Nhà Văn Hai Hùng Sài Gòn
TẠI TÍA HẾT THẢY
( Hai Hùng SG)
Còn không bao nhiêu ngày nữa Tết Nguyên Đán lại về trên quê hương yêu dấu, cứ tưởng như mọi năm công việc sẽ tất bật, nhà máy thế nào cũng yêu cầu mọi người làm thêm giờ và họ trả tiền phụ trội như lệ thường.
***
Vậy mà sáng nay khi tới cổng nhà máy, hai vợ chồng thằng Liêm choáng váng vi thấy anh chị em công nhân tụ tập rất đông, nhìn quanh quất tìm những đứa bạn làm chung ca với mình có tụ tập ở đây hay không, kia rồi đám con Liên con Hồng với mấy đứa khác đang chụm đầu bàn tán việc gì đó, Liêm và con Nhung vợ nó mừng quá liền đi tới nơi rồi Liêm lên tiếng hỏi:
- Bà Hồng nè, vụ gì sao không vô nhà máy làm mà mọi người tụ tập đông dữ vậy, bộ tính đình công hả?, thôi nha gần Tết rồi lo làm kiếm mớ vốn đem về quê ăn Tết, đừng bày đặt yêu sách này nọ bây giờ phiền phức lắm đó.
Nghe thằng Liêm nói cái giọng tài khôn, cả đám bạn nó định phản ứng, nhưng con Hồng đã lẹ miệng hơn, nó nói:
-Cái ông Liêm mắc dịch này, ai không biết Tết nhứt sắp tới rồi đình công cái giống gì mà đình công, ông chủ mới thông báo cuối tuần này cho mọi người nghỉ hết ráo, vì mấy cái đơn hàng mần xuất cảng cho nước ngoài họ hủy bỏ hết rồi, chuyến này khổ cả đám luôn cho coi.
Con Liên tiếp lời:
- Nghe nói vậy mọi người nản quá mới không chịu vô làm, có người vô gặp chủ xin qua Tết hãy cho chị em nghỉ làm, vì còn phải mua sắm cuối năm Tết nhứt tới nơi rồi, rốt cuộc chủ cũng than trời trách đất, ổng nói tiền đâu để giữ công nhân lại tuy trong bụng ổng cũng muốn lắm, nhưng lực bấc tòng tâm nên đành thôi.
Lời qua tiếng lại một lúc xem chừng không đi đến đâu, nên mọi người lần lượt trở vô nhà máy lên ca làm việc, chờ cuối tuần lảnh tiền xong rồi cùng nhau "Về quê cắm câu".
***
Chiều cuối tuần, sau khi lảnh lương đợt chót, công nhân lần lượt ra về, chú Hai chủ nhà máy rưng rưng nước mắt tiễn mọi người ra cổng, chú luôn miệng chúc cho họ nhiều sức khỏe và gia đạo bình an, hy vọng qua năm sau tình hình sáng sủa hơn chú sẽ nhận mọi người quay trở lại làm việc tiếp.
Đã hẹn nhau mấy hôm trước nên vợ chồng Liêm dựng xe phía bãi cỏ bên ngoài cổng rào nhà máy chờ đám bạn ra, họ sẽ hùn tiền lại làm buổi tiệc họp mặt nho nhỏ rồi chia tay nhau, lát sau cả nhóm đã tụ họp đông đủ, với đồng lương ít ỏi mọi người trích ra mỗi người một ít gom lại mua cánh gà nướng , cá viên chiên của những người bán dạo chờ sẳn ngòai cổng, một vài chai nước trà xanh không độ, vài chai nước ngọt rẻ tiền được bày ra trên tấm nylon, trước khi nhập tiệc thằng Liêm trịnh trọng nói:
- Tụi bây ơi! Bữa nay bữa chót tụi mình quay quần bên nhau, thôi thì trong lúc "Mần việc" trước đây tao có làm gì phật ý tụi bây thì "Chín bỏ làm mười nha", hy vọng ngày mai trời lại sáng rồi tụi mình sẽ quay lại làm cho chú Hai tiếp. .
Với tâm trạng bi quan, thằng Hải " Nhảy vô họng" thằng Liêm tức thời:
- Sáng sủa cái con khỉ khô họ, tao thấy tình hình này không dễ thở đâu, bây coi khi khổng khi không thế giới đang yên lành tự nhiên ông nội xứ "Bạch Dương" quánh ông " U cờ rai na" mần chi, họ làm cho kinh tế thế giới mang họa hết ráo, kiểu này kéo dài chắc cả nhà tao ra chợ Hồng ngự bán vé số hết trơn chứ sống sao nổi.
Nghe mấy đứa bàn chuyện thời sự mà không màng đến buổi tiệc chia tay, con Nhung lên tiếng:
-Ối thây kệ mấy bây ơi, bỏ vụ đó đi bàn tán tới bàn lui cũng đâu được gì, mình là dân đen cũng đâu giải quyết được gì đâu mà bàn tán cho mắc công, giờ lo ăn uống rồi dìa, mơi mốt dìa quê có gì ăn nấy, tuy nghèo nhưng được cái là bình yên, " Trời sanh voi sanh cỏ", lo gì đói đâu mà sợ.
Nghe Nhung nói vậy, thằng Hải lên gân cổ cãi lại:
- Bà Nhung nói hay quá há, trời sanh voi sanh cỏ là hồi nẳm kìa, lúc đó dân tình còn thưa thớt, ruộng đồng cây trái xanh tươi được mùa, dưới sông dưới suối cá mắm lềnh khênh nên dễ sống, bây giờ đất chật người đông, đồng ruộng đất cát không còn màu mỡ , con tôm con cá ngoài thiên nhiên ít đi, rồi hàng hóa làm ra được mùa thì mất giá khó sống lắm bà ơi.
Cả đám nghe Hải nói thì tâm trạng ai nấy tỏ vẻ không vui, họ liên tưởng cho những ngày sắp tới ở quê nhà sẽ không suôn sẻ như ngày xưa, không khí buổi họp mặt chùng xuống, tuy vậy cả đám cũng ráng ăn uống qua loa rồi mạnh ai về nhà nấy.
Vừa nổ máy chiếc xe gắn máy của mình, thằng Liêm với con Nhung thấy con Hồng với thằng Phát bạn trai của nó còn đang quyến luyến bên nhau, Liêm bèn hỏi:
- Hai đứa bây còn chờ cái giống gì mà chưa chịu về.
Con Hồng lên tiếng :
- Ông Phát ổng nói bên công ty ổng làm cũng đang sa thải công nhân nữa đó, chuyến này thất nghiệp cả đám luôn.
Nhung nghe vậy chen vô:
-Cha chả, vậy coi mòi tụi bây có mần đám cưới kịp ăn Tết luôn hông (dậy), Ờ mà lo gì, Thằng Phát có tiền gửi tiết kiệm ngân hàng mà.
Nghe vậy, Phát sụ mặt xuống lắc đầu ngao ngán rồi nói:
- Đó tui tính nếu kẹt vụ công ty thì còn tiền đó mần bậy mấy mâm, mời bà con hai họ và vài gia đình lối xóm ra mắt cũng xong.
Thằng Phát chưa nói hết ý mình thì Liêm đã chen vô:
- Vậy cũng mừng rồi, bây giờ đâu cần đám cưới rình rang cho tốn kém, miễn sao hai đứa ăn ở hạnh phúc là quý lắm rồi.
Nghe Liêm kết luận đơn giãn cho trường hợp cặp đôi của mình, con Hồng bèn nói:
- Chèn ơi, ông Liêm chưa biết gì hả, ông Phát mới kể tui nghe nè, tiền tiết kiệm vô gửi nhân viên ngân hàng chỉ vẽ cho ổng mua Trái phiếu trái khuyết gì đó, nay rút tiền đâu ra, tưởng trái phiếu do ngân hàng phát hành, mẹ tổ nó dè đâu của công ty gì đó, nhân viên ngân hàng cò mồi cho khách mua để hưởng huê hồng, nay đỗ bể ra ngân hàng phủi tay cái rột, vậy đó tiền đâu nữa mà cưới với xin ông ơi.
Như muốn chia sẻ nỗi niềm với hai đứa bạn, Liêm bèn hỏi:
- Bây giờ tụi bây tính sao, hông lẽ vì vụ đó mà bây hông mần đám cưới.
Phát tự sự :
- Thì hai đứa đang bàn tính nè, ngày mơi về dưới gặp cha mẹ cô dì chú bác
trong thân tộc coi có kế sách gì giúp hai tụi tui yên bề gia thất không, nếu hoãn lại lỡ có ông Việt kiều nào dìa chơi thấy Hồng có duyên đẹp người đẹp nết ổng "hốt" đi về bển chắc tui xuống tóc đi tu luôn quá.
Nghe người yêu mình nói vậy, biết thằng Phát nói cà rỡn cho vui, nhưng con Hồng sẳn trớn nó ghẹo luôn, nó nói:
- Đúng rồi đó, chuyến này anh mà hoãn cưới thì em ưng ông Việt kiều liền một khi, lúc đó đừng có kêu trời nghe ông.
Thằng Phát cười như mếu, nó đưa tay cốc nhẹ lên đầu con Hồng rồi phân bua:
- Nói thì nói vậy thôi, chứ tía má lo sẳn hết rồi "cô Hai", Việt kiều không có cửa đâu đừng có mơ.
Tới đây thì cả bốn đứa phá lên cười vì thằng Phát quyết lòng " Hốt hụi chót", không cho con Hồng có cơ hội lái thuyền theo hướng khác...
***
Cũng gần cả năm con Hồng với Phát về lại quê nhà, thời gian tuy không lâu lắm nhưng bao nhiêu thay đổi của khung cảnh quê nhà khiến cho hai đứa lạ lẫm vô cùng, con đường bê tông từ ngoài lộ chính chạy dài vô xóm nhỏ nơi có gia đình của hai đứa trú ngụ không còn bị sình lầy làm khó nữa, đã vậy hai bên con đường này được bà con trồng những chậu bông Vạn thọ, Mồng gà, Cúc Mâm xôi nở vàng rực, ánh nắng vàng hoe chiếu rọi xiên qua mấy bụi tre bên đường tạo thành những vệt sáng dài tuyệt đẹp khiến cho hai đứa cũng tạm quên đi mối ưu phiền khi về quê lần này.
Qua cây cầu đúc nhỏ bắt qua con rạch trước nhà, đến giữa cây cầu Phát cho xe dừng lại, hai đứa xuống xe lấy tay vịn thành cầu mà trong lòng vui mừng khôn xiết, năm trước khi về đến nhà đến con rạch này hai đứa phải đi qua cây cầu khỉ chong chênh, còn xe gắn máy thì gửi cho người quen bên đây con rạch, làn gió mát lạnh thổi từ dưới con rạch thổi lên, Phát hít một hơi thật dài vô buồng phổi như để tận hưởng cái không khí trong lành mà thật lâu rồi nó mới có được, bất chợt nó Phát hứng chí đưa tay ôm Hồng vào lòng rồi hôn nhẹ lên mái tóc dài của người yêu đang bềnh bồng trong gió, thấy Phát ôm mình bất tử giữa thanh thiên bạch nhật, sợ bà con xóm làng ngó thấy chọc ghẹo mình thì chịu đời sao thấu, Hồng gỡ tay Phát ra rồi thỏ thẻ:
-Chèn ơi! Anh làm càng giữa đường má biết la chết đó, ai đời giữa đường mà ôm ôm.
Phát làm tới:
-Ờ thì vợ anh anh ôm, có ôm ai khác đâu mà sợ...
Hai đứa cười khúc khích sau câu nói của phát rồi lên xe cùng nhau về nhà.
***
Thấy hai đứa nhỏ từ thành phố quay về, thấy Tết cũng gần kề, ông Tám tía của con Hồng vui lắm, ông tự tay mở của cổng rào cho hai đứa, miệng thì không quên réo bà Tám:
-Bà nó ơi. Con Hồng dìa rồi nè, có thằng rể tương lai bà nữa nè, bà bắt con gà giò rửa cẳng nó rồi nhốt vô chuồng giùm tui cái đi.
Bà Tám nghe con về mừng lắm, nghe ông Tám nói kiểu trớt quớt bà cự liền:
-Cái ông này nói chuyện giả ngộ ghê, tưởng kêu mần gà nấu cháo cho mấy đứa nó ăn, chứ mắc mớ gì rửa cẳng nhốt vô chuồng.
Ông Tám cười ha hả:
-Tui nói gì thây kệ tui, bà cứ làm theo ý bà đi...
***
Cả nhà quay quần bên mâm cơm, sau khi uống vài ly mắt trâu "Nước mắt quê hương", trong lòng lâng lâng ông Tám mới hỏi:
- Năm ngoái tới tận giao thừa bây mới dìa, sao năm nay dìa sớm vậy con.
Đưa đũa gắp miếng nạc gà cho bà Tám, Hồng nói:
-Tía ơi ! Con nói ra tía má đừng buồn nha, tình trạng chung hết đó.
Nghe Hồng nói bà Tám chưa hiểu chuyện gì, nhưng bà cảm nhận chuyện con sắp nói ra lành ít dữ nhiều, bà buông chén xuống rồi hỏi:
-Có chuyện gì vậy con, bây cứ nói có gì khó khăn thì còn tía má nè.
Hồng kể hết sự tình của nhà máy mình làm cho bà Tám nghe, Hồng cũng không quên nhắc lại hình ảnh chú Hai chủ nhà máy khóc khi tiễn công nhân ra về, nói tới đây Hồng chợt thấy ông bà Tám mắt bắt đầu ngấn lệ.
Không khí buổi cơm chùng xuống, hồi lâu ông Tám lên tiếng:
-Vụ này cũng khá buồn, vì Tết nhất tới nơi mà bà con thất nghiệp thì tội quá chừng, cái kiểu này năm nay nhiều nhà điêu đứng chứ chẳng chơi, thôi con đừng buồn, thất nghiệp dìa đây tía má nuôi, coi vậy chứ tía má thủ cẳng mớ vốn kha khá lâu rồi, ông bà mình có câu : "Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn", tía thuộc làu rồi.
Thấy Phát ngồi im ru nãy giờ, gương mặt nó giống như người bị giật hụi ( Mà bị giật kiểu khác), ông Tám bèn hỏi:
- Còn bây sao rồi Phát, con Hồng nghỉ làm ở nhà, bây ở trễn một mình nhớ giữ thân đó nghe.
Phát đưa tay gãi đầu rồi nói:
- Thưa với bác Tám , công ty con cũng "xập tiệm" luôn rồi, chuyến này con dìa đây ở luôn.
Nghe tới đây ông Tám tỏ thái độ :
- Bây nói giống gì lạ vậy, bây dìa đây mần ăn việc gì, rồi tiền đâu bây cưới con Hồng, thôi để tao gả nó chi Việt Kiều, mơi mốt tụi nó cho tao đô la tao xài cho phỉ chí.
Phát xanh mặt, nó khúm núm năn nỉ ông già vợ tương lai:
- Bác Tám đừng lo, con không làm công nhân thì con làm vườn , làm ruộng, hoặc buôn bán gì đó chứ con đâu có ở không đâu bác Tám.
Ông Tám cương quyểt:
- Thôi bây ăn đi, rồi thanh thủ dìa với anh chị bên nhà đi, còn chuyện bây với con Hồng hồi sau phân giải.
Nói vừa xong ông Tám ực ly mắt trâu rượu đế còn lại rồi dợm đứng lên vô buồng nằm nghỉ, bà Tám thấy ông đoạn tuyệt cái rụp bà bất nhẫn trong lòng nên lên tiếng:
- Ông Tám ơi, có gì từ từ ông làm quá tội nghiệp hai đứa nó.
Ông Tám trừng mât một cái khiến bà Tám xếp re không còn dám ho he tiếng nào, đợi cho ông đi rồi bà bèn an ủi hai đứa:
- Tía bây có rượu vô ổng bốc đồng dữ lắm, để ngày mơi ổng bình thường lại tao khuyên ổng cho.
Thật tội nghiệp, hai đứa nghe tía phán câu xanh rờn lúc buổi cơm nên lòng buồn vô hạn, tiễn Phát ra đến cây cầu bê tông, hai đứa ôm nhau khóc nức nở rồi chia tay nhau...
***
Giao thừa sắp đến, con Hồng ngồi ở hàng ba trước nhà ngóng nhìn ra ngoài ngỏ, nó chợt nhớ năm ngoái nó với thằng Phát hân hoan đón giao thừa, vậy mà năm nay tại tía hết thảy, vắng bóng Phát nó không còn thiết gì đến Tết nhất nữa, đang ngồi suy nghĩ vẩn vơ thì ông Tám ra ngồi kế Hồng hồi nào nó chẳng hay, chừng nghe ông Tám hỏi Hồng mới giật mình:
- Ủa sao ngồi mình ên vậy cô Hai, người yêu đâu rồi, bộ tính năm nay ăn Tết một mình hả ?
Nghe tía nói sốc óc,mình, Hồng giận lắm, nó lên tiếng trách ông Tám:
-Tía đuổi anh dìa rồi tía còn nói gì nữa.
Ông Tám cười hiền rồi nói:
- Cô Hai ơi, tui thử thách hai đứa bây á, còn không biết gọi điện thoại nó tới đón giao thừa với nhà mình nữa hả.
***
Tiếng chuông chùa gần nhà điểm lên làm vang vọng cả xóm, giờ giao thừa đã đến gia đình ông Tám quay quần đầm ấm bên nhau, họ bất chấp những khó khắn đang tràn lan khắp nơi, ông bà Tám và hai đứa tin tưởng ngày mai trời lại sáng.
SG . 8.12.2022. (21:04)
Kommentar schreiben