*NB 12- Mặt Trận Không Tiến Súng (Bút Ký) Của TG Nguyễn Bằng (VN)

 

Tác Giả Nguyễn Bằng

 

 

MẶT TRẬN KHÔNG TIẾNG SÚNG

                                   

     Một thoáng thoi đưa, mới đấy mà đã hơn 30 năm. Dư âm ngày tôi cùng đồng đội, trong đoàn quân tình nguyện, hoàn thành nghĩa vụ Quốc tế trở về đất mẹ vẫn vang vọng mãi trong tôi. Để lại phía sau một đất nước Cam Pu Chia thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot đang hồi sinh.

Nhớ ngày nào tôi là cậu học sinh phổ thông, như con nai ngơ ngác vào đời. Sau 5 năm học tập tại trường đại học Công an nhân dân vũ trang, ra trường trở thành người sỹ quan trẻ. Tháng 10 năm 1983 tôi tiếp tục đi học trường Chuyên gia Quân Sự 481, ở thành phố Hồ Chí Minh. Vào thời điểm tháng 8 năm 1984 mãn khóa học, cũng là lúc đoàn chuyên gia Quân sự ở Cam Pu Chia giải tán. Số anh em biên phòng học ở trường 481, được điều chuyển về đoàn 817, Tổng cục Tình báo, Bộ Quốc Phòng. Sang Cam Pu Chia được phân về đội 18 ngoại tuyến, đứng chân ở thủ đô Phnom Penh. Kể từ đây tôi trở thành người lính không mang quân phục, sống trà trộn ngoài xã hội. 

Từng chuyến công tác đi các tỉnh và vùng ven ngoại ô Phnom Penh rất nhiều kỉ niệm trong tôi.

Nhớ lần nhận nhiệm vụ trên giao, xuống tỉnh Tà Keo tìm tung tích một các bộ cấp cao của Pol Pot nằm vùng. Tên này trước đây đã giao nhiều anh em đi tìm mà không được. Lần này đến lượt tôi cùng Nguyễn Văn Giỏi người tỉnh Kiên Giang thực hiện công vụ này. Thông tin mỏng manh chỉ biết nó ở gần sông Mê Công, thuộc địa phận tỉnh Takeo, bên kia sông đối diện với 3 căn nhà, trước Pol Pot dùng làm kho chứa thóc. Nhận nhiệm vụ cứ nghĩ mông lung, là thế này... thế này... Cuối cùng, nghĩ các tổ trước không tìm ra có thể không xác định được vị trí dãy nhà kho. Một quyết định, tôi cùng với Giỏi đóng vai người đi mua lợn, phải nói Giỏi là người có nước da ngăm đen không khác gì người Cam Pu Chia và nói tiếng Cam Pu Chia như người bản địa. Suốt một tuần anh em cứ rong ruổi dọc hai bờ sông Mê Công từ thị trấn Tà Kha Mau, tỉnh Kandal đến tỉnh Takeo. Cái gì đến rồi cũng sẽ đến, chúng tôi đã tìm được khu vực có 3 nền nhà được láng bằng xi măng, nhận định đây là dãy nhà kho bị phá còn lại nền nhà. Sau khi xác định vị trí và cảnh quan khu vực, tôi về báo cáo lên cấp trên và thông qua kế hoạch tiếp cận đối tượng. Ngày hôm sau tôi cùng với Giỏi mang theo chiếc máy ảnh hiệu NiKon, loại máy bán tự động, mà chúng tôi hay nói vui là "vũ khí bất li thân" của người lính ngoại tuyến và hơn chục cuộn fim, lên đường.

Với danh nghĩa đoàn cán bộ kiểm tra tình hình quản lí hộ khẩu ở phum xã, chúng tôi liên hệ với lực lượng của ta đứng chân ở địa bàn giúp đỡ. Sau khi lấy được sổ hộ khẩu, sổ mỗi tên người đều có ảnh dán kèm, hơn một ngày ròng rã, tôi đã chụp hết hơn chục cuộn fim. Ra về rất tự tin thế nào cũng có mặt đối tượng chúng tôi cần tìm. Nhưng khi in ảnh cho nhận diện thì ôi thôi, chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu thất vọng.

Bao câu hỏi chẳng nhẽ... thế này... thế kia..., mà cánh trinh sát chúng tôi hay tự hỏi, tự trả lời lại được đặt ra.

Cuối cùng tôi quyết định quay lại một lần nữa, lần này chúng tôi ngẫu nhiên ăn may chứ không hề phải vắt óc suy nghĩ gì. 

Cán bộ trinh sát ngoài giỏi nghiệp vụ, có linh cảm tốt còn yếu tố không kém phần quan trọng là "may mắn". Cũng như lần trước chúng tôi xong việc anh em lính tình nguyện của ta gọi trưởng phum ra đò đưa anh em tôi sang sông. Lần này chúng tôi xuống và cũng mang nỗi buồn thất vọng trở về. Cuối buổi anh em Việt Nam đóng quân ở đấy lại gọi trưởng phum ra chống đò chở anh em tôi sang sông. Đang ở giữa sông tôi đưa ống kính máy ảnh hướng vào trưởng phum làm một kiểu, máy đã được ngụy trang, người không phải trong ngành thì không thể biết chúng tôi mang theo máy ảnh. Về đơn vị vẫn in ảnh cùng với một số bản ảnh chúng tôi chụp lại. Giao ảnh cho cấp trên, chúng tôi về, hôm sau được thủ trưởng Ba Quốc thông báo ngắn gọn: "Các đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ". Thì ra tấm ảnh tôi chụp vô thưởng vô phạt lại chính là đối tượng bao năm đơn vị đang truy tìm. Câu hỏi thắc mắc của tôi mãi đến giờ vẫn không có lời giải đáp, tại sao nó là trưởng phum mà không có ảnh và tên trong sổ hộ khẩu?...

Còn ông Ba Quốc lúc đó đang mang quân hàm đại tá, đoàn phó, phụ trách khối đơn vị chúng tôi. Ông tên thật là Đặng Trần Đức, cũng là nhân vật chính trong bộ phim ÔNG TƯỚNG TÌNH BÁO VÀ 2 BÀ VỢ. Mãi sau này ông làm cục trưởng cục 12 mới được phong quân hàm thiếu tướng.

Có một lần được giao theo dõi đối tượng trong một ngõ cụt, yêu cầu cần gấp phải có ảnh tên này. Qua 2 ngày đứng ngồi lê la lúc thì giả làm xe đạp ôm, xe máy ôm ngoài đường lớn, lúc trà trộn vào đám chơi "Cua cá bầu" ăn tiền, mà không thể nào tiếp cận được đối tượng. Nghĩ đến cái hẹn ngày phải có ảnh cho cấp trên đang đến gần, thật sự rất lo và nếu ở lâu, có ngụy trang kĩ đến đâu cũng sẽ lộ. Với vốn tiếng Cam Pu Chia không nhiều, tôi có quyết định táo bạo, để Nguyễn Khắc Hà, người Nghệ An, đứng ngoài đường cảnh giới, thấy đối tượng ngồi dưới gầm nhà sàn, mình tôi đi thẳng vào ngõ cụt như người đi lạc, hỏi đường về chợ Ô Xây. Đến nhà đối tượng với mấy từ bập bẹ, tôi khua chân múa tay, miệng sổ ra hàng tràng liên thanh, thứ ngôn ngữ, tin chắc nó cũng chẳng hiểu tôi đang nói gì, chỉ hai từ Ô Xây là tròn tiếng. Tôi cũng chẳng cần biết nó nói gì, khi nó đưa tay dẫn ra phía ngoài đường. Chờ có thế, tôi nhanh tay ấn cò máy ảnh tự động bỏ trong túi nghề đeo bên hông. Xong việc tôi quay bước, trả lại cho nó một tràng nửa tây nửa ta "xôm o cun - cảm ơn", rồi thủng thẳng bước ra đường. Việc còn lại giao đội đặc nhiệm thu dọn chiến trường, mời nó về "khách sạn" nghỉ ngơi. Phi vụ giờ nghĩ lại thấy mình quá liều lĩnh, nếu thế địch ngầm cài răng lược còn mạnh, gặp đối tượng manh động, chắc gì mình bảo toàn được tính mạng.

Trong hàng chục hàng trăm đối tượng chúng tôi tìm ra, bám theo trên đường, ở nhà hay chúng đi đến đâu, gặp ai không đáng sợ. Nhưng thật sự chúng tôi hoảng hồn nhất vẫn là tên nằm vùng, làm nghề sửa xe đạp đầu đường giáp nhà chúng tôi ở. Nó biết tiếng Việt, bộ đội các đơn vị thường ra chơi chỗ nó, anh em đùa rất vô tư, số nhiều là anh em thông tin của Trung đoàn 136. Nếu biết là Pol Pot nằm vùng chắc nhiều anh không lạnh, cũng sởn gai ốc.

Còn rất nhiều kỉ niệm do nghề nghiệp không được phép kể ra đây, nhưng không thể nói làm công tác ngoại tuyến là an toàn mà đây là cuộc chiến thần lặng trên mặt trận không tiếng súng, đòi hỏi phải gan lì, sáng tạo, xử trí tình huống linh hoạt.

Cuộc sống của anh em chúng tôi, cứ lặng lẽ êm trôi, ngày đi tác nghiệp, tối về quây quần như anh em một nhà. Tôi là con thứ 2 trong gia đình, nên anh em đơn vị quen gọi tôi là anh ba.

Sau mỗi ngày đi tác nghiệp về, tối đến anh em hay tổ chức cải thiện. Thế mà có món ăn tôi không ăn được mà nhớ cả đời. Vốn là đơn vị tôi đa số anh em miền Tây, có một đêm trời mưa anh em nấu cháo, gọi tôi dậy đang ngái ngủ mắt nhắm mắt mở ngồi xuống cùng anh em bên nồi cháo nghi ngút khói. Trương Văn Ngon, người tỉnh Vĩnh Long, múc cho tô cháo nóng đưa cho tôi, chưa kịp đưa lên ăn, thì "xoảng" bát cháo rời khỏi tay rơi xuống đất làm té tua vào mấy anh em ngồi bên, tay bịt miệng chạy ra ngoài nôn thốc nôn tháo. Thì ra thủ phạm là vị cháo cóc không hiểu sao tôi dị ứng mãnh liệt vậy. Đơn vị tôi ở bên cái đầm hoang, không biết ở đâu mà cóc nhiều đến thế, sau sự cố, anh em "cải thiện cháo cóc" không bao giờ gọi anh Ba tham gia cùng.

Ngày mới về đơn vị, chưa quen nhập cuộc theo cung cách nhậu của dân miền Tây, uống li bé lai rai, hôm nào tôi cũng xỉn. Mà xỉn anh em hay coi thường. Một hôm tôi tranh làm chủ xị, anh em đồng tình ngay vì biết tôi nhanh ngã ngựa giữa đường. Khi mọi người đồng ý, tôi mang ra cốc thủy tinh cỡ lớn tuyên bố sẽ uống bằng cốc này, tôi ung dung cầm ca rượu pha nước thốt nốt chua rót vào cốc, đưa lên làm một hơi hết cạn. Cứ thế tôi đã đấu hạ gục từng đồng đội, sau buổi nhậu đó anh em từ cái nhìn coi thường chuyển sang thán phục.

Hơn 4 năm hoạt động trên chiến trường Cam Pu Chia. Tháng 10 năm 1988 đơn vị tôi được lệnh rút về nước.

Đầu năm 1989 tôi xin ra Bắc trở lại lực lượng Biên phòng, công tác ở Biên phòng Thanh Hóa cho đến ngày về hưu.

Nhắc lại những ngày ở chiến trường Cam Pu Chia, lòng tôi cảm thấy bồi hồi, pha chút tự hào, vì một thời tuổi trẻ của tôi đã cùng đồng đội lăn lộn trên các nẻo đường của đất nước Angko. Giờ đây vẫn ao ước được trở lại thăm chiến trường xưa, đươc tận mắt chứng kiến cảnh đất nước Cam Pu Chia đổi mới, được nhìn lại những nụ cười của người dân Cam Pu Chia lưu luyến tiễn đưa chúng tôi về nước. Mừng cho dân tộc Cam Pu Chia hồi sinh và phát triển vì xương máu đồng đội tôi, công sức của chúng tôi để lại nơi chiến trường xưa thật không uổng phí. Những kỉ niệm một thời vang bóng ở chiến trường Cam Pu Chia, vẫn đọng lại trong tôi không thể mờ phai.

 

                                                                                  Nguyễn Bằng

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền