Lời Bình Ngắn "Tập 2 " (Lời Bình 17) Nhà Thơ Phạm Đức Nhì

 

Nhà Thơ Phạm Đức Nhì

 

logo thi ca1


 

 

 LỜI BÌNH NGẮN TẬP 2

 

 Lời Nói Đầu

 

1/ Bài Hát Đi Tìm Chúa Tôi

 

2/ Bài Thơ Có Câu Thơ Nội Gián

 

3/ Ai Yêu Ai Say Đắm?

 

4/ Câu Đối Về Chữ Hiếu

 

5/ Chăn Trâu Đốt Lửa: Bài Thơ Có Ý Tứ Rất Hay

 

6/ Hai Phong Cách Bình Thơ

 

7/ Một Cách Diễn Đạt Khác Về Tứ Thơ

 

8/ So Sánh Chăn Trâu Đốt Lửa Và Sông Lấp

 

9/ Sự Chờ Đợi

 

10/ Vị Trí Của Thơ Đường Luật

 

 

 

Lời Nói Đầu

 

Đây là những Lời Bình Ngắn, đứng riêng rẽ, nhắm vào một câu, một đoạn, một ý thơ riêng biệt. Đôi khi cũng bàn đến một điểm nhỏ (rất nhỏ) liên quan đến Thơ nói chung. Lời Bình Ngắn cũng có khi được trích từ một bài bình thơ hoặc một bài tiểu luận bàn về Lý Thuyết Thơ. Mục đích của việc “cắt nhỏ” như vậy là để “vừa miếng” cho những người mới làm quen với thơ, đang bước đầu tìm hiểu cách thưởng thức một bài thơ, đang tìm cách trả lời câu hỏi “Thế nào là một câu, một đoạn, một bài thơ hay?” Và “Thế nào là một câu, một đoạn, một bài thơ dở?” Một đôi khi cũng có Lời Bình Ngắn hơi “dài”. Lý do: người viết muốn bàn sâu về một điểm đặc biệt nào đó của lý thuyết thơ hay một tiêu chí quan trọng để thẩm định giá trị nghệ thuật của bài thơ.

 


Xin nhắc các bạn trẻ - đối tượng chính của những bài viết như thế này – nên luôn để mắt vào Cái Đẹp Tổng Thể Của Bài Thơ. Có những câu thơ đứng riêng một góc trời thì rất hay, rất tuyệt. Nhưng khi đưa vào bài thơ thì lại không hợp, có khi còn trở thành vật cản đối với dòng chảy của tứ thơ. Nhận biết được một câu thơ, đoạn thơ hay là một bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, phải đặt câu thơ , đoạn thơ đó vào khung cảnh bài thơ, cân nhắc, xem xét những tiêu chí khác - đặc biệt là dòng chảy của tứ thơ, hơi thơ và hồn thơ - để sau cùng đi đến kết luận chung cuộc, có tính tổng hợp về giá trị nghệ thuật của bài thơ.

 

 1/ BÀI HÁT ĐI TÌM CHÚA TÔI

Mỗi năm cứ đến giữa tháng 12 là các đài truyền thanh, truyền hình Việt ngữ, các nhà thờ, các Mall, các trung tâm sinh hoạt của người Việt lại rầm rộ phát nhạc Giáng Sinh. Tôi chú ý đến bản nhạc Đi Tìm Chúa Tôi vì có 2 câu đầu, theo tôi, tác giả viết hơi vội, hơi ẩu hoặc vô ý.

Này một hài nhi vừa sinh ra đời 
Hãy đến mau kính dâng lạy người 

Tại sao thấy hài nhi sinh ra đời lại phải đến dâng lạy? Như thế thì (chỉ riêng ở Houston) một ngày phải lạy biết bao nhiêu hài nhi? Nếu hai câu ấy nằm ở giữa bài thì không nói làm gì. Thính giả ít nhất cũng đã được dẫn dắt vào khung cảnh ngày lễ và hiểu được là hài nhi được nói đến chính là Chúa Hài Đồng. Đàng này chưa biết ất giáp gì đã bị hối thúc đi lạy hài nhi. Những người không phải là tín đồ Thiên Chúa Giáo sẽ thấy ngỡ ngàng, gai gai khó chịu. Mà ngay đối với con dân Chúa cũng thấy chướng; một bài hát về đạo mà vô ý đến độ gây phản cảm. Tác giả đã dựa vào tâm cảnh của mình mà viết, đã không quan tâm nên không có sự hiệp thông với khán thính giả. Chức năng truyền thông của bản nhạc (ở đoạn này) thất bại.

 

 2/ BÀI THƠ CÓ CÂU THƠ NỘI GIÁN

Chăn Trâu Đốt Lửa

Chăn trâu đốt lửa trên đồng
Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều
Mải mê đuổi một con diều
Củ khoai nướng để cả chiều thành tro. 

Trong bài Lục Bát Và Chăn Trâu Đốt Lửa ông Nguyễn Lâm Cúc đã viết: 
Khung cảnh trong bài thơ là cánh đồng miền Bắc, nơi mà dù vụ gặt vừa mới xong rạ rơm cũng không còn lại bao nhiêu, vì suốt cả một vùng đồng bằng dọc theo châu thổ sông Hồng, người nông dân quí rạ không khác gì sản phẩm khác. Họ tận thu rơm rạ để làm thức ăn cho trâu, bò; để đun nấu, để làm vách đất nữa. Vì vậy, cánh đồng sau vụ gặt mùa Đông chỉ còn rất nhiều gió và cái lạnh thấu xương.
http://nguyenlamcuc.vnweblogs.com/print/2509/129996 

Trong bài “Chăn Trâu Đốt Lửa”: Sâu Sắc Một Triết Lý Nhân Sinh nhà phê bình Đức Thọ cũng đề cập đến sự hiếm hoi của rơm rạ sau vụ gặt Đông:
Câu thơ thứ hai nhà thơ khẳng định “Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều”. Đúng vậy, trong mùa hanh heo mà đã gió đông thì khi thổi cháy bao nhiêu rơm rạ cho vừa. 
http://lucbat.com/news.php?id=3470 

Trong đầu tôi tức khắc hiện ra câu hỏi: Trong hoàn cảnh đó làm sao có đủ than lửa để củ khoai cháy thành tro được? 
Tôi có điện thoại hỏi một ông chú họ xa ở ngoại thành Hà Nội thì được cho biết: “Nếu chịu khó kiếm cành khô, củi mục ở nơi khác gom lại thì với chút ít rơm rạ còn sót ở cánh đồng cũng có thể tạo được “bếp lửa” để nướng khoai nhưng phải chăm chút, che chắn cẩn thận, chứ như thi sĩ của chúng ta “Mải mê đuổi một con diều” thì chỉ chốc lát là rơm rạ đã bay tung tóe, lửa tắt, củ khoai chưa chắc đã chín chứ làm gì có cái cảnh “Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.” Mà dù - cứ cho là với cái tài “gầy bếp” đặc biệt của trẻ chăn trâu - củ khoai nướng đã thực sự thành tro thì câu thơ “Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều” cũng đã “đi ngược đường” với tứ thơ. 

Trong quân đội đôi khi có những người lính “vô tích sự”, cháu của ông Bộ Trưởng này, con của ông Tổng Cục kia, có mặt ở Bộ Chỉ Huy, Bộ Tư Lệnh chỉ để làm vì, để bảo vệ “chữ Thọ”, để khỏi phải lao vào chỗ sống chết nơi trận địa. Khi đụng chuyện chẳng những không giúp ích được gì cho đơn vị mà có khi còn vướng chân, vướng tay những người lính khác trong việc hoàn thành nhiệm vụ của họ. Đặc biệt hơn, còn có những người lính làm nội gián cho địch để cản trở, để phá hoại việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Trong thơ, tôi đã gặp khá nhiều những câu thơ “vô tích sự”. Có lẽ tôi sẽ đề cập đến những câu thơ “thừa” này vào một dịp khác. Riêng trường hợp Chăn Trâu Đốt Lửa thì “Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều” chính là câu thơ nội gián. Không những nó không giúp làm tăng độ khả tín, sức thuyết phục của tứ thơ mà ngược lại, đã trở thành một chướng ngại vật ngăn cản hành trình qua đó độc giả tiếp cận tứ thơ để rồi đi đến chỗ đồng cảm với tác giả. 
Phạm Đức Nhì 
nhidpham@gmail.com

 

 

3/ AI YÊU AI SAY ĐẮM?

Qua bài Lạm Bàn Thêm Về Tranh Luận Việc Bình Thơ của Châu Thạch viết để tham dự cuộc bàn cãi vui xung quanh bài thơ Trăng Lên của Lưu Trọng Lư tôi thấy anh với tôi đồng ý với nhau ở nhiều chỗ nhưng có một khác biệt khá quan trọng trong việc hiểu ý nghĩa của bài thơ. Nhận định của anh như sau: 


Nếu “Trăng lên” là lời của cô gái thì nhất định là cô ta đã công nhận chàng lọt vào mắt xanh của mình như Phạm Đức Nhì đã nói. Ngược lại, “Trăng lên” là lời của người nam thỉ rõ ràng người nam chỉ muốn bày tỏ “sự say đắm si mê của chàng” như Nguyễn Khôi đã viết, vì chuyện người nam chỉ nhìn vào mắt cô gái mà khẳng định cô ta đã yêu mình say đắm thì thật ra quá hấp tấp …

 


Khi viết những dòng chữ này anh Châu Thạch đã dựa vào một “nguyên tắc” mà nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã có lần phát biểu: 
… Vì nhà thơ nhìn bằng con mắt của người đầu tiên. Đó là những hình ảnh mới tinh, chưa có vết nhòa của thói quen, không bị dập khuôn vào những ý niệm trừu tượng định trước. Mượn câu nói của một nhà văn Pháp, nhà thơ bao giờ cũng là ngôi thứ nhất.

 


Bởi vậy, nếu từ 2 câu thơ:

 


Mắt em là một dòng sông 
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em.

 


mà hiểu là “nàng đã yêu ta đắm say” (như PĐN) thì theo Châu Thạch, coi chừng bị … sai. Lý lẽ của anh xem chừng quá vững; độ chính xác ít nhất cũng phải 99,9%.

 


Nguyên tắc “nhà thơ bao giờ cũng là ngôi thứ nhất” có mục đích kêu gọi thi sĩ bày tỏ chân thật cảm xúc của chính mình, không dùng thơ để thương vay khóc mướn, nói hoặc đoán mò tâm trạng của người khác. Nhưng nguyên tắc này lại có ngoại lệ. Một trong những ngoại lệ được một vài thi sĩ áp dụng liên quan đến đội mắt. “Mắt là cửa sổ linh hồn”. Đặc biệt khi cảm xúc dâng cao, tâm trạng con người càng thể hiện rõ nét qua khung cửa sổ ấy. “Nhìn đôi mắt, đặt tâm trạng” (dĩ nhiên là tâm trạng của người khác), trong thơ vẫn có thể chấp nhận được. Mà đâu cần phải “bốn mắt nhìn nhau, nhìn thật lâu” mới cảm được tâm trạng; chỉ cần một cái liếc thoáng qua là cũng có thể “thấy” được khá chính xác.

 


Chúng ta thử đọc 2 câu thơ của Thâm Tâm trong Tống Biệt Hành:

 

 
Bóng chiều không thắm không vàng vọt 
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong.

 


Ta biết người buồn lắm vì nhìn mắt người như chứa cả bóng hoàng hôn. Đây là lời nói của người đưa tiễn nhưng lại là tâm trạng của người ra đi. Thâm Tâm đã không chịu nghe lời khuyên của nhà văn Pháp nào đó - làm thơ ở ngôi thứ nhất - nhưng câu thơ của ông vẫn được xếp vào những câu thơ hay nhất trong khung cảnh tiễn biệt. Đó là vì ông đã cho người đưa tiễn “nhìn đôi mắt, đặt tâm trạng” của người ra đi. Người ra đi thì buồn như thế, còn người đưa tiễn có buồn không? Chắc chắn là có buồn, nhưng độ sâu đậm của nỗi buồn ra sao thì 2 câu thơ trên không nói đến vì đó không phải là chủ đích của tác giả mà chỉ là “phản ứng phụ tất yếu” của tứ thơ. Chính vì thế trước đó tác giả vì cũng muốn nói đến tâm trạng của người đưa tiễn đã phải viết riêng 2 câu thơ khác, ở ngôi thứ nhất:

 


Đưa người ta không đưa qua sông 
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

 


Và đây cũng là 2 câu thơ trác tuyệt. 
Bây giờ trở lại 2 câu thơ của Lưu Trọng Lư:

 


Mắt em là một dòng sông 
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em.

 


Chàng có cần nhìn vào mắt nàng thật kỹ, thật lâu mới có thể biết được nàng đang nhìn mình say đắm? Cũng giống như Tống Biệt Hành, câu trả lời là không. Chỉ cần một thoáng nhìn, có khi chỉ nửa giây, chiếc máy ảnh của thi sĩ có thể khắc họa được, chụp được tấm hình có đầy đủ chi tiết của bài thơ: vầng trăng, mái tóc, cảnh thu vắng lặng, mắt em … đủ cả. 
Tấm hình sẽ được lưu trữ trong bộ nhớ. Những vần thơ sẽ không tuôn ra ngay lúc ấy mà thường phải một lúc sau, vài tiếng sau, vài ngày sau, có khi nhiều năm sau khi có hoàn cảnh gợi hứng tấm hình mới hiện ra để thi sĩ làm thơ.

 


Cách hiểu như anh Châu Thạch “Lời của người nào thì là tâm trạng của người đó” trong thơ ca sẽ đúng với tuyệt đại đa số trường hợp. Nhưng, giống như 2 câu “bóng chiều … mắt trong” của Tống Biệt Hành, đây là ngoại lệ “nhìn đôi mắt, đặt tâm trạng”. Theo câu cuối của bài thơ thì cô gái đang thu hút cả bóng hình chàng trai vào đôi mắt - như một dòng sông - của mình, “cho phép” chàng được bơi lặng trong dòng sông ấy, nghĩa là nàng đang nhìn chàng say đắm. (1) Nếu theo đúng mạch suy luận – thì trong khung cảnh nên thơ đó - độc giả sẽ nhận ra là “nàng đã yêu chàng”. Theo tôi, suy luận để đi đến kết luận như thế là rất hợp lý, không có gì là hấp tấp cả. Còn nếu có người đặt câu hỏi “Thế chàng có yêu nàng không?” thì câu trả lời sẽ là “Dĩ nhiên! Ít nhiều gì cũng có. Nhưng đó không phải là chủ đích của tác giả mà chỉ là ‘phản ứng phụ tất yếu’ của tứ thơ”. Bằng chứng là chàng đâu có đặt hết tâm hồn vào “đối tượng” như nàng mà còn để ý đến nhiều thứ khác, nào là vầng trăng, mái tóc, cảnh thu vắng lặng, hương thu thơm nồng rồi mới đến mắt em. Nếu tác giả cũng muốn nói đến tình cảm của mình với cô gái thì – cũng giống như trong Tống Biệt Hành – ông sẽ viết riêng mấy câu khác.

 


Dẫu sao cũng cám ơn anh Châu Thạch. Trên sân chơi thi ca, đặc biệt là bình thơ, khác biệt ý kiến là chuyện bình thường. Điều đáng nói, đáng nhớ là phong cách của người bước vào cuộc chơi. Nhắc đến Châu Thạch, Nguyễn Khôi, ngoài những bài thơ đậm tình người, những bài bình luận sắc sảo, người đọc chắc sẽ không quên thái độ lịch thiệp, hòa nhã của hai vị trong đối thoại văn chương. Được thỉnh thoảng “bàn ra tán vào” với hai vị, Phạm Đức Nhì tôi thấy thơ ca thật đáng yêu và đời cũng thật đáng sống. 
04/2016 
Phạm Đức Nhì 
nhidpham@gmail.com

 

 
Chú thích: 
1/ Thuyền Ta Bơi Lặng Trong Dòng Mắt Em, Phạm Đức Nhì, 
t-van.net

 

 

 

 4/ CÂU ĐỐI VỀ CHỮ HIẾU

 

Hôm nọ lên Austin thăm một anh bạn tù. Gia đình nề nếp, gia giáo, con cháu đối với ông bà, cha mẹ và với khách rất mực kính trọng, lễ phép. Ở một chỗ khá trang trọng trên tường có đôi câu đối:

 

Vế 1: Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ.

 

Vế 2: Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.

 

Ý nghĩa của câu đối hiện ra ngay trước mắt: tình mẹ công cha thật vô cùng to lớn, không sao đo lường được.

 

Về nhà chép lại chuyển cho một người bạn già vẫn còn mẹ để trước là, chia sẻ mấy câu văn hay, sau nữa gọi là “nhắc nhở nhau” về lòng hiếu thảo với cha mẹ. Email gởi xong thì khoảng 20 phút sau đã thấy chuông reng. Ra mở cửa thì ông bạn già đã đứng sờ sờ trước mặt. Chưa kịp bắt tay chào hỏi hắn đã vào đề ngay:

 

-          Ai gởi cho ông câu đối đó vậy?

 

Tôi kể cho hắn nghe xuất xứ của câu đối. Nghe xong hắn bảo tôi:

 

-          Ông gọi lên Austin coi có phải anh bạn tù của ông viết ra câu đối đó hay ai tặng anh ta?

 

Tôi gọi điện thoại cho anh bạn tù thì được trả lời:

 

-          Người ta khắc lên tre, lên gỗ bán ở cửa hàng Mỹ Nghệ, thấy hay hay thì mình mua về treo chơi.

 

Đến lượt tôi hỏi anh bạn:

 

-          Câu đối có gì rắc rối đâu mà sao điều tra kỹ vậy cha?

 

-          Từ từ để tôi phân tích cho ông nghe nhé. Vế 2 thì thật rõ ràng: mây trời lồng lộng (rất lớn, rất rộng) cũng không thể phủ kín công cha. “Công Cha” ở đây được hình tượng hóa thành một vật có kích thước, diện tích rất lớn, mây trời to rộng cỡ nào cũng không thể phủ kín được.

 

Điểm mà tôi thấy lấn cấn, khúc mắc nằm ở vế 1: nước biển mênh mông (nhiều lắm) mà cũng không thể đong đầy tình mẹ. “Tình Mẹ” ở đây cũng được hình tượng hóa thành một cái hố có sức chứa rất lớn, nhưng cái hố rất lớn, rất sâu, trên miệng cắm một tấm bảng vĩ đại “Tình Mẹ” đó lại “trống rỗng” đến độ nước biển mênh mông cũng không thể đổ đầy. Nói thẳng ra thì theo vế 1 của câu đối “Tình Mẹ” chỉ là cái hố trống rỗng, không chứa đựng cái gì trong đó hết.

 

Tới đây hắn ngước mắt hỏi tôi:

 

-          “Ông thấy chưa?”

 

-          “Thấy rồi”, tôi trả lời

 

-          “Thấy cái gì?”

 

-          “Thì thấy là ở vế 1 “Tình Mẹ” chỉ là con “số không” to tướng, trong khi ở vế 2 “Công Cha” vô cùng rộng lớn. Câu đối trở nên mất cân bằng, không chỉnh.  

 

-          Còn thấy gì nữa không?

 

-          Câu đối này mấy tay còn mẹ như ông đọc thì chắc là “tức cành hông” chứ gì!

 

-          Không tức mới là lạ! Nhưng trường hợp này có lẽ chẳng ai có ý chơi khăm ai đâu. Chắc là con cháu ông đồ nho nào đó kẹt tiền viết mấy câu đối để “kinh doanh” nhưng không lường hết được uy lực của chữ nghĩa. Mẹ kiếp! Làm mình tốn mấy Gallons (1) xăng. 

 

Chú thích:

 

1/ Đơn vị đo dung tích tương đương với 3,7854 lít

 

Tuần cuối tháng 5/ 2016

 

Phạm Đức Nhì

 

 

 

nhidpham@gmail.com

 

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền