*TMG 11- Tác Giả " Dòng Xoáy " Trong Mắt Một Đồng Nghiệp (Biên Luận) Nhà Văn Trần Mỹ Giống (Nam Định- VN)

 

Nhà Văn Trần Mỹ Giống

 

 

TÁC GIẢ “DÒNG XOÁY” 

TRONG MẮT MỘT ĐỒNG NGHIỆP

 

Có lẽ bởi có nhiều điểm giống với nhà văn Trần Thị Nhật Tân nên tôi yêu quý chị hơn chăng. Tôi và chị cùng tuổi kỷ sửu, cùng có thời gian là bộ đội chống Mỹ (chị là lính thông tin chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng Thanh Hoá, tôi là lính bộ binh chiến đấu ở Quảng Trị), cùng sinh hoạt trong Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định (chị ở tổ văn, rồi vì tự thấy không thể ở tổ văn được nên chị đã xin sang tổ thơ. Còn tôi ở tổ nghiên cứu phê bình), cùng được “đúc” từ một “lò” đào tạo là Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, cùng sống trong một thành phố (nhà chị cách nhà tôi chưa đầy cấy số), cùng có nhiều trắc trở trong đời thường (nhưng những trắc trở của chị vượt xa những trắc trở của tôi), cùng có nhiều suy nghĩ trùng hợp về công việc viết văn và về quan hệ ứng xử trong cuộc sống...

Tôi quen biết Trần Thị Nhật Tân từ hơn hai chục năm trước. Hồi ấy, chị đang viết tiểu thuyết Dòng xoáy. Hàng ngày chị đến Thư viện tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Nam Định, nơi tôi công tác), ngồi ở một góc khuất trong phòng đọc để viết sách. Tối đến, chị đi làm thuê làm mướn kiếm sống. Đêm đêm, chị ngủ nhờ khi ở chợ Rồng, lúc ở vỉa hè nhà hát 3 – 2... Còn gia đình tôi có 5 người, sống trong một nửa gian nhà tập thể chừng 8 mét vuông. Sau giờ làm việc ở cơ quan, tôi tranh thủ lao động kiếm thêm mớ rau, bát gạo. Đêm về tôi ngủ nhờ trên bàn làm việc. Tôi thường than vãn sao đời mình khổ thế. Tuy khổ vậy, tôi vẫn còn có một gia đình và một túp lều che mưa nắng, chứ Nhật Tân thì không. May thay, đời vẫn còn nhiều người tốt. Ông Phan Điền nguyên Bí thư tỉnh uỷ Nam Hà, khi biết hoàn cảnh khốn khó của Nhật Tân, ông đã mời chị về nghỉ tại nhà.

Tôi còn nhớ, lần đầu làm quen chị, tôi hỏi: “Chị công tác ở đâu?”. Chị cười mà trông như mếu: “Tôi là giáo viên, nhưng hiện đã “mất dạy” rồi chú ạ!” Chị là giáo viên dạy văn giỏi, nhưng dòng xoáy cuộc đời đã “hất văng” chị ra khỏi ngành giáo dục.

Dần dần, chị trở thành người thân của gia đình tôi và nhiều gia đình khác trong khu tập thể Thư viện tỉnh. Hai con tôi, đứa lớp ba, đứa lớp bảy, là những bạn đọc đầu tiên được bác Nhật Tân cho đọc bản thảo Dòng xoáy. Cứ ngơi ra là các con tôi lại quẩn quanh bên bác Nhật Tân chờ để được đọc bản thảo tiểu thuyết của bác. Chúng đọc háo hức, khi thì khóc, khi thì cười tuỳ theo bước thăng trầm của nhân vật Lý. Khi con lớn tôi bảo: “Bố ơi! Tiểu thuyết của bác Nhật Tân hay lắm bố ạ. Bác Tân bảo, bao giờ in thành sách, bác ấy tặng nhà ta. Nhưng mà bác ấy nghèo lắm, bố cho tiền chúng con mua sách của bác ấy bố nhé!” Tò mò, tôi cũng xin chị cho đọc thử. Càng đọc, tôi càng bị cuốn hút vào nội dung tác phẩm. Quả thật, lắm lúc tôi cũng không cầm lòng được trước cảnh éo le của nhân vật Lý, nước mắt cứ tràn mi vì thương nhân vật Lý, thương Nhật Tân. Khi tôi đọc xong bản thảo, Nhật Tân hỏi: “Chú thấy chị viết được không? In được không?” Vốn tính thẳng thắn, tôi bảo: “Nói thật, chị đừng giận, về nghệ thuật thì tiểu thuyết của chị không có gì “ghê gớm” cả, cũng chỉ là tả thực, giọng kể hấp dẫn thôi. Nhưng về nội dung, tính thời sự thì quả tiểu thuyết của chị thật là “ghê gớm”. Chị xoáy vào những tiêu cực trong ngành giáo dục như vậy thì thật dũng cảm. Thời điểm hiện nay khó có nhà xuất bản nào giám in Dòng xoáy. In ra, có khi tác giả phải đi tù chưa biết chừng”. Chị trầm ngâm: “Chị biết. Đấu tranh chống tiêu cực sẽ không tránh khỏi hy sinh mất mát, nhất là những người đi đầu. Nhưng không ai giám đi đầu chịu hy sinh thì để tiêu cực nó làm loạn à?”

Thế rôi, thời cơ để in Dòng xoáy cũng tới. Năm 1989, Dòng xoáy tập 1 được Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành đã tạo ra một cơn “địa chấn” trong dư luận bạn đọc Nam Định. Dòng xoáy tập 2 cũng được Nhà xuất bản Thanh niên cho ra đời năm 1991. Từ khi Dòng xoáy được xuất bản, Trần Thị Nhật Tân phải hứng chịu biết bao khốn khổ cả về việc mưu sinh, cả về mặt tinh thần do những hành động “phản đòn” của nhiều nguyên mẫu ở địa phương gây ra. Nhiều lần chị bị kẻ xấu dùng tiền mua chuộc để thôi không đấu tranh chống tiêu cực, nhưng chị quyết không thoả hiệp. Mua chuộc không được, họ quay ra thoá mạ, đe doạ chị bằng thư nặc danh. Có kẻ còn trực tiếp doạ giết chị. Nhiều năm chị sống căng thẳng vì phải lo đối phó với bọn người xấu, căng thẳng đến ốm mòn. Vậy mà chị vẫn hiên ngang đối đầu với tiêu cực. Có lần nản thay cho chị, tôi bảo: “Hay là chị tập trung vào viết tiểu thuyết, đừng mất thời gian vào việc chống tiêu cực đời thường nữa, nhất là đừng dây vào bọn quan chức thoái hoá”. Chị bảo: “Nếu thế thì chị đâu còn là chị nữa. Không đấu tranh trong thực tế thì chị viết làm sao được.”

Những cố gắng của chị đã không uổng. Dòng xoáy được nhiều bạn đọc quan tâm tìm đọc. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh không chỉ viết thư tay gửi chị mà còn hai lần mời chị lên gặp để nghe chị nói về những việc cần làm ngay ở địa phương. Chị còn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp và động viên, khen ngợi về những hành động dũng cảm chống tiêu cực, góp phần làm xã hội tốt đẹp.

Trần Thị Nhật Tân không chỉ viết tiểu thuyết, mà chị còn viết thơ. Thơ chị khá hay, nhất là thơ cho thiếu nhi. Mơ chín (Nhà xuất bản Thanh niên, 1995), Quả trăng (Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, 1996), Cuội thế kỷ 20 (Nhà xuất bản Thanh Hoá, 1998) là ba tập thơ của chị với bút danh Tú Út. Đọc thơ Tú Út, tôi nhận ra rất rõ “chất Nhật Tân” ở chất trữ tình pha màu sắc dân gian, làm cho tiếng cười trong thơ chị tăng tác dụng làm lành mạnh các quan hệ xã hội. Có thể coi bài Thân tằm của Nhật Tân đăng trên Lucbat. com là ngôn chí của chị. Những suy nghĩ và hành động của chị đã luôn hướng vào thực hiện tinh thần “ngôn chí” đó:

Tằm tôi ăn lá dâu xanh 

Âm thầm rút ruột kéo thành sợi tơ 

Nhảy vào nước lửa khói mờ 

Tằm xin được chết dâng tơ cho đời.

Mỗi lần có sách được in, Nhật Tân lại tặng vợ chồng tôi. Năm 2005, chị được Nhà xuất bản Quân đội in tiểu tuyết Chân trời. Vừa nhận được sách là chị đem tặng tôi, kèm theo một lẵng những rau, bí, khế, ổi... do chính tay chị trồng. Chị bảo rau của chị là rau sạch. Viết văn cũng phải viết sạch. Trong khi chị hăng hái nói về chủ đề rau sạch, tôi mở lướt Chân trời, ngạc nhiên vì bản thảo của chị hai phần (kháng chiến và cải cách ruộng đất ở Nam Định) cả ngàn trang, mà sách lại chỉ in phần một. Hoá ra nhà xuất bản in bao cấp toàn bộ cho tác giả, kinh phí chỉ đủ khả năng in một phần. Thấy tôi tỏ ý tiếc rẻ vì phần hai không được in, chị bảo: “Được thế cũng là mừng lắm rồi chú ạ.”

Năm 2009 nhà xuất bản Thanh niên bao cấp tái bản Dòng xoáy Sự kiện này lại tạo ra một cơn “địa chấn” mới trong dư luận bạn đọc. Trên báo Thanh niên, báo Người cao tuổi xuất hiện hàng chục bài viết về giá trị và tính thời sự của cuốn sách, về cuộc đời “ba chìm bảy nổi” của tác giả. Hàng ngày chị nhận được hàng chục cú điện thoại, tin nhắn, thư từ của bạn đọc động viên khen ngợi. Nhiều bạn đọc coi chị là tấm gương sáng về tinh thần kiên cường dũng cảm đấu tranh vì quyền con người, vì một xã hội trong sạch, tốt đẹp.

Tôi cứ ước có một nhà xuất bản nào đó bỏ tiền ra in cho chị bản thảo tiểu thuyết Tuổi thơ tôi mà chị đã hoàn thành từ lâu, thì không chỉ chị mà cả bạn đọc cũng cảm ơn lắm. Điều ước của tôi thật là nhỏ bé, vậy mà với Nhật Tân thì khó mà thực hiện, chị chẳng biết lấy đâu ra mấy chục triệu để in sách. Nhìn người đàn bà khắc khổ già trước tuổi cứ ngày ngày âm thầm đi thực tế rồi viết, lại đi thực tế rồi viết, viết như vắt kiệt chất xám và sức lực của mình mà lòng tôi trào dâng niềm cảm phục. Quả thật thiểu thuyết của Nhật Tân ngồn ngộn chất liệu cuộc sống, chân thực đến độ nhiều bạn đọc cứ quả quyết rằng tiểu thuyết của chị viết về ông X, bà N. ở địa phương mình, ở trường học của mình... Chị lấy chất liệu có thực trong đời sống, từ chính những trải nghiệm trong đời chị, từ tài liệu trong các cơ quan lưu trữ của nhà nước, quân đội, công an làm chất liệu cho tiểu thuyết của mình. Những sự việc có thật trong đời sống nhiều khi tự nó đã hấp dẫn, chị chỉ cần sáng tạo chút ít là thành tác phẩm. Điều đó tăng tính hấp dẫn người đọc, nhưng nếu tác giả non tay nghề là có thể biến tiểu thuyết của mình thành tác phẩm ám chỉ. Thật may là chị được trang bị kiến thức từ Trường Viết văn Nguyễn Du, tay nghề khá nên điều đó đã không xảy ra với tiểu thuyết của chị.

Nhiều lần tôi xin ý kiến chị để viết về chị, nhưng chị cứ lần khân “để chị xem đã”. Tôi biết chị không muốn tôi phải hứng chịu những hệ luỵ không hay vì chị. Có lần chị bảo: “Chú là cây bút nghiên cứu phê bình “trẻ” (chả là tôi mới vào Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định từ năm 2000) cần phải được yên thân mà viết. Chú không nên vì chị mà rầy rà với bọn tiêu cực. Chú “bênh” chị, bọn nó không để cho yên đâu”. Khi đọc bài “Nhà nghiên cứu lịch sử - văn hoá dân gian Lê Xuân Quang” của tôi trên báo Văn nghệ trẻ số 35+36 năm 2005, chị động viên: “Chú viết rất có hồn, có tình. Cố lên”. Ngày giỗ đầu bác Lê Xuân Quang, chị ốm lử khử mà vẫn đòi tôi lai về quê thắp hương cho bác. Bữa ấy, chị kể mãi về những kỷ niệm với nhà nghiên cứu Lê Xuân Quang – người bạn vong niên chí cốt của chị em tôi.

Dư luận bạn đọc cả nước xôn xao về Dòng xoáy và về tác giả Nhật Tân. Nhưng giới văn học nghệ thuật lại không thấy “động tĩnh” gì. Dù chị chưa phải là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tôi vẫn coi chị là nhà văn chân chính. Còn nhớ khi Dòng xoáy ra đời, có người chụp cho chị là “bới lông tìm vết, vạch áo cho người xem lưng, bôi xấu bộ mặt tỉnh văn hiến”. Tôi lại nghĩ, trái lại, bằng tính chiến đấu và tính chân thật cao của Dòng xoáy, Trần Thị Nhật Tân góp phần làm cho địa phương ngày một tốt đẹp hơn, hoặc chí ít cũng là mong muốn của chị.

Thành Nam, ngày Đông chí năm 2009

 

TRẦN MỸ GIỐNG

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền