*LY 10- Thị Trấn Nhỏ (Truyện Ngắn) Nhà Văn Lê Yên (Sài Gòn- VN)

 

Nhà Văn Lê Yên

 

 

Thị Trấn Nhỏ

 

    Chiếc xe giường tầng của Thành Bưởi chạy nhanh như lướt, lên xe tôi cầu xin bình an. Cảnh vật bên ngoài trôi vút qua, xe đã rời thành phố, bỏ lại sự náo nhiệt và ánh đèn, đi xe đêm cũng thú vị. Sự im lặng với ánh sáng vừa đủ dìu dặt trong tiếng nhạc nhẹ đưa tôi dần vào giấc ngủ lơ mơ, chợt giật mình thức giấc vì tiếng ho của người bên cạnh, tôi tỉnh ngủ, ngồi lên xem đã tới đâu! Con đường từ Sài Gòn lên Bảo Lộc ngày xưa phải đi gần một ngày mới tới, còn bây giờ, tôi coi đồng hồ, lên xe tám giờ tối, mới một giờ khuya xe đã qua đèo Bảo Lộc, sương mù làm cho con đường mờ hơn. Lâu rồi tôi mới trở lại nơi tôi đã sống, một thời gian khá dài, với khoảng sáng, tối đan xen, ngày như dài hơn và đêm cũng khá co ro…

     Đèn sáng được bật lên, tiếng anh phụ xe “Bà con chuẩn bị, xe sắp tới trạm trung chuyển” mọi người ngồi lên rộn rang chuẩn bị đồ đạc. Xe đã vào trạm, ngừng hẳn, tiếng anh phụ xe: “Ai về đâu lên xe nhỏ đưa về”.

     Xuống xe, tôi tìm một chiếc ghế khuất gió, kéo cao cổ áo, vai so lại trước cơn lạnh giữa đêm. Giờ này còn sớm, tôi không muốn gõ cửa bất cứ người quen nào để làm phiền. Hơi thở đã thành khói, tôi xoa hai tay vào nhau cho nóng rồi ủ lên mặt “Dza lạnh quá”. Hết ngồi co, lại đứng lên đi tới đi lui, cái lạnh như gặp phải người lạ, cứ thế da diết, tôi lẩm bẫm “Đã từng quen!”

     Năm giờ, trời đã hửng sáng, những tia nắng ban mai còn trốn sau lớp sương mù, tựa chiếc áo mỏng khoác lên người thiếu nữ, mơ hồ hư ảo, trải dài theo triền dốc.     Những ngọn đồi thoai thoải, đẹp như đôi chân dài con gái, thăm thẳm mút tầm nhìn. Cảnh vật còn tĩnh lặng sau một đêm chưa vội trở mình.

     Lên một xe nhỏ tôi nói với bác tài: “Cho tôi tới chợ khu sáu!”. Xe chạy qua những khúc quanh, đường nhựa mới tinh. Con đường ngày xưa tôi bước qua nó với đất đỏ dính đầy đôi dép nhựa mỗi ngày. Chợ khu sáu chỉ là một chợ quê, một đôi gánh hàng rong, nào trái cây, rau củ, chuối mít từ vườn nhà, vài thau cá suối, cá nuôi, vài ba thớt thịt tự mổ. Gà đúng là gà ta thả vườn tối leo lên cây ngủ, trống mái nhốt chung trong từng chiếc lồng thép đan tròn có nắp đậy, được cột bằng sợi dây ni lon xanh đỏ.

     Tôi vào quán cà phê bên đường, gọi một ly sữa nóng pha chút cà phê, nhấp từng ngụm sữa nóng, nuốt xuống tới đâu nghe ấm tới đó. Dõi qua bên kia đường, ánh mắt dừng lại trước một căn nhà còn đóng cửa, tim tôi run lên từng nhịp gấp gáp… Những ký ức như quay lại. Căn nhà ngày xưa mỗi sáng ngủ dậy, khoảng sân nhỏ phía trước bơ rụng đầy! Cây bơ già sai trái, ruột vàng, béo ngậy lượm đầy một rổ.

     Tôi nhìn thấy bóng dáng thằng hai, lưng cõng em, phía trước mang cặp, hứng nước mưa nấu cơm cho mẹ. Tôi thấy người đàn ông chân bước thấp bước cao, người nồng nặc mùi rượu mỗi khi về nhà, mẹ con tôi sợ hải không biết chuyện gì xảy ra. Tôi thấy tôi đêm ba mươi tết còn ở ngoài đường làm đẹp cho người ta, gần giao thừa mới về nhà. Những ngày rét mưa tầm tã từ sáng đến tối, hết ướt rồi lại khô, khổ với miếng cơm manh áo…

     Đứng lên trả tiền ly sữa, mang vội mắt kiếng, bước ra đường, từng bước chậm, tôi đi. Hơi thở của đất trời vẫn mang mùi vị cũ, thời gian mới với một tôi mới trong cái cũ ngày xưa.

***

     Xong việc, tôi ra chợ, cảm giác như gặp lại cố nhân, bồi hồi, hai chân gấp gáp nhưng không dám lại gần, cứ thế chậm lại. Ngày hai vợ chồng còn là giáo viên, với những tem phiếu, cuộc sống khó khăn, tôi là người bước ra chợ buôn bán để chồng ổn định công việc. Đi ngang qua từng gian hàng, quen có, lạ có, dừng lại ở dãy hàng ăn… Kia rồi! Hàng bánh canh Dì Năm còn bán! Bước vào chọn một chỗ ngồi, tôi gọi một tô bánh canh. Nhìn người phụ nữ trước mặt, đã già rồi, vẫn chiếc áo bà ba, tóc bới củ tỏi và điếu thuốc vấn trên môi chưa bỏ. Tôi chào hỏi: “Dì Năm nhớ con không?” Khẻ cười Dì Năm trả lời: “Nhìn quen lắm mà nhớ chưa ra.” Tôi nghĩ thầm: “Ừ, làm sao nhớ được, đã lâu lắm rồi còn gì”.

    Đưa mắt ngó qua mấy gian hàng, ánh mắt dừng lại sau cánh cửa quán cơm của tôi ngày xưa, quán mặt trước là đường lớn, nhiều quán ăn san sát nhau, khách vãng lai nhiều, dân ở các xã ra đông, nhất là thứ bảy, chủ nhật…

     Mỗi sớm mai, hai mẹ con bày hàng, lúc đó thằng Hai mới học lớp sáu, mười cái ghế chồng lên nhau, con vịn mẹ leo lên giăng bạt. Ngày xưa đâu có bạt quay như bây giờ. Anh hàng xóm cảm cảnh, sáng nào cũng dậy căng bạt dùm. “Cám ơn anh!” Thằng Hai trước khi đi học, đã đi chợ cho mẹ một giỏ đầy. Những ngày lễ tết đông khách, còn nấu được cho mẹ nồi cơm lớn. Nghĩ tới con, tôi thấy xót: “Con trai à, con không chỉ là con của mẹ, mà còn là một người bạn, một người cùng mẹ đồng hành qua bao gian nan, mẹ đã chọn con đường khó đi để con vất vả nhiều”.

    Nỗi buồn không lớn lên theo tuổi con tôi, mà như nhỏ lại đi sâu vào ký ức, nằm đó, để rồi có những lúc lặng đi với những nhức buốt. “Cô ơi! Ăn đi cho nóng.” Tôi như sực tỉnh: “Cám ơn!” Tô bánh canh bóc khói nhiều hành ngò, vắt miếng chanh , chan chút mắm ớt, mùi thơm làm tôi đói bụng. Hình ảnh tô bánh canh đã ở lại trong tôi, không chỉ là mùi vị, mà còn là kỷ niệm, tôi cười vu vơ với ý nghĩ: “Con người thật lạ! Cuộc sống luôn phải đi tới, sao cứ phải hoài niệm, để rồi đau lòng. Đó là cảm xúc! Đôi khi nó làm chủ, nhấn chìm ta trong tận cùng…”

    Bảo Lộc thay đổi nhiều, bây giờ đã là thành phố Bảo Lộc. Những con đường vàng suốt mùa hoa dã quỳ nở rộ đã không còn, trong tôi nơi này vẫn yên bình một thị trấn nhỏ êm đềm, dù khoảng thời gian ở trong nó không được mấy ngày bình yên. Có người muốn từ bỏ nơi cho ta những nỗi đau, không muốn nhìn lại dù chỉ một lần. Riêng tôi vẫn muôn quay lại, yêu thương, có như thế tôi mới bình yên hơn!

    Tạm biệt mi Bảo Lộc! Hẹn một ngày trở lại…

    Chuyến xe đêm Thành Bưởi với số ghế A2, tôi trở về Sài Gòn. Giọng ca Khánh Ly văng vẳng bên tai: “Chiều nay em ra phố về, thấy đời là những chuyến xe…”

 

Lê Yên

07-2018

 

 

                   

                   

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền