Nhật Ký Của Người Quả Phụ (Truyện Ngắn) Nhà Văn Võ Công Liêm (Canada)

 

                                         

 

 

Nhà Văn Võ Công Liêm

 

 

 

TRANH VẼ: ‘Người Tình / The Lovers’ Khổ 12” X 16” Trên giấy cứng. Acrylics. vcl#1192016.

 

 

                                             NHẬT KÝ Của NGƯỜI QUẢ PHỤ

                           

 

 Một trong những trang nhật ký có đoạn ghi như sau: ‘Ngày… tháng…năm . Hôm nay đi dự lễ hội với  chị Thu và Vân; mình có cảm giác như ai nhìn trộm, bỗng nhiên rùng mình, định thần để xem chừng thì lúc ấy chị Thu vội vã kéo tay về hướng khác, thành ra không biết có ai dòm ngó mình; dòm từ trên ngực xuống dưới chân coi có sơ hở không nhưng cảm thấy e lệ. Nín thinh cho tới khi về nhà’. Sau bữa cơm tối  đem tâm tình kể cho Dung người bạn học trọ trong nhà. Dung lớn hơn Diễm một vài tuổi nhưng kinh nghiệm lứa đôi đầy đầu. -Ồ! Gái thì hoa, trai thì bướm, không bướm thì ong, có hương sắc thì hay ‘đánh   hơi’ mình phải để ý có thứ bướm qúy, ong mật ong đường. Lường được hay không là do mình. Dung nói. Diễm nhận ra lời nói của Dung chân tình và tế nhị; nhưng tiếc không nhận ai đã nhìn, già hay trẻ, đẹp hay  xấu. Nàng vội xóa suy nghĩ đó và không màng phải để tâm. Ngại ở sự nghiêm khắc của cha mẹ từ khi bước tới ngưỡng cửa mười tám, Diễm không còn nuông chiều như thuở xưa mà hay bị quở trách. Bây giờ  ở tuổi hai mươi lại càng thận trọng hơn. Nàng úp mặt vào gối, giấc ngủ đến bất thình lình, chỉ còn nghe nhịp thở thì thào. Nếu có ai trộm nhìn khi nàng ngủ thì toàn thân Diễm toát ra sự thèm khát, vuốt ve. Lại một hôm ra phố; bắt gặp chàng trai tiến lại gần nhoẻn nụ cười thân mật rồi vụt qua nhanh. Hắn tầm cở trung bình, không mập, không gầy cũng chẳng là điển trai nhưng phong cách nghệ sĩ lãng mạn. -Có phải người đã trộm nhìn hôm ở lễ hội? Diễm nghĩ vậy. Trong lòng nàng thoáng một chút mây hồng của mùa xuân; đôi má ửng đỏ tợ như hoa chớm nở. Diễm tự hào ở chính mình qua lời nhận xét của Dung. Trong trí nàng mang mang một hình ảnh lý tưởng mộng mơ. Nhưng rồi lại ghét cái nhoẻn cười cợt nhả đó. Và; hắn là ai? Thì tại sao mình lại miên man. Hay có điềm gì sẽ xẩy đến về sau. Nàng cảm thấy như bị trấn áp. Ra khỏi cổng trường vôi tím vào một chiều cuối xuân, hàng cây hai bên đường ngơ ngáo nhìn nhau, chờ gió đưa nhụy để kết hoa đơm trái, lòng đường rộn tiếng người và xe làm lảng đi sự chú ý khác. Diễm đứng chờ xe. Bên kia công viên dường như cái bản mặt chàng thanh niên hôm nọ nhoẻn cười ‘vô duyên’ nhìn chăm chú vào Diễm. Nàng sợ cái nhìn cú vọ nhưng lại thích được người khác nhìn vẻ đẹp của mình. Lần này hắn không cười, cúi nhìn tỏ ra chào rồi lên xe phóng đi xa…Và; từ đó về sau trở nên gần gũi hơn. Đọc thư chàng gởi nàng có cảm giác bồi hồi, nức lòng, quyến rũ lạ thường. Lời thư như mật rót vào tai. Những tình thư được Diễm cất giữ làm kỷ vật. Những lần hẹn hò âu yếm sắc son, là một lần nhớ đời. Tình yêu hai đứa mỗi ngày mỗi thấm đậm, vang tiếng trong chỗ bạn bè và thân ruột. Trang cuối nhật ký Diễm ghi: ‘sợ một ngày nào bọn mình chia xa. Cha mẹ tuồng như biết điều này nhưng chưa nói. Mình lo quá…’

    

   Thức xô cửa bước vào sau giờ tan tầm. Mẹ Thức chong đèn chờ con về để cùng ăn. Bà Liễu độc nhất có mình Thức. Sau khi phát hiện người tình mang bầu; sợ tai tiếng mà bỏ xứ ra đi không biết lên mạn ngược hay vô bưng biền. Từ đó mẹ quá con côi, và; Thức không bao giờ biết cha mình là ai. Chỉ biết là Trần Trí. Nghe lời mẹ kể. Thấy con vui, bà Liễu vui lây, nở nụ cười hoan hỉ hỏi Thức đôi điều. Sau bữa cơm tối Thức kể cho mẹ nghe mình đã để mắt con gái nhà ‘mệ’ Tôn Lân. Nàng tên Diễm. Bà Liễu chỉ ừ một tiếng  nghe lạc giọng, bởi bà hiểu gia thế họ Trần chọi với Tôn Thất hoàng phái thì không xứng đôi, vừa lứa, một bên kình ngư, một bên chằng-hiu thời ngó sao được. -Thời nay đâu phải như mẹ nghĩ. Thức nói. Bà Liễu suy nghĩ về phẩm trật, giai cấp. Thức thì suy tư theo lối Tây phương ‘tình yêu không biên giới’. Nhưng thương con, hiểu bụng con nhất là tuổi hai mươi bốn, hai lăm như ngựa đứt dây cương, lộng và hung hản.Nhưng không có Thức thì cảnh nhà thêm khốn đốn cho nên mặc cho ông Tạo xoay vần. Trao đổi không lâu, Thức phóng xe vào cõi đêm. Từ nhà lên phố cũng mất mươi lăm phút. Trời len lén lạnh bởi mây đen kéo tới muốn mưa. -Không biết Diễm đã đến chưa? Thức thầm nghĩ. Tăng tốc độ người và xe như kẻ điê lao vào bụi gió để kịp gặp người tình. Có lẽ; trong đầu Thức có dự mưu gì với tình yêu… Bà Liễu biết con như biết ý người yêu cũ; đầy sức sống trong yêu đương; Thức ít nhiều ảnh hưởng cha. Tuy nhiên tánh tình Thức cởi mở, nhiệt tình và quyết tâm. Mẹ Thức là người dễ cảm hóa trước cuộc đời và cho rằng con người đi theo với vận mệnh khó mà lường được. Bà Liễu mong Thức đạt nguyện vọng để tới hôn nhân, bất luận là thứ dân nào, miễn là được gần gũi bên nhau là giấc mơ mẹ con bà.

                       

       Năm 1972 tình thế miền Trung không ổn, phần khí hậu nắng mưa bất thường, gió Lào tuôn về nhiều khi ruộng đồng khô như hạn hán, đất đai nứt từng mảng lớn, trâu bò ngáp gió, dân cư mỗi lúc mỗi thưa dần, chuyện buôn bán làm ăn có đôi phần ảnh hưởng. Gia đình ‘mệ’ muốn dời vô Nam đễ sinh nhai và đưa lũ con có hướng đi lên. Mùa hè năm ấy là một quyết định dứt khoát. Mệ bán nhà và đồ đạt để xuôi Nam. Diễm buồn chán và bất đồng ý kiến với cha mẹ. -Chắc con còn mê thằng Thức mà quên việc nhà hay răng? Bà mẹ nói. Nàng chưa tỏ điều này cho Thức.Trong nhật ký viết về người tình: ‘Ngày…tháng…năm. Mình sợ người ta khám phá sự vụng trộm ngày đêm với Thức; chỉ ngoài da thôi mà đã thấy rúng động; nơi chàng như có ma lực thu hút từ thể xác đến tinh thần. Chàng lại thích khám phá nhiều thứ trong người mình, nhưng lấy tay chận kịp. Nghĩ lui mà thương anh. Không biết nay mai xuôi Nam chắc anh buồn muốn chết…’ Đút sách vào ngăn kéo, nước mắt ứa ra chảy dài lên má. Còn ít hôm nửa là đoạn tuyệt, là chia xa và khó mà gặp lại nhau. Cả hai đau khổ vô cùng. Diễm tắt đèn lăn lên giường ngủ.Thức ẩn mình một góc khuất ở sân ga. Trời cuối thu mây bạc kéo ngang đầu, cây cỏ úa màu và trụi lá. Hành khách chờ tàu trong nét cô liêu, xa vắng. Những nụ cười héo hắt đưa tiễn. Con chim sẻ đến gần bên chân Thức, đang tìm kiếm hạt thừa để ăn; như mình tìm chút thừa cho biệt ly. Tiếng còi tàu réo lên. Thức đau nhói. Diễm đi bên cạnh cha mẹ và em. Gương mặt nàng buồn vời vợi, dớn mắt tìm xem người yêu. Nhận ra Thức với nét mặt âu sầu, vẫy tay chào theo gió và thả cho con tàu chạy tung khói vào cõi xa mù.

 

    Chưa sắp xếp nơi đất mới. Diễm đổ bệnh. Nằm liệt giường bất động, biếng ăn và thần sắc bạc nhược. Cha mẹ nàng lo lắng. Nhớ ra; Sinh con trai giáo Cử học trường thuốc trong này, thỉnh cầu người y sĩ trẻ chửa trị. Sinh tận tình giúp đở Diễm. Dưới cơn bệnh Diễm có nét đẹp cách riêng vừa thu hút vừa quyến rũ. Sinh đem lòng nghĩ đến. Vén áo bệnh nhân lên khỏi tầm ngực -Rà ống nghe quanh người Diễm. Thở mạnh! thở mạnh. Sinh nói. Đôi vú vỗ theo nhịp thở mà nhấp nhô. Y sĩ Sinh liếc mắt nhìn thoáng như những bệnh nhân khác, nhưng với bệnh nhân này là một đòi hỏi. Sinh trao đổi bệnh lý với mệ Lân. Cả hai tỏ ra nồng nhiệt. -Tôi sẽ ghé thăm một hai ngày sau khi uống thuốc. Sinh nói. Ra về mà hình ảnh Diễm còn vướng trong đầu. Diễm lim dim đôi mắt, mơ màng không biết có phải nghĩ về Thức hay ngại ngùng phơi đôi vú trước mặt vị y sĩ trẻ; có dáng đa tình và phong cách tao nhã của người trí thức. Bên ngoài; trời xuống thấp, đèn đường đã tỏ. Tiếng động bên ngoài thu nhỏ lại. Nàng lặng người ghi chép nỗi nhớ vào nhật ký. Hai ngày sau y sĩ Sinh đến thăm bệnh. Lần này y sĩ không khám kỹ như lần trước mà vấn đáp để thăm dò bệnh trạng. Sinh ăn vận lịch sự (trước mặt bệnh nhân) khác chi đi dự họp. Nói cười nhiều hơn khám, trong lúc nàng còn lừ đừ. Dạ thưa bằng mắt. Ngẫu nhiên đó cho Sinh nhận ra Diễm có một nhan sắc khác đời. Không bao lâu; Sinh chinh phục được vợ chồng mệ Tôn Lân với nhiều hứa hẹn. -Bác sĩ Sinh muốn xin cưới con. Cha mẹ hài lòng ở chỗ thân tình quan hệ từ xưa, với lại gia thế người ta của dư, của để; lại là con nhà có học. Đẹp cả đôi bên. Mẹ Diễm nói. Nàng nhắm mắt nghĩ đến Thức đang mỏi mòn mong đợi. Và; về sau không nhận thư của Thức gởi qua trung gian của Dung. Diễm ngạc nhiên điều này. Tháng ngày qua vì nghĩa quên tình, xa mặt cách lòng. Thỉnh thoảng nàng đọc thư cũ của người tình mà ôm lòng đau. Thời gian phôi pha. -Không biết giờ này Thức ra sao? Diễm nghĩ đến người tình cũ mà lòng quặn đau.

 

     Nay nàng đã ngoài bốn lăm, tóc điểm sương. Sinh khoẻ và yêu đời, giao du nhiều nơi với bạn bè, đâm ra ăn chơi chè chén. Sinh thường vắng nhà (điều động công tác hay lý do khác). Diễm không thắc mắc mà yêu chồng hơn. Về sau Diễm khám phá ra Sinh đã có con ngoại hôn với một phụ nữ miền quê. Diễm buồn và coi như phản bội. Nhưng vì tình thương gia đình mà xem đó là tai nạn bất ngờ. Sinh cảm thấy xấu hổ vì đã dối lòng vợ con. Ông cho đây là vết sẹo khó liền da. Và; thường ngồi một mình ủ rũ ngoài hiên nhà.

 

    Thức không lấy vợ từ ngày đó cho tới về sau, dù bà Liễu đã dùng mọi cách gán ép. Những người con gái đến từ chỗ của mẹ chỉ là cuộc chơi, mượn cảnh để nhớ người. Hoàn toàn không phải là người tình. Đoạn trường đó đã đi qua bốn thập niên.Thức vẫn còn ‘độc thân vui tính’. Diễm và Sinh nay đã có cháu. Sau cái chết của mẹ. Thức xuôi Nam lập lại cuộc đời ở tuổi xế chiều. Trong một chung cư đông người, kiếm sống qua ngày nhưng thanh thản và xa dần nhân thế. Vợ chồng Sinh đã hồi hưu, sống ở miền xa trong một căn biệt thự rộng lớn, bốn bề hoa trái xanh tươi. Sức khoẻ Sinh mỗi ngày mỗi mỏi mòn. Đi đứng bằng gậy cầm tay. Những ngày còn lại là chuỗi hạnh phúc dài, quên hết chỉ còn sự sống là cần thiết bên nhau. Diễm trước sau vẫn là hiền thê đối với Sinh. Thỉnh thoảng mở nhật ký ra xem và đưa tay sờ vào tấm hình xưa nơi mà Thức và Diễm đã lưu dấu. Cuối trang nhật ký có viết: ‘ngày…tháng…năm. Có lẽ định mệnh buộc chúng mình chỉ yêu nhưng không được lấy nhau. Hay cứ cho đó là huyền thoại của tình yêu…’ Đôi mắt Diễm nhắm lại, mơ màng. Không nghe động tĩnh ngoài hàng hiên. Ông Sinh đứng tim chết tự lúc nào. Ôm chồng trong tay, tóc đổ xuống mặt khóc rũ rượi. Người ta tiễn đưa ông Sinh qua một cái đám tang lớn. Đứng ở góc xa có một người đàn ông già mang kính râm tay cầm dù đen. Nhìn ra vẻ hối tiếc cho thân phận con người. Tất cả là phù du chả để lại gì ngoài tấm lòng chân của con người. Sau đám tang. Người đàn ông già râu tóc bạc xóa, đeo kính trắng dáng run rẩy, yếu đuối đứng nhìn vào mặt bà Sinh. Đôi mắt ông như ứa lệ. Cả hai choáng váng sau bốn mươi năm xa cách, họ nhận ra nhau. Từ đó có những cuộc hẹn hò nối tiếp ở tuổi gần thất thập. -Anh muốn gì? Vợ Sinh nói. -Tôi muốn gì? Tôi muốn nắm tay với người tình cũ. Ông già nói. Căn nhà ngoại ô tối đen chỉ còn nghe tiếng côn trùng đờn ca xướng hát bên ngoài. Đêm phẳng lặng dưới vòm trời đầy trăng sao. Một hạnh phúc tìm thấy. ./.

                       

 

                        VÕ CÔNG LIÊM (ca.ab. yyc. Trăng tháng 9/2016).

                       

 

                        

 

                        

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền