*HHSG 3- Xóm Cũ Ngày Xưa (Truyện Ngắn) NV Hai Hùng Sài Gòn (USA)

 

Nhà Văn Hai Hùng Sài Gòn

 

 

 

XÓM CŨ NGÀY XƯA

 

Ngưòi ta thường nói khi con người lơn tuổi rồi, họ hay mon mem quay lai miền ký ức để hoài niệm về những kỷ niệm vui buồn xảy ra trong cuộc đời của mình, nhất là những lúc có dịp gặp lại bạn bè xua cũ cùng thời thì hầu như những câu chuyện đó sẽ được thi nhau kể để cùng sống lại của một thời quá khứ mà họ đã trải qua.

   Tui cũng vậy giờ thì cuộc sống trên cõi đời này chỉ tính bằng tháng, vì  người đời có câu :" Năm năm, sáu tháng, bảy ngày", đại ý họ ví người tuổi từ năm mươi đỗ đi thì cuộc sống sẽ tính bằng năm, sáu mươi tuổi tính bằng tháng, bảy mươi trở đi tính bằng ngày, vậy đó rui không ngoại lệ, cũng hay len lén quay về "Nẻo xưa" để kể lại cho các bạn nghe chuyện "Hầm  bà lằng" của cái xóm cũ ngày xưa nơi tui nương náu.

                                              *

  Xóm tui ở nằm trên con đường đất đỏ, mưa thì sình lầy dính đầy bánh xe, khi nắng thì bụi đỏ bay mịt mù , xóm đầu trên nhà cửa khang trang vì phần đông là dân nhà giàu, họ là những ông bà công chức, hoặc là những sỹ quan cao cấp của quân đội. Xóm giữa thì nhà của đan xen giữa một ít nhà khá giả, phần còn lại thì tạm đủ ăn đủ mặc. Còn xóm đầu dưới thì đa phần là dân nghèo, mặc dù sống đủ thứ nghề vẫn thiếu trước hụt sau nhưng tình nghĩa xóm làng họ "rất giàu".

  Tui còn nhớ như in, sau lưng nhà tui thời bấy giờ là đồng mã nho nhỏ gần chục ngôi mộ, có gia đình chú Hai chạy Tắc Xi ở kế bên khu mồ mã này, gia đình chú ở Quận Trảng Bàng khá gần với vùng chiến sự, làm rẫy bái không đủ sống nên chú đành bỏ lại mọi thứ rồi về tá túc gần nhà tui, căn nhà chú ở là mướn lại của chú Chín trong xóm, chú Hai tu bổ lại rồi dọn vô ở, thú thiệt khi chú Hai chưa về tá túc nơi này, hàng ngày sống nơi khu đất này tui thấy " Lạnh cẳng" dữ lắm, vì phía trước cũng như đàng sau nhà nơi nào cũng là mồ mã, người cõi âm và người dương thế ở chung đụng với nhau hàng ngày thủ hỏi sao tui không " Ớn chè đậu", nhất là về đêm tía má sai đi công chuyện gì thì y như rằng lần nào trong bụng tui cũng đánh lô tô, mới học lớp nhì mà hàng ngày cứ nghe đám bạn hù ma nhát quỷ hoài khiến tui ghét chỗ này lắm, tui thầm  trách ông già tía tui sao chọn nơi này sanh sống mần chi cho anh em trong  nhà tui ai cũng sợ sệt, cũng may là ở riết rồi cũng quen dần, rồi những sợ sệt ban đầu cũng phôi phai, rồi nay có gia đình chú Hai về sống nữa thì bao nỗi sợ hải trong tui nó tự tan biến tự bao giờ.

  Một hôm nọ nhân ngày nghỉ không phải lội bộ đến trường để học, tui lần mò qua nhà chú Hai chơi, thấy con nít lối xóm qua chơi chú Hai vui lắm, vì từ nay Thằng Xâm, con Bạc, con Gạch của chú Hai có bạn cùng vui đùa, tụi nó không còn thấy lạc lõng nơi xóm Gò Mã này nữa, thấy chú Hai đang lọ mọ sửa cái máy xe Tắc xi, tay chân chú lấm lem dầu nhớt tui tới kế bên rồi sề xuống hỏi thăm:

 -Xe bị bịnh gì vậy chú Hai, thấy bữa nào chú cũng sửa hết.

 - Ừ mướn nhằm chiếc xe cũ xì, nó giống như bà già bảy mươi vậy đó, nay bịnh mơi đau nên phải sửa.

 Tui nói tiếp:

 - Chú Hai sướng quá, được lái xe còn được có tiền nữa, bữa nào chú Hai cho con theo làm lơ cho chú Hai nha, con phụ thôi chứ không có đòi tiền công đâu.

 Chắc chú Hai không muốn tui buồn khi từ chối thẳng thừng, chú nói:

 -Thằng Phương bây còn nhỏ lắm, ráng ăn cơm cho nhiều, học cho giỏi đi rồi chú Hai cho đi theo.

 Vậy đó chỉ cần chú Hai hứa vậy mà tui mừng hết lớn, thím Hai ngồi gần đó đang vò lá sương sâm, nghe hai chú cháu tui nói chuyện, chừng nghe chú Hai hứa với tui như vậy thím cười thật hiền rồi thốt lên.

 - Cái ông này.

 Không đề cập tới chuyện tui làm "Lơ Tắc xi", thím Hai kêu tui lại thím nói:

 -Chèn ơi! Cái ông nhỏ này không lo học, còn nhỏ xíu hà thôi thím cho bây chén Sương Sâm nè đem về ăn cho mát.

 Tui nhận chén sương sâm rồi đòi hỏi thêm :

 - Thím Hai cho luôn miếng đường cát với cục nước đá đi, không có hai thứ đó ăn đâu có ngon lành gì đâu.

 Thím Hai bật lên tiếng cười khanh khách rồi thím nói :

- Chèn ơi! Tui cho sương sâm rồi còn đòi thêm thứ khác nữa hả ông con, kiểu này hao quá ai chịu đời cho thấu.

 Nói thì nói vậy, thím cũng múc cho tui vài muỗng cà phê đường, rồi thím lấy tay lận vô cái túi áo bà ba thím móc ra hai cắc bạc đưa cho tui, thím nói vui:

 -Nè ông con, đường có rồi, còn nước đá cục chịu khó ra quán bà Ba ở ngoài đường mà mua, tui cho ông gần hết gia tài của tui rồi đó ông chịu chưa.

 Nhận hai cắc bạc và chén sương sâm từ tay thím Hai, tui cám ơn rối rít rồi dông thẳng về nhà.

 Má tui đang lui cui nấu cơm dưới nhà bếp, thấy tui bưng chén sương sâm về má tui liền hỏi:

 - Bây bưng chén gì vậy ?

 Tui thuật lại đầu đuôi câu chuyện bên nhà chú Hai cho má tui nghe, nghe xong má tui kí lên đầu tui một cái đau điếng, má tui nói :

 - Bây gặp chú thím Hai hiền lành chứ gặp tao thì cho bây cái cù loi chứ ở đó mà xin thêm đường thêm nước đá, đã vậy còn đòi làm lơ xe Tắc xi nữa.

 Má tui giải thích nếu tui được ngồi kế chú Hai làm lơ Tắc xi thì chắc chắn xe bị ế dài dài có ai đâu mà thèm  ngoắc xe Tắc xi có người ngồi kế bên ông tài xế bao giờ, vì họ nghĩ tài xế đang chở khách có ngoắc thì tài xế chẳng ghé vô rước bao giờ..

                                     ^

 Khi không còn chiến tranh, chú thím Hai tức tốc quay về mảnh vườn ngày xưa của gia đình mình trên Trảng Bàng để trồng trọt, vài năm sau tui có dịp lên thăm nhà chú thím, không khí mát mẻ, vườn cây trái thật xum xuê, nhất là những dây sương sâm mọc leo đầy trên hàng rào kẽm gai quanh nhà chú, vô tình nó làm tui nhớ lại chén sương sâm thím Hai cho mình dạo nào.

  Thời gian trôi nhanh, mấy chục năm rồi tui không còn liên lạc với gia đình chú Thím Hai nữa, tui cũng không chắc chú thím còn hay mất, thỉnh thoảng có dịp ăn sương sâm tui chạnh nhớ chú thím hai và mấy người con của chú thím vô cùng, rồi bất chợt khóe mắt tui cay cay tui mới biết mình đã khóc, khóc cho cái tình lối xóm ngày xưa đã không còn  hiện diện tro g cuộc sống hôm nay, nó thật sự đã mất tui nghĩ chẳng bao giờ tìm lại được.

 

 Viết xong 15g ngày 17.5. 2022

Hai Hùng Sài Gòn

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền