*VCL 17- Ba Truyện Ba Chuyện (Truyện Ngắn) Nhà Văn Võ Công Liêm (Canada)

 

Nhà Thơ Võ Công Liêm

 

                 

BA TRUYỆN BA CHUYỆN

 

  NGỎ: Ba chuyện có thực nhưng dựng thành truyện ở dạng hư cấu hóa (fictionalize). Có trùng hợp tên tuổi, điạ danh là ngoài ý muốn.

 

1-     DƯỚI CHÂN ĐỒI.

 

   Vợ chồng lão Khuyển sống không xa đồi 405 thuộc vùng Trung du cận biên giới Lào Việt. Họ chung sống bên nhau hơn nửa thế kỷ. Tình duyên thuở xưa trắc trở nên cùng nhau xa lánh trần tục về nơi hẻo lánh trốn tiếng thị phi. Sống bên nhau không một mụn con nhưng vẫn coi nhau như tình yêu; lấy thiên nhiên để gởi gắm tâm hồn những khi vui buồn. Đấy là nguồn an ủi của đôi lão già. Xuống chợ B’Lăng đổi lương khô, rau quả lấy muối gạo, dần dà nói được đôi tiếng thổ dân.Tên Khuyến gọi trẹ ra thành Khuyển. Lão không buồn nhưng thấy có phần hợp lý. Họ sống dưới mái lều lợp tranh sớm hôm bên cạnh Kina (con chó người bản xứ tặng).Vợ chồng lão không còn đơn côi mà thấy gần gũi hơn bao giờ.

Khởi từ năm 1972 cho tới về sau, căn nhà cỏ của lão Khuyển trở nên trạm ‘giao liên’, tiếng súng đạn, máy bay, chiến xa mỗi lúc mỗi nghe gần; đôi khi vợ chồng Khuyển cũng sợ họa lây bởi những tiếng nỗ gần xa đó. Đêm thường có tiếng gọi cửa của những người ăn vận đồ đen, súng ống mang vai có khi nói là thám kích, thám báo: điều tra, hạch hỏi; họ nhìn tứ bề với thân gầy chẳng phải hoài nghi thù hay bạn. Họ khuyên răn, dặn dò nhưng lão chả mấy quan tâm mà có ý như muốn tống khứ thứ thảo khấu ra khỏi nhà. Đêm khác một toán chừng mươi người, đập cửa xông vào, võ trang súng ống, dao gâm, lựu đạn xin tá túc ăn, ngủ. Họ giống nhau cùng sắc da, cùng ngôn ngữ nhưng ăn vận khác nhau khó mà định lượng đâu tà, đâu chính. Cứ thế chẳng mấy chốc quen thuộc, xem như cha mẹ ruột của mình.Vợ chồng lão nhìn thế sự mà đem lòng thắc mắc và cũng không biết tỏ cùng ai. Bốn bề giữa rừng sâu là trống vắng.

Cuối năm 1974 và đầu 1975 lão Khuyển nhận những lời dặn dò ân cần, bảo trọng, nhưng; hai ông bà buồn hết nổi không nói nên lời, Kina biệt tích mấy ngày qua, họ cảm thấy như mất đứa con thân yêu.

Đêm tối đen như mực; đám quân phỉ lên đường chiến dịch. Viên sĩ quan ghé bên tai lão Khuyển trao cây súng ngắn để phòng thân. Lão Khuyển không nhận súng, bởi; xưa nay không có kẻ thù để bắn vào họ.

 

2-     ĐỒ GIẢ

 

   Thục ở cái thế chẳng đặng đừng. Sau 75 cha Thục dạy ở trường trung học phổ thông cho hồi hưu sớm. Mẹ Thục lâm trọng bịnh. Thục còn hai năm nửa ra trường luật. Tên trường đổi bảng hiệu từ trường Luật thành trường Pháp lý. Nghe nghịch nhĩ nhưng đành chịu giữa cái thời hỗn mang tạp nhạp. Thục có ba đứa em hai trai một gái. Thằng em kế cách Thục năm tuổi. Ngoài học chạy ra đường kiếm ăn, bữa có, bữa không. Cha Thục phải đi làm công mới trợ đủ vào tiền hưu trí. Thục nhìn gia cảnh mà đau lòng. Bỏ học để kiếm tiền thì phí công lao cha mẹ. Ngày đi học đêm đi làm ở cửa hàng ăn uống. Ba tháng sau Thục trở thành công nhân tiên tiến. Tiếp cận nhiều giới trong xã hội. Nhờ duyên dáng và lễ phép cho nên khách cho luôn tiền thối. Cha Thục nghỉ việc ở nhà chăm sóc vợ. Nhờ có tiền thu hoạch nên có thêm thuốc thang cho mẹ. Nhưng thuốc Tây, thuốc Nam không cứu được bệnh tình của mẹ. Ông Bằng cha Thục buồn cảnh đời bởi ‘bế môn tỏa cảng’ thời làm gì có thuốc thiệt để trị con bệnh. Bệnh viện thì èo ọp chưa hiện đại hóa để làm phương tiện cứu chửa. Không lâu mẹ qua đời để lại nỗi đau cho Thục. Cha Thục già hẳn ra, sức yếu. Bầy em hướng đến chị cả. Người cha buồn rã rượi nghĩ tới đám con còn nhỏ.

Thục ráng hai năm ra trường may ra có việc làm tốt, đồng thời đưa đẩy mấy đứa em vào đời. Thục có phần gầy vì lo hai việc lớn. Mang nỗi buồn lên mặt nhiều khách hàng thân quen nhận ra điều đó. Họ muốn giúp đở hay tỏ ý; nhưng Thục một mực từ chối, ra vẻ tự nhiên và chẳng hề gì. Ngày lại ngày; bỗng nhiên trong số khách hàng có một người đàn ông trung niên thường xuyên lui tới ăn uống, từ chỗ đó đâm ra quen khách, quen người, quen chủ. Tên người khách như chủ nhân cho biết là giám đốc cơ quan xuất nhập cảng, tánh tình cởi mở và hiền lành muốn kết bạn với Thục. Nàng từ chối lời giới thiệu đó. Thế rồi tiền trao cháo múc. Thục sa cạm bẫy; trước tiền sau tình nhận lời hứa hôn với giám đốc Kết.

Y hứa nhiều điều kiện của Thục đưa ra. Một tháng sau vợ Kết ở Hà Giang vào thăm chồng công tác ở thành phố. Vỡ lẽ; Thục trốn chạy, bỏ tất cả, về nhà ôm cha và mấy đứa em khóc sướt mướt. Lúc đó đã nửa đêm về sáng trong một con hẻm tồi tàn và ẩm thấp chỉ còn nghe tiếng cóc kêu.

 

3-     LÀM ĐẸP

                                                                                                                                                                        tặng: Hà

   

     Lục Sâm người con gái đẹp trong phố, nết na, đằm thắm, dáng dấp trí thức. Nội ngoại lấy làm hãnh diện có được đứa con, đứa cháu như thế khi còn ở tuổi mười tám. Sau hai năm học ra trường trung học tưởng theo đuổi sự nghiệp như trong mơ. Nào ngờ việc gì đến sẽ đến, ngoài ý muốn. Cha mẹ Sâm đã giữ lời với Thới; bạn đồng đội khi còn ở chiến trường. -Nè ông! Nghe nhà ông vừa sanh bé gái cùng lúc nhà tôi sanh bé trai. Không chừng hai mươi năm sau bọn mình là thông gia. Đại đội trưởng Thới nói. Quả vậy; hai mươi năm sau ‘giữ trọn lời thề’ Lục Sâm về làm dâu nhà họ Lê. Bửu chồng của Lục Sâm công nhân viên xí nghiệp hợp tác xã  mây tre Quỳnh Lưu hàng xuất khẩu. Cưới Lục Sâm về Bửu bỏ xí nghiệp mây tre chuyển sang công nhân nhà máy dầu khí. Càng dài lâu càng yêu nhau đậm. Bửu có được một Lục Sâm giữa đời này là phước đức. Bởi; nàng lọt mắt xanh của đám trai trẻ trong trường cũng như ngoài đời. Cuộc hôn nhân này làm cho nhiều người ngạc nhiên và lấy làm lạ. Sao không gặp người có chữ nghĩa, dẫu không đẹp trai nhưng có tài thì cũng đẹp đôi; nay khác chi ‘củi mục chấm mắm nêm’. Ôi! duyên số cả. Nhưng về sau hai họ không mấy hài lòng chàng rễ, nàng dâu. Không phải không khéo ăn ở; nhưng ngặt cả hai không chịu có con. Họ sống rất tình nhưng mấy năm qua bên phiá họ Lê muốn có cháu để nối dõi tông đường. Ba năm, năm năm vẫn ngậm mỏ hến. Lục Sâm và Lê Bửu buồn ở chính mình, không hiểu cớ sự gì mà ‘nghẽn’ như thế. Uống đủ thứ thuốc mà vẫn lì không chịu ‘xuất cảnh’.

Mười năm không giữ nổi tình yêu. Gần đi tới ly hôn. Bửu nghĩ bỏ thì thương mà sương thì nặng cho cả đôi bên. Lục Sâm đem tâm sự gỡ rối tơ lòng với chị em. -Thời buổi này đâu có sợ hiếm. Chị chích thì có con thôi. Bạn Yến Xuân nói. -Ở nước ngoài thì nói chi, trăm cách, ngàn kế. Khổ nổi xứ ta có ít xít cho nhiều, tiền mất tật mang; không khéo đi đong cuộc đời. Lục Sâm nghĩ. Nàng có đi chẩn y nhưng đắt tiền và không chắc có thành quả. Với nhiều lý do trong đó; cuối cùng nàng đi tìm giải pháp khác.

Lục Sâm tuổi mỗi lúc mỗi già đi sợ không còn ‘phê’. Mùa thu năm hai ngàn mười lăm Lục Sâm hạ quyết tâm xin con nuôi. Đứa con nuôi đặt tên Lê Tân Sinh. Sau đó Bửu nói thẳng với vợ: -Tôi có con riêng với Hằng. -Của hồi môn nay được chia đều. Cha tôi nói. -Tốt cho ông. Lục Sâm mỉm cười, chia sẻ.

Nàng ôm Sinh vào người như một hạnh phúc thừa; nhưng ấm lòng khi nghe tiếng gọi: Mẹ ơi!

 

 

VÕ CÔNG LIÊM (ca.ab.yyc. cuối 3/2018)

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền