TĐ 11 TR- Nhớ Xuân Xưa (Truyện Ngắn) Thủy Điền (GER)

 

 

Truyện Ngắn: Thủy Điền

 

 

Nhớ Xuân Xưa

 

Lâu rồi, khoảng ba chục năm hơn tôi mới được nhìn lại cái chồi bán dưa hấu mà ngày xưa mẹ tôi và những người bán hàng khác hay thường dựng cái chồi để bán dưa hấu vào những ngày cận tết trước Đình thần Tân Hiệp.

  

   Cách đây ít năm, vào đầu tháng 9, tôi có về thăm quê một lần. Trên đoạn đường từ phi trường Tân sơn nhất về nhà, phải chạy ngang qua tỉnh Long an. Khi xe vừa tới ngã ba Thủ thừa bỗng dưng tôi thấy hai bên dọc theo lộ chính có lố nhố mấy chồi bán dưa hấu giống hệt như chồi dưa của mẹ tôi ngày xưa. Nhưng gì ngày thường nên ít khách, chủ yếu họ bán cho những người vãng lai qua đường, còn mẹ tôi ngày xưa vì thời điểm tết nên rất đông khách.

  

   Vừa nhìn thấy thoáng qua những chồi ấy, tự nhiên đầu tôi nghĩ ngay những ngày sắp tết. Vì xưa nay là như vậy, chỉ có tết mới có dưa hấu, ngày thường làm sao có. Lòng thấy rất vui như mùa xuân đang đến, nhưng tiếc thay, bây giờ mới chỉ là tháng chín thôi, trời thì lúc nắng, lúc mưa nên tôi bắt đầu trầm lại và tự hỏi? Dưa hấu có thể trồng được bốn mùa, có cái là ngon hay không ngon mà thôi, mà tại sao ngày xưa người ta chỉ trồng vào những tháng gần tết, để khi tết đến là có dưa hấu bán, chưng , ăn ngay.

  

   Thật sự giờ nầy 57 tuổi đầu tôi cũng không có hỏi và rõ tại sao là như vậy. Nói thì nói, nhưng nhiều đêm tôi cũng suy nghĩ, có lẽ là Văn hóa của dân tộc ta là như thế nên bỏ qua luôn.

  

    Nhớ hồi ấy cũng khá vui, cứ mỗi lần tết đến khoảng 20 tháng chạp là ai ai cũng mướn chủ chợ một chỗ để dựng cái chồi lớn, nhỏ tùy theo sức kinh doanh của mình và dưới nền chồi trải đầy rơm, khi dựng xong, người ta bắt đầu bồ hàng từ tỉnh về và bán lẻ lại cho bà con trong rất vui và ngoạn mục. Vì xứ tôi xưa nay chẳng có ai trồng dưa hấu cả. Thuở ấy tôi thì còn nhỏ chẳng bán buôn gì, chỉ đứng sớ rớ coi chừng hàng và chờ mẹ sai vặt, khuân cho bà nầy, ông nọ năm quả, ba quả lên xe đi về xa. Thật sự mà nói, sao mà họ mua rất đông và mẹ tôi bán là rất đắc. Một ngày bà bán 1/3 túi xách đệm tiền, trong thật ham.

  

    Có một năm gần giải phóng, giặc giả rầm rầm, thế mà họ vẫn bán. Năm ấy vì ảnh hưởng chiến tranh, sự đi lại người dân rất dè dặt, các chồi dưa hấu bị ế rất nặng, mở cửa từ ngày 20 tháng chạp cho đến 28 tháng chạp mà hàng vẫn còn y. Mọi người thất vọng, buồn bã, sự lổ lả sắp đến nơi, năm mới chắc không mấy gì vui vẻ. Riêng mẹ tôi thì khác, bà vẫn hy vọng đến ngày ba mươi, bà bảo chẳng lẻ tết ai mà để bàn thờ trống không, thiếu vắng. Thật đúng, ngày 30 là ngày cuối cùng của năm không riêng gì mẹ tôi và những người khác cũng thế, bán sạch sành sanh, đến nổi những quả dưa bọng ruột tưởng vất đi, thế mà người ta đều mua tất và hết hàng sớm hơn mọi năm. Mẹ tôi bảo nếu còn một chồi nữa chắc họ cũng mua luôn vì hôm nay là ngày chót.

  

     Qua bao nhiêu điều kể trên, ta cũng đủ chứng minh rằng quả dưa hấu luôn đóng một vai trò quan trọng trong ngày tết. Tuy không rõ hết ý nghĩa của nó như thế nào, nhưng nhà nào cũng đều cần đến nó đề chưng lên bàn thờ cúng tổ tiên và thậm chí có người mua nhiều hơn dùng vào việc tặng biếu mang sự may mắn đến cho cha mẹ và người thân nữa.

 

     Và, bây giờ thì lại khác, vì nhu cầu cuộc sống, dù ngày tết vẫn còn giữa nguyên những phong tục ấy. nhưng vì ngày thường, ngày nào ta cũng thấy và cũng được thưởng thức quả dưa hấu, bởi thế khi xuân về, tết đến ý nghĩa và giá trị của quả dưa hấu bị giảm dần ngang hàng bằng quả Quýt, quả Xoài, qủa Cam thật tiếc vô cùng.

 

Thủy Điền

14-01-2017

 

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền