kết quả cả 5 cháu đều đỗ đại học. Vở ghi bài giảng của cô giáo Nhật Tân được mấy chục cháu ở trường chuyên Lê Hồng Phong pho to tham khảo. Cháu Trần Ngọc Anh có nguyện vọng theo nghiệp nhà văn như cô giáo Nhật Tân, mơ ước trở thành tác giả kịch bản phim. Chị Tân hướng dẫn cháu viết kịch bản ngắn. Cháu thi năng khiếu đỗ Đại học Điện ảnh. Cháu vừa gọi điện về khoe với cô Nhật Tân: “Bà ơi, cháu được các thầy cô khen là giỏi nhất lớp. Cháu được nhà trường chọn cho đi Sơn La, Mộc Châu quay phim bà ạ.”

Năm vừa qua, nhà văn Nhật Tân dạy 11 cháu lớp 9 ôn thi vào lớp 10. Có cháu tâm sự: “Bố mẹ cháu nghèo, chạy tiền học cho cháu rất vất vả. Mỗi năm học thêm cô giáo mỗi môn hết cả chục triệu bạc... Nhưng cháu học bà thì bố mẹ lại lo cháu không đỗ. Cháu nói với bố mẹ cháu là bà Tân dạy ngắn gọn, dễ hiểu, rất dễ hệ thống kiến thức. Với lại bố mẹ đừng lo. Thi vào cấp 3 thì thầy cô giáo cấp 3 chấm bài thi, chứ cô giáo con có chấm đâu...”  Nhà văn bảo: “Các cháu cố gắng học để đỗ vào cấp 3, nếu các cháu trượt thì chắc chắn bà bị các phụ huynh chửi cho nhức óc”. Khi nghe tin cả 11 cháu đều đỗ, nhà văn Nhật Tân mới thở phào nhẹ nhõm.

Nhà văn Nhật Tân nói với tôi: “Nhờ dạy học từ thiện mà chị khỏi bại liệt đấy. Số là con ông lang gia truyền dốt văn. Nghe tiếng chị dạy văn các cháu đều đỗ, ông lang liền đưa con đến nhà nhờ chị kèm cho môn văn. Khi ấy là năm 2004, chị đang kèm mấy cháu học ôn thi đại học. Thấy chị nằm dạy học, ông lang cắt cho chị 10 thang. Chị uống hết 10 thang thuốc thì bò dậy chống gậy đi lại được. Chị uống liền một năm trời, mỗi ngày một thang, sức khỏe hồi phục, đi lại bình thường. Dạy con ông lang không thu tiền, nhưng chị trả hết tiền thuốc của ông lang. Khi con ông lang đỗ đại học, chị cho cháu tiền để tỏ lòng cảm ơn ông lang chữa cho chị khỏi bại liệt.”

Tôi lặng nhìn nhà văn Trần Thị Nhật Tân mà lòng dâng trào một cảm xúc cảm phục và quý trọng. Nhớ chuyện chị di chúc hiến tặng tài sản nhà đất cho Hội Văn học Nghệ Thuật Nam Định mà không được toại nguyện, tôi lại càng thương chị. Chỉ vì tích cực chống tiêu cực bằng tác phẩm văn học và hành động trọng thực tế, mà chị bị hất văng ra lề cuộc sống. Nhìn người phụ nữ già nua khắc khổ, nổi tiếng “đánh đấm” chống tiêu cực, mấy ai nghĩ nhà văn Nhật Tân lại là người có tấm lòng nhân hậu rất đáng quý trong thời buổi tham nhũng cùng cực như hiện nay. Việc chị lặng lẽ dạy không thu tiền cho các cháu hoàn cảnh khó khăn ôn thi đại học là một minh chứng cho điều tôi nghĩ.

 

Trần Mỹ Giống

 

 

Vỡ Trận

 

Năm 1996, chính quyền cắm mốc quy hoạch làm đường qua xóm văn hóa, cấm tiệt việc cơi nới, xây dựng mới. Các công dân gương mẫu xóm văn hóa kiên nhẫn chịu đựng cảnh mưa ngập cứt trôi vào nhà, hè nóng như lò nung hành hạ... quyết không xây dựng mới, không sửa chữa nâng cấp nhà ở, chấp hành nghiêm lệnh của chính quyền. 

   Đầu năm 2015, chính quyền mời bà con ra phường, báo cáo dự án của thành phố, hứa đền bù công trình trên đất theo giá thị trường, bằng giá xây dựng mới, đất cũng được tính theo giá thị trường thời điểm đền bù. Bà con hoan hỉ, ai nấy háo hức mong mỏi dự án nhanh chóng được thực thi để đổi đời. Gặp ai cũng nghe câu cửa miệng cảm ơn..., cảm ơn...   

   Ban dự án cùng đại diện các hộ bị thu hồi đất chia nhau đến từng nhà kiểm đếm thật chi tiết, từ cái cây cau tí tẹo đến cái giếng đã bị lấp bỏ cũng được kiểm đếm, không bỏ sót cái gì. Không cần đọc kỹ biên bản kiểm đếm, các chủ hộ ký cái rụp, tin tưởng vào tương lai tươi sáng...

     Nhưng tâm trạng phấn khởi mong mỏi đã nhanh chóng chuyển sang ngơ ngác, bất bình, thất vọng khi nhận được bản dự toán tiền đền bù. Hóa ra cái giá thị trường mà ban dự án nói chỉ bằng nửa giá thực tế. Chẳng hạn, nhà mái bằng một tầng được chi trả 2,5 triệu đồng một mét vuông, bằng một nửa giá xây dựng hiện tại. Mỗi mét vuông đất bị thu hồi được đền bù gần 6 triệu đồng, trong khi đó giá thị trường 10 đến 12 triệu đồng mét vuông... Toàn bộ số tiền được đền bù đất và công trình nhà ở trên đất không đủ mua một suất đất tái định cư tương đương với diện tích đất bị thu hồi mà ban dự án bán cho theo giá thị trường. Vậy là cơ nghiệp cả đời tích cóp của hai vợ chồng chủ hộ bỗng nhiên mất trắng. Ông bạn đồng hương nguyên là chiến sĩ đơn vị anh hùng, xuất ngũ làm nghề bán bánh mì dạo, ở nhà tập thể trước năm 1980, không có tiền chạy sổ đỏ, giờ chỉ được đền bù một nửa.  

    Bà con bị thu hồi đất đồng lòng làm đơn kiến nghị lên UBND thành phố, không chấp nhận giá đền bù quá thấp, giá đất bán cho dân lại cao... Ban dự án lại tổ chức họp và hứa chuyển ý kiến bà con lên trên xem xét. Bà con lấy lại hy vọng, nôn nóng chờ phản hồi của chính quyền... Nhưng chưa có hồi âm, đã thấy quyết định đền bù đóng dấu UBND thành phố đỏ chót gửi xuống từng hộ gia đình bị thu hồi đất. Ban dự án mời đại diện từng hộ gia đình lên ký biên bản đền bù theo từng thời điểm khác nhau. Bà con xóm văn hóa lại tổ chức họp khẩn cấp, thề quyết không ký. Ông Lê Đạo Đức hùng hổ tuyên bố:

     - Tôi quyết không chấp nhận giá đền bù vô lý này. Cùng lắm, tôi làm Đoàn Văn Vươn thứ hai...

    Trưa hôm sau, tôi về xóm với tinh thần nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết của hội nghị xóm, không chấp nhận đền bù của ban dự án, thì thấy xóm nháo nhác như ong vỡ tổ. Ông bạn hưu trí cùng ngành văn hóa nói trong nước mắt:

     - Vỡ trận rồi bác ơi!  

   - Sự thể ra sao?

    - Nó tung cò đất đến từng nhà, gạ trả tiền tươi chênh lệch từ 100 triệu đến 130 triệu một suất đất dự án bán cho hộ dân. Ai ký đồng ý chấp nhận giá đền bù của Ban dự án sẽ được chọn mua lô đất đẹp để trao tay giấy tờ cho cò đất, nhận ngay tiền chênh lệch. Ai ký muộn sẽ chỉ còn đất xấu, cò không mua. Bà con bảo nhận tiền tươi chênh lệch bán đất được cả trăm triệu đồng, chả hơn là đấu tranh biết có kết quả không... Vậy là tranh nhau ký...   

   - Ông Lê Đạo Đức thế nào?

   - Ông Đức nhận tiền tươi cò đất trao tay, ký nhận đền bù của Ban dự án rồi...  

Các hộ dân bị thu hồi đất lúc này vẫn nói câu cửa miệng: Cảm ơn... nhưng không phải là cảm ơn... cảm ơn... như mấy hôm trước, mà là cảm ơn cò đất.

Đúng là cái khó bó cái khôn. Ban dự án kinh nghiệm đầy mình, cò đất lại cáo già, cánh dân nghèo thật như đếm không vỡ trận, thua đau mới là lạ!  

Một tháng sau, xóm văn hóa tan hoang những ngôi nhà bị phá dỡ. Gặp mấy bà hôm trước còn luôn mồm cảm ơn cảm huệ cũng đang ngơ ngẩn nhìn nơi ở cũ, tôi hỏi:          

- Sao bây giờ không thấy các bà cảm ơn cảm huệ vậy?          

- Ôi dào... Bây giờ chúng em chẳng cảm ơn cảm huệ thằng nào con nào sất cả! 

 

Trần Mỹ Giống        

Phải Lòng... Bài Thơ “Phải Lòng”


 

Nguyễn Thị Kim Ngân- cô giáo dạy toán Trường THCS Phùng Chí Kiên (Tp. Nam Định) là tác giả có thơ được in trong một số tuyển thơ. Tập Bến đợi của cô do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành cuối năm 2005 được bạn đọc quan tâm tìm đọc.

Ông TM là một bạn đọc lâu năm của thư viện tỉnh Nam Định, năm nay đã ngoài 60 tuổi. Ông rất thích bài thơ Phải lòng của Nguyễn Thị Kim Ngân. Nguyên văn bài thơ như sau:

Sớm nào thả bước trên đê 
Bên anh bỗng thấy say mê tình đời 
Dưới sông thuyền cứ êm trôi 
Trên bờ hai đứa - hai người lang thang 
Cánh cò chấp chới bay ngang 
Mặt trời nghiêng nắng nhuộm vàng mặt sông. 
Cớ sao sông cứ lượn vòng? 
Để con đê - Kẻ phải lòng... lượn theo?

Ông TM cứ đọc đi đọc lại hai câu kết của bài thơ “Cớ sao sông cứ lượn vòng, Để con đê - Kẻ phải lòng... lượn theo?” Rồi ông ngắm kỹ bức hình tác giả - một cô gái xinh như mộng in ở đầu bài thơ, càng ngắm càng mê mẩn. Ông liều gọi điện thoại xin được làm quen với Nguyễn Thị Kim Ngân. Ông như mở cờ trong bụng khi Nguyễn Thị Kim Ngân nhận lời tới thăm và tặng thơ cho ông. Thế rồi chờ mãi không thấy Nguyễn Thị Kim Ngân đến, ông bức bối trút sự oán trách trong lòng bằng bài lục bát có tên là Nỡ nào như sau:

Thơ em thương đến là thương 
Yêu thơ nên phải đánh đường tìm... em. 
Nỡ nào em hẹn rồi quên 
Mặc ai đứng lửa ngồi than... Nỡ nào? 
Tình thơ thánh thiện thanh cao 
Phải chi ong bướm tầm phào mà e? 
Hay là chưa tỉnh cơn mê 
Lượn theo dòng chảy, đê về nơi đâu? 
Một mai sông tới biển sâu 
Còn riêng đê với khối sầu... giống ai.

Ông chưa kịp gửi thơ đi thì Nguyễn Thị Kim Ngân bất ngờ xuất hiện và tặng ông tập thơ vừa xuất bản. Thế là mọi bức bối trong lòng ông tan biến đi. 
Tôi trêu ông:

- Hay là ông phải lòng tác giả bài thơ Phải lòng rồi?

Ông cười thật hiền :

- Đâu có! Mình phải lòng bài thơ Phải lòng đấy chứ!

Một bài thơ nhỏ mà làm xao động tâm hồn ông già ngoài 60 tuổi. Sức truyền cảm của văn học thật mạnh mẽ.

 

Trần Mỹ Giống

 

 

Hoan Hô Quy Hoạch... Treo


 

“Xóm văn hoá” là một xóm nghèo. Gọi là xóm văn hoá nghèo vì hầu hết các hộ dân ở đây là cán bộ ngành văn hoá đương chức hoặc đã nghỉ hưu. Mà lương cán bộ ngành văn hoá làm sao không nghèo được. Năm 1987 ngành văn hoá được tỉnh quan tâm cấp cho khu đầm lầy làm nhà tập thể cho cán bộ, công nhân viên trong ngành để không còn cảnh cán bộ ăn nghỉ tại phòng làm việc của cơ quan. Chủ trương của tỉnh làm nức lòng cán bộ ngành văn hoá. Nhưng cơ quan không có kinh phí xây dựng, thay vì phải làm nhà tập thể, đành chia đất cho từng hộ gia đình tự vượt lập và xây dựng. Khốn nỗi hộ nào cũng nghèo (Có nghèo mới phải bám lấy nhà làm việc mà tá túc chứ), thành ra hẹo hẵng mãi đến ba bốn năm sau mới hình thành xóm nhà cấp bốn.

An cư chưa được bao lâu, năm 1996 nhà nước lại quy hoạch đô thị, hầu hết xóm văn hoá nằm trong diện đất quy hoạch. Cán bộ phòng nhà đất đo đạc, lập biên bản hiện trạng từng hộ để làm cơ sở đền bù khi thành phố thu hồi đất. Cán bộ phường thông báo cho các hộ thuộc diện quy hoạch không được cơi nới, xây dựng thêm để tránh phức tạp cho việc đền bù. Người xóm văn hoá lại háo hức chờ đón ngày thực hiện quy hoạch. Nhà nào cũng gương mẫu chấp hành quy định, không xây dựng gì thêm.

Thế là ai nấy cố chịu đựng cái cảnh trời mưa thì ngập lụt, nhà dột nát, phân rác trôi vào tận phòng ở, trời nắng thì nóng bức, chật chội. Chất lượng sống của dân xóm văn hoá thật ... chẳng văn hoá chút nào.

Nhưng chờ đến mỏi mắt mà không thấy chính quyền thực hiện quy hoạch. Gần mười sáu năm sống cảnh chờ đợi nhà nước thực hiện quy hoạch đã quá sức chịu đựng, các hộ buộc phải làm đơn kiến nghị gửi Hội đồng nhân dân và Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh, song chẳng có hồi âm. Chính quyền địa phương cũng không biết bao giờ trên mới thực hiện quy hoạch.

Bán nhà không được, cải tạo cũng không được, người xóm văn hoá thật bức bối. Chú Lương là thủ trưởng một đơn vị quân đội, được đơn vị và đồng đội ủng hộ vật tư, kinh phí bèn mua đất đô thị mới, xây luôn nhà ba tầng. Hôm ăn mừng nhà mới, chú oang oang tâm sự :

- Bà con hẳn còn nhớ gia đình em ở xóm văn hoá khốn khổ như thế nào. Nhờ cái quy hoạch treo, vợ chồng em mới được đơn vị, bạn bè giúp đỡ mà làm được ngôi nhà cao tầng, tiện nghi đầy đủ. Thật là sung sướng. Em phải hoan hô cái quy hoạch treo!

Nếu được như nhà chú Lương thì tôi cũng phải hoan hô cái quy hoạch... treo. Nhưng còn bao nhiêu gia đình vẫn phải chịu đựng cái khổ do quy hoạch treo gây ra? Nghe nói nhà nước có quy định quy hoạch nào sau ba năm không thực hiện thì phải bỏ. Nhưng ai công bố xoá bỏ cái quy hoạch treo? Dân xóm văn hoá còn phải chịu đựng đến bao giờ tình trạng này?

 

Trần Mỹ Giống


 

 

ĐẤT TRẦN VÀO XUÂN

 

Đò Quan nối nhịp bờ thương

 Đền thiêng chuông điểm ngát hương thỉnh cầu

          Nghiêng mình tưởng nhớ xa sâu

Bảy trăm năm vẫn tươi màu vàng son

          Lời xưa khí phách sóng cồn

Đâu đây tướng sĩ hồn còn âm vang

          Dòng sông cũng nổi sóng tràn

Cuốn trôi quân giặc muôn ngàn đời qua

          Thiên Trường phủ cũ thăng hoa

Lụa vàng khai ấn gần xa hội mừng

          Khí thiêng dân tộc anh hùng

Đi vào trang sử lẫy lừng chiến công

          Đời vui xây đắp non sông

Dân giàu nước mạnh Lạc Hồng ngàn xuân.

 

Trần Mỹ Giống

 

BIA VĂN MIẾU

 

Hàng cây đá mọc sáu trăm năm

Bóng mát say lòng khách đến thăm

Non nước tự hào khu thắng tích

Năm châu ngưỡng mộ điểm kỳ quan

Tuổi tên trăm họ lưu trên đá

Tài trí bao đời vọng thế gian

Nét đẹp ngàn năm ngời sáng mãi

Mặc cho thế cuộc mấy thăng trầm

 

Trần Mỹ Giống

 

THẮP SÁNG ĐƯỜNG TU

 

Gửi lại cà sa khoác chiến bào

Đường tu vận nước buổi binh đao

Theo đoàn vệ quốc đi trừ giặc

Chẳng sợ gian lao đổ máu đào

Chuông giục cờ bay lễ xuất quân

Tăng ni Phật tử khắp xa gần

Bụi trần đã dũ còn vương vấn

Bởi trái tim hồng đất Vạn Xuân

Trận đánh vừa qua lại nhớ chùa

Nhớ ngày xuống tóc mở đường tu

Thôi đành bỏ dở trang kinh Phật

Đi trả thù nhà dựng chiến khu

Chín năm chinh chiến đã đi qua

Người dở việc quân, kẻ lại nhà

Người mãi ra đi trong chiến trận

Người về cửa Phật niệm di đà

Chuyện nơi cửa Phật đất quê tôi

Hai bảy nhà sư trọng nghĩa đời

Cởi áo cà sa đi cứu nước

Ngàn năm danh pháp nét son tươi.

......................

Tháng 2 – 1947 tại chùa Cổ Lễ (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) đã diễn ra lễ xuất quân tiễn 27 nhà sư đi bộ đội chống Pháp, hưởng ứng "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

VÔ ĐỀ

 

          Nửa đêm thức giấc ngỡ mình mơ

          Một khoảng trời vuông đẹp sững sờ

          Dát bạc không gian vầng trăng tỏ

          Lung linh nền sẫm giọt sao mờ

          Thiên nhiên cảnh sắc nên tranh vẽ

          Cuộc sống muôn màu dệt ý thơ

          Lúng liếng hằng nga trong đáy chén

          Rượu tình chửa uống đã ngất ngơ.

 

Trần Mỹ Giống

 

 

 

ĐÊM YÊN DŨNG

 

Trên trời cao

          một ngôi sao

          nhấp nháy

          như

          ánh mắt

          người yêu ta

          thuở ấy

          hẹn chờ nhau

          xao xuyến

          buổi ban đầu.

 

Đồi bạch đàn

          Gió lao xao trong lá

          ái êm niềm tâm sự ngàn xưa.

          Đất cựa mình bồi hồi nhịp thở

          Ấm hơi người luống bắp, bãi dưa.

 

          Gió tạm biệt đồi cây

          Lá theo ngừng tâm sự.

          Đất say nồng giấc ngủ từ lâu.

          Trên trời cao

          giọt sao

          không ngủ.

          Vẫn nhấp nháy

          nhìn

          vẫn đợi chờ

          chung thủy.

 

Trần Mỹ Giống

 

 

LẶNG

 

Đi giữa phố phường người xe nêm cối, sao tôi vẫn cô đơn?

          Những bản mặt vừa trì trệ, vừa thừa tinh lực, gây cảm giác buồn nôn.

          Cuộc mặc cả giữa tên cơ hội với kẻ có chức quyền làm lòng tôi nhức nhối.

          Tái tê nhớ đồng đội một thời máu lửa ai mất ai còn?

          Ai đó rót vào tai lời mật ngọt nỉ non, lôi kéo vào những cuộc sát phạt tranh chức quyền bất tận.

          Nuốt vào lòng cơn giận, nghìn con trùng gậm nhấm trái tim tôi.

          Ngước lên cao mây xám vật vờ trôi gieo nỗi buồn mênh mang không bờ bến.

          Buồn vì đêm chưa qua, 

          Buồn vì bình minh chưa đến

          Mà đời người thì ngắn chẳng tày gang.

          Nhìn thẳng vào chân lý vĩnh hằng:

          Một ngày sống là một ngày đến gần cái chết

          Chợt bàng hoàng hối tiếc: tháng năm qua ta sống chửa hết mình.

          Cái nâng tầm ta lên là lòng vị tha, bao dung, nhân hậu

          Cái biến ta thành kẻ thấp hèn là tính đố kỵ, hẹp hòi, thù hận.

          Dẫu có buồn, có giận

          Vẫn mong ngày đón ánh bình minh. 

 

                                                  Thành Nam 12 – 2005

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền