20-Trao Đổi Với Ông Hà Định Văn (Lời Bình) Nhà Thơ Phạm Đức Nhì (USA)

 

 

 

Nhà Thơ Phạm Đức Nhì

 

logo thi ca1

 

TRAO ĐỔI VỚI ÔNG HÀ ĐỊNH VĂN

 

Lời nói đầu:

Trong thời gian viết lời bình cho Ba Bài Thơ Phản Kháng tôi có trao đổi emails với một độc giả là ông Hà Định Văn. Sau khi 3 bài viết hoàn thành, đọc lại emails thấy những điều chúng tôi trao đổi có liên quan đến Thơ, đặc biệt là bài Nhìn Từ Xa … Tổ Quốc của Nguyễn Duy nên theo tôi, có thể xem là một cuộc đối thoại văn học nho nhỏ. Được sự đồng ý của ông Hà Định Văn xin được chia sẻ với bạn đọc để rộng đường dư luận.(Phần in đậm là theo ý của ông Hà Định Văn)

 

1/

Kính gửi Nhà Phê Bình Văn Học Phạm Đức Nhì.

Thưa ông, tôi một người đã khá lớn tuổi (U 60) quê gốc Việt Trì – Phú Thọ hiện đang sống ở Cam Ranh – Khánh Hòa. Lâu nay, tôi vẫn thường đọc các bài phê bình của ông trên các trang mạng. Những bài viết của ông dù ngắn hay dài đều giúp tôi có thêm những nhận thức mới về giá trị đích thực của một tác phẩm văn học. Vì vậy, nếu có thể và không có gì phiền, tôi rất mong được ông gửi cho tôi theo địa chỉ email này, tuyển tập những bài lý luận, phê bình của ông về văn học trong nước, hải ngoại và quốc tế. Xin trân trọng cảm ơn ông. Kính chúc ông những ngày cuối tuần có nhiều niềm vui.

Kính thư. Hà Định Văn.

 

2/

Thưa ông Hà Định Văn,

Cám ơn ông đã quan tâm đến những bài viết của tôi. Tôi bình thơ với mục đích đem kiến thức và khả năng cảm nhận thơ ca của mình truyền cho lớp trẻ VN. Mỗi bài bình thơ, dù ngắn hay dài, đều chứa một "điểm gì đó" giúp người đọc nâng cao trình độ của mình khi thưởng thức thơ hoặc làm thơ. Ông nhận ra điều đó tức là công việc của tôi đã phần nào thành công.

Tôi mới lập một trang web chuyên về bình thơ phamnhibinhtho.blogspot.com

Một số kha khá những bài bình thơ của tôi được đăng ở đó. Trang web tổ chức còn luộm thuộm vì tôi bận tra cứu viết bài. Mời ông Hà Định Văn vào thăm.

Phạm Đức Nhì

3/

 Thưa ông Phạm Đức Nhì,

Tối qua tôi đã vào được trang Web của ông, lần lượt đọc tất cả các bài, và tôi rất thích. Tôi thấy thật tiếc là bây giờ tôi mới được biết và được đọc những bài lý luận phê bình sắc sảo, khách quan, kiến thức sâu rộng, ý tứ uyên thâm của ông. Ở trong nước tôi chỉ đọc các ông : Lại Nguyên Ân; Hoàng Ngọc Hiến; Đặng Văn Sinh; Nguyễn Chính; Phạm Xuân Nguyên và một vài người khác thôi. Sau 1975 được đọc các tác phẩm văn học (thơ, văn...) của các tác giả phía Nam, tôi mới thấy những điều tôi đọc trước đây đúng là thứ văn nghệ nô bộc, cùng đám văn nô, bồi bút của đám "cuốc doanh" thật là thảm hại. Một lần nữa xin được cảm ơn ông. Tôi sẽ thường xuyên vào trang Web của ông để học hỏi.

Kính chào ông.

Hà Định Văn.

 

4/

Chào ông Hà Định Văn,

Cám ơn ông đã có thiện cảm với cách viết của tôi. Tôi bình thơ không hoa mỹ, đao to búa lớn như những nhà phê bình "lớn" khác. Đối tượng tôi hướng đến là lớp trẻ Việt Nam. Tôi thực hiện trang web cũng là hướng đến họ. Tôi cũng làm thơ nên cũng đem kinh nghiệm của mình vào phê bình.

Những Tiêu Chí để thẩm định giá trị nghệ thuật một bài thơ tôi tổng hợp từ các trang web văn học ở VN và hải ngoại. Thêm vào đó tôi có một nhóm "thầy và bạn văn chương" người Mỹ giúp ý kiến nên những bài bình của tôi có thể chưa Hay nhưng không đến nỗi sai lạc. Mà nếu có sai lạc tôi sẽ nhận lỗi và sửa chữa.

Chúc ông vui khỏe

Phạm Đức Nhì

 

5/

Kính Gởi Nhà thơ, Nhà Phê Bình Văn Học Phạm Đức Nhì,

Thưa Nhà thơ, Nhà Phê Bình Văn Học Phạm Đức Nhì.

Hôm nay vào Blog Phamducnhi đọc bài phê bình của ông “Nhìn Từ Xa … Tổ Quốc - Nỗi Đau Quặn Thắt Của Một Người Việt Yêu Nước”, tôi thấy hay quá. Hồi đầu năm nay, tôi đã đọc trên trang Vanviet bài của Chu Văn Sơn (1) bình bài thơ này, tôi đã lập tức gửi cho BBT của VanViet mấy dòng như sau :

Kg BBT.

Xin trân trọng cảm ơn BBT đã đưa toàn bài thơ “Nhìn Từ Xa … Tổ Quốc” và cả đoạn băng Nhà thơ Nguyễn Duy trực tiếp đọc bài thơ này của mình. Lâu nay tôi vào trang VanViet đọc các trang mà tôi yêu thích: thơ, truyện ngắn, lý luận phê bình, với tâm thế các tác phẩm được BBT sử dụng phải khác hẳn với những tác phẩm từng được đưa trên các báo, tạp chí v.v… của Hội nhà văn VN. Vì vậy, với tinh thần nói thẳng, nói thật, rất mong được BBT chuyển một ý kiến ngắn sau của tôi đến tác giả Chu Văn Sơn.

Thưa ông Chu Văn Sơn. Tôi, thuộc thế hệ bạn đọc được “hưởng thụ” hầu như gần hết đời dòng văn học gọi là “cách mạng VN”. Thế hệ tôi, thế hệ sau chúng tôi, rồi cả thế hệ người đọc tiếp sau nữa đã bị đầu độc bời dòng văn học đó. Và, trong cái sự đầu độc khốn nạn này có sự đóng góp phải nói là rất tích cực bởi những nhà lý luận phê bình bồi bút, nô bộc hướng thượng như: Phan Cự Đệ; Hà Minh Đức, v.v… Những năm gần đây còn có cả loại bút nô cơ hội, như Nguyễn Hòa, Chu Giang,  Nguyễn Văn Lưu, Đông La… nữa. Chính họ, đã góp phần làm hỏng cả một nền văn học.

Sau khi đọc rất kỹ bài “Nhìn Từ Xa … Tổ Quốc - Tiếng Thơ Quằn Quại Bi Hùng” của ông, tôi đã có ý kiến gửi BBT như sau : “Tôi rất yêu thơ Nguyễn Duy. Tôi đã có hẳn một sưu tập những bài thơ tôi thích nhất của nhà thơ này. Hôm nay vào VanViet , thấy có bài phê bình của tác giả Chu Văn Sơn là tôi đọc ngay. Nhưng thật tiếc, bài viết quá dài mà chỉ toàn chữ nghĩa "nhà trường" thôi, nên tác giả đã "bình" không ra cái "nhân", cái "cốt" của bài thơ. Tôi cố đọc, mong có được một đoạn bình "trúng", nhưng đã thất vọng. Tác giả lấy cái tựa là: "NHÌN TỪ XA… TỔ QUỐC - TIẾNG THƠ QUẰN QUẠI BI HÙNG", nhưng lại vòng vo chữ nghĩa, nên người đọc như tôi không bị thuyết phục bởi hiệu ứng từ bài phê bình. Trong khi tôi đọc riêng cả bài thơ thì cảm nhận có được từ tư duy, ngôn ngữ và thông điệp của bài thơ thật khác với bài phê bình”.

Thưa ông Chu Văn Sơn. Chắc ông cũng biết với một người phê bình có tài, có tâm thì không thể có kiểu phê bình hời hợt, nửa vời, vô bổ như vậy. Tôi nghĩ, chắc chắn “trường phái lý luận phê bình quan phương, hướng thượng kiểu Phan Cự Đệ - Hà Minh Đức” v.v… đã, đang và sẽ không thể còn có chỗ trong lòng thế hệ người đọc hiện nay. Cách đây hơn ¼ thế kỷ, sự truy vấn trách nhiệm về căn nguyên, cội nguồn cái ác, cái lưu manh, cái khốn nạn đã tàn phá nhân dân này, đất nước này của bài thơ “ Nhìn Từ Xa … Tổ Quốc” , đến nay (2015) vẫn nóng bỏng tính thời sự. Đó mới là cốt lõi của thông điệp mà nhà thơ muốn gửi đến người đọc. Bình không ra cái thông điệp đó là thất bại của nhà phê bình đấy, thưa ông . Nhân ngày đầu năm, có mấy lời mạo muội gửi tới ông.

Trân trọng! Hà Định Văn.

Xin cảm ơn ông Phạm Đức Nhì về bài phê bình sâu sắc rất thuyết phục này. Kính chúc ông thật nhiều sức khỏe, ngày cuối tuần có nhiều niềm vui.

Kính thư. Hà Định Văn.

dinhvan213@gmail.com

 

6/

Chào ông Hà Định Văn

Không biết đâu là Họ, đâu là Tên - nếu sai, mong lượng thứ.

Cám ơn ông đã đọc bài Bình Thơ mà tôi đã bỏ vào khá nhiêu công sức.

Tôi đã viết Lời Bình cho 3 bài thơ phản kháng. Đang viết một bài Tổng Hợp để So Sánh. Nếu ông không phản đối, có thê tôi sẽ trích một phần (hay toàn thể) thư ông vừa gởi cho tôi để đưa vào bài viết trên. Coi như đây là lời xin phép.

Nhân tiện gởi ông Lời Bình của 2 bài thơ phản kháng khác.

Chúc ông vui khỏe.

Phạm Đức Nhì

 

7/

Kg Nhà Thơ, Nhà Phê Bình Văn Học Phạm Đức Nhì.

Chiều nay tôi đã đọc xong lần thứ hai chùm 3 bài phê bình của ông: Bánh Vẽ – Tạ Lỗi Trường Sơn – Nhìn Từ Xa … Tổ Quốc.

Thật là quá hay, quá sâu sắc. Rất cảm ơn ông. Trong email trước, với tư cách một người đọc, tôi có nêu một số ý kiến cá nhân về bài của ông Chu Văn Sơn bình bài thơ  Nhìn Từ Xa … Tổ Quốc trên VanViet, nếu thấy có chút ít gì chia sẻ được cùng bạn đọc, ông cứ tùy nghi sử dụng.

Trân trọng kính chào ông.

Kính thư Hà Định Văn.

 

8/

Thưa ông Hà Định Văn,

Bài viết tổng hợp của tôi chưa xong nhưng tôi đã góp nhặt thư từ trao đổi của ông và tôi thành một "bài" với cái tựa Trao Đổi Với Ông Hà Định Văn. Tôi có bỏ một vài đoạn không cần thiết.

Tôi gởi đến ông đọc thử. Nếu ông cho phép tôi sẽ phổ biến bài viết coi như một cuộc đối thoại văn học nho nhỏ.

Mong tin ông,

Phạm Đức Nhì

 

9/

Nhà Thơ , Nhà Phê Bình Phạm Đức Nhì kính mến.

Cảm ơn ông đã gửi cho tôi đọc lại các ý kiến nhỏ mà chúng ta đã trao đổi và đã được ông "góp nhặt" như ông nói là một cuộc "đối thoại văn học nho nhỏ". Vâng! Xin ông cứ đưa lên trang Web để bạn đọc cùng tham khảo.

Kính thư

Hà Định Văn.

dinhvan213@gmail.com

 

Chú Thích:

1/ Tiến Sĩ Văn Chương, tác giả bài viết Nhìn Từ Xa … Tổ Quốc - Tiếng Thơ Quằn Quại Bi Hùng. Độc giả có thể đọc bài viết ấy qua link:

https://ngominhblog.wordpress.com/2015/02/26/nhin-tu-xa-to-quoc-tieng-tho-quan-quai-bi-hung/

 

 

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền