*TMG 8- Vỡ Trận (Bút Ký) Trần Mỹ Giống (Nam Định- VN)

 

Nhà Văn Trần Mỹ Giống

 

 

Vỡ Trận

 

Năm 1996, chính quyền cắm mốc quy hoạch làm đường qua xóm văn hóa, cấm tiệt việc cơi nới, xây dựng mới. Các công dân gương mẫu xóm văn hóa kiên nhẫn chịu đựng cảnh mưa ngập cứt trôi vào nhà, hè nóng như lò nung hành hạ... quyết không xây dựng mới, không sửa chữa nâng cấp nhà ở, chấp hành nghiêm lệnh của chính quyền. 

   Đầu năm 2015, chính quyền mời bà con ra phường, báo cáo dự án của thành phố, hứa đền bù công trình trên đất theo giá thị trường, bằng giá xây dựng mới, đất cũng được tính theo giá thị trường thời điểm đền bù. Bà con hoan hỉ, ai nấy háo hức mong mỏi dự án nhanh chóng được thực thi để đổi đời. Gặp ai cũng nghe câu cửa miệng cảm ơn..., cảm ơn...   

   Ban dự án cùng đại diện các hộ bị thu hồi đất chia nhau đến từng nhà kiểm đếm thật chi tiết, từ cái cây cau tí tẹo đến cái giếng đã bị lấp bỏ cũng được kiểm đếm, không bỏ sót cái gì. Không cần đọc kỹ biên bản kiểm đếm, các chủ hộ ký cái rụp, tin tưởng vào tương lai tươi sáng...

     Nhưng tâm trạng phấn khởi mong mỏi đã nhanh chóng chuyển sang ngơ ngác, bất bình, thất vọng khi nhận được bản dự toán tiền đền bù. Hóa ra cái giá thị trường mà ban dự án nói chỉ bằng nửa giá thực tế. Chẳng hạn, nhà mái bằng một tầng được chi trả 2,5 triệu đồng một mét vuông, bằng một nửa giá xây dựng hiện tại. Mỗi mét vuông đất bị thu hồi được đền bù gần 6 triệu đồng, trong khi đó giá thị trường 10 đến 12 triệu đồng mét vuông... Toàn bộ số tiền được đền bù đất và công trình nhà ở trên đất không đủ mua một suất đất tái định cư tương đương với diện tích đất bị thu hồi mà ban dự án bán cho theo giá thị trường. Vậy là cơ nghiệp cả đời tích cóp của hai vợ chồng chủ hộ bỗng nhiên mất trắng. Ông bạn đồng hương nguyên là chiến sĩ đơn vị anh hùng, xuất ngũ làm nghề bán bánh mì dạo, ở nhà tập thể trước năm 1980, không có tiền chạy sổ đỏ, giờ chỉ được đền bù một nửa.  

    Bà con bị thu hồi đất đồng lòng làm đơn kiến nghị lên UBND thành phố, không chấp nhận giá đền bù quá thấp, giá đất bán cho dân lại cao... Ban dự án lại tổ chức họp và hứa chuyển ý kiến bà con lên trên xem xét. Bà con lấy lại hy vọng, nôn nóng chờ phản hồi của chính quyền... Nhưng chưa có hồi âm, đã thấy quyết định đền bù đóng dấu UBND thành phố đỏ chót gửi xuống từng hộ gia đình bị thu hồi đất. Ban dự án mời đại diện từng hộ gia đình lên ký biên bản đền bù theo từng thời điểm khác nhau. Bà con xóm văn hóa lại tổ chức họp khẩn cấp, thề quyết không ký. Ông Lê Đạo Đức hùng hổ tuyên bố:

     - Tôi quyết không chấp nhận giá đền bù vô lý này. Cùng lắm, tôi làm Đoàn Văn Vươn thứ hai...

    Trưa hôm sau, tôi về xóm với tinh thần nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết của hội nghị xóm, không chấp nhận đền bù của ban dự án, thì thấy xóm nháo nhác như ong vỡ tổ. Ông bạn hưu trí cùng ngành văn hóa nói trong nước mắt:

     - Vỡ trận rồi bác ơi!  

   - Sự thể ra sao?

    - Nó tung cò đất đến từng nhà, gạ trả tiền tươi chênh lệch từ 100 triệu đến 130 triệu một suất đất dự án bán cho hộ dân. Ai ký đồng ý chấp nhận giá đền bù của Ban dự án sẽ được chọn mua lô đất đẹp để trao tay giấy tờ cho cò đất, nhận ngay tiền chênh lệch. Ai ký muộn sẽ chỉ còn đất xấu, cò không mua. Bà con bảo nhận tiền tươi chênh lệch bán đất được cả trăm triệu đồng, chả hơn là đấu tranh biết có kết quả không... Vậy là tranh nhau ký...   

   - Ông Lê Đạo Đức thế nào?

   - Ông Đức nhận tiền tươi cò đất trao tay, ký nhận đền bù của Ban dự án rồi...  

Các hộ dân bị thu hồi đất lúc này vẫn nói câu cửa miệng: Cảm ơn... nhưng không phải là cảm ơn... cảm ơn... như mấy hôm trước, mà là cảm ơn cò đất.

Đúng là cái khó bó cái khôn. Ban dự án kinh nghiệm đầy mình, cò đất lại cáo già, cánh dân nghèo thật như đếm không vỡ trận, thua đau mới là lạ!  

Một tháng sau, xóm văn hóa tan hoang những ngôi nhà bị phá dỡ. Gặp mấy bà hôm trước còn luôn mồm cảm ơn cảm huệ cũng đang ngơ ngẩn nhìn nơi ở cũ, tôi hỏi:          

- Sao bây giờ không thấy các bà cảm ơn cảm huệ vậy?          

- Ôi dào... Bây giờ chúng em chẳng cảm ơn cảm huệ thằng nào con nào sất cả! 

 

Trần Mỹ Giống        

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền